Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Vầng trăng từ độ lên ngôi

VRNs (31.10.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Đạo đời



“Vầng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ,
Em ngồi quay tơ.
Quay đều! Quay đều! Quay đều!

(Phạm Duy – Vần Thơ Sầu Rụng)

(2Cr 9)

“Quay đều! Quay đều! Quay đều!” có thể: là em vẫn cứ làm thế cả vào ngày của Chúa. Giống nhiều người. Những người già và trẻ nhỏ, ở nông thôn chốn thị thành. Thay vì, hát bài “Một mình đi lang thang trên đường. Buồn hiu hắt, và nhớ bâng khuâng…”, ở đâu đó chốn nhà tu hay nhà tù. Nhà tu hay nhà tù, cũng lớn cũng rộng nhưng không khác nhau là mấy nếu cứ ngồi lù lù, ru rú ở hàng ghế cuối , tồi đầu óc lơ mơ, nào thấy thích. Phải chăng đó là tâm trạng cứ như “quay đều” của người đi Đạo, rất hôm nay?

Người đi Đạo hôm nay, chí ít là người trẻ, có ngồi ở nhà hay ra quán xá chiều hôm suốt buổi, cứ lai rai ba sợi đến tê tái, với đầu óc cứ thế mà quay đều như ca từ người nghệ sĩ, nay cứ hát:

Ðể tóc rối vần câu thơ sầu rụng
mái tóc cũng buồn theo thơ
cũng buồn theo thơ
Quay đều! Quay đều! Quay đều!”

(Phạm Duy – bđd)

Nói theo kiểu thơ văn lãng đãng đầy những ý tứ và ý từ, thì: chừng như người đi Đạo còn rất trẻ nay có cảm tưởng như Hội thánh trời Tây nhìn họ như đang ở với “Vầng trăng từ độ lên ngôi”, “quay đều” lửng lơ ở bầu trời, nhiều thổn thức!

Nói theo kiểu chuyên gia phụng vụ là tự hỏi và/hoặc đặt ra thắc mắc/vấn nạn cho riêng mình, như vị nữ tu Dòng Giuse là người chị tên Carmel Pilcher, khi trước chuyên trách dạy phụng vụ cho giới trẻ Sydney, nay có đôi giòng chảy tỏ bày như sau:

“Vừa rồì, tôi được mời đi thuyết trình về “Ý Nghĩa của Thánh Lễ trên Giòng chảy” do nhóm đồng đạo trẻ người Úc tổ chức tại thủ phủ New Castle, Sydney. Vừa đặt chân tới điểm hẹn, tôi đã yêu cầu ban tổ chức cho tôi được phép đàm đạo với cử toạ hơn là bày tỏ lập trường của chính mình, bởi e làm thế tôi sẽ không đủ tư cách và sợ không phù hợp với mạch chính của Luật Phụng tự, có từ xưa. Ngay khi đó, tôi được phép cùng với Sophie, người điều khiển chương trình còn rất trẻ, để giúp người nghe được dễ thở.

Buổi hôm ấy là tổ chức cho cả người già lẫn giới trẻ, nên ngay khi bắt đầu, Sophie đã kêu gọi thính giả đổi chỗ ngồi để có thể chan hoà xen kẽ cùng nhau mà học hỏi. Cô nói với tôi: lớp trẻ muốn học hỏi về Tiệc Thánh Thể, và nhóm người đến dự hôm nay đặc biệt muốn biết giáo huấn của Hội thánh về đề tài này ra sao.

Sophie vẫn có quan điểm rất vững khi cô cho rằng lớp người trẻ không muốn cho nhóm mình bị đồng hoá xếp loại thành lớp người riêng rẽ trong phụng thờ, bởi thế nên họ không muốn lập ra những buổi phụng tư gọi là “thánh lễ giới trẻ”. Và Sophie cũng nhắc tôi về chuyện bảo rằng: cho đến nay ta vẫn chưa có thánh lễ nào dành riêng cho phụ nữ, nam giới hoặc cho người cao nhiên hết, thế thì tại sao lại phải lập một thánh lễ riêng cho giới trẻ?

Điều này khiến tôi suy nghĩ thấy cũng đúng, đặc biệt khi nhớ về truyền thống Phaolô vẫn coi tất cả dân con trong Đạo đều nên một trong Đức Kitô. Và thêm điều nữa cũng hữu lý, đó là: yêu cầu cộng đoàn tham dự Tiệc Thánh nên có động thái tập thể, rất cần thiết. Nói chung, phụng vụ Đạo Chúa tự bản chất vẫn là những động thái rất chung.

Với tôi, một trong những nhận định khá quan trọng là sự tương phản giữa phương án do người trẻ chọn với lối sống đạo của ông bà cha mẹ của họ. Dù cả hai nhóm người này đều am tưởng rằng Tiệc Thánh Thể là trọng tâm của niềm tin và sự hành Đạo của người Công giáo, nhưng người trẻ vẫn đến câu lạc bộ hoặc quán rượu mà vui chơi chẳng màng gì chuyện đi nhà thờ nhà thánh như thói quen khi xưa. Họ cũng chẳng cảm thấy bó buộc phải làm những việc theo luật Đạo gò bó. Nhiều người trẻ lại còn xa vời chuyện trói buộc phải đi lễ và còn đặt nó khỏi mọi vướng bận của đầu óc nữa. Chuyện ấy ăn sâu vào tâm khảm của người đi Đạo, nên hễ thấy có người trẻ đến dự lễ, ta đều biết là họ tự chọn điều đó.

Ăn sâu vào tâm khảm nhiều nhất, với giới trẻ, có lẽ là những ca từ đi vào lòng người, như:

Để tóc rối vần (à ờ) câu thơ
sầu rụng mái cũ
Em ngồi (ỳ ỳ) quay tơ
Em ngồi (ỳ ỳ) quay tơ
Quay đều! Quay đều! Quay đều!”

(Phạm Duy – bđd)

Vì câu thơ vẫn sầu và vẫn rụng, nên diễn giả lại vẫn thêm lời bàn để người đọc và nghe sẽ hiểu rõ hơn tâm trạng của giới trẻ, rất như sau:

Một số bạn trẻ trong nhóm vừa đi Madrid tham dự Đại Hội Giới Trẻ thế Giới 2011 về đã có dịp sẻ san kinh nghiệm mình vừa trải qua với chúng bạn. Nhiều bạn trong đám có nói điều làm em phấn kích hơn cả, là: các buổi Tiệc Thánh nho nhỏ trong đó em được cử hành chung với vị tuyên uý. Ngược lại, các em còn bảo: điều làm các em thất vọng hơn cả, chính là thánh lễ với Đức Giáo Hoàng. Đặc biệt nhất, là các em hơi bị lạc lõng và không được san sẻ hiệp thông rước bánh thánh.

Điều này làm tôi nhớ lại cùng một phản ứng như thế từ một số bạn trẻ đã tỏ bày vào dịp Đại Hội ở Sydney. Giới trẻ nói: hôm ấy họ có cảm giác như đến với Đại Hội chỉ như khán giả thưởng lãm sự hiện diện của vị Giáo tông thôi. Có em còn nói: lúc hát kinh Vinh Danh em đứng dậy hát trong khí thế vui say hào hùng thì lại bị một trong các người điều hành trật tự yêu cầu ngồi xuống kẻo làm khuất mắt người ngồi sau.

Buổi chiều hôm ấy, tôi ra về mà lòng thấy vui và hy vọng. Theo tôi nghĩ, thay vì mình cứ than phiền giới trẻ Công giáo vắng mặt trong các thánh lễ ngày của Chúa, ta nên mừng vui khi thấy họ có mặt cùng dự lễ Giáng Sinh và Phục Sinh với gia đình họ, và cũng tham dự một đôi buổi phụng vụ.

Quan sát kỹ, tôi thấy chừng như nguyên nhân dẫn đến quan ngại này, lại là chuyện ta cứ giữ mãi một lối cử hành phụng vụ như hồi nào. Vào các lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành, thường thì giáo dân tham dự vẫn rước Mình Chúa đã truyền phép trước đó; nhưng kỳ vừa rồi ở Madrid có trục trặc là các bánh thánh bị trận mưa lớn làm tan biến, chính vì thế mà một số người tham dự không được rước Mình Chúa như đã định.

Cũng có vị đề nghị là Đại Hội ở Madrid nên tạo dịp để ta có thể trở về với lối hành Đạo khi trước là rước Mình Máu Chúa một cách thiêng liêng, tinh thần. Đây là lối sùng kính trở về từ hồi xa xưa trong thánh sử, khi giáo dân tham dự không thể nào cử hành trọn vẹn cả buổi lễ, sống động được.

Về với sinh hoạt địa phương, cử hành Thánh lễ nay trở thành mối bận tâm không nhỏ, cho nhiều giáo xứ. Đồng thời, việc dịch lại văn bản thánh lễ Rôma sang tiếng Anh, như cơ hội để ta đổi mới một vài nghi thức phụng vụ, thế nhưng phần đông người đi lễ ngày Chúa Nhật lại không cố gắng đến dự buổi thảo luận hoặc học hỏi về phụng vụ, là bao nhiêu.

Đàng khác, có lần quan sát cung cách mà thừa tác viên thánh thể trong thánh lễ, tôi chỉ có thể kết luận rằng các thừa tác viên này chuẩn bị thánh lễ không kỹ càng cho lắm và cũng không lợi dụng cơ hội tốt đẹp này để đổi mới các động tác mình thực hiện. Mẫu số chung xem ra vẫn cứ là câu nói rất nghe quan từ nhiều vị: “Nội mỗi chuyện yêu cầu các vị ấy làm công việc thừa tác trong thánh lễ đã khó rồi, nói gì chuyện yêu cầu họ dự hội thảo với học hỏi.”

Một số giáo xứ lại còn sử dụng những bài vịnh hoặc thánh ca xưa cũ, rất cổ lỗ, chẳng có gì thay đổi từ trước thập niên ’70 đến nay. Một chuyện tương đối khá lấn cấn là: nhiều vị linh mục đã và đang quá tải với đủ mọi thứ công việc trong giáo xứ rồi, nếu ta yêu cầu các ngài cố gắng hơn, thì e rằng các ngài sẽ không tìm đâu ra thì giờ để học hỏi hoặc áp dụng bản dịch mới của thánh lễ. Có phụ huynh học sinh lại thích tham dự thánh lễ tổ chức tại trường lớp hoặc khoá học đặc biệt hơn, vì các lễ ấy được thày cô chuẩn bị chu đáo hơn lễ ở nhà thờ, vào mỗi tuần.

Có điều khá thích thú để nói rằng ấn bản in lần thứ ba cho bản dịch lễ Rôma tạo cho ta nhiều cơ hội để đổi mới. Có lẽ thay vì cứ bàn cãi nhiều xem bản dịch thánh lễ nào đúng hơn bản nào, ta cũng nên tìm hiểu nhiều hơn phần dẫn nhập ở đầu buổi lễ, tìm hiểu về những gì Hội thánh dạy để đảm bảo rằng các nguyên tắc đổi mới phụng vụ được Công Đồng Vatican II đưa ra, không bị đảo ngược. Càng ngày tôi càng nhận chân hơn rằng việc tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi hoặc giáo huấn về ý nghĩa và cung cách thực hành Tiệc Thánh Thể vào ngày của Chúa, một lần nữa, cần được chú ý nhiều hơn nữa, trong cuộc sống của Giáo hôị, ngày hôm nay.

Càng cố gắng bỏ nhiều công sức để tìm hiểu và đào sâu giảng dạy về Phụng vụ thánh lễ, rồi ra cộng đoàn ta sẽ thấy rằng: tham dự Tiệc Thánh là việc phụng thờ đáng để ta tung hô cảm tạ Chúa. Có thế, những người còn trẻ như Sophie và bạn bè của cô mới thấy hăng hái đến với cộng đoàn thường xuyên hơn. Đến, để thực sự góp phần vào việc phụng thờ chung với nhau, qua Tiệc Thánh.” (x. Carmel Pilcher, viết cho blog riêng của nhà Dòng 04/10/2011)

Nếu sau này Hội thánh cho phép, có lẽ ta cũng nên tìm ca từ nào khả dĩ nói lên cung cách gặp gỡ và cùng liên hoan với người yêu mình muốn gặp; để nói và hát những lời rất như sau:

Nhẹ tay nhè nhẹ đôi tay
hương thơm lối xóm bay đầy thinh không
bay đầy thinh không
Quay đều! Quay đều! Quay đều
!”
(Phạm Duy – bđd)

“Nhẹ tay” đây, không phải để quay đều một vòng tơ. Mà là, nhè nhẹ quay đều vòng quay cuộc sống có sinh hoạt phụng vụ của Tiệc Lòng Mến, rất vui say. Tiệc Lòng Mến, nay nên có tiếng hát rất “quay đều” nhiều ý tưởng về Đức Chúa đang hiện diện trong lòng người tham dự. Dự Tiệc Lòng Mến, mà như không dự gì hết cả. Vẫn chỉ là đến để “xem” lễ. Và, cũng để nghe hát và ca những ý/lời cùng giòng nhạc cứ quay đều đều như vòng quay lụa là, mà đầu óc vẫn cứ ta bà ở đâu đó. Hoặc có ca, có hát nhưng không để lòng mình cùng ca, cùng dự với cộng đoàn, đang hát ca. Nhiều lúc có hát ca, cũng chỉ là:

“Hằng năm tiếng lụa đưa theo
đêm đêm gió rét đưa vèo trong cây
đưa vèo trong cây
Quay đều! Quay đều! Quay đều!
(Phạm Duy – bđd)

Hát gì thì hát. Họp bàn điều gì thì cứ bàn. Đôi khi cũng nên tưởng nhớ những truyện kể rất trữ tình, tức lưu trữ nhiều mối tình cũng khá đẹp, lại có kết hậu, rất như sau:

“Sáu giờ kém sáu phút. Cái đồng hồ lớn hình tròn trên quầy tin tức ở nhà ga Grand Central Station cho biết như thế. Người sĩ quan trẻ tuổi cấp bậc trung úy vừa mới bước xuống từ đường rày xe lửa, ngẩng cao khuôn mặt rám nắng và nheo mắt để nhìn cho rõ giờ ghi trên đồng hồ. Tim anh đập mạnh. Chỉ sáu phút nữa thôi, anh sẽ được gặp người thiếu nữ đã tràn ngập một phần đời của anh từ mười ba tháng nay, người thiếu nữ anh chưa một lần gặp mặt, tuy nhiên những lời cô viết cứ bám miết anh không rời. Anh đứng thật sát quầy thông tin, để tránh đám người chen lấn. Hồi tưởng lại một đêm khi giao chiến ác liệt xảy ra, máy bay anh lọt vào giữa vòng vây của chiến đấu cơ địch, trung úy Blandford còn nhìn thấy rõ nét cười nham nhở trên khuôn mặt một phi công thù nghịch.

Trong một bức thư trước đó, anh đã thú nhận với cô ấy là anh thường xuyên cảm thấy sợ hãi, và chỉ một vài ngày trước cuộc không chiến nói trên, anh nhận được trả lời của cô. “Tất nhiên là anh thấy sợ… mọi người can đảm đều thấy như vậy. Bộ Vua David trong Thánh Kinh không biết sợ sao? Đó là lý do Ngài viết Thi Thiên thứ 23. Lần sau nếu anh không cảm thấy bình an thì anh hãy nghe giọng em đọc cho anh nghe những câu thơ trong bài nhã ca này: “A ha, cho dẫu con đi qua thung lũng của cái chết thì con cũng không hề sợ hãi bởi có người bên con.” Và anh nhớ lại có lúc anh đã nghe tiếng nói của cô và anh lấy lại được sự bằng an trong tâm hồn.

Giờ đây anh đang đi tìm gặp giọng nói đích thực của cô. Chỉ còn bốn phút nữa là tới sáu giờ. Vẻ mặt anh trở nên căng thẳng. Dưới vòm mái mênh mông, mọi người đang đi lại hối hả, giống những sợi chỉ màu đan xen trong cái mạng nhện. Một thiếu nữ đi qua cạnh anh khiến anh giật mình. Trên ve áo cô cài một bông hoa đỏ nhưng đó là bông của cây đậu chứ không phải một bông hoa hồng như họ từng hẹn trước với nhau. Vả lại, người thiếu nữ còn quá trẻ, trạc 18 tuổi, trong khi Hollis Maynell nói rõ ràng với anh là cô đã ba mươi. “Sao, như vậy đã sao?” Anh hỏi lại, và cho biết: ”Tôi cũng đã 32”. Thật ra, anh mới 29 tuổi.

Trí óc anh trở lại với cuốn sách – cuốn sách mà Ơn Trên đã đặt vào tay anh trong hàng trăm cuốn sách Thư Viện Quân Đội đã gởi đến trại huấn luyện Florida. Đó là cuốn Of Human Bondage (Hệ Lụy Nhân Sinh) với những nét chữ ẻo lả ghi chú chằng chịt bên lề mỗi trang. Anh vốn ghét những ghi chú như vậy nhưng đây thì lại hoàn toàn khác. Anh không bao giờ nghĩ rằng một phụ nữ lại có thể nhìn thấu tâm hồn người đàn ông một cách dịu dàng, thông cảm đến thế. Tên của cô ghi trên tấm thẻ thư tịch: Hollis Meynell. Và anh đã tìm thấy địa chỉ của cô trên cuốn điện thoại niên giám của thành phố Nữu Ước. Anh viết thư và cô trả lời thư. Ngày hôm sau thì anh được tàu chở tới căn cứ, nhưng hai người đã giữ được đường dây thư tín.

Trong mười ba tháng liền, cô tiếp tục hồi âm thư anh. Và còn hơn thế nữa, cả khi thư anh không đến, cô vẫn viết cho anh, và bây giờ thì anh tin rằng anh đã yêu cô và cô cũng yêu anh. Tuy nhiên cho dù anh xin cô nhiều lần, cô nhất định không gởi hình cho anh. Anh cảm thấy hơi phật ý. Nhưng cô giải thích: “Nếu như tình cảm của anh đối với em có chút gì chân thật thì dung nhan em như thế nào đâu có gì quan hệ. Giả sử như em đẹp đi. Em sẽ luôn luôn bị ám ảnh bởi cái cảm giác là anh muốn lợi dụng điều đó. Và một tình yêu như thế làm cho em chán ngán. Giả sử như em tầm thường (mà điều này thì có thể lắm). Và rồi em sẽ luôn luôn lo sợ rằng anh tiếp tục viết cho em chỉ vì anh cô đơn, không có người nào khác. Không, đừng đòi em gởi hình cho anh. Khi anh đến New York, anh sẽ gặp em và rồi anh sẽ tự quyết định lấy. Nên nhớ rằng cả hai chúng ta đều hoàn toàn tự do quyết định ngưng lại hay tiếp tục – muốn cách nào cũng được.”

Chỉ còn một phút nữa là tới sáu giờ. Anh rít mạnh một hơi thuốc, cảm thấy trái tim mình vọt lên cao, còn hơn chiếc máy bay anh thường lái. Một phụ nữ trẻ đang đi tới. Khuôn mặt cô hình trái soan thanh tú, mái tóc màu vàng của cô buông thành búp sau vai. Mắt cô màu xanh của biển, môi và cằm cô xinh đẹp. Trong bộ đồ xanh ngọc thạch, cô là hình ảnh của mùa xuân tươi sắc. Anh bắt đầu bước về phía cô, quên để ý là cô không cài bông hoa hồng, và khi anh tới gần thì nụ cười gợi cảm thoáng hiện trên môi cô.

“Anh chàng quân nhân đang đến với tôi đó hả?” Cô gái thì thầm. Không tự chủ được, anh tới gần hơn. Và rồi anh chợt trông thấy Hollis Meynell. Bà đứng ngay sau cô thiếu nữ, trạc ngoài bốn mươi, mái tóc màu xám nằm gọn dưới chiếc mũ cũ. Bà có hơi đẫy đà, chân đi đôi giày gót thấp. Nhưng bà cài một bông hồng trên ve áo bạc màu. Trong khi đó cô gái mặc bộ đồ xanh ngọc thạch vội vã bỏ đi.

Blandford có cảm tưởng như mình bị tách làm đôi: anh vừa tha thiết muốn bước theo người thiếu nữ, lại vừa cảm thấy phải đến với người thiếu phụ đã hòa hợp và nâng đỡ tâm hồn anh. Bà đang đứng kia, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và đầy thông cảm. Mắt thiếu phụ bừng lên một tia ấm áp.

Trung úy Blanford không còn cảm thấy do dự nữa. Tay anh cầm cuốn sách bìa da mang theo – cuốn Of Human Bondage để thiếu phụ có thể nhận diện ra anh.. Đây không phải là tình yêu, nhưng là cái gì đó còn quý hơn nữa – một tình bạn mà anh hằng ấp ủ và mãi mãi biết ơn. Anh cúi chào người thiếu phụ, đưa cuốn sách về phía bà, cho dù trong lúc mở lời anh cảm thấy có cái gì đó cay đắng trong nỗi thất vọng.

“Tôi là trung úy John Blandford, và bà… có phải là Hollis Meynell. Tôi vui mừng được gặp bà. Tôi mời bà đi dùng cơm tối nay nhé.” Khuôn mặt người thiếu phụ bừng lên ánh hân hoan cởi mở với nụ cười trên môi. “Ta không hiểu toàn bộ câu chuyện này ra sao cả, con trai ạ.” Bà nói. “Cô thiếu nữ bận bộ đồ màu ngọc thạch kia – người vừa mới bước đi đó – yêu cầu ta cài bông hồng này lên áo. Và cô ấy bảo nếu con mời ta đi ăn thì ta sẽ cho con biết là cô ấy đang chờ con ở cái tiệm ăn lớn bên kia đường. Cô ấy bảo đây chỉ là một phép thử thôi. Ta cũng có hai con trai trong quân đội nên ta coi con cũng như con mình vậy.” (trích truyện kể do Như Sao dịch từ bài viết của Sulamith Ish-Kishor với tựa đề «Hẹn Gặp Trên Sân Ga»).

Hẹn đâu thì hẹn, ở sân ga hay là Tiệc Lòng Mến mà có giới trẻ đến thì, cũng cứ được. Quay ở nơi nào thì cứ quay, dù quay không đều hay không nhiều, hãy cứ làm thế. Hết hẹn rồi quay/hết quay rồi hẹn, ngay khi phiếm. Cũng là ý kiến hay. Duy có điều : ý kiến phiếm loạn hôm nay cũng chẳng được nhiều, từ người viết. Bởi thế nên, bần đạo nay đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta hãy nghe bạn bè từng phiếm loạn và phiếm luận từ nhiều nơi, về nhiều chuyện. Cả, chuyện «hạnh phúc vô hình» rất nên phiếm, như sau :

«Phiếm rằng: Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.

Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.

Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng có một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.

Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài”.

Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.

Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất quay về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói:“Tốt quá rồi!”. Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?” – “Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!”.

Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Tôi đây cũng không có phương pháp gì đặc biệt cả, mà chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, nên cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó cũng chỉ là một, và bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không?”.

Thật ra thì, hạnh phúc của người trong truyện nằm sẵn ở tiền tài, của cải. Còn phúc hạnh người nhà Đạo nay ở đâu? Trả lời câu hỏi rất nghe quan này, tuởng cũng nên về với Lời Vàng Kinh Sách, rất thân thương, có những câu/đoạn rất thế này, để còn nhớ:

Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em
mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt,
vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện.”

(2Cr 9)

Việc ta thường làm ở buổi lễ, vào khi còn trẻ hay đã cao niên, vẫn là việc thực hiện Lời Chúa khuyên dạy bằng hành động. Thực hiện, hoặc làm cách nào thì làm, vẫn cứ nên làm theo cách vui tươi, hiền hoà, hấp dẫn. Để rồi, ta lại râm ran nguyện cầu qua câu thơ rất đời, nhưng vẫn hát:

Vầng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ,
Em ngồi quay tơ.
Quay đều! Quay đều! Quay đều
!”
(Phạm Duy – bđd)

Quay đều! Và tham dự cho đều đặn! Đó mới là ý hướng cần có, rất hôm. Ở huyện này. Chốn cũ.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn quay đều không như chong chóng.
Chỉ muốn mọi người cùng quay
trong cuộc sống đầy tình người.
Ở huyện, rất nhà Đạo.