VRNs (13.11.2011) – Đaklak – Lễ các thánh tử đạo Việt Nam – Chúa nhật XXXIII thường niên, năm A
Từ ngữ “tử đạo” vốn dễ được mến mộ theo nguyên nghĩa của từ gốc. Tử đạo là làm chứng. Các Thánh Tử đạo là những vị đáng tôn kính cách đặc biệt. Trong Kitô giáo, các Ngài được xếp sau hàng các Thánh Tông đồ và một vài Đấng đặc biệt như Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng, chúng ta cần chân nhận một thực tế đó là hàng Thánh Tử đạo thường mang tính cục bộ của từng tôn giáo. Một vị tử đạo trong tôn giáo này chưa hẳn được trân trọng bởi người tôn giáo khác so với các bậc Thánh hiển tu, nhất là những vị Thánh có đời sống nổi bật về đức ái. Hơn nữa hai từ tử đạo ngày nay xem ra đang bị lợi dụng và cả lạm dụng khiến người ta dễ nghi ngờ, khi mà đã và đang có đó những người ôm bom tự sát làm thiệt hại mạng sống của nhiều người vô tội.
Nói rằng các Thánh Tử đạo là những người chịu chết vì đạo thì không sai. Tuy nhiên cái nhìn này còn hạn chế và mang dáng vẻ tiêu cực. Xin mạo muội gọi các Ngài là những vị “Thánh sống đạo bằng cả giá máu”. Các Ngài sống đạo kính mến Chúa và yêu thương tha nhân bằng cả mạng sống mình.
“Chúa Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Chúng ta đừng quên Chúa Giêsu ngõ những lời ấy với tất cả mọi người. Chính vì thế, đã là Kitô hữu, thì chúng ta phải là những người sống đạo bằng cả giá máu, dĩ nhiên là có người đổ máu ra cách hữu hình và có người đổ máu ra cách vô hình. Xin được gợi ý về một trong những cách thế sống đạo đến hy sinh bằng cả giá máu, đó là trung thành một cách hiên ngang với Chúa Kitô và Lời của Người. “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy…” (Lc 9 26).
Trung thành một cách hiên ngang với Đức Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế: Theo Chúa Giêsu là phải trung thành với công cuộc cứu thế, độ nhân, phải thực thi đức bác ái với hết mọi người, bất phân chủng tộc, màu da hay chính kiến, phải sống yêu thương trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như lúc gian nan. Quả thật cái tâm lý tìm kiếm hiệu năng trước mắt, đã khiến chúng ta tính toán quá nhiều theo cách nghĩ suy nhân loại. Một đôi khi chúng ta cần biết khôn ngoan “đừng quẳng ngọc trai trước mặt heo”, nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng Thiên Chúa không ngần ngại gieo hạt giống trên các thửa đất, có khi rơi vãi trên cả vệ đường. Chỉ cần có hạt rơi vào đất tốt thì kết quả thu được sẽ lợi hơn nhiều so với phần xem như hoang phí. Hơn nữa, với ơn Chúa và sự cộng tác của con người thì dù là vệ đường, là đất cằn khô, đất gai góc đều có thể trở nên đất tốt. Khi trong tay đã đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần, khi điều kiện ngoại cảnh đang thuận lợi thì sẽ có đó nhiều người tuy khác niềm tin vẫn có thể thi hành việc độ thế cứu nhân. Khi điều kiện còn thiếu, hoàn cảnh còn khó khăn mà chúng ta vẫn kiên trì trong đức ái thì tình yêu của chúng ta mới nên giống tình Chúa đã yêu thương ta. Vì khi ấy tình yêu ta dành cho tha nhân mới đậm nét vị tha và vô cầu.
Trung thành và hiên ngang với Lời cứu độ: Một trong những cơn cám dỗ tinh tế mà ma quỷ gieo vào lòng chúng ta đó là cải biến nội dung lời mạc khải cho phù hợp với hoàn cảnh bên ngoài. Dù rằng Hội Thánh dạy ta cần học hỏi, nghiên cứu để phân biệt đâu là ý tác giả Thánh Kinh muốn trình bày theo hình thức văn chương, theo nền văn hóa của từng thời kỳ và đâu là Thánh ý Chúa muốn dạy. Có thể có sự không trùng khớp giữa những gì các tác giả nhân loại trình bày với ý Thiên Chúa muốn dạy. Điều này ta dễ nhận ra trong Cựu Ước và cả trong Tân Ước. Tuy nhiên luôn có đó những lời mà các nhà nghiên cứu đã đồng thuận đúng là những lời đích thị từ miệng Đấng Cứu Thế (ipsisima verba). Lời Chúa, cách riêng lời của Chúa Giêsu như lưỡi gươm sắc bén, phân rẽ tâm hồn. Chính vì thế tính thách đố luôn có trong Lời Chúa. Chúng ta nhận ra điều này nơi miệng các sứ ngôn thời Cựu Ước và cách rõ nét nơi Lời của Đấng Cứu độ. Tin Mừng tường thuật rằng khi nghe những lời của Chúa Giêsu, nhiều Biệt Phái và luật sĩ đã phải tím bầm ruột gan.
Không một ai được phép tự tiện uốn nắn nội dung Lời Chúa vì bất cứ lý do gì. Hãy để cho Lời Chúa trực diện với lòng ta, với tha nhân, với môi trường xã hội, với mọi thể chế, luật lệ của con người. Xin đừng nhân danh hiệu năng mà cắt xén hay cải biên lời Chúa. Xin chớ nhân danh đức ái mà uốn ép lời Chúa cho “mềm mại” và “dễ nghe”. Những điều “dễ nghe” và “mềm mại” thường là thiếu sự thật, ít trung thực và nếu có thì chỉ là phiến diện. Ánh sáng thì chói chang. Sự thật thì mất lòng. Khi ta trung thành loan báo cách trung thực lời cứu độ thì thập giá luôn có đó.
Các tiên tổ anh hùng Tử đạo của chúng ta quả thực là những vị đã sống đạo yêu thương cho đến cùng. Martinô Thọ, Phanxicô Trung, Micae Hy, Emmanuel Triệu…không chỉ yêu thương vợ con, cha mẹ nhiệt tâm, nhiệt tình mà còn yêu thương bà con lối xóm, những người khốn khổ bất hạnh, yêu thương quê hương dân tộc, yêu cả vua quan, những người đang hành hạ mình. Và trên hết các Ngài yêu mến Đấng các Ngài tôn thờ, Thiên Chúa toàn năng, chí tôn, chí thiện. Các Ngài đã trung thành với Thầy Chí Thánh và lời của Người một cách dũng cảm, hiên ngang. “Tâu bệ hạ, đánh Tây thì hạ thần đánh hết mình, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ” (Thánh Phanxicô Trung ) “ Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước, chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu” (thánh Phaolô Khoan). Dòng máu đào đổ ra chỉ là điểm đến của một cuộc đời sống đạo đến cùng mà thôi. Quả thật nếu như máu có đổ đến giọt cuối cùng mà không sống đạo yêu thương thì chỉ là tử nạn chứ không có tử đạo.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột