Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Tòa án Việt Nam gây ra bao bất công vì không xét xử độc lập và không tuân thủ pháp luật

VRNs (02.10.2011) – Chánh án Tòa án Tối cao (TATC) Trịnh Hồng Dương với câu nói lịch sử: “Luật ở Việt Nam xử sao cũng được”. Chánh án TATC Nguyễn Văn Hiện với câu nói bất hủ: “Ngành tòa án thiếu cán bộ trầm trọng phải vơ vét cả lái xe, nhân viên vệ sinh, cán bộ phòng tiếp dân của tòa án đi học nghiệp vụ về để làm thẩm phán”. Và ngày 13/09/2011 vừa qua, Chánh án Tòa án Tối cao đương nhiệm là ông Trương Hòa Bình cũng để lại một câu bât hủ cho thấy thực trạng của ngành tòa án tại Việt Nam hiện nay: “Nhìn lại lịch sử vẻ vang của ngành TAND 66 năm qua, trong mọi thời kỳ của Cách mạng Việt Nam, ngành TAND đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.”

Một sự thật đau lòng: luật pháp không bằng lệnh đảng.

VRNs đăng toàn văn bài viết của Trịnh Viên Phương đăng trên Dân làm báo.



Ông Trương Hòa Bình, Thẩm phán Tòa án tối cao

Tòa án nhân dân: hoàn thành nhiệm vụ của đảng và các nhiệm vụ chính trị
Hôm nay ngày 13.9.2011 đúng 66 năm thành lập Tòa án của chính quyền. Chánh án Tòa án tối cao (TATC) hiện nay là ông Trương Hòa Bình đã có viết một bức thư gởi cho các cán bộ của ngành tòa án. Bức thư này thể hiện quan điểm của ông chánh án của TATC cũng chính là bản chất thật của ngành tòa án trong chế độ hiện nay: Tòa án chỉ làm nhiệm vụ chính trị và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ do đảng đề ra.

Ông Chánh án TATC Trịnh Hồng Dương để lại câu nói lịch sử. “Luật ở Việt Nam xử sao cũng được” và ông chánh án TATC kế tiếp là ông Nguyễn Văn Hiện cũng đi vào lịch sử với câu nói bất hủ: “Ngành tòa án thiếu cán bộ trầm trọng phải vơ vét cả lái xe, nhân viên vệ sinh, cán bộ phòng tiếp dân của tòa án đi học nghiệp vụ về để làm thẩm phán”.

Và bây giờ sau một nhiệm kỳ trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình, ông chánh án Trương Hòa Bình, một tiến sĩ Luật xuất thân từ ngành công an phát biểu một câu thật ấn tượng: “Nhìn lại lịch sử vẻ vang của ngành TAND 66 năm qua, trong mọi thời kỳ của Cách mạng Việt Nam, ngành TAND đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.”

Người ta chờ đợi người kế nhiệm tiếp theo sau các ông Trịnh Hồng Dương, Nguyễn Văn Hiện là ông Trương Hòa Bình hiện nay nói một câu lưu truyền cho hậu thế đã lâu. Sau 1 nhiệm kỳ im hơi lặng tiếng chưa thấy ông Chánh án TATC nói câu gì thì bây giờ trong nhiệm kỳ tiếp theo này ông Trương Hòa Bình đã lên tiếng như vậy.

Một tiến sĩ luật thì phải hiểu hơn ai hết nhiệm vụ của Tòa án là XÉT XỬ ĐỘC LẬP VÀ CHỈ TUÂN THEO PHÁP LUẬT chứ không bị lệ thuộc vào ông A, bà B hay là lệnh miệng, chỉ thị của đảng này, nhiệm vụ của đảng kia.

Sau 66 năm ròng rã, bao oan khiên ngút trời của những phiên tòa thời cải cách ruộng đất. Công lý bị bóp méo từ thời vụ án Nhân Văn Giai Phẩm và những phiên tòa trở nên thành những bi kịch báng bổ công lý như vụ án Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ mới đây. Người ta ai cũng biết ai là đạo diễn, ai là người chi phối các phiên tòa đó theo đúng tuyên bố của Trương Hòa Bình “Ngành TAND đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ Đảng,..”.

Dư luận thế giới loài người văn minh bàng hoàng về những bản án kỳ cục. Và bây giờ nhân dịp 66 năm thành lập ngành Tòa án gọi là của “nhân dân” thì chính miệng ông chánh án TATC khẳng định sự thật đen tối và đau lòng cho những ai còn ngây ngô còn một chút niềm tin vào công lý và nền pháp luật Việt Nam: đảng đứng đằng sau điều khiển và chỉ đạo bắt buộc Tòa án phải làm theo lệnh của đảng. Một sự thật đau lòng: luật pháp không bằng lệnh đảng.

Trong một rừng luật âm âm u u xử sao cũng được và những con người không chút kiến thức về luật pháp, không có một trình độ nhận thức tối thiểu chỉ biết làm theo mệnh lệnh và chỉ đạo của đảng thì thật là nguy hiểm. Được công nhận thẩm phán nhưng đọc hồ sơ, các điều luật khó khăn cho họ hơn là việc lái xe hay quét dọn nhà vệ sinh là những việc họ quen làm hơn. Hàng ngàn bản án bị sửa, hàng trăm ngàn bản án oan khiên người ta kêu cứu còn chồng chất ở TATC mỗi năm một nhiều hơn. Chính đảng cầm quyền nhận thấy rằng có oan sai nên mới ra nghị quyết 388 về bồi thường oan sai. 3 chàng trai ở Hải Dương đi tù oan hơn 10 năm có bồi thường 1 ngày tù 20 ngàn đồng đã thua thiệt rồi. Cho dù có bồi thường 1 ngày tù là 1 triệu đồng thì những thiệt hại về tinh thần, danh dự, uy tín và cả tuổi thanh xuân của họ thì trả bằng giá nào cho tương xứng?

Rất ít các vụ bồi thường oan sai, được xin lỗi ở địa phương và trên các phương tiện truyền thông mà báo chí phát hiện. Bao nhiêu mảnh đời tan nát khi gia đình của họ bị oan khiên bới những con người cầm cân nảy mực vừa ngu dốt vừa theo lệnh đảng? Lấy trường hợp nghệ sĩ piano lừng danh Đặng Thái Sơn làm một ví dụ minh họa. Anh nổi tiếng nhưng cha anh là ông Đặng Đình Hưng, một thành viên trong nhóm nhân văn giai phẩm bị trù dập cho đến ngày nhắm mắt. Hữu Loan, Hoàng Cầm bị đày đến tận cùng khổ ải. Phùng Quán, Trần Dần thì đau khổ trăm bề. Đảng đứng đằng sau chỉ thị cho làm bậy nhưng chỉ bắt vài quan chức tép riu của Viện kiểm sát hay tòa án địa phương đến nhà nạn nhân xin lỗi qua loa rồi thì thôi.

Dù biết là luật pháp chỉ bảo vệ quyền lợi cho nhóm cầm quyền nhưng luật pháp cũng có đạo đức và liêm sỉ chứ không phải luật pháp bị ép làm điều phi nhân như hiện nay thì lịch sử loài người thời man rợ nhất cũng không hành xử như vậy.

Ai đứng trên luật pháp? Ai biến công lý thành trò báng bổ lương tri nhân loại? Cám ơn ông Trương Hòa Bình, chánh án TATC hiện nay, một tiến sĩ luật từ lò công an đã trả lời cho muôn ngàn thắc mắc xưa nay: đảng cộng sản Việt Nam.

Biên Hòa, nhân ngày thành lập ngành tòa án Việt Nam: 13.9.2011

Trịnh Viên Phương

Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2011/09/toa-nhan-dan-hoan-thanh-nhiem-vu-cua.html