VRNs (05.10.2011) - Sài Gòn – Cách đây vài giờ, trên http://giaophanvinh.net đã phổ biến Thư Ngỏ của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch UBCL&HB trực thuộc HĐGMVN về các thanh niên Công giáo bị bắt trong hơn hai tháng qua. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nguyên văn thư ngỏ này.
Vào trung tuần tháng 8 năm 2011, mười mấy công dân Việt Nam, trong số đó có 8 công dân Công giáo thuộc giáo phận Vinh, bị công an bắt giam. Dư luận trong cũng như ngoài nước bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về vụ việc này. Gia đình của những người bị bắt đã gửi thư yêu cầu các Giám mục lên tiếng. Một vài người cũng gửi thư cho Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, trực thuộc HĐGM-VN, đề cập đến cùng một vấn đề.
Trong Văn thư đề ngày 17 tháng 9 năm 2011, gửi Tòa Giám mục Xã Đoài, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng nêu vụ việc gọi là “một số công dân Công giáo vi phạm pháp luật, hoạt động phạm tội chống Nhà nước, hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân đã bị khởi tố, bắt giam”.
Dựa trên Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, tôi xin trả lời vắn tắt như sau:
1- Nhiệm vụ của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu là phải sống và loan báo Tin Mừng trong mọi nền văn hóa, môi trường kinh tế, xã hội, chính trị… Tuy nhiên, do sứ vụ của mình, Giáo Hội không thể đồng hóa với bất cứ một chế độ chính trị, một hệ thống kinh tế hay một nền văn hóa nào. Bản văn sau đây của công đồng Vatican II cho thấy rõ mối tương quan vừa phong phú, vừa phức tạp giữa Giáo Hội với thực tại xã hội, chính trị “Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không thể đồng hóa với cộng đồng chính trị và cũng chẳng có thể cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào (…). Trong lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự trị với nhau. Tuy nhiên, mặc dầu dưới danh nghĩa khác nhau, cả hai cùng phục vụ con người, trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Hơn thế nữa, tùy theo hoàn cảnh thời gian và không gian, nếu cả hai càng cố gắng phát triển sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của mọi người hữu hiệu hơn” (GS 76).
2- Áp dụng quan điểm của Công đồng vào trường hợp của Việt Nam, Đức Bênêđictô XVI đưa ra định hướng “đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”. Ngài nói: “Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội góp phần mình vào đời sống đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” (Ad Limina 2009).
3- Nhưng có khác biệt sâu xa giữa ý thức chính trị, quan điểm xã, dấn thân phục vụ xã hội với việc trực tiếp tham gia vào đảng phái chính trị. Theo Giáo Luật hiện hành, “các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và việc cổ võ công ích đòi hỏi như vậy” (Điều 287, khoản 2).
4- Đối với giáo dân, sự việc hoàn toàn khác: Mảnh đất nhân bản và dấn thân xã hội được coi là môi trường riêng biệt của giáo dân. Hoạt động chính trị là lãnh vực đặc biệt trong sinh hoạt xã hội của giáo dân. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội sẽ hướng dẫn tín hữu chọn lựa những giải pháp chính trị phục vụ công ích, phát triển công lý, bảo vệ nhân quyền, xây dựng dân chủ, cổ võ hòa bình… Nhưng rất có thể, những tín hữu chân thành và rất hăng say phục vụ, lại có những chọn lựa chính trị khác nhau. Đây là những chọn lựa cá nhân và trên bình diện công dân. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về chọn lựa chính trị của mình và không ai được tuyên bố rằng chọn lựa đó là phù hợp với Tin Mừng hơn những chọn lựa khác, hay lấy thẩm quyền của Giáo hội để biện minh cho chọn lựa của chính mình ( xem GS số 43).
5- Dựa trên Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, tôi cũng viết trong Văn thư trả lời Công văn số 5483 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An như sau: “Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao UBND tỉnh lại nêu vụ việc gọi là “một số công dân Công giáo vi phạm pháp luật, hoạt động phạm tội chống Nhà nước…” trong một công văn gửi cho giám mục giáo phận Vinh? Với tư cách là công dân Việt Nam, họ có quyền có những chọn lựa riêng về lãnh vực xã hội. Tôi và các cơ quan của giáo phận Vinh không chịu trách nhiệm về các lựa chọn dân sự của họ. Tuy nhiên, dư luận đang bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về vụ này. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Công Lý & Hòa Bình, trực thuộc HĐGM-VN, tôi đã nhận được thư của gia đình họ yêu cầu lên tiếng. Tôi đã điện thoại cho một số cơ quan yêu cầu nhanh chóng giải quyết sự việc để yên dân, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời tích cực nào. Ước mong các cơ quan thẩm quyền sớm giải quyết vụ việc này theo đúng Pháp luật Việt Nam cũng như Công pháp Quốc tế”.
6- Vừa lúc mới được thành lập, Ủy ban Công Lý & Hòa Bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, lập tức phải đối diện với một số vấn đề nhạy cảm như nhà đất, nhân quyền, chủ quyền đất nước… Vì vậy, những văn thư và những can thiệp đầu tiên của Ủy ban đều liên quan đến vấn đề này. Có lẽ, vì vậy một số người đã nghĩ Ủy ban là một thứ cơ quan chuyên giải quyết các vụ khiếu kiện. Trên thực tế, chúng tôi đã nhận được nhiều hồ sơ liên quan đến nhà đất, khiếu kiện dân sự, hoạt động chính trị.
7- Một lần nữa tôi xin xác định: Mục đích của Ủy ban là phổ biến Giáo huấn xã hội của Giáo hội để tín hữu hiểu, sống và xây dựng xã hội theo định hướng của Giáo Hội. Đây là một hình thức sống và loan báo Tin Mừng trong thời đại chúng ta. Dĩ nhiên, Ủy ban sẽ có những nhận định theo định hướng của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội cũng như để bảo vệ công lý và nhân quyền, nhưng không bao giờ chỉ đóng vai trò cơ quan khiếu kiện.
Xin quý vị và quý bạn cộng tác để chúng tôi thi hành được sứ vụ khó khăn này và xin đừng gán cho Ủy ban những gì nằm ngoài mục đích và khả năng của nó.
Quận I – Tp.HCM, ngày 4-10-2011
+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám mục giáo phận Vinh - Chủ tịch UB Công Lý & Hòa Bình
Nguồn: http://giaophanvinh.net