VRNs (19.10.2011) – Sài Gòn – Sự thật mất lòng, kính mong quý vị lương y chân chính đừng vì lời nói thật, mang ý muốn xây dựng của chúng tôi mà phật ý. Chúng tôi hoàn toàn giữ vững niềm tin và sự tôn trọng nơi quý vị. Chúng tôi cũng xác định đây chỉ là một số suy nghĩ và góp ý hạn hẹp, phiến diện mà thôi.
I. THỰC TRẠNG
Gần đây trong xã hội VN đã xuất hiện thêm HAI LOẠI MÁY CHÉM, sẵn sàng “thi hành án tử” cho công dân, mà không cần qua xét xử, không cần bản án: đó là MÁY CHÉM DO CÔNG AN, và MÁY CHÉM DOTHÀY THUỐC, sẵn sàng đưa những người có “số đột tử” qua bên kia thế giới một cách chớp nhoáng! Công dân VN bây giờ lãnh “án tử” vô cùng dễ dàng và mau lẹ, đến độ cả nạn nhân và người thân đều… bất ngờ! Ra đường không đội nón bảo hiểm: tử hình! Tình nghi ăn trộm vặt: tử hình! Có vấn đề với CA như bất bình bất hòa, hay vi phạm luật lưu thông: tử hình! Có vợ lọt vào mắt CA mà không được đáp ứng mau lẹ: tử hình! CA muốn được ăn tiền, được đút lót mà người “vô phước” không kịp đáp ứng: tử hình! Án tử được thực hiện cấp tốc chỉ trong vài giờ đến vài ngày, là thân nhân kẻ bất hạnh sẽ được “mời đến” lãnh xác từ đồn CA hay bệnh viện về, tha hồ ma chay đình đám! “Máy chém CA”, đã một thời khiến cả nước và cả thế giới kinh hoàng. Nhưng gần đây, một loại máy chém khác có vẻ êm đềm, nhẹ nhàng hơn bội phần: đó là “máy chém lương y”! Loại này mới thật gây sốc cho mọi người! “LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU”, nay bỗng “từ mẫu” giết người như giết ngóe! Chả thế mà sáng nay tôi vừa cầm tờ báo Tuổi Trẻ đọc sơ, liền giật mình kinh hoảng với một loạt các tin liên quan đến ngành “từ mẫu”: “Nghề y không chỉ để mưu sinh”, “Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre chấn chỉnh tình trạng quát nạt người dân”, “Tất cả các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đều VI PHẠM!”, “Cho thôi chức giám đốc trung tâm y tế huyện Đầm Dơi”… Trước đó là các “cáo phó” của những vụ chết vì BS lơi là, vô cảm, vô trách nhiệm: bệnh nhân chết oan hàng loạt từ khắp vùng đất nước, như Thái Nguyên một bệnh nhân bị chết oan do BS lơi là, em Võ Như Hảo 17 tuổi ở Bến Tre chết sau khi vào bệnh viện từ tỉnh táo đến hôn mê, người nhà nhiều lần kêu cứu, nhưng BS không quan tâm bệnh nhân, mà còn quát nạt bà mẹ: “Biết gì mà nói, để đó đã có BS lo…”, rồi BS cho y tá “ban” cho một mũi chích, liền sau đó bệnh nhân cấp tốc về… bên kia thế giới không kịp giã từ mẹ, do bị sốc thuốc! Một cháu bé 8 tuổi chết vội do BS làm lơ!… Còn rất nhiều trường hợp khác nữa không kể hết, đã được đưa lên báo, chưa kể những trường hợp bệnh nhân âm thầm chết oan do các “từ mẫu”máu lạnh, vô cảm, hay tai điếc mắt đui trước những tiếng kêu của các bệnh nhân cấp cứu. Hoặc vì bệnh “nghèo” khiến gia đình không có phong bì cho BS kịp thời, đành câm lặng đưa thân nhân xấu số về lo “hậu sự” cho yên mồ ấm mả! Con, cháu tôi cũng sém chết oan do lúc sinh mà BS và y tá còn… bận nói chuyện riêng!
Trong bài “Nghề y không chỉ để mưu sinh”, ông Dương Quang Trung được báo trích dẫn nói: “Nếu như sai sót của thày thuốc do yếu kém về chuyên môn, không phát hiện được bệnh còn có thể châm chước, nhưng sai sót về tinh thần phục vụ, thái độ giao tiếp, ứng xử thì hoàn toàn không thể chấp nhận được, mà phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc!”. Dạ thưa ông nói chí phải, nhưng ông có cách nào để “xử lý nghiêm khắc” những “dì ghẻ” hay những “đao phủ thủ” này không? Còn những người dân như chúng tôi thì sợ lắm, và đầu hàng thôi ông ạ! Chúng tôi, những người từng phải vào bệnh viện, vì sinh mạng của mình hay của người thân, chỉ biết trình thưa vâng dạ từ bà quét phòng đến cô y tá phát thuốc, nhất là các ông bà y bác sĩ thì chúng tôi chỉ dám cúc cung kính bái, và đầy sợ hãi những người “cầm quyền sinh sát” này, chẳng khác nào đối với hung thần, phải kiêng nể kẻo bị… vật chết! (Là trong lòng nghĩ vậy, còn bề ngoài thì chúng tôi luôn tôn vinh họ như thần thánh, cha ông, đấng bề trên cao cả, vì kém lễ độ hay nghi ngờ tài năng của họ thì chỉ có chết oan!). BS bây giờ ngoài “máu lạnh”, còn có máu tự cao tự hào rất lớn. Họ muốn mọi người coi họ là vô song, là toàn hảo. Mà mọi người tôn kính họ chưa đủ đâu, chính họ còn tôn kính họ hơn người khác đấy! Nhất là các BS trẻ mới ra trường còn cần phải bổ sung kiến thức và kinh nghiệm, miệng họ luôn luôn tự xưng với mọi người là “Bác sĩ”, hoặc “Bác”, theo cách gọi BS bây giờ, kẻo chúng ta quên hoặc không biết cái chức danh cao quý đó của họ. Ai nuôi người thân trong BV thời gian lâu sẽ rõ, sẽ luôn thấy chướng tai gai mắt vì những chuyện như thế, chẳng hạn chú BS mới ra lò nói với một cụ già đáng ông nội ông ngoại rằng: “Sao? Muốn lọc thận đêm nay hay sáng mai để “Bác” lo cho?” Muốn lọc ban ngày ban mặt, muốn được điều kiện tốt thì phải “biết điều”, phải tự hiểu, thì BS sẽ “lo cho”, còn không thì đừng có hòng! Bệnh nhân nào mà được BS, y tá đến tận giường thăm là biết ngay rằng người nhà phải “biết cư xử” với BS, còn bệnh nhân nghèo không có bao thư lót tay, thì BS có đi ngang qua mà muốn hỏi gì thì BS cũng phất tay đi luôn, vô cùng thẳng thừng, chẳng cần che giấu làm gì, vì “chúng” (bệnh nhân) luôn phải cần mình, chứ mình cần gì chúng”?! “Muốn tốt thì phải chi nhiều, Lương y từ mẫu là điều… trên tiên!”, lên đó mà đòi! Một ngày người nhà nằm bệnh viện, thì mình cần thủ sẵn tiền trăm, có khi tiền triệu tùy tình hình bệnh tật. Mỗi lần nhờ y tá thì dúi vài chục, gặp BS thì dúi tiền trăm, tiền triệu, nếu muốn được quan tâm chăm sóc không bị bỏ rơi. Bệnh nhân bị ướt tấm drap muốn thay, phải dúi tiền cho bà lao công, gọi là lao công chứ đó là những bà nội… ghẻ của mình! Bệnh nhân được thay áo quần và drap giường ngày một lần, nhưng thỉnh thoảng thấy có bệnh nhân thay áo quần cả năm lần bảy lượt vì tè ra, vì đánh đổ đồ ăn thức uống, vẫn không sao, và bà lao công còn sốt sắng tận tình giúp ngay nữa kìa, trong khi người khác xin thay thêm một lần áo cũng chẳng được, mà còn bị la cho đến phải xấu hổ! Đồng tiền làm nên hết! Đạo đức nghề nghiệp, lương tâm thày thuốc, ai mà chả học qua, nhưng “cái lòng” không có thì chỉ còn lại có “Y THẤT ĐỨC”, mà nhiều người trong ngành đạt tận đỉnh! Vì thế bệnh nhân gần đây chết như ngoé, một cách công khai, chưa kể “chết chui”, “chết lủi” không ai biết tới. Rồi các “từ mẫu” cũng đua nhau ra tòa vì buôn thuốc gian lận! Lãnh đạo ngành thì rất “nhân từ” với các đồng nghiệp, bao che nâng đỡ, kể cả tạo bằng chứng giả hay thủ tiêu bằng chứng để đồng nghiệp được… thư thái khi phạm lỗi, vì lúc này người, lúc khác ta thì sao? “Y đức”không dành cho bệnh nhân thì dành cho đồng nghiệp!
Tôi nhớ đến chuyện mới đây, đứa cháu nhỏ của tôi được hơn một tuổi, cháu ngồi xe tập đi, vì chạy nhanh xe tung cả miếng ván chắn, tuột xuống cầu thang, máu me đầy mặt! Tôi ôm cháu cho xe chạy vội đến một bệnh viện ở gần nhà để cấp cứu. Bước vào tôi thấy một đống BS, y tá đang đứng nhởn nhơ cười nói, còn tôi vừa run lập cập vừa khóc năn nỉ xin BS cứu chữa cháu, vì không biết cháu chấn thương nguy hiểm đến mức nào! Cả đám người này mặt tỉnh queo, tay thọc trong túi áo đi lại tiếp tục cười nói. Tôi muốn hét lên nhưng đành cắn răng chịu. Một BS trẻ vừa đi tới, tôi chạy lại bên đưa cháu nhỏ mặt đầy máu, còn cháu khóc thét vì đau. Cả đội ngũ “áo blouse trắng” nói như giỡn với Bs vừa tới: “Coi xem có chữa được không? Nhỏ nhít mà chữa gì? Đem đi chỗ khác đi!”. Không thể tả nổi sự uất hận trong tôi lúc đó, thiếu điều tôi muốn cất tiếng chửi, hay nhổ vào mặt lũ người vô lương tâm, mất nhân tính đó, nhưng tôi đành yên lặng vội vàng bế cháu trở ra xe đến BV khác! Bản thân tôi có lần bị phỏng phải vào 2 BV mà không nơi nào nhận hay sơ cứu vết thương cho mình trước tình trạng khẩn cấp. Đến BV thứ 3 thì đợi gần 2 giờ đồng hồ mới có BS đến coi qua rồi giao cho y tá lo!
Còn phải kể đến trường hợp thuốc giả, cho thuốc để câu bệnh, bán thuốc quá hạn, và cả bệnh quan liêu cửa quyền của rất nhiều những người thày thuốc này nữa! Như vậy căn bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, và vô lương tâm của ngành y, cộng thêm với lòng tham danh, tham tiền, tự cao tự đại của đa số các người “cầm sinh mạng” của dân, hiện nay đã trở thành căn bệnh trầm kha, và là nỗi lo sợ của những bệnh nhân khốn khổ, hay là nguyên nhân những cái chết oan của họ!
II. NGUYÊN NHÂN VÌ ĐÂU?
Rất dễ nhận ra nguyên nhân của căn bệnh này:
1- Sự thiếu được giáo dục về nhân bản đối với các người này! Những đức tính ngay thẳng thật thà, lòng tự trọng, lòng nhân ái, lương tri và lương tâm, trách nhiệm của ngành y hay còn gọi là Y Đạo,Y Đức họ đã không có được, bởi sự khiếm khuyết của nền giáo dục gia đình đến học đường!
2- Họ bị tiêm nhiễm những thói tục, những tính xấu của xã hội chung quanh, từ những lãnh đạo trong gia đình, trong học đường và trong xã hội, các gương sống không ngay thẳng, nói một đàng làm một nẻo, có thể từ cả người thày dạy họ, dư NGÔN GIÁO nhưng thiếu phần THÂN GIÁO, những thói quen “nói hay làm dở”, coi trọng đồng tiền, muốn sống phong lưu hưởng thụ.
3- Cũng có thể một phần là do “đói ăn vụng, túng làm liều”, vì cái nghề BS, lương y tuy cao quý, nhưng đồng lương và sự đãi ngộ cho ngành y và ngành giáo dục là hai ngành quan trọng nhất , thì không đủ tương xứng để giúp họ giữ vững được lương tâm trách nhiệm, khiến một số người (một số thôi, còn nhiều kẻ dư tiền nhưng vẫn thế!), phải tự đi tìm những đồng tiền bất chính, phạm đạo đức và danh dự! Ngày xưa người thày giáo và thày thuốc chỉ có giúp đỡ, ban phát cho người khác, chứ KHÔNG NHẬN SỰ BAN PHÁT của kẻ khác, do đó họ được kính trọng, và là ân nhân của mọi người!
4- Cuối cùng cũng phải nhắc đến một nguyên nhân căn cốt của mọi thứ tội lỗi của con người: đó là chủ thuyết VÔ THẦN, DUY VẬT! Chính cái chủ thuyết vô thần, không tin có đời sau, có linh hồn, có nhân quả, và tôn thờ vật chất thái quá, khiến người ta không e ngại bất cứ tội lỗi nào, kể cả tội giết người, miễn đem lại lợi lộc, chức danh, tiền tài, và một cuộc sống vật chất càng dồi dào càng tốt, vì “không hưởng thì chết còn hưởng được gì?”.
Nói tóm lại, “xã hội nào, con người nấy”! Một xã hội đã bị xuống cấp đạo đức trầm trọng, nên sản sinh ra những con người tha hóa, ham danh lợi tiền của mà bỏ qua lương tâm! Thực trạng hai ngành cao quý là GIÁO DỤC và Y KHOA, là chứng minh cụ thể và rõ rệt nhất cho sự xuống dốc, tha hóa này, khiến cho những con người liên quan đến nó, ngày xưa được tin tưởng, kính trọng bao nhiêu, thì ngày nay bị coi khinh và chê trách, mất tín nhiệm bấy nhiêu!
III. LÀM SAO KHẮC PHỤC?
Căn bệnh và nguyên nhân đã rõ, muốn khắc phục tình trạng “đã bị ô nhiễm nặng”, thì phải “xử lý môi trường” trước, sau đó lo “bảo vệ môi trường”:
1- Chúng ta phải “xử lý ô nhiễm” bằng những biện pháp kỷ luật của ngành cũng như của luật pháp: từ nhắc nhở, ra chỉ thị, cho đến bắt đương sự phải CHỊU TRÁCH NHIỆM TRỌN VẸN về hậu quả họ gây ra cho bệnh nhân và người khác, tùy theo mức độ nặng nhẹ, kể cả xử phạt bằng tiền hay tù. Nếu trường hợp xét thấy không cảm hóa được thì mạnh dạn đưa ra khỏi ngành kể cả những giáo sư, thày dạy đã “mất chất”, để thanh tẩy môi trường này, và tạo lại niềm tin cho công chúng, niềm vinh dự cho người thày thuốc. Vấn đề là CÓ LÀM ĐƯỢC KHÔNG? AI LÀM? LÀM ĐẾN ĐÂU…?, nếu xã hội cứ còn tham nhũng, bè phái, chạy chọt, bằng giả, ưu ái kẻ “có công”, “có cán”…!
2- Duyệt xét lại chế bộ lương bổng, quy chế đãi ngộ cho những người thày thuốc có lương năng và lương tâm, để họ “có thực mới vực được đạo”, chứ đừng để cảnh lo toan, thiếu thốn làm bận tâm người thày, thày giáo cũng như thày thuốc.
3- Ra luật cấm tất cả các hình thức nhũng lạm, hối lộ, dúi tiền cho lao công, y tá, BS. Nếu ai có lòng thì bỏ vào MỘT QUỸ CHUNG được quản lý minh bạch của bệnh viện, để ban lãnh đạo chia sẻ với đội ngũ của mình theo luật chung.
4- Khâu tuyển lựa người học ngành Y, ngoài những tiêu chuẩn về điểm thi tuyển, cần phải chú ý đến tiêu chuẩn đạo đức và lương tâm trong sáng đủ để họ yêu mến nghề, biết đặt chữ TÂM và cái ĐỨC lên trên mọi giá trị vật chất. Người có tài nhưng kém đức thì cần loại ra khỏi ngành sớm, trước khi họ đỗ đạt.
5- Điều cuối cùng để chấn chỉnh ngành này, điều chính vẫn là ý chí và ước muốn của những người trong ngành y.Thiếu yếu tố này, thì mọi nỗ lực của xã hội cũng không đi đến đâu, vì họ là thành phần trí thức, nắm vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi người. Họ sẽ là “chủ lực” trong cuộc cải cách này.
IV. KẾT LUẬN
Cần phải lành mạnh hóa xã hội, để lành mạnh con người. Xã hội tốt, con người sẽ buộc phải tốt để có thể hòa nhập vào xã hội. Lành mạnh hóa xã hội phải từ đường lối và quyết tâm của cả guồng máy lãnh đạo. Chấn chỉnh lại nền giáo dục quốc gia, cần có chương trình giáo dục NHÂN BẢN song song với kiến thức. Nếu có sự quyết tâm và lòng nhiệt thành của người lãnh đạo, cùng với một nền luật pháp công minh, thì sẽ có thể chấn chỉnh lại xã hội, trong đó có ngành giáo dục lẫn ngành y. Xã hội xưa của ta đã làm được, thì ngày nay buộc phải làm được, nếu không có nghĩa là chúng ta thụt lùi, đi ngược lại với trào lưu chung của nhân loại. Đó là niềm mong đợi trong khắc khoải của mọi người.
MAI TRAN (Saigon ngày 16/10/2011)