Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày…

VRNs (28.11.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm của Trần Ngọc Mười Hai



Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày
Là đến với đớn đau
Nhưng sao trong ta cứ vẫn yêu vẫn nhớ
Dầu sao, dầu sao nếu có một ngày.”

(Nguyễn Văn Khánh – Nỗi Lòng)

(1Th 4: 3-6)

Nếu bảo rằng, chính đó là “nỗi lòng” của những người từng hứa hẹn sẽ yêu nhau suốt đời, nhưng nửa đường lại đành thôi. Nếu lại nói, nửa đường lại đành thôi vì: “Tình những quá khắt khe”, khiến cả hai người sẽ “đau tủi cả lòng”, để rồi dù xa cách đến thế nào nữa, thì thực tế vẫn như thể bảo rằng: “lòng hằng nhớ”.

Vì “Lòng hằng nhớ”, nên nghệ sĩ mình lại cứ nhủ: “dù sao nếu có một ngày”: Ngày ấy sẽ là:

Một ngày, ai reo tim ta:
Là, tình yêu kia ly tan.
Và, lòng vẫn thương vẫn nhớ
Tình đó, khiến sui lòng ta đau
Rồi, với bao ngày lặng lẽ sống
Nỗi đau, trong lòng người yêu, vẫn yêu hoài.”

(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Và, người nghệ sĩ cứ mãi nhủ thầm: vì “tình yêu kia ly tan”, và “lòng vẫn thương vẫn nhớ”, bởi thế nên “với bao ngày lặng lẽ sống” nỗi đau ấy, thành thử nay đã thấy “nỗi đau trong lòng người yêu” kia “vẫn yêu hoài”.

Và, bởi “vẫn yêu hoài”, nên nghệ sĩ nhà mình nay lại thấy:

Năm tháng, trôi lạnh lùng hoài.
Tình đó, nhắc nhở luôn đến ta tình ai.
Nhớ cả một trời,
Tình yêu kia, mà lòng nào quên.”

(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Thế đó, là thi ca/văn học của nghệ sĩ với những giòng chảy thơ/văn khá sướt mướt và lạ lùng như sự thật. Một sự rất thật về cuộc sống của người đời, có lời lẽ khá phức tạp nhưng thực tế. Tức, những lời yêu đương của người đương yêu khiến người nghe hát rồi sẽ nói: “Không thể nào quên”.

Quên sao được, khi tình huống ở đời thường nhiều đau khổ hoặc là những tình tự khó quên trong cảnh huống rất khổ đau. Khổ và đau, không do mình mà do thời thế thế thời, thời bắt thế. Cái thời, mà người đau khổ chợt nhìn thấy tình huống dễ khiến cười, như truyện kể rất dễ hiểu nhưng không dễ quên khi người nghe kể ngồi trong “căn nhà nhỏ” lò mò học để tư tưởng mình được “cải tạo”, như:

“Ở trại tù cải tạo của chế độ có những chú cai tù rất “răng đen mã tấu” chẳng biết thực hư/hư thực chuyện dã sử, nên cứ thế mà thao thao bất tuyệt với những giảng giải những chuyện “không phải” và không đúng với chúng dân ở đó rằng:

-Nịch sử lước ta toàn nà anh hùng với nại anh hùng, không à! Lày nhé! Bắt đầu nà vua Nạc Nong Quân lấy bà Triệu Ẩu, ẩu quá bèn đẻ ra trứng, những trăm trái…

Cả hội trường được dịp cười ồ, rất huyên náo. Viên cai tù thấy cụt hứng bèn quắc mắt hỏi: tôi lói thế sao các anh nại cười. Tù nhân nọ thấy tội nghiệp bèn lịch sự đáp thay cho tất cả:

-Cán bộ ơi, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ trăm trứng chứ không phải lấy bà Triệu Ẩu đâu!

Nghe thế, cai tù bèn quay qua hỏi người phụ tá đôi câu, rồi quay qua cử toạ nói tiếp:

-Ừ thì, Nạc Nong Quân nà vua, ông ấy nấy gái lào mà chả được. Bà Âu Cơ hay bà Triệu Ẩu cũng đều nà gái tốt cả. Thôi thì, ta kể tiếp…”

Kể như giảng giải mà lại nói ngọng như giám thị nhà tù ai nghe mà chả khiếp? Khi xưa, vua quan lấy bà nào thì chắc chắn bà nấy cũng đều là “đệ nhất phu nhân” cả, có gì mà không tốt. Có tốt hay không/có đẻ không được trăm trứng thì vua quan thời đó, cũng đâu nào “một sớm một chiều” ra chiếu chỉ mà thông báo rằng “ngài” sẽ ly thân, ly dị làm khổ đôi ba mình! Ngày nay, lại sẽ không thế. Vua quan/thứ dân hôm nay, sau khi thấy sự cố xảy đến với người mình yêu hay người yêu mình, vẫn cứ phải tuân theo luật lệ mà tính chuyện ly dị, với ly thân.

Nếu là nhà Đạo, thì chuyện ly thân ly dị lại phải cân nhắc nhiều thứ cho hợp tình hợp lý. Hợp lẽ Đạo, nữa. Bởi, dân con nhà Đạo vẫn được thánh nhân hiền từ, như vẫn bảo:

“Ý muốn của Thiên Chúa
là anh chị em hãy nên thánh,
tức hãy xa lánh gian dâm,
mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ
để sống cách thánh thiện và trong danh dự,
chứ không buông theo đam mê dục vọng
như dân ngoại,
là những người không biết Thiên Chúa.
Về điểm này, đừng ai làm tổn thương
hay lừa dối anh chị em mình,
vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó,
như chúng tôi từng báo trước
và cảnh cáo anh chị em.

(1Th 4: 3-6)

Dân con đi Đạo được khuyên dạy rất nhiều điều như thế. Nhưng thử hỏi, được bao người nay còn giữ? Giữ, cả vào thời trước cũng như bây giờ? Thời trước, là thời điểm nào? làm sao biết được, vì chưa sống! Nhưng thời nay, nếu xảy đến những chuyện như thế, càng khó biết.

Khó, là bởi: ly thân hay ly dị rồi ra cũng đưa dẫn đến tình huống xấu. Xấu, cho cuộc sống vì mất đi niềm hạnh phúc như trước. Xấu, cho xã hội vì xáo trộn. Chí ít, là khi hai người dính dự thấy mình hụt hẫng, rất khó lòng. Khó, vì khi đã đâm đơn xin ly thân/ly dị rồi, cả hai đều thấy khó khi muốn quay lại làm hoà.

Có lẽ, vì thấy khó cách nào đó, nên nhiều cặp nay nhận ra rằng: tốt đẹp hơn cho bầy trẻ nếu để chúng sống hài hoà với bố mẹ, hai người dù đã ra riêng không còn sống với nhau nữa, nên tính chuyện quay về với nhau.

Trên đây là ý tưởng của William Doherty, một học giả người Mỹ chuyên lo các vấn đề về gia đình, một người từng có kinh nghiệm sống đời hôn nhân những 40 năm. Người kia, là cựu chánh án Tối Cao Pháp Viện bang Georgia bà Leah Ward Sears, cũng đã ly dị từ nhiều năm, nay quyết làm đám cưới lại. Hai vị học giả cùng khám phá ra rằng: phần đông các cặp vợ chồng từng ly dị cho biết: họ thấy cuộc sống vào những năm trước ngày ly hôn/ly dị vẫn có hạnh phúc trung bình và mức độ xung đột cũng thấp hơn thời sau ly dị.

Hai học giả trên còn cho biết: các khảo sát nghiên cứu trước đây cũng cho thấy là đa số các trường hợp ly dị phần lớn gây tai hại cho trẻ nhiều hơn cho chính mình. Xem ra những vị như thế thường nghĩ chuyện hoà giải. Và thống kê của Hoa Kỳ cũng cho biết: nếu người Mỹ giảm bớt ly dị, thì có khả năng 400 ngàn trẻ sẽ đạt lợi ích hàng năm được nhiều hơn. Và như thế, tiết kiệm được nhiều tiền của cho người đóng thuế.

Thế nên, cả học giả Doherty lẫn cựu chánh án Sears đều đề nghị với các tiểu bang ở Hoa Kỳ nên đưa ra đạo luật gọi là Luật Cơ Hội Lần Nữa với ba đề xuất sau:

1) Nên kéo dài thời gian chờ đợi ít là một năm trước khi chính thức xin ly dị bằng cách gửi cho mỗi bên một thư báo trước, để đương sự kịp sử dụng thời gian ngõ hầu biết rõ khuynh huớng tương lai mai ngày của chính mình.

2) Các bậc cha mẹ có con nhỏ nên học hỏi thêm đôi điều trước khi nạp đơn xin ly dị, để cả hai có thể rút đơn xin thôi không tiếp tục yêu cầu được ly hôn/ly dị nữa, hoặc theo cung cách không còn coi nhau như những địch thù nhất quyết đòi cho được chuyện ly thân/chia lìa.

3) Tạo nên trung tâm ưu tú đặt địa bàn ở Đại học ngõ hầu cải thiện chế độ giáo dục khả dĩ giúp cho cả hai tránh được cảnh đối đế đưa dẫn tới ly hôn.

Mục đích mà hai học giả trên đưa ra, là muốn giáo dục các cặp phối ngẫu biết mà đặt hạnh phúc của con trẻ lên trên nỗi sướng vui của mình. Khi hai người giảm bớt chuyện tập trung mọi sự vào nơi mình, thì hạnh phúc của họ cũng sẽ gia tăng cách đáng kể.” (xem Carolyn Moynihan, Family Edge View 9869 24/10/2011).

Có tập trung nhấn mạnh đến hạnh phúc rất chính đáng của con cái mình không, vẫn là chọn lựa. Chọn và lựa, để người người thấy được “lòng” mình cũng không khác gì “nỗi lòng” của người nghệ sĩ khi viết lên giòng thi ca nóng bỏng, mà hát rằng:

Yêu ai, ai hiểu được lòng
Thầm kín, những đớn đau với riêng lòng ta
Ấp ủ lạnh lùng, tình yêu kia mà người nào hay.”

(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Hiểu “nỗi lòng” thầm kín rất đớn đau, đâu đã là chuyện khá dễ. Càng không dễ, khi những người như thế vẫn “ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia, mà lòng nào hay”.

Về tâm trạng của những người nhà Đạo vẫn lạnh lùng ấp ủ thứ gì thầm kín ấy, thì bố ai mà biết được những gì để còn lấy đó mà bày tỏ nỗi niềm để kể, như có bạn đạo ở trời Tây từng tỏ bày lập trường nhiều thắc mắc, rất như sau:

“Thưa Cha,
Con có câu hỏi xin gửi đến để nhờ Cha giải quyết. Như Cha biết, hễ nam thanh nữ tú nào đáp ứng lời Chúa gọi mà dấn thân vào đời sống tu trì đạo hạnh để làm linh mục hoặc tu sĩ, thì người ấy đương nhiên sẽ chọn đời độc thân đến mãn phần. Nhưng, khi người Công giáo bình thường quyết thành vợ thành chồng, đã mấy ai quyết chọn đời độc thân làm lẽ sống đâu. Thế thì tại sao người Công giáo mình dù đã không chọn đời độc thân, một khi hôn nhân vỡ đổ, thì Giáo hội lại cứ yêu cầu cả hai người hãy nên ở vậy, dù chẳng thích. Ai cũng biết, sống độc thân như thế không phải dễ và cũng không công bằng. Theo Cha, liệu Giáo hội mình có thay luật đổi lệ đôi chút để giáo dân nào đã trót ly thân/ly dị rồi, sẽ dễ thở không?” (Người hỏi nay không ký tên, nên cũng chẳng biết người là trai hay gái, đàn ông hay đàn bà, thật rất khó).

Nếu câu trên được gửi đến với giới thơ văn nghệ thuật, chắc hẳn người hỏi sẽ được nghệ sĩ viết tặng câu thơ ai oán, lê thê hát:

“Yêu ai, yêu cả một đời.
Tình, những quá khắt khe khiến cho đời ta,
đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…”

(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Nhớ. Nhớ. Và, nhớ. Nhớ gì đây? Phải chăng, là nhớ Lời của đấng bậc nhà Đạo, một lần nữa, những nhắc nhớ và nhắc nhở đôi điều ở dưới?

“Như anh/chị biết. Khi hôn nhân vỡ đổ, hai người phối ngẫu sẽ thấy mình cần sống độc thân/ở vậy mà không thấy mình cũng được gọi để sống một đời sống rất như thế. Với họ, chuyện này đôi khi cũng rất khó. Vì khó, nên có thể là các ý tưởng ghi ở dưới cũng sẽ giúp họ đôi điều.

Trước nhất, ta đừng bao giờ quên rằng Hội thánh vẫn tỏ ra cứng rắn về điều được chính Đức Giêsu khẳng định ở Tin Mừng, mà rằng: “Ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác, tức đã ngoại tình với vợ mình.” (Mc 10: 11)

Hội thánh luôn trung thành với giáo huấn của Chúa, nên sẽ không nới lỏng mọi chuyện. Giáo huấn này làm tín hữu biết cẩn trọng hơn mỗi khi họ thiết lập hôn nhân, vì tự khắc ai cũng biết là: khi đã huỷ bỏ mọi điều tốt đẹp rồi, thì họ sẽ không còn cơ hội nào khác nữa. Chính vì lý do đó, mà việc chuẩn bị hôn nhân chu đáo, vẫn là điều cần thiết để giới trẻ biết mà chọn lựa cho kỹ ý trung nhân của mình. Họ làm thế, là để chuẩn bị sống đời chung thuỷ với nhau. Cả lúc an vui cũng như khi sầu buồn. Cả vào lúc gặp phải gian nan, hoạn nạn cũng như khi thấy mình vui sướng.”

Thứ đến, giả như hôn nhân của hai người bị gãy đổ, thì cả hai cần phải xin toà hoá giải cứu xét để huỷ bỏ hôn nhân khi trước; có như thể mới có thể được chuẩn miễn ngay từ đầu. Nếu toà hoá giải có khuynh hướng huỷ bỏ hôn nhân, thì hai bên sẽ được phép tiến thêm bước nữa mà lập hôn phối với người khác. Chính điều này đã giúp nhiều người có thêm được hy vọng.

Nếu không có lý do nào để tin rằng hôn nhân của mình vào lúc trước sẽ được huỷ, thì cả hai phải ở vậy mà sống đời độc thân, nhưng có điều chắc chắn là: Chúa sẽ thêm sức cho họ để họ có thể thực hiện việc đó trong vui vẻ. Chúa ắt biết tình cảnh mỗi người như tư cách của người Cha Nhân Hiền, thế nên Ngài sẽ nâng đỡ cả hai người bằng tình thương yêu ân huệ của Ngài. Sống như thế, nào khác như nhiều người thấy mình được kêu mời dấn bước vào bậc hôn nhân, nhưng không tìm ra được người phối ngẫu thích hợp, nên đành ở vậy. Ai ở vào các trường hợp kể trên, cũng nên phấn đấu sống cuộc đời như người độc thân, ở vậy.

Trường hợp tương tự, là của những người chọn sống đời độc thân vì Vương Quốc Nước Trời, quyết trung thành với quyết tâm của mình. Thêm vào đó, là trường hợp của những người bị cuốn hút vào với cuộc sống của những người đồng tính luyến ái, nhưng vẫn quyết sống đời độc thân trinh trong, không tì vết. Nói chung, nhiều người vẫn cứ phấn đấu vì nhiều lý do ngõ hầu mình sẽ sống đời “ở vậy” được Chúa phú ban cho nhiều ân lộc của Ngài ngang qua bí tích nhiệm mầu, đặc biệt là Phép Thánh Thể, và giải tội.

Tình cảnh trên, là lời mời gọi mọi người hãy gia tăng nguyện cầu, ngõ hầu phát triển mối tương quan mật thiết với Chúa là Đấng tạo sự đầy ắp nơi ta bằng tình thương yêu đậm đà của Ngài. Và, Ngài vẫn cam kết sẽ cứ ở với ta, nơi ta mãi mãi suốt một đời.

Nói cho cùng, ta có san sẻ với toàn thể nhân loại và hiểu biết con đường mình đang dấn bước tiến hành, thì tình thương yêu ta dành cho Chúa và tình Chúa yêu thương vẫn dành cho ta, cũng sẽ làm cho ta được mãn nguyện trước những ước ao vốn có từ con tim nhân loại dành để cho ta được biết chữ yêu đương.

Một điều khác, giúp ta phấn đấu sống như thế, là quyết tâm san sẻ những gì mình đang có mà gửi cho những vị/những người đang có nhu cầu rất khẩn thiết. Họ vẫn là những người hiện đang sống chung quanh ta. Họ chính là: gia đình và bạn bè, những người cận thân cũng như cận lân. Các đồng nghiệp ở phố chợ, lẫn sở làm. Họ, cũng là thành viên trong giáo đoàn hoặc giáo xứ. Những người nghèo hèn, hoặc đang đói đang khổ. Ta càng cho đi thật nhiều, từ chính mình, thì đời mình càng lĩnh nhận nhiều tình yêu, từ nhiều người. Đó, chính là mục đích của cuộc sống.

Trong mọi tình huống, ta vẫn gặp những người chung sống cũng giống như ta, tức là: cũng ở vào cảnh tình như mình. Họ chính là người đang sống đời độc thân/ở vậy thành công, rất mỹ mãn. Dù, việc đó tốn kém khá nhiều. Tốn thời gian. Kém tiền bạc. Tốn và kém, vẫn là điều giúp ta cũng rất nhiều. Giúp, cả khi ta cho đi. Hoặc lĩnh nhận, các ân huệ, từ trên cao. Có làm thế, cuộc sống của ta mới là mẫu gương nhân hiền cho nhiều người. Rất đáng trân trọng.” (x. Lm John Flader, Question Time, ConnorCourt Publishing 2008, tr. 188-189)

Muốn có được một giải đáp thích hợp về sống độc thân/ở vậy, mà lại hỏi cha/thày nhà Đạo rất đạo mạo ở giáo xứ, cũng bằng không. Bằng như không, là vì: chưa hỏi, người người đều đã biết câu trả lời, rất rõ ràng. Đàng hoàng. Chính mạch. Không sai một ly, đi một dặm. Dù, chỉ một chấm phết. Không sai chậy. Dù, lời khuyên của đấng bậc “lành thánh” ấy, nay không còn phù hợp với nhu cầu của dân con mình nữa. Và, chừng như cũng chẳng còn mấy ai quan tâm đến điều đó nữa.

Thôi thì, đã hỏi và đã được dặn dò rõ như thế rồi, thì chỉ mỗi cách là:hãy cứ âm thầm mà nguyện cầu Chúa Chí Ái cho mình biết sống thực và sống cho phải để làm gương cho người khác, thôi. Nguyện cầu rồi, nay muốn thoải mái gân cốt vì những căng thẳng hoặc trầm thống, thì: chi bằng ta cứ đi vào truyện kể, cũng dễ nghe, rằng:

“Đôi trai gái nọ, có lẽ cùng một tâm trạng sao đó, lại cứ đi lang thang trong làng ngoài xóm, bỗng một hôm chạm mặt mãi hoá thành thân quen, và họ bèn đi vào câu chuyện có lời hỏi/đáp như sau:

- Này, đằng ấy có bao giờ hút thuốc không?
- Chẳng bao giờ.
- Thế đằng ấy có uống rượu không vậy?
- Đây chưa từng uống, đến một giọt.
- Thế còn cờ bạc? Chắc đôi khi cũng có chơi?
- Không khi nào lại bê bối đến thế.
- Thế, có bao giờ đằng ấy có tình có ý với cô nào chăng?
- Cũng không luôn. Đằng này chủ trương sống độc thân, việc gì mà lại thế.
- Ấy, không hút thuốc cũng chẳng uống rượu. Không cờ bạc, cũng chẳng trai gái rất lăng nhăng, thế sống để làm gì không biết nữa?
- Để làm linh mục chứ để làm gì, sao đằng ấy khờ thế.”

(Trích truyện cười mang tên “truyện cực ngắn”, ở trên mạng)

Nghe kể những truyện cực ngắn như thế, ý hẳn người nghe sẽ nhớ nhiều, rằng: trong đời người và đời mình, nhiều lúc cũng có “đấng bậc” hoặc nghệ sĩ đi trước, cứ là ngâm nga hát những câu ca buồn buồn rồi ngẫm nghĩ:

“Năm tháng, trôi lạnh lùng hoài,
tình đó, nhắc nhở luôn đến ta tình ái.
Nhớ cả một trời,
tình yêu kia, mà lòng nào quên.”

(Nguyễn Văn Khánh – bđd)

Hôm nay, nếu người người lại cứ hát mỗi “nỗi lòng” của người đã từng yêu, đang yêu và sẽ yêu ở đời, thì khi hát đến câu: “tình đó nhắc nhở luôn đến ta tình ái”, mà lại nghĩ đến Ái Tình viết rất Hoa, thì chắc hẳn người hát sẽ không thấy mình cứ “lạnh lùng hoài”. Mà sẽ: “nhớ cả một trời, Tình Yêu kia, mà lòng nào quên!” Có nhớ đến Tình Yêu (viết Hoa) rất như thế, thì dẫu có sống cả một đời độc thân hay ở vậy, cũng đều là “chuyện nhỏ”, ở huyện mình. Huyện nhân gian. Huyện nhà cũng rất Đạo. Của mình.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng từng hát lên “nỗi lòng” rất của mình,
nhưng chẳng liên tưởng đến
Tình Ái của Đức Chúa, rất trên cao.