Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Đất nước Chùa Vàng

VRNs (01.11.2011) – Nhìn hình ảnh đất nước Thái Lan chìm ngập trong nước, tôi bàng hoàng xúc động. Mới hôm nào đây, lần đầu xuất ngoại, tôi đến Thái Lan trong tâm trạng bồi hồi với những cái mới lạ, lần đầu tiên được ra khỏi đất nước của mình.



Những lời đồn thổi về Thái Lan trụy lạc, với nhiều cách ăn chơi sa đọa,… hay hình ảnh cướp biển vẫn còn khắc khoải trong lòng những người vượt biên năm nào, cũng làm tôi nao núng khi đặt chân xuống Phi trường Thái Lan.

Nhưng điều đầu tiên làm tôi có thiện cảm với đất nước Chùa Vàng này, là khi đi qua máy kiểm tra hành lý cuối cùng trước khi rời khỏi sân bay, có bốn người đàn ông giống như người Hồi Giáo, đều phải bỏ hành lý vào máy kiểm tra, nhưng khi nhìn thấy tôi đi sau bốn người này, người kiểm soát nhìn tôi nhẹ hất đầu, tôi chưa hiểu dụng ý của anh ta, nhưng cái hất nhẹ lần thứ hai tôi hiểu ra, là tôi không phải bị kiểm soát gắt gao như bốn người kia, và có thể xách hành lý đi thẳng không cần qua máy.

Càng đi dần vào đất nước Chùa Vàng tôi càng thấy thích thú và ngưỡng mộ. Cũng là lần đầu bước vào ga Tàu điện, sự lên xuống thứ tự của một dân tộc không khác xa dân Việt Nam mình là mấy, mà sao nó lạ lẫm quá, có nguyên tắc và trí thức ghê!

Nếu là trên đất nước của tôi, thì tôi chen làm sao được vào chuyến tàu nhanh này nhỉ ? Người xuống tàu đi trước, rất nhanh chân trong thứ tự, người lên tàu sẽ bắt đầu lên, sau người xuống tàu cuối cùng. Họ không sắp hàng nhưng trong ý thức của họ đã có hàng lối kẻ trước người sau. Và khi đã vào tàu thì họ tìm ngay một chỗ ngồi, hoặc đứng thích hợp, để tránh cửa tàu cho người đồng hành lên xuống dễ dàng. Nếu chẳng may hôm đó tàu quá đông khách, sự lên xuống khó khăn, thì người đứng gần cửa sẵn sàng bước xuống tàu dành chỗ trống cho người xuống, rồi họ lại bước lên tàu đi tiếp. Cách lên xuống rập khuôn như thế rất lạ với người Việt Nam, mà còn làm cho tôi rất xúc động khi tìm thấy cái tình người trong cách di chuyển của họ.

Những năm trước 1975, tôi vừa ngoài đôi mươi, sự đời không rành như giới trẻ bây giờ, tuy là sống trong thời binh khói, nhưng sao không mất đi sự vô tư, hồn nhiên của tuổi trẻ. Tôi có nghe phong phanh những ngườì giàu có thường hay đi du lịch Thái Lan, họ đi để đổi không khí, vui chơi trong vài ngày phép. Họ không nói gì hay ho lắm về Thái Lan, cách nhìn của họ như cho mình thấy đến Thái Lan là để giải trí, vui chơi chứ không có gì để học hỏi. Và như thế, nên trong im lặng những người không bao giờ đi ra nước ngoài như chúng tôi, cũng đồng cảm rằng nước chúng tôi, Việt Nam của chúng ta vẫn hơn xa họ.

Từ ngày đó đến nay gần 40 năm qua, nay mới có dịp đến thăm người láng giềng thấp bé hơn mình. Từ phi trường Băng Cốc tôi đã thấy sự to lớn và hiện đại của người bạn láng giềng của tôi rồi. Nếu nói Việt Nam 40 năm trước hơn hẳn Thái Lan, thì giờ này theo cặp mắt của tôi: Việt Nam đi thụt lùi quá xa so với Thái Lan.

Có rất nhiều cái mà tôi buộc phải nhận xét như thế. Đường phố sạch đẹp, nhiều làn xe ngay trong Thành phố, xe hơi nhiều hơn xe gắn máy, người dân chấp hành luật giao thông rất nghiêm chỉnh.

Một buổi sáng tôi dậy sớm ra đường phố Băng Cốc. Cảnh sinh hoạt rất nhộn nhip, dù là chưa được 6g sáng nhưng các Thương nhân đã bắt đầu đến công sở để tránh nạn kẹt xe trước giờ làm việc. Hai bên vỉa hè là những xe bán hàng rong rất nhộn nhịp đủ các loại thức ăn. Vào các ngày làm việc hàng quán có lẽ đông hơn những ngày thứ bảy và chủ nhật.

Đi dọc và theo dõi cách sinh hoạt trên đường phố. Tôi thấy hình như người dân Thái Lan ai cũng có một công việc để làm (?). Kẻ đi học, người đi làm, hoặc buôn bán… ai cũng có vẻ tất bật. Họ ghé vào hàng này mua món này, hàng kia mua món khác. Họ xách trên tay nào là phần ăn sáng, nào là phần ăn trưa, cà phê, nước uống… đều có đủ trong các xe hàng rong dọc trên các vỉa hè.

Cảnh tượng này làm tôi nghĩ đến Việt Nam. Có thể cách sinh hoạt này làm giảm bớt gánh nặng cho bà nội trợ trong nhà, khi sáng ra phải dậy thật sớm lo cơm nước, bới xách cho các thành viên trong gia đình.

Ở Thái Lan người nào cũng biết đi chợ cho bữa ăn của mình trong ngày. Đa số họ là công nhân viên chức, sử dụng lưu thông bằng tàu điện. Tàu ngừng ở ga nào đó gần nơi làm việc, họ xuống ga mua thức ăn trên đường, đem vào nơi làm việc. Hình như hết 99% đều mang thức ăn vào công sở. Hầu như trên đường phố chỉ có 2 thành phần: Xe Hơi và người đi bộ.

Rất ít có xe 2 bánh chen vào đường chỉ toàn là xe hơi nối đuôi nhau. Điều rất là lạ, là xe hơi luôn nhường đường cho người đi bộ. Quen với cách đi đường ở Việt Nam, phải đợi cho xe hơi qua hết mình mới dám băng qua đường, nhưng các xe ở Thái Lan thường chạy chậm chậm ra dấu cho người đi bộ qua trước (các đường nhỏ).

Một điều nữa làm tôi phải dừng chân lại xem. Trên con đường vào nhà thờ Công giáo có một trạm “Xe ôm”, giống xe ôm ở Việt Nam. Khách đi tàu xuống khỏi cầu thang theo thứ tự. Ai muốn đi xe ôm thì bên kia đường sẽ có một chiếc xe hai bánh ghé lại, không cần phải đội mủ bảo hiểm vì trong khu vực thành phố. Xe và người đều đi theo thứ tự, không ai tranh giành trước sau với ai. Họ rất tất bật nhưng điều này họ luôn giữ nguyên tắc, không ai nóng lòng hơn ai cả. Tôi đứng nhìn cách giữ luật của họ mà trong lòng rất ngưỡng mộ. Trong khi người Việt Nam của tôi thì luôn tranh giành với nhau, không ai nhường cho ai, mà còn lớn tiếng chửi bới nhau, từ người tài xế xe ôm, cho đến khách đi xe…

Nơi tôi trọ, gần một công viên bao quanh là một hồ nước rất lớn, công viên luôn có người chăm sóc, nên lúc nào cũng sạch sẽ. Hằng ngày có người mang bánh mì đến cho cá ăn trong hồ, cũng như cá trong con lạch nhỏ chạy quanh công viên. Tôi thường ra công viên vào buổi chiều. Công viên rộng lớn, mát mẻ, buổi chiều rất nhiều người đến đi bộ, chạy bộ, hay chạy xe đạp (có đường dành cho xe đạp) vòng quanh bờ hồ. Trong giờ làm việc, công viên còn lại đa số là người nước ngoài tập thể dục. Không có những cảnh trai gái ôm rịt nhau chiếm hết công viên như ở Việt Nam. Như thế mới là nơi dành cho mọi người. Phải biết tôn trọng nhau ở những nơi công cộng.

Còn công viên ở Việt Nam thì chẳng bao giờ tôi dám bước vào. Đằng xa nhìn vào công viên ở Việt Nam từng cặp từng cặp ru rú ôm cứng lấy nhau, xem quá mất thẩm mỹ. Những cặp tình nhân ấy xem chừng như không có chổ nào để làm việc kín, và cũng mất cả lòng tự trọng khi ngang nhiên chiếm cứ công viên, làm những cảnh mà người qua lại gượng người, đỏ mặt, tránh đi…. Chứ họ thì cứ bình thản xem như công viên là phòng riêng của họ… Đúng là dân trí quá thấp!

Một chiều đang thơ thẩn trong công viên, tôi nghe trên máy phát thanh treo quanh công viên, có tiếng tích tắc của đồng hồ báo hiệu chuẩn bị 6g chiều. Đột nhiên mọi người dừng bước đứng nghiêm, người đi xe đạp cũng thắng lại xuống xe, tiếng nhạc vang lên, tôi không hiểu gì cũng làm theo như họ. Thì ra đây là buổi chào cờ cuối ngày.

Mọi người đều tôn trọng 2 lần chào cờ trong ngày, là lúc 8g sáng và 6g chiều. Không hiểu đang đi trên đường thì họ ứng xử như thế nào? Tôi gặp những lần trong công viên, mọi người đều dừng chân, ngã nón tôn trọng quốc ca, quốc kỳ làm cho những du khách nước ngoài cũng đều phải tôn trọng giống như họ. Điều này thật là tuyệt vời. Nhưng nước Việt Nam chưa hề có điều này.

Chợ búa thì đều ghi bảng giá, và bán đúng theo giá ghi trên bảng. Vì thế dù là dân du lịch hay người dân bản xứ cũng đều mua một giá như nhau, chẳng ai mua mắc, hay mua rẻ hơn ai.

Đời sống cộng đồng đạt những điều ấy, thì chứng tỏ dân trí họ rất cao. Việt Nam chúng ta cần phải học nhiều về dân trí cộng đồng của họ.

Tôi chưa đi đâu xa, chưa đến đất nước nào, ngoài đến Thái Lan trong dịp tháng 8/2011 vừa qua. Đem điều sơ đẳng nhất của Việt Nam như: chấp hành luật giao thông, so với Thái Lan, thì Việt Nam đã thua xa họ rồi, không cần nói thêm những điều gì khác. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Rất là đúng khi áp dụng vào chuyến đi của tôi. Tôi còn mong ước có dịp đến lại Thái Lan lâu hơn nữa, vừa để học hỏi những điều hay của họ, vừa mạnh dạn nói được tiếng Anh, khi ai ai cũng sử dụng tiếng Anh với người nước ngoài như mình.

Thế nhưng tin tức về Đất Nước Chùa Vàng mỗi ngày một thê thảm hơn. Nước cứ tràn ngập dần vào Thành phố, làm người dân điêu linh, khổ sở. Hôm nay học sinh phải nghỉ học. Sân bay đã đóng cửa. Tôi nghĩ đến những người buôn bán hàng ăn hằng ngày trên phố, rồi họ sẽ làm gì để kiếm ăn? Đọc tin mọi người không làm được điều gì ngoài việc lo kiếm đường trốn lũ, tôi thương họ quá. Tôi thật sự yêu thích con người và Đất Nước Chùa Vàng mà tôi đã lưu lại trong hai mươi ngày vừa qua.

Làm sao cho nước rút thật nhanh, để họ trở về với nếp sống cũ?

Làm sao cho người dân Thái Lan mau trở lại sinh hoạt bình thường, để họ có thu nhập mà tìm lại những gì đã mất trong cơn lũ lụt.

Xin mọi người hãy rộng tay giúp đỡ họ trong cơn ngặt nghèo, khốn khổ này.

Xin mọi người hãy gởi đến họ một lời cầu xin thành khẩn. Cho họ sớm tai qua, nạn khỏi. Đất nước Chùa Vàng lại tưng bừng đón khách du lịch để mau mau làm giàu lại cho đất nước đang khốn khổ vì cảnh nạn to lớn đang ập xuống trên dân tình của họ.

Sài Gòn cuối tháng 10
Chia sẻ cùng nỗi thiên tai bất hạnh đang đến với Thái Lan


KH