VRNs (07.11.2011) – Sài Gòn – Tối hôm qua, khi những ngọn nến cháy sang ở Sài Gòn (Đền Đức Mẹ hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, quận 3), ở Nam Định (nhà thờ Bảo Long) thì ở địa phận Vinh, các bạn trẻ cũng quy tụ lại bên nghĩa trang các anh hai (các thai nhi bị phá được chon cất cẩn thận) cũng hướng về Thái Hà, tạo ra bầu khi hiệp thong sâu xa của cả quê Việt hướng về Thái Hà.
Nhân đây, chúng tôi muốn giới thiệu lại bản văn ghi lại bài giảng được thu âm của tu sỹ Nguyễn Thể Hiện tại Đền ĐMHCG Sài Gòn trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Thái Hà vào tối Chủ Nhật 6/11/2011. Hình thức văn nói của bài giảng được giữ nguyên, để giúp những quý vị không thể nghe được âm thanh do phải dung proxy giúp vượt tường lửa, cũng có thể hiệp thông.
Hình buổi cầu nguyện ở Vinh do Ban tổ chức cầu nguyện tại Trung tâm Gioan Phaolô II gởi đến cho VRNs
—————
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, có lẽ cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi cộng đoàn chúng ta họp nhau trong thánh lễ này cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở Thái Hà, đồng thời hiệp thông với anh chị em ở Thái Hà trong cơn hoạn nạn và trong những nỗ lực sống Tin mừng của anh chị em ở Thái Hà trong lúc này, thì chúng ta lại có ở đây một sự hiện diện đặc biệt: sự hiện diện của Cha Bề trên Tu viện Thái Hà – Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng. Xin cộng đoàn cho một tràng vỗ tay chào ngài (cộng đoàn vỗ tay).
Vâng, xin cảm ơn cộng đoàn.
Kính thưa cộng đoàn,
Chuyện kể là có mười cô gái được chọn làm phụ dâu để đi với cô dâu đón chàng rể trong một đám cưới. Cả mười cô đều được chọn làm thành một đội rước dâu. Cả mười cô đều mang đèn của mình. Cả mười cô đều biết chú rể sẽ đến. Cả mười cô đều hướng lòng đón biến cố chú rể đến, để cùng với chú rể và cô dâu làm thành đoàn rước đi vào tiệc cưới. Rồi cả mười cô trinh nữ ấy đều ngủ thiếp đi vì chàng rể đến chậm. Có vẻ là cả mười cô đều không khác nhau về nhiệm vụ, về sự hiểu biết, về sự mong chờ, và cả về sự mệt mỏi trong sự mong chờ đó nữa. Thế nhưng, kết cục thì chỉ có năm cô được đi vào dự tiệc cưới, còn năm cô thì không được vào dự tiệc cưới. Đâu là sự khác biệt giữa hai nhóm này?
Như tôi vừa thưa với anh chị em, sự khác biệt không nằm ở chỗ họ thuộc về đội phụ dâu hay không thuộc về đội phụ dâu. Sự khác biệt cũng không hệ tại ở chỗ họ có đèn hay không, vì tất cả họ đều có đèn. Sự khác biệt cũng không nằm ở chỗ họ có sức khỏe để chờ đợi, hay đều mệt lả và ngủ thiếp đi. Sự khác biệt không nằm ở những chỗ đấy. Sự khác biệt chỉ nằm ở một chỗ duy nhất thôi. Năm cô được vào dự tiệc cưới là các cô mang đèn và mang đủ dầu theo. Còn năm cô không được vào dự tiệc cưới, thì tuy vẫn mong chờ chú rể, tuy vẫn thuộc về đội rước dâu, tuy vẫn mòn mỏi chờ đợi và lòng vẫn hướng về biến cố chú rể đến, nhưng vì các cô không mang đủ dầu theo với đèn của mình, nên các cô đã đánh mất cơ hội được vào dự tiệc cưới. Vậy sự khác biệt giữa hai nhóm nằm ở chỗ là có đủ dầu hay không có đủ dầu. Được gọi là Kitô hữu thôi, chưa đủ để chúng ta có thể vào tiệc cưới Nước Trời. Ý thức rằng một ngày nào đó Chúa của chúng ta sẽ tới thôi, chưa đủ để chúng ta có thể được vào Nước Trời. Mong Ngài mau tới thôi, chưa đủ để chúng ta được vào Nước Trời, nếu chúng ta không chuẩn bị đủ dầu cho ngọn đèn của cuộc đời mình.
Và kính thưa anh chị em,
Trong các thứ chất liệu làm nên dầu để chúng ta đón Chúa Kitô, Hội thánh nói với chúng ta một loại chất liệu. Đó là những giá trị xã hội. Tôi muốn đề cập đến những giá trị xã hội được đề cập đến trong học thuyết của Hội Thánh Công Giáo về xã hội, và hiểu những giá trị xã hội đó như là chất liệu làm nên dầu cho xã hội và làm nên dầu cho đời sống cá nhân của chúng ta, để chúng ta có đủ dầu mà đón Chúa Kitô đến. Những giá trị xã hội được đề cập đến trong học thuyết của Giáo Hội về xã hội thì gồm bốn giá trị sau đây. Đó là Sự thật. Đó là sự tự do. Đó là công bằng. Đó là tình yêu mến. Anh chị em của chúng ta ở Thái Hà bây giờ – các linh mục, tu sĩ và giáo dân, và cùng với anh chị em của chúng ở Thái Hà bây giờ là biết bao nhiêu con tim của những con người có lương tri lành mạnh, nhất là của các Kitô hữu – đang nỗ lực để sống bốn giá trị đó ngay lúc này, ngay trong hoàn cảnh bi đát lúc này.
Nhưng, để có thể nói đến những điều đấy, tôi xin mời anh chị em quay lại một chút với những gì đã xảy ra ở Thái Hà.
Lâu lắm rồi, vào năm 1928, khi ấy ở đây có lẽ chỉ mới có Cha Chân Tín đã cất tiếng khóc chào đời, thì DCCT đã mua một thửa đất ở Thái Hà Ấp – Hà Nội, gồm hơn 61.000 m2. Mua chứ không phải là tổ chức xã hội nào cấp cho đâu anh chị em ạ. Và trên mảnh đất ấy, Nhà Dòng xây một tu viện và một nhà thờ. Thời thế đảo điên, rồi những người cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc. Dần dần họ chiếm lấy mảnh đất ấy. Chiếm lấy một cách bất hợp pháp. Chiếm không theo luật lệ của chính họ. Họ cứ chiếm dần mà không có một mảnh giấy nào, không có một quyết định hợp pháp nào. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích từ chối dâng cho họ mảnh đất của Nhà Dòng. Ngài bảo ngài không có quyền. Một ông cán bộ nói với ngài: “Ông không có quyền thì chúng tôi có quyền”. Trong cái mảnh đất hơn 61.000m2 ấy, trung tâm là tu viện và nhà thờ. Tu viện cũng bị họ lấy dần. Nhưng Cha Bích vẫn ở kiên cường. Tôi nghe một cụ già ở Hà Nội kể rằng Cha Bích ở đấy cho đến tận năm 1973, và vào 1 ngày nọ của năm 1973, Cha Già đi giảng. Khi ngài về đến nhà, thì người ta đã dọn đồ của ngài ra khỏi cái tòa nhà của tu viện mà đưa về bên kia nhà thờ, bỏ vào trong một cái nhà nhỏ, bây giờ vẫn là mảnh đất đang tọa lạc tu viện DCCT Thái Hà. Như thế là lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, kẻ cướp tràn vào. Và hắn đẩy chủ nhà ra khỏi nhà. Rồi cái tòa nhà ấy dần dần biến thành trạm xá, rồi bệnh viện Đống Đa. Đấy là lịch sử.
Mảnh đất hơn 61.000m2 ấy phần này phần kia lọt vào tay người này người kia. Và tu viện và giáo xứ Thái Hà bây giờ chỉ còn có 2.700m2 thôi. Cái nhà thờ (Kỳ Đồng) này, tính từ đầu đến cuối, kể cả phòng thánh, kể cả hai bên cánh, chắc khoảng chừng được hơn 1.000m2. Cái hầm để xe dưới kia hơn khoảng 2.000m2 hoặc gần 3.000m2. Tất cả tu viện, nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ, chỗ để xe, các công trình của tu viện và DCCT Thái Hà chỉ còn có 2.700m2, tức là bé đâu bằng cái hầm để xe của chúng ta thôi, trên mảnh đất vốn khi mua thì rộng hơn 61.000m2.
Ấy thế mà, tình hình là thế nào thưa anh chị em? Đó là: bây giờ mỗi ngày chủ nhật có khoảng chừng mười mấy ngàn cho đến hai chục ngàn lượt người con cái Chúa đến với Đức Mẹ và đến với Chúa ở ngôi nhà thờ bé nhỏ trên cái mảnh đất bé nhỏ ấy. Nhu cầu tâm linh của dân là có thật. Nhu cầu tôn giáo của các công dân Công Giáo là có thật.
Một ngày gần đây, nhà cầm quyền quyết định xây một trạm xử lý nước thải y tế trên phần đất thuộc tu viện và giáo xứ Thái Hà. Tôi đến nhà anh lấy nhà. Tôi đuổi anh ra khỏi nhà. Tôi cướp nhà anh. Rồi tôi xây ở trên đấy một cái bể chứa nước thải. Anh là chủ nhà, anh trả lời: “Không được làm vậy. Đấy là đất của tôi, mà chúng tôi lại đang có nhu cầu sử dụng mảnh đất ấy…”.
“Chúng tôi” đây không phải là 5-7 anh tu sĩ, mà là cả hai chục ngàn lượt người đến mỗi tuần đấy. Mấy chục ngàn con người ấy cần đất, cần chỗ để thờ phượng Chúa, để sinh hoạt tôn giáo. Mà nhu cầu tôn giáo là một nhu cầu tâm linh căn bản của con người. Chúng tôi bảo các anh không được xây trên mảnh đất ấy bất cứ thứ gì vì đấy là đất của chúng tôi. Hơn nữa, chính quyền đã có chủ trương đưa các bệnh viện và các trường đại học ra vùng ngoại ô, giải phóng khỏi khu dân cư, cho nên chúng tôi đề nghị quí vị trả lại cho chúng tôi cái tu viện ấy, cái tu viện mà quí vị đã mượn một cách đầy bạo lực đấy, để chúng tôi phục vụ bà con về nhu cầu tâm linh và các công tác từ thiện – bác ái khác…
Nhưng người ta không nghe. Và người ta đã không chỉ không nghe. Người ta còn tạo nên những làn sóng căm phẫn trong xã hội. Người ta bêu nhuốc, vu khống các linh mục và tu sĩ ở Thái Hà. Và một trong những hành động đỉnh điểm là: cách đây 3 ngày, vào chiều ngày 3-11, hơn 100 người, trong đó có không ít những người nồng nặc mùi rượu, đã đột nhập vào khuôn viên của tu viện và nhà thờ Thái Hà rồi bắt đầu gây hấn. Họ túm cổ áo cha Lưu Ngọc Quỳnh, họ xô đẩy thầy Nguyễn Văn Tặng, vv… Vào lúc bấy giờ, tu viện có được mấy người đâu, vì giáo dân đi làm. Chỉ có mấy ông già và mấy bà già đang đọc kinh ở nhà thờ. Chuông nhà thờ liền đổ hồi. Điện thoại được gọi đi tứ tung khắp nơi. Dân Chúa khắp nơi, cụ thể là dân Chúa bên Hàm Long với Cha xứ và dân Chúa nhiều nơi nữa, bắt đầu đổ về nhà thờ Thái Hà. Đám côn đồ đang hò hét liền vội vã rút lui. Tối hôm ấy, đúng như dự đoán, đài truyền hình và báo chí ở Hà Nội bắt đầu vu oan cho nhà thờ Thái Hà. Họ còn bảo rằng đó là quần chúng nhân dân bức xúc đến nhà thờ… Quần chúng nhân dân tự phát lên cơn bức xúc mà có phóng viên đài truyền hình đi cùng, có các thứ nghiệp vụ quay phim chụp ảnh đi cùng ư? Màn kịch diễn thật vụng về ! Rồi họ bắt đầu, từ hôm đấy đến nay, nặng lời với các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở Thái Hà.
Ngày hôm kia, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã lệnh cho Cha Chánh Văn phòng viết một lá thư bày tỏ sự hiệp thông với Thái Hà, trong đó có 2 điểm quan trọng. (1) Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội khẳng định và tôn trọng quyền sở hữu của tu viện và giáo xứ Thái Hà trên thửa đất hơn 61.000m2 mà hiện nay có nhiều cơ quan của nhà nước đang đóng trên đó. (2) Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn phản đối hành vi gây hấn bạo lực của nhóm côn đồ kia.
Đấy là câu chuyện cho đến bây giờ. Và với những gì đang xảy ra, người ta có thể dự đoán: trong những ngày sắp tới, tình hình sẽ còn bi đát hơn chứ không chỉ dừng lại ở mức đó. Và đó là lý do khiến chúng ta hôm nay hiệp thông cầu nguyện.
Tôi kể dài như thế là bởi vì tôi biết có nhiều anh chị em trong nhà thờ không hiểu rõ câu chuyện. Bây giờ, tôi xin mời gọi anh chị em hiệp thông với anh chị ở Thái Hà mà suy tư xem chúng ta có thể đổ loại dầu nào và đang đổ loại đầu nào vào cái bình của mình để mình đi đón Chúa Kitô. Loại dầu mà anh chị em ở Thái Hà đang đổ vào bình để đón Chúa Kitô, như tôi nói, gồm bốn chất liệu là bốn giá trị xã hội: sự thật, công lý, quyền tự do, và đức thương yêu.
a. Sự thật
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nói thế này: “Mọi người đều có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Thật vậy, khi việc sống chung của con người trong cộng đồng được xây dựng trên sự thật, đời sống chung ấy sẽ được trật tự và có kết quả xứng với phẩm giá của những con người. Càng nhiều người và nhiều tập thể xã hội cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật, họ càng tránh được những lạm dụng và càng dễ hành động phù hợp với các đòi hỏi khách quan của luân lý”.
Cái gì đang diễn ra ở Thái Hà lúc này thưa anh chị em ? Đó là nỗ lực của linh mục, tu sĩ và giáo dân ở Thái Hà để tôn trọng một sự thật. Một sự thật là thửa đất ấy là thửa đất của DCCT và giáo xứ Thái Hà. Một sự thật là cho đến bây giờ DCCT và giáo xứ Thái Hà vẫn giữ nguyên tất cả các giấy tờ hợp pháp, cho thấy họ có quyền sở hữu và quyền sử dụng mảnh đất ấy và những cơ sở trên mảnh đất ấy. Sự thật là cho đến bây giờ chưa hề bao giờ có một quyết định của nhà cầm quyền trưng thu, trưng mua hay tịch thu cách hợp pháp cả, mà chỉ có sự chiếm lấy dần dần, chiếm lấy, chiếm lấy, thậm chí chiếm cả theo cách thức chủ nhà đi vắng thì vào dọn đồ của chủ nhà ra, rồi lấy tòa nhà đó làm chỗ của mình. Sự thật là như thế. Và anh chị em giáo xứ Thái Hà đi tìm cái sự thật ấy, công bố cái sự thật ấy.
Nhưng bên cạnh cái nỗ lực của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà bảo vệ sự thật, là nỗ lực của một hệ thống truyền thông và hệ thống chính trị cố gắng lấp liếm sự thật ấy. Nếu anh chị em có dịp coi (mà chắc anh chị em chẳng thèm coi đâu) báo Hà Nội Mới và Đài phát thanh – truyền hình Hà Nội những ngày vừa rồi, anh chị em sẽ thấy họ hô lên rằng các linh mục và tu sĩ DCCT ngăn cản việc xây dựng trạm xử lý nước thải. Vấn đề không phải như vậy, mà là tôi không đồng ý cho xây dựng trạm xử lý nước thải trên nhà của tôi, trên đất của tôi. Anh đến nhà tôi, tự nhiên anh mang cái bể vào, rồi anh bảo: ‘Tao xây ở đây’. Khi tôi không đồng ý thì anh chửi bới và vu khống tôi đủ điều ! Trong những ngày vừa qua, một số người ở Hà Nội gọi điện báo cho tôi biết người ta đi loan truyền trong cộng đồng dân cư ở xung quanh tu viện Thái Hà rằng: các cha DCCT Thái Hà khuyến khích dân đừng đến bệnh viện chữa bệnh, trái lại cứ chữa bằng thần dược. Đó là một sự vu khống. Đó không phải là sự thật.
Thưa anh chị em, như thế, một bên là nỗ lực tôn trọng và tìm đến sự thật, một bên kia là nỗ lực của sự dối trá. Làm sao xã hội có thể phát triển được nếu người ta chỉ xây dựng các quan hệ của mình trên sự dối trá ?
Nhưng dầu mà chúng ta phải đổ vào đèn là dầu của sự thật, và đó là điều mà anh chị em chúng ta ở Thái Hà đang thực hiện.
b. Tự do
Cái chất liệu thứ hai làm nên bình dầu để chúng ta đón Chúa Kitô là tôn trọng tự do. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội viết: “Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người, cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người. Tự do diễn ra trong các quan hệ giữa người với người. Mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và có quyền tự nhiên được nhìn nhận như một hữu thể có tự do và có trách nhiệm. Mọi người đều phải có nghĩa vụ tôn trọng điều ấy. Quyền thể hiện sự tự do, nhất là trong các vấn đề luân lý và tôn giáo là một đòi hỏi không thể bỏ được trong phẩm giá của con người… Giá trị của tự do sẽ được tôn trọng khi nào mọi thành phần trong xã hội đều có điều kiện hoàn thành ơn gọi riêng của mình; tìm kiếm sự thật và tỏ bày các tư tưởng tôn giáo văn hóa và chính trị của mình; lựa chọn bậc sống, và nếu có thể lựa chọn hướng nghề nghiệp cho mình; theo đuổi các sáng kiến mang bản chất kinh tế, xã hội hay chính trị…’
Trong trường hợp cụ thể của Thái Hà, tôn trọng tự do trước hết chính là tôn trọng quyền được sống Đạo, quyền được thực hành các thực hành tôn giáo, quyền được thờ phương Thiên Chúa, quyền được học giáo lý, quyền được cầu nguyện. Mà những quyền đó sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu cơ sở vật chất quá nhỏ, khi chỉ có 2.700m2 đất mà trên đó tọa lạc cả nhà thờ, cả nhà dòng, cả nhà giáo lý, tất cả mọi thứ công trình. Thưa anh chị em, làm sao một cơ sở nhỏ như thế có thể phục vụ nhu cầu tâm linh và tôn giáo của hàng mấy chục ngàn con người? Mà cái mảnh đất bên cạnh đấy thì lại là mảnh đất của mình mua, mình xây nên, bây giờ mình xin trả lại cho mình để mình có thể phục nhu cầu tôn giáo, nhu cầu tâm linh của anh chị em mình!
Công nhận nhu cầu tôn giáo và nhu cầu tâm linh của anh chị em ở Thái Hà là công nhận một sự thật. Tôn trọng cái nhu cầu tôn giáo ấy, tôn trọng cái quyền hành đạo ấy, và tạo cơ sở để người ta có thể hành đạo và sống đời sống tôn giáo trên chính những tài sản của người ta đấy, đó là tôn trọng tự do và phẩm giá làm người. Các tu sĩ, linh mục và giáo dân ở Thái Hà không xin một mảnh đất để kinh doanh. Họ xin lại một mảnh đất của họ, tức là họ xin lại cái cơ sở tối thiểu, để trên cơ sở đó họ có thể phục vụ con người, phục vụ kẻ sống, phục kẻ chết, phục vụ nhu cầu tâm linh, và vì vậy là phục vụ tự do và phẩm giá của hàng mấy chục ngàn người.
Nhà cầm quyền Hà Nội thì lại không muốn điều đấy.
Thế là ta lại thấy: một bên cứ nỗ lực tôn trọng tự do của anh chị em mình, còn bên kia thì tìm cách gạt bỏ những nhu cầu chính đáng, những quyền căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, quyền được thờ phượng.
c. Lẽ công bằng.
Cái giá trị xã hội thứ ba mà Hội Thánh muốn nói đến, tức là chất dầu mà chúng ta phải đổ vào bình để đi đón Chúa Kitô, đó là sự công bằng. Trong truyền thống dân luật La Mã, công bằng được định nghĩa là ý muốn bền vững và kiên định nhắm trả lại cho mọi người quyền lợi của họ. Thánh Tôma nói rõ hơn : Công bằng là một nhân đức nhờ đó, bằng một ý chí trường tồn và bền vững, người ta trả lại cho mỗi người quyền lợi của họ.
Ở chỗ này cần chú ý hai điều: (1) Tài sản đó là tài sản của tu viện DCCT và giáo xứ Thái Hà, và chủ thể là tu viện và giáo xứ Thái Hà có quyền lợi của họ trên tài sản của họ. (2) Và theo lẽ công bằng, tài sản mà anh đã mượn ấy, anh phải trả lại cho người ta khi đến thời đến buổi, khi người ta cần. Anh đến mượn, dù muốn dù không người ta cũng phải để cho anh chiếm. Bây giờ người ta xin anh trả lại cái của khổ chủ. Trên cái mảnh đất hơn 61.000m2 ấy, cái khu vực bây giờ là bệnh viện Đống Đa hình như chỉ chiếm khoảng 10.000 – 12.000m2 là cùng. Người ta chỉ xin lại chưa đến 1/6 những gì anh lấy của người ta. Theo lẽ công bằng, anh phải trả. Anh lấy của tôi 61.000 đồng, bây giờ tôi chỉ xin anh cho tôi lại 10.000 để tôi mua đồ về làm lễ cúng bố tôi, nhưng anh đứng lên chỉ vào mặt tôi mà bảo: mày đòi bất hợp pháp, và theo quyết định này quyết định kia, tao không trả. Lẽ công bằng ở đâu?
Công bằng là một ý muốn bền vững và kiên định (tức là ý muốn được thể chế hóa bằng luật lệ, bằng những quyết định của xã hội nữa, chứ không phải ý muốn không không ở trong đầu) nhằm trả lại cho 50 ngàn con người kia cái quyền được có cơ sở thờ phượng của họ. Trả lại cho họ cái quyền có cơ sở ấy, đấy cũng là lẽ công bằng. Vậy không phải chỉ là mảnh đất, mà còn là trên mảnh đất ấy là quyền được thi hành nhiệm vụ tôn giáo của mình, quyền được bảo đảm đời sống tôn giáo của mình.
Lẽ công bằng đấy, một bên là những linh mục, tu sĩ và những giáo dân nghèo hèn, khốn khổ, không có 1 tấc sắt trong tay, đang cố gắng đi tìm, đang không ngừng khao khát ; còn bên kia là cả 1 hệ thống có cả dùi cui, có cả chó nghiệp vụ, có cả 1 hệ thống truyền thông nữa, cứ hăm he phá bỏ, tước bỏ.
Nhưng thưa anh chị em, cái lẽ công bằng đấy phải được thực hiện và những nỗ lực đi tìm sự công bằng, chính là một trong những cách thức đổ đầy cái bình dầu của chúng ta để chúng ta đón Chúa Kitô.
d. Tình yêu mến
Giá trị thứ tư trong các giá trị xã hội mà học thuyết xã hội của Giáo Hội nhắc cho chúng ta, là tình yêu mến.
Đối diện với đám người côn đồ kia là những nỗ lực hòa bình. Đối diện với sự tấn công và vu vạ cáo gian của hệ thống truyền thông kia là những nỗ lực của tình yêu mến. Anh chị em ở Thái Hà đã vậy, mà những anh em ở các nơi nữa cũng vậy. Anh chị em đang cầu nguyện cho Thái Hà đây cũng là đang sống trong tình yêu mến đấy.
Anh chị em ở Thái Hà đùm bọc lẫn nhau. Kể từ ngày mùng 3/11 đến giờ, các sinh viên Công Giáo ở Hà Nội kéo nhau đến chia phiên ngủ ở nhà thờ. Giáo dân ở các xứ xung quanh kéo nhau đến nhà thờ ban ngày lẫn ban đêm để đùm bọc lẫn nhau. Các linh mục, rồi như anh chị em thấy, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, bày tỏ sự hiệp thông. Tôi được biết: ở ngay Sài Gòn này, rất gần tu viện này, có một tu viện nữ đang làm tuần cửu nhật để cầu nguyện cho Thái Hà. Tôi cũng biết có một nhóm bạn trẻ Công Giáo ở Vinh đang ăn chay. Hôm nay là ngày thứ ba họ ăn chay, ăn chay theo nghĩa không ăn gì, theo nghĩa là nhịn đói hoàn toàn, để cầu nguyện cho Thái Hà. Tôi tin là trong số các tu sĩ, linh mục và giáo dân đang ngồi trong nhà thờ lúc này, chắc có rất nhiều người đã dâng các hy sinh để hiệp thông và cầu nguyện cho Thái Hà. Đó là tình yêu mến đấy. Đấy là sự đùm bọc lẫn nhau đấy.
Đối diện với bạo lực, đối diện với nhóm người tự xưng là nhóm quần chúng tự phát (mà trong thực tế là một nhóm mang tính chất côn đồ ập vào nhà người ta, đập phá đến độ cổng sắt của nhà dòng bị bung ra), đối diện với đám côn đồ ấy là những nỗ lực của tình yêu mến. Và tình yêu mến ấy đang là chất liệu đổ vào bình dầu để chúng ta ra đón Chúa Kitô đấy.
Thưa anh chị em,
Trong buổi tối chúng ta cầu nguyện cho Thái Hà này, tôi muốn mời gọi anh chị em trước hết hãy nhìn đến bình dầu của chính mình và nhìn đến bình dầu của cộng đoàn mình. Thứ đến, chúng ta cầu nguyện để anh chị em ở Thái Hà, tức là các linh mục, tu sĩ, giáo dân ở Thái Hà và ở Hà Nội, cũng luôn luôn kiên cường đổ đầy bình dầu của mình những giọt dầu, những khối lượng dầu mà Chúa Giêsu muốn. Dầu đó được làm nên bằng bốn chất liệu: sự thật, tự do, công bằng và tình yêu.
Chúng ta ở đây hiệp thông với giáo xứ Thái Hà trong nỗ lực tôn trọng sự thật.
Chúng ta ở đây hiệp thông với giáo xứ Thái Hà trong nỗ lực kính trọng quyền tự do và phẩm giá của anh chị em mình, trong có đó quyền tự do tôn giáo.
Chúng ta ở đây cùng với anh chị em Thái Hà nỗ lực tìm kiếm và tôn trọng công lý và công bình.
Và chúng ta ở đây cùng với anh chị em Thái Hà diễn tả tình yêu mến của con cái Chúa, của những con người có lương tri ngay thẳng, khi đối diện với những oan khiên, những hoạn nạn trong cuộc đời.
Gia đình chúng ta, nếu có người bị tai nạn, anh chị em có thể ngồi yên không? Gia đình chúng ta, nếu có một người phải đi cấp cứu, anh chị em có ngồi yên ở quán cà phê nghe nhạc không? Thằng em ruột của anh bị đụng xe ngoài đường, anh có thể ung dung ngồi coi phim không?
Thái Hà anh ruột, là em ruột của ta đấy. Linh mục, tu sĩ, giáo dân ở Thái Hà là thành phần của chi thể Chúa Kitô đấy. Cái thành phần ấy đang bị đánh đập, cái thành phần ấy đang bị đe dọa và trong những ngày sắp tới chắc sẽ bị đánh nặng hơn, chắc sẽ bị đe dọa nặng hơn. Anh là Kitô hữu phải không? Chị là thành phần của chi thể Chúa Kitô phải không? Chị có thể điềm nhiên, anh có thể điềm nhiên uống cà phê và buông những lời diễu cợt không? Là người đã không làm như thế, huống nữa chi là người tin Chúa Kitô! Chúng ta được mời gọi, và không phải chỉ được mời gọi, chúng ta có nhiệm vụ phải cầu nguyện và hợp tác với nhau. Chúng ta có nhiệm vụ cùng với nhau đi tìm lẽ công bằng, đi tìm sự thật, tôn trọng sự tự do và nỗ lực sống yêu thương.
Cầu nguyện cho Thái Hà cũng là cầu nguyện cho chính chúng ta. Và với bình dầu chứa dầu của yêu thương, của tự do, của công bình và của sự thật đấy, chúng ta sẽ đón Chúa Kitô của chúng ta và chúng ta sẽ đi vào tiệc cưới với Người.
Chúa Kitô là Đấng đang đến để hoàn thành tất cả những nỗ lực của chúng ta. Chúa Kitô là Đấng đang cùng với anh chị em chúng ta ở Thái Hà đi qua cuộc khổ nạn ở Thái Hà bây giờ. Xin Người giúp cho chúng ta để ít nhất nếu không làm được gì thì chúng ta cũng đừng vô cảm. Ít nhất là nếu không làm được gì thì chúng ta cũng hãy dâng một hy sinh nho nhỏ, một lời cầu nguyện nho nhỏ, để anh của tôi và anh của chị, để em của tôi và em của chị đang ở ngoài Thái Hà, cảm nghiệm được một cách sâu xa hơn tình nghĩa của chính Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta. Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta và cùng chúng ta hiệp thông với anh chị em Thái Hà trong những ngày đặc biệt này. Amen.
Tu sỹ Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT