Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Từ Việt Nam, chung vui một ngày với Israel và Palestine

VRNs (20.10.2011) – Minnesota, USA – Giữa chuỗi dài những ngày đau khổ, đôi khi bừng lên một ngày vui. Ðó là sự đã xảy ra ở Israel và Palestine hôm nay, 18 tháng 10, 2011. Trung sĩ nhất người Israel là Gilad Shalit sau hơn 5 năm bị lực lượng Hamas của Palestine giam giữ, đã được phóng thích. Ðối lại, Israel cũng phóng thích hơn 1000 tù nhân Palestine.



Sự trao đổi này đã tạo ra một niềm vui rất lớn ở cả Israel lẫn Palestine. Về phía Israel, trước tiên phải kể đến gia đình anh Shalit. Suốt 5 năm nay, bố anh đã không ngừng vận động trong nước và ngoài nước để anh được trả tự do. Nhiều gia đình Israel đã treo ảnh Shalit trong nhà để liên đới với người lính trẻ xấu số. Chính phủ Israel cũng nổ lực rất lớn để kín đáo thương thuyết đưa đến kết quả này. Tóm lại đây là một hành động cộng đồng quốc gia và quốc tế vì một mục đích nhân đạo.

Ngay từ năm 2006, sứ thần Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Franco đã nói với ông Katsav, khi đó đang làm Tổng Thống Israel rằng vì mục đích nhân đạo cứu người và ngăn ngừa bạo lực, Vatican sẽ làm hết sức mình để tìm một giải pháp tốt đẹp cho vụ Shalit. Ngài cũng nói sẽ nhờ các giáo sĩ Công Giáo ở Gaza vận động để đạt kết quả này.

Tuy nhiên, công lớn trong vụ này phải kể đến phía chính quyền Ai Cập, vì Ai Cập có quan hệ tốt với cả Israel lẫn lực lượng Hamas ở Gaza. Chính quyến Thổ Nhỉ Kỳ và chính quyền Qatar cũng đã tích cực tham gia vào vụ phóng thích song phương này. Dư luận cũng nhắc đến một số hoạt động của một người Ðức nổi tiếng là Gerhard Conrad. Các cuộc thương thuyết đã rất khó khăn và lâu dài vì chính quyền Israel dứt khoát không muốn tiếp xúc với nhóm Hamas.

Dù đã phải kinh qua những uẩn khúc như thế nào, thì ngày hôm nay đã đạt được kết quả tốt đẹp. Tháng 10 năm ngoái, Israel đã thả 20 nữ tù nhân Palestine, và Hamas đáp lại bằng cách công bố một đoạn vidéo dài gần 3 phút cho thấy Gilad Shalit vẫn còn sống và mạnh khỏe. Từ đó nhiều cách tiếp cận đã tiến hành khẩn trương.

Hôm nay, các kênh truyền hình tràn ngập những tin tức về cuộc trao đổi tù binh này. Người ta được thấy dân làng Mitzpe Hila tụ tập chung quanh bố mẹ Gilad vừa đón nhận tin vui, cả làng tiễn đưa gia đình anh đi gặp người con có lúc tưởng là đã mất. Các ống kính truyền hình dõi theo những chiếc máy bay trực thăng từ Gaza bay về hạ xuống căn cứ không quân Tel Nof, với Thủ Tướng Netanyahu đứng đón, cảnh dân làng Mitzpe Hila bật khóc khi nhìn thấy Gilad xuất hiện trên màn hình. Mặt khác đó là những dãy xe buýt màu trắng chở hơn 400 tù nhân Palestine qua ranh giới của dãy Gaza và đám đông hơn 200.000 người phất cờ chờ đón. Những bà vợ sau 20 năm xa cách mới được đoàn tụ với chồng, v..v…

Tất nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Bên phía Israel người ta cho rằng trong số những tù nhân Palestine được phóng thích có nhiều tay khủng bố và như vậy là một mối nguy lớn cho tương lai. Trong số những người lo ngại có cả Bộ Ngoại Giao Mỹ. Tuy nhiên cũng phải công nhận phía Israel đã giam giữ rất nhiều người không có tội gì nặng, có khi chỉ vì đã ném đá vào quân đội Israel. Về phía người Á Rập cũng không khỏi có phần cay đắng vì một người Israel đổi được những hơn 1000 người Palestine. Bao trùm lên những chuyện chua ngọt này, là cuộc tranh chấp Israel và Palestine vẫn chưa có giải pháp và còn hứa hẹn nhiều thảm kịch.

Dù sao thật hiếm có khi nào cả hai phía đều òa vỡ hân hoan. Ðó là một ngày quá sức đặc biệt ở một nơi đã gần 70 năm nay không biết đến bình an. Chỉ có những xung đột rất nhiều khi đẫm máu chiến tranh và khủng bố của một cuộc sống chẳng còn gì là thánh thiện trên mãnh đất được mệnh danh là Ðất Thánh. Những hận thù giữa Israel và Palestine làm cho ta liên tưởng tới Lời của Chúa Giêsu: “Từ nay các người sẽ không còn thấy Tôi nữa.” (Mt. 23-39 và Lc. 13,35). Từ ngày đó, Chúa cứ như người chủ bỏ nhà đi biền biệt “còn lâu mới về” (Lc. 12,45). Nhưng rồi Chúa cũng hứa sẽ có một ngày người ta nói: “Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa” (Mt. 23-39 và Lc. 13,35). Hôm nay người ta vẫn chưa nói thế, nhưng những cảnh hân hoan giống như tin tức nhận được từ ông chủ đã đi xa…….

Những người được phóng thích kia dù ở những chiến tuyến đối lập nhau, thì vẫn có một nét chung là họ đã từng trải cảnh tối tăm cô quạnh, và gia đình họ từng trải những lo âu, hoang mang… Ðứng về phương diện này, trong ngày vui này ở phương xa, chúng ta cũng có nhiều phần đồng cảm. Hiệp thông với những tù nhân Israel và Palestine, cũng là hiệp thông với cha Nguyễn Văn Lý, với Cù Huy Hà Vũ, với Phạm Thanh Nghiên, với Ðiếu Cày, với Ba Sàigòn, với Phạm Minh Hoàng, với Paulus Lê Sơn và các bạn trẻ Công Giáo Vinh, với Tạ Phong Tần và với gia đình các anh chị em ấy, những chị Dương Hà, Xuân Bích, Dương Thị Tân, Lê thị Kiều Oanh, Nguyễn Thị Liên và các cháu nhỏ, với mẹ già của Paulus Lê Sơn, với gia đình của các bạn trẻ ở Vinh. Còn biết bao nhiêu người nữa không thể kể hết ở đây…. Ở Việt Nam, nhờ Trời, không có tù nhân chiến tranh. Lại nghe nói, không có cả tù nhân lương tâm. Chỉ có những người có tội tự do dăm ba câu rồi mất tụ do. Bất luận đấy là tội gì thì vẫn thức lâu mới biết đêm dài. Dài như những nỗi chờ mong, dài như những niềm ước mơ hy vọng, ……

Trong ngày vui của những người ở xa, xin chúc mừng Gilad Shalit và gia đình, chúc mừng đông đảo bà con Palestine. Và xin cầu nguyện để mọi người tìm thấy con đường khó khăn của hòa bình, nhân phẩm, và tự do.



Hôm nay, 20.10, sinh nhật Paulus Lê Sơn

V.K.P.