Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

HRW: Việt Nam cần hủy bỏ bản án cho nhà hoạt động dân chủ

VRNs (29.11.2011) - New York, USA – “Người viết blog ôn hòa bị phạt tù chỉ vì thực thi tự do ngôn luận” là điều mà Tổ chức theo dõi nhân quyền nhấn mạnh trong bản tin phát đi từ New York, ngày 28 tháng Mười một năm 2011:



Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố chính quyền Việt Nam cần thả ngay lập tức blogger Phạm Minh Hoàng và hủy bỏ bản án đã tuyên cho ông trong phiên tòa phúc thẩm vụ này. Được biết phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở tại Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29 tháng Mười một năm 2011.

Phạm Minh Hoàng, 56 tuổi, người viết blog với bút danh Phan Kiến Quốc, bị xử vào ngày mồng 10 tháng Tám với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ luật hình sự. Ông bị kết án ba năm tù, cộng thêm ba năm quản chế.

“Việt Nam vẫn bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận bằng cách áp dụng các điều luật về an ninh quốc gia có nội dung mơ hồ để bỏ tù các nhà hoạt động ôn hòa,” ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Tiếng nói của những nhà hoạt động ôn hòa như Phạm Minh Hoàng xứng đáng được đồng bào của mình lắng nghe, chứ không phải bị tòa án khóa miệng.”

Khi hình sự hóa những bất đồng chính kiến ôn hòa, Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ của mình với tư cách quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự, vi phạm ngay Hiến pháp của chính Việt Nam, vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội.

Phạm Minh Hoàng sinh tại thành phố Vũng Tàu, nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sang Pháp du học vào năm 1973. Năm 2000, ông trở về Việt Nam với tư cách một công dân Pháp và dạy môn khoa học ứng dụng tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Trên blog của mình, ông đã viết về nhiều vấn đề chính trị và xã hội ở Việt Nam. Ông kêu gọi tôn trọng quyền của công nhân và nhân quyền, ủng hộ hòa giải dân tộc, tự do ngôn luận và dân chủ.

Ông bị bắt ngày 13 tháng Tám năm 2010 vì bị cho là có liên quan tới Đảng Việt Tân, một tổ chức bị Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật, trước đây tán thành chủ trương nổi dậy chống lại chính quyền Cộng sản nhưng sau đã thay đổi đường lối và áp dụng các biện pháp ôn hòa. Không hề có bằng chứng nào cho thấy Phạm Minh Hoàng vận động hay tham gia các hoạt động bạo động chống chính quyền. Theo báo chí nhà nước Việt Nam, Phạm Minh Hoàng viết “33 bài xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.”

“Vận động cho nhân quyền và các quyền tự do cơ bản không thể là tội hình sự,” ông Robertson nói. “Rõ ràng là Phạm Minh Hoàng bị kết án chỉ vì đã biểu lộ các niềm tin chính trị một cách ôn hòa và đáng ra không bao giờ nên bắt giữ ông.”

Việt Nam hiện đang đàm phán để gia nhập TPP (Đối tác Xuyên Thái bình dương), một hiệp định thương mại đa phương quy mô lớn gồm nhiều đối tác thương mại ở châu Á và Bắc Mỹ.

“Chính quyền Hoa kỳ và các chính phủ thành viên TPP cần gây sức ép với Việt Nam để cải thiện thành tích về nhân quyền của quốc gia này, với việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị bị kết án hình sự chỉ vì chính quyền không chấp thuận các niềm tin ôn hòa của họ,” ông Roberson nói.

Đây là một đoạn văn mẫu thể hiện khẩu khí của Phạm Minh Hoàng, được trích từ bài viết của ông dưới bút danh Phan Kiến Quốc:

“Trong một thời gian dài, VN là nơi có giá nhân công thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, VN đã trở thành nơi gia công lớn trong khu vực. Hệ quả của giá nhân công rẻ là đời sống công nhân ngày càng tồi tệ. Từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, ngừng việc tập thể…

Nếu nhà nước không có những cơ chế bảo vệ người lao động mà mãi chạy theo con số tăng trưởng thì những xung đột này sẽ chẳng bao giờ chấm dứt và VN sẽ mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp gia công với những rủi ro, những bất trắc, những lệ thuộc mà chúng ta vẫn thường thấy.

Để trả giá cho việc ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, nông dân và công nhân là nạn nhân đã đành, nhưng còn một tác hại vô cùng quan trọng là vấn đề ô nhiễm môi trường đã đang và sẽ hủy hoại sức khỏe của hàng triệu người trong những năm tháng tới.”

Human Rights Watch