Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Chuyện Thái Hà và quyền tư hữu

VRNs (11.10.2011) – Torontô, Canada – Mấy ngày vừa qua, chuyện xảy ra tại giáo xứ Thái Hà lại trở nên một trong những chủ điểm tin tức nóng trên các trang thông tin trong và ngoài nước. Vấn đề trở nên phức tạp và nghiêm trọng khi nhà cầm quyền thực hiện chiêu bài “quần chúng tự phát bày tỏ bức xúc trước việc nhà thờ phản đối dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tại bệnh viện Đống Đa.” Mục đích của việc xua nhóm người được gọi là “quần chúng tự phát” đến nhà thờ Thái Hà gây rối, mạ lỵ các linh mục, tu sĩ có lẽ không gì khác là để thị uy, trấn áp giáo xứ Thái Hà. Chiêu bài này nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã thực hiện cách đây hơn 3 năm đối với giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội.



Tưởng cũng cần nhắc lại chuyện Thái Hà cách đây 3 năm, thay vì đặt vấn đề về nguồn gốc đất đai, thay vì đề cập đến chuyện chiếm dụng đất đai trái phép, nhà cầm quyền lái vấn đề sang chuyện gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại của công. Lần này cũng vậy, khi nhà thờ Thái Hà đặt vấn đề đòi lại tu viện đã bị nhà nước chiếm dụng trái luật, nhà cầm quyền lái vấn đề sang chuyện nhà thờ phản đối một dự án mang tính lợi ích cộng đồng! Dựa vào cớ đó, họ đã huy động truyền thông và nhóm người được gọi là “quần chúng tự phát” vào cuộc để thực hiện chiến dịch công kích giáo dân và giáo sĩ thuộc giáo xứ Thái Hà.

Thực ra, chuyện giáo xứ Thái Hà xét cho cùng là hệ lụy của vấn đề quyền tư hữu vốn là một trong những quyền căn bản của con người bị chính quyền cộng sản tước đoạt. Vì thế, bài viết ngắn này sẽ không phân tích chi tiết vụ việc đang diễn ra tại giáo xứ Thái Hà. Thay vào đó, bài viết sẽ nhắc đến quyền tư hữu của con người được đề cập trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội để cho thấy rằng việc Thái Hà đòi lại tu viện đã bị chiếm dụng trái phép là việc làm cần thiết nhằm khẳng định công lý và tự do mà mỗi người sinh ra phải được hưởng, chứ không thể bị tước đoạt bởi bất cứ thể chế nào.

Giáo huấn của Giáo hội về quyền tư hữu của con người

Một trong những giáo huấn cơ bản của Giáo hội liên quan đến quyền tư hữu của con người được đề cập cách cụ thể trong Thông điệp Rerum Novarum (Tân sự) của Đức Giáo Hoàng Leo XIII. Với thông điệp này, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng: “Làm sao mà ta không ngạc nhiên cho được khi thấy người ta chủ trương những quan niệm hủ lậu mà phản đối lại rằng: cá nhân có quyền dùng đất ruộng và hưởng hoa màu nhưng đâu có quyền làm chủ đất ruộng họ đã tạo lập hay phần điền thổ họ đã cầy cấy. Sao họ không thấy lý luận như thế là cướp công mồ hôi nước mắt của nông dân… Toàn thể nhân loại từ cổ chí kim đã giải quyết vấn đề cho hợp lý. Luật thiên nhiên là căn bản ưu tiên, ta phải noi theo để phân công chia của và hoạch định quyền tư hữu. Không phải vì những dư luận trái ngược của một nhóm người quá khích mà ta phải vi phạm đến lý đương nhiên…. Ai cũng thừa nhận tình trạng nhân loại đòi quyền tư hữu thì rất phù hợp nhân tính của con người, và là điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội luôn luôn ôn hoà và thịnh đạt.”[1]

Cảnh tỉnh những nguy cơ chối bỏ quyền tư hữu của con người, Đức Pio XI trong Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ Thập Niên) nhắc lại lập trường của Đức Leo XIII, đồng thời nhấn mạnh thêm: “Mục đích Đức Tiên Giáo hoàng ý thức mục vụ đã theo đuổi, là phục hưng lại giới vô sản trong xã hội. Đó là một phận sự thượng khẩn, ta phải thúc đẩy anh em tận tình lo thi hành. Về phận sự ấy ta phải tha thiết nhấn mạnh, vì ta nhận thật những huấn lệnh của Đức Tiên Giáo hoàng đã bị khinh bỏ, hoặc bị người ta cố tình im lặng không nói đến, hoặc vì người ta ý thức phận sự, nhưng tưởng là quá nặng nề không ai thực hành được mà lại không ai có quyền trốn tránh không chịu nhận được.”[2]

Cũng theo đường hướng của các vị tiền nhiệm, với nỗ lực bảo vệ quyền lợi của những người lao động nghèo trước các nhà nước độc tài, Đức Piô XII khẳng định rằng một xã hội yên ổn, tốt đẹp phải là một xã hội trong đó quyền tư hữu của con người được bảo vệ và duy trì tuyệt đối.[3]

Đặc biệt, các Nghị phụ của Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng xác quyết rằng: “Quyền tư hữu cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong phạm vi quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện tạo nên tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình.”[4]

Hơn thế nữa, nhằm gìn giữ kho tàng giáo huấn của Giáo hội về vấn đề quyền tư hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Laborem Exercens (Lao Động Của Con Người) đã gợi nhắc lại rằng: “Trong toàn bộ tiến trình lịch sử… ngay từ lúc đầu, đã thấy xuất hiện vấn đề sở hữu. Thông điệp Rerum novarum trình bày về đề tài xã hội, cũng nhấn mạnh đến vấn đề trên bằng cách nhắc lại và xác nhận giáo lý của Giáo hội về sở hữu, về quyền tư hữu ngay cả trong lãnh vực các phương tiện sản xuất. Thông điệp Mater et Magistra cũng giữ một lập trường như vậy. Nguyên tắc trên đây, Giáo Hội đã nhắc lại lúc bấy giờ và bây giờ cũng vẫn luôn luôn dạy bảo, tự căn khác biệt với chương trình tập sản hóa do chủ nghĩa mác xít đề xướng và được đem thực hiện trong một số quốc gia trong những thập niên sau thông điệp của Đức Lêô XIII.”[5] Tắt một lời, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn khẳng định rằng quyền tư hữu là một trong những quyền căn bản của con người và là nền tảng cần thiết đảm bảo cho tự do và công bằng xã hội.

Lập trường của Giáo hội trước chủ thuyết cộng sản vốn chối bỏ quyền tư hữu

Chủ thuyết cộng sản chối bỏ hoàn toàn quyền tư hữu. Điều này đi ngược lại với lợi ích căn bản gắn liền với tự do của con người. Vì vậy, dựa trên luật tự nhiên, Đức Leo XIII mạnh mẽ khẳng định: “Ai cũng thừa nhận tình trạng nhân loại đòi quyền tư hữu thì rất phù hợp nhân tính của con người, và là điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội luôn luôn ôn hoà và thịnh đạt. Pháp luật chính phủ hoạch định, thì phải hợp công lý thì mới có giá trị. Vậy nó hợp lý hay chăng là nhờ nó tự ở luật thiên nhiên phát ra. Ðã hợp lý thì tất nhiên pháp luật nhân tạo kia phải xác định nhân quyền tư hữu và nếu có lẽ cần thì bảo vệ quyền ấy bằng cả quyền lực nữa.”[6]

Cùng một quan điểm với Đức Leo XIII, Đức Piô còn nhấn mạnh hơn nữa: “Những tà thuyết bành trướng mãi, thì rất có thể ngăn đường đưa đến công bằng và hòa bình vĩnh viễn… Tạo hóa đặt quyền tư hữu làm phương tiện phân công chia của. Bỏ những nguyên tắc căn bản này là liều mình lạc xa đường chính.”[7]

Dĩ nhiên, thẩm quyền Giáo hội cũng không vì vạch ra và bác bỏ những sai lầm nghiêm trọng của chủ thuyết cộng sản mà qua đó ủng hộ chủ thuyết tư bản vốn tuyệt đối hóa quyền tư hữu của con người. Trái lại, Giáo hội thường chỉ tương đối hóa quyền này và thường cân nhắc quyền này trong lợi ích toàn thể, hay nói khác đi là công ích. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Laborem Exercens đã làm sáng tỏ điều đó: “Truyền thống Kitô giáo không bao giờ chủ trương đó là quyền tuyệt đối, không gì chạm đến được. Trái lại, quyền này được hiểu trong bình diện rộng lớn hơn thuộc quyền lợi chung của mọi người được sử dụng các lợi ích của cải của toàn thể tạo vật: quyền tư hữu phụ thuộc vào quyền công ích, vào việc sử dụng chung các lợi ích của cải.” Trong Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), các Nghị phụ của Công Đồng Vaticanô II cũng trình bày rõ ràng mối tương quan giữa công ích và quyền tư hữu: “Quyền tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân vào sở hữu công cộng tuỳ theo những đòi hỏi và trong giới hạn công ích, nhưng phải bồi thường tương xứng.”[8]

Thay lời kết

Chuyện Thái Hà xảy ra lần này xét bề nổi của vấn đề thì có thể vẫn là chuyện đi đòi đất. Nhưng qua chuyện đòi lại mảnh đất đã bị chiếm dụng một cách bất hợp pháp và không hề có chuyện “bồi thường tương xứng”, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đang đòi lại một trong những quyền căn bản “tạo nên tự do của con người” mà đã bị người ta đánh cắp: QUYỀN TƯ HỮU.

Anthony Nguyễn Văn Dũng, DCCT

----------------------------

[1] Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Thông điệp Tân Sự, # 8.
[2] Đức Giáo Hoàng Piô XI, Quadragesimo Anno, # 48.
[3] Đức Giáo Hoàng Piô XII, “Internal Order of States and People” in The Major Addresses of Pope Pius XII, ed. Vicent Yzermans (St. Paul: North Central Publishing Company, 1961), vol. II, 58-59.

[4] Vatican II, Gaudium et Spes, # 71.
[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Laborem Exercens, # 14.
[6] Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Rerum Novarum, # 9.
[7] Đức Giáo Hoàng Piô XI, Quadragesimo Anno, # 44.
[8] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, # 71