Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Tiểu Sử Cố Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM

VRNs (27.10.2011) – Internet – Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 03 tháng 01 năm 1901 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con của Cụ Nhiếp Chánh Đại Thần Ngô Đình Khả và cụ bà Phạm Thị Thân. Tổng Thống là người con thứ Ba trong gia đình có 6 trai và 3 gái.



Sáu trai là: NGÔ ĐÌNH KHÔI, NGÔ ĐÌNH THỤC, NGÔ ĐÌNH DIỆM, NGÔ ĐÌNH NHU, NGÔ ĐÌNH CẨN, NGÔ ĐÌNH LUYỆN

Ba gái là: NGÔ ĐÌNH THỊ GIAO, NGÔ ĐÌNH THỊ HIỆP, NGÔ ĐÌNH THỊ HOÀNG

Cụ cố Ngô Đình Khả nổi danh là một vị khoa bảng xuất chúng. Thời đó, tại Việt Nam rất hiếm có người được hấp thụ cả hai nền giáo dục Đông và Tây, như cụ cố Ngô Đình Khả. Lúc thiếu thời, Cụ theo Nho học, sau đó vào chủng viện học chương trình Pháp, rồi được gửi sang Đại chủng viện Penang để học Triết học và Thần học bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Cụ là một chủng sinh rất xuất sắc, nhưng vì không có ơn gọi để trở thành linh mục, Cụ đã xin trở về cuộc sống thế tục.

Cụ Cố Ngô Đình Khả còn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, đức độ, một nhà ái quốc chân chính, là bạn thân của các nhà cách mạng nổi danh thời đó như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Thành tích đáng kể nhất của cụ cố Ngô Đình Khả là nổ lực thành lập Trường Quốc Học tại Huế, một trường công lập đầu tiên giảng dạy theo chương trình học thuật Đông Tây tại Việt Nam. Và chính Cụ là vị đại thần duy nhất đã can đảm công khai chống lại thực dân Pháp đã phế bỏ và đầy vua Thành Thái sang Phi Châu sống lưu vong. Sau đó Cụ đã xin rũ áo từ quan về quê làm ruộng.

Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm rất trọng lễ giáo. Hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, mọi người trong gia đình tụ họp đông đủ ở Phủ Cam – Huế. Việc chúc thọ và chăm sóc cụ bà Ngô Đình Khả, được giao cho người con trai áp út Ngô Đình Cẩn, săn sóc chu đáo ngày đêm.

Ông bà Ngô Đình Khả có chín người con: 6 trai, 3 gái. Trưởng nam là Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi, chết năm 1945 vì bị Việt Minh bắt giữ và xử tử. Cùng bị bắt giữ trong đợt này còn có ông Phạm Quỳnh, và con trai ông Ngô Đình Khôi là Ngô Đình Huân, cựu Thanh tra Lao động trong chính phủ bảo hộ của Pháp. Sau khi bị xử tử, xác của ông Ngô Đình Khôi và ông Phạm Quỳnh được chôn chung trong một hố.

Sau ngày ông Ngô Đình Khôi qua đời, Tổng giám mục Ngô Đình Thục, trở nên người anh cả “quyền huynh thế phụ”. Đức cha được kính nể và có nhiều ảnh hưởng đối với TT Ngô Đình Diệm. Ông Quách Tòng Đức cho biết, lúc còn ở Vĩnh Long, Giám mục Ngô Đình Thục cứ vài tuần thì về Sài gòn cư ngụ trong Dinh. Còn ông Ngô Đình Luyện là con út trong gia đình, nhận làm đại sứ ở Luân Đôn, năm khi mười hoạ mới về nước nghỉ phép, hay để dự các phiên họp của Hội Đồng Tối Cao Tiền Tệ, mà ông là một thành viên.

Ba người con gái là bà Ngô Đình Thị Giao tức bà Thừa Tùng, bà Ngô Đình Thị Hiệp tức bà Cả Ấm, thân mẫu của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, và bà Ngô Đình Thị Hoàng tức bà Cả Lễ, nhạc mẫu của Nghị sĩ Trần Trung Dung.

Cứ theo phần lớn tài liệu viết về TT Ngô Đình Diệm, sau ngày lên nắm chính quyền ở Nam Việt Nam, thì ông sinh vào ngày mồng 3 tháng 1 năm 1901 tại Phước Quả, Thừa Thiên (sát Thành Phố Huế).

Nhưng theo kết quả sưu khảo của Nguyên Vũ tại các thư viện của Pháp, thì có một tài liệu của Nha Giám Đốc Các Sở An Ninh Pháp Tại Đông-Dương (Direction des Services Français de Sécurité en Indochine) tóm-tắt tiểu-sử của ông Ngô Đình Diệm, thực-hiện vào tháng 7 năm 1954, ghi rõ là ông Ngô Đình Diệm sinh ngày 27 tháng 7 năm 1897 tại Đại Phương, Quảng Bình.

Lúc thiếu thời, ông Diệm đuợc theo học dưới sự dạy dỗ rèn cặp của một vị cha tinh thần, cũng nổi tiếng về kiến thức quảng bác, đức độ và lòng yêu nước. Đó là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, quan Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân. Ngài là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp tham lam muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Vì thế dân chúng miền Trung thời đó vô cùng cảm kích, ngưỡng mộ nên đã có câu truyền khẩu: “Đày vua không Khả. Đào mả không Bài”.

Ngoài sự hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, ông Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo và Công Giáo. Thực vậy, nếu Nho Giáo đã hun đúc ông Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực, thì nền giáo dục Công Giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Về đường học vấn, lúc nhỏ ông theo học tại trường Pellerin Huế.

Năm 1913, lúc 12 tuổi, ông thi vào trường Quốc Học Huế, dạy theo chương trình tổng hợp bằng Việt Ngữ và Pháp Ngữ.

Đến năm 1917, lúc 16 tuổi, ông đỗ hạng thứ nhì trong kỳ thi tốt nghiệp Trung Học. Vì số tuổi quá trẻ mà lại đạt thành tích xuất sắc, nên chính quyền thực dân Pháp đề nghị cấp học bổng cho sang Pháp du học, nhưng ông đã từ chối.

Năm 1918. Lúc mới 17 tuổi, ông đã được mời làm giáo sư Trường Quốc Tử Giám, một trường dành riêng cho con cháu các quan trong triều đình.

Đến năm 1919 (18 tuổi), ông đủ tuổi để vào học trường Hậu Bổ, một trường tương tự như Học Viện Quốc Gia Hành Chánh sau này. Trong suốt ba năm học, ông luôn luôn là một sinh viên xuất sắc trong các ngành hành chánh, chính trị, luật pháp. Do đó ông đã tốt nghiệp thủ khoa.

Năm 1923, lúc 22 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tri Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri Phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.

Năm 1930 với thành tích tận tụy phục vụ đồng bào, ông được đề cử làm Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận, Phan Thiết, khi vừa tròn 29 tuổi.

Năm 1932, Hoàng Tử Vĩnh Thụy sau thời gian du học tại Pháp trở về nước, lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu Bảo Đại. Để thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng. Nhà vua đã mời ông Ngô Đình Diệm, lúc đó mới 31 tuổi, đang làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, đảm nhận chức vụ Thượng Thư Bộ Lại, một chức vụ đứng đầu Nội Các, tương đương Thủ Tướng ngày nay, và kiêm nhiệm chức Tổng Thư Ký Hội Đồng Hỗn Hợp PHÁP-VIỆT vào ngày 2 tháng 5 năm 1933. Lúc đó ông Diệm vừa tròn 33 tuổi.

Với chức vụ quan trọng này, ông Diệm đề nghị thi hành các kế hoạch canh tân xứ sở, như bãi bỏ hai chức Thống Sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ, đồng thời sát nhập hai kỳ Trung Bắc lại và bổ nhiệm một Thống Sứ cho cả hai miền, như cho phép Viện Dân Biểu được lo những vấn đề quốc sự giống như Quốc Hội. Nhưng, đề nghị của ông Diệm không được Toàn Quyền Pasquier chấp thuận.

Ngày 12 tháng 7 năm 1933, ông Diệm đệ đơn lên Hoàng Đế Bảo Đại xin từ chức. Việc từ quan của chí sĩ Ngô Đình Diệm đã làm chấn động Triều Đình Huế và Chính Phủ Pháp thời đó.

Sau khi dứt khoát từ bỏ quan trường, ông Diệm lui về nhà làm dân thường. Sau này khi được Hoàng Đế Bảo Đại chấp thuận, ông Diệm về dạy học tại trường Providence Huế.

Trong khi lui về dạy học, ông Diệm âm thầm nghiên cứu các sách vở và thường xuyên liên lạc với các nhà ái quốc như Cụ Kỳ Ngoại Hầu Cương Để, Cụ Phan Bội Châu và những nhà ái quốc cách mạng chống Pháp, hiện đang hoạt động tại Nhật Bản và trong nước, để mưu cầu dành Độc Lập Tự Do cho đất nước.

Đến năm 1939-1945, Toàn Quyền Đông Dương là Thủy Sư Đô Đốc Jean Decoux ra lệnh cho Khâm sứ Trung Kỳ là Émille Grandjean, bắt ông Diệm đưa đi an trí tại Xieng Khoang, Lào. Nhưng nhờ có ông Nguyễn Bá Mưu làm Thông Phán tại Tòa Khâm Sứ biết được, đã vội vàng mật báo cho ông Diệm biết. Ông Diệm muốn trốn đi Phan Thiết, nhưng luôn bị Pháp truy lùng ráo riết, may nhờ có ông Trần Văn Dĩnh đang làm Hiến Binh cho Nhật, đã đưa được ông Diệm vào Sài gòn lánh nạn. (Sau này khi ông Diệm chấp chánh, đã cử ông Dĩnh làm Tổng Lãnh Sự tại Miến Điện, Tuỳ Viên Toà Đại Sứ rồi Xử Lý Thường Vụ Tòa Đại Sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn).

Lánh nạn ở Sài gòn một thời gian, ông Diệm trở lại Huế để thăm mẹ già, và ông đã bị Việt Minh chặn bắt tại Tuy Hòa. Chúng giải ông ra Hà Nội. Ông bị Hồ Chí Minh đưa đi an trí tại Thái Nguyên. Nhưng sau đó nhờ giới Công Giáo do Linh mục Lê Hữu Từ lên tiếng phản đối quyết liệt, buộc lòng Hồ Chí Minh phải trả tự do cho ông lại còn mời ông giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ. Nhưng ông Diệm cương quyết khước từ.

Tháng 8 năm 1950 ông Diệm cùng người anh là Giám Mục Ngô Đình Thục rời Saigon đi La Mã dự lễ Năm Thánh. Trên đường đi ông Diệm ghé qua Đông Kinh, thủ đô Nhật Bản. Tại đây ông có tiếp xúc với một số người Mỹ, trong đó có Giáo sư Wesley Fishel. Ông Fishel khuyên ông Diệm nên sang thăm Hoa Kỳ. Cũng trong dịp này ông Diệm đã ghé thăm các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp và sau đó ông sang Hoa Kỳ theo gợi ý của giáo sư Wesley Fishel.

Tới Hoa Kỳ, ông Diệm tạm trú trong nhà Dòng Mary Knoll, ở Lakewood thuộc tiểu bang New Jersey và ở Ossining tiểu Bang New York. Thời gian ở Hoa Kỳ, ông Diệm chú tâm trau giồi Anh Ngữ và được mời đến các trường Đại Học ở miền Đông và miền Trung Tây Hoa Kỳ để diễn thuyết về các vấn đề Việt Nam, Á Châu và hiểm họa Cộng Sản.

Tại Hoa Kỳ, ông Diệm được gặp Đức Hồng Y Francis Spellman, Tổng Giám Mục New York, vì Đức Hồng Y Francis Spellman là bạn thân của Giám mục Ngô Đình Thục từ lúc hai người cùng học tại La Mã. Ông còn giao tiếp với một số nhân vật trong chính giới Mỹ như các ông Mike Mansfield, Clement J. Zablock, J. McCormack, Dân biểu Walter Judd, William Douglas…

Vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas, đã đưa ông Diệm đi ăn trưa với TNS Kennedy. Trong khi Đức Hồng Y Spellman cũng quen biết với đại sứ Joseph Kennedy (đại sứ Mỹ tại Anh Quốc).

Theo ông Robert Amory (phó giám đốc CIA) cho biết, ông đã từng nghe đến tên tuổi ông Diệm, qua thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas trong một buổi tiệc.

Trong buổi họp tiếp theo, ông Robert Amory đem chuyện ông Diệm ra nói với giám đốc Allen Dulles và phó giám đốc Frank Wisner. Lúc này CIA có vẻ chọn lựa bác sĩ Phan Quang Đán làm người thay thế vua Bảo Đại. (Theo William Gibbons, “The US Government and Vietnam War”, trang 261).

Sau đó, ông Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ, khi ông về Việt Nam làm Thủ Tướng trong chính phủ Bảo Đại, sau Hiệp định Genève, rồi làm Tổng thống Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam.

Người có ảnh hưởng rất lớn trong việc đưa ông Diệm về chấp chính là Hồng Y Francis Spellman. Tác gỉa John Cooney (1985) đã viết: “Tuy rằng không có mấy người biết điều này, nhưng chính Hồng Y Spellman đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị, của một người đã ở trong một Trường Dòng ở New York trước đây, vừa trở thành Thủ tướng của miền Nam Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm. Ở Diệm, Spellman nhìn thấy những đặc điểm mà ông ta muốn có trong một người lãnh đạo: Công giáo nồng nhiệt và chống Cộng đến cùng”.

Các ông William, Douglas và Kennedy rất tán thưởng đường lối và quan điểm của ông Diệm và đồng ý là Việt Nam, phải Độc Lập với nước Pháp, và cần phải cải cách xã hội. Đến tháng 6 năm 1954, tình hình quốc nội rối ren, Hoàng Đế Bảo Đại chính thức mời ông Diệm về nước, giữ chức vụ Thủ Tướng toàn quyền về Dân Sự và Quân Sự. Ông Diệm về nước ngày 24 tháng 6 năm 1954, và chấp chánh quyền hành.

Ngô Đình Châu