VRNs (10.11.2011) - Sài Gòn - ‘Ngày của đàn ông’/ ‘ngày của quý ông’ đã có khá lâu, từ năm 1999 nhưng ít phổ biến nên phụ nữ Việt Nam không biết hoặc nếu có biết thì cũng ít khi nhớ và cũng ít khi quan tâm, ít khi chăm chút ‘quà cáp’ cho đức lang quân của mình.
Ngày nay, phụ nữ luôn tất bật tối mắt tối mũi với bao công việc: vừa làm việc nhà với hàng trăm việc không tên, vừa chăm con cái ăn học, ốm đau, vừa phải đi làm vất vả ngòai xã hội để chia sớt gánh nặng tài chính với chồng. Có thể đó chính là lý do làm phụ nữ quên đi những dịp đặc biệt như thế này vì với họ ngày nào cũng là ngày của quý ông cả.
Tuy nhiên, người phụ nữ đã dành cả cuộc đời cho chồng cho con, đây chính là món quà lớn nhất mà người làm vợ muốn dành tặng ‘ngày đàn ông’ cho người chung chăn gối.
Để hiểu ít nhiều tấm lòng của chị em phụ nữ, chúng tôi xin giới thiệu đến quý đọc giả lá thư của một người vợ viết cho chồng nhân ngày của quý ông qua sự ghi nhận của PV. Nguyễn Quân TT của VRNs.
******
Mình ơi,
Không biết từ khi nào, hai chữ ‘mình ơi’ luôn ở trong tiềm thức của em, ở tận sâu thẳm tâm hồn em và luôn bật lên thành tiếng ở môi miệng em mỗi khi em nói chuyện với mình, ông xã của em.
Hai tiếng ‘mình ơi’ chứa đựng cả khối tình yêu thương và sự tôn trọng em dành cho mình không phải chỉ là từ ngày đầu gặp gỡ, yêu nhau mà mãi cho tới tận bây giờ và cho đến kiếp sau nếu trời cho em được tiếp tục gặp và lại yêu thương mình lần nữa.
Nhiều người quanh em, các chị em làm việc ở công ty, bạn bè và nhiều người khác luôn ngạc nhiên, thản thốt mỗi khi nghe em nhận điện thọai của mình ‘alô, em nghe nè mình’. Họ luôn cười ngạo em rằng ‘sao mà sến quá’, ‘ngọt như mía lùi’, ‘nghe nổi da gà’,… nhưng họ vẫn nhìn nhận rằng ‘nghe cũng dễ thương quá’, ‘nghe cũng muốn ganh tị quá’.
Ngày trước, ba em sống ở quê, má làm nghề buôn bán, sống ở Sài Gòn, ít chữ vì ngày xưa ông bà thường nói ‘con gái học nhiều cũng không có lợi’. Trời rung rủi làm sao cho hai người gặp nhau, yêu thương và kết tình phu phụ. Cuộc sống gia đình em lúc đó rất bình an, hạnh phúc và em luôn nghe má em gọi ba em hai tiếng ‘mình ơi’, còn ba thì luôn gọi má là ‘mình ơi’, ‘bà xã ơi’, ‘má xấp nhỏ ơi’. Hai tiếng ‘mình ơi’ theo em từ đó, từ cái thời con nít tắm mưa.
Lớn lên, đi học, em khó nhọc vất vả cùng ba má lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà đông con trong thời buổi khó khăn sau năm 1975 nhưng tình yêu của ba má vẫn cháy bỏng, vẫn nồng nàn, vẫn âu yếm gọi nhau hai tiếng ‘mình ơi’.
Mình ơi, mười năm làm vợ mình là mười năm em sống trong hạnh phúc vì mình luôn yêu thương, luôn quý trọng em, luôn an ủi vỗ về mỗi khi em buồn tủi, luôn chia sẻ lo lắng về tinh thần mỗi khi em lo âu về bạc tiền túng hụt khi gạo hết, khi con đau, khi tiền nhà chưa đóng. Mình luôn là chổ dựa tinh thần cho em, luôn bảo ban dạy dỗ em như người thầy người anh, luôn cảm thông những khi em nóng giận làm mặt lạnh không thèm nói chuyện.
Mình ơi, em biết mình yêu em nhiều lắm. Em biết rằng là công nhân mình cũng khó nhọc, vất vả, mình cũng phải thức khuya dậy sớm mới kiếm được đồng lương ít ỏi hòng phụ em nuôi nấng con thơ. Mình cũng đau lòng khi em nhăn nhó, cằn nhằn ‘mình ơi tháng này tiền nhà lên, tiền điện lên, tiền nước lên, đi chợ cái gì cũng mắc mỏ trong khi lương hướng thì đứng ì tại chổ. Còn mình chẳng phụ được gì, em chán quá mình ơi’. Những lúc như vậy mình chỉ yên lặng khẻ ôm đầu em vào lòng vỗ nhè nhẹ như người cha nâng đỡ một đứa con trong lúc nó lo buồn cần lắm sự ủi an, chia sẻ.
Để mưu sinh cho cuộc sống gia đình, vì trình độ học vấn có hạn và cũng vì công tác bác ái, mình đã chọn nơi làm việc xa nhà hàng trăn cây số. Em biết thời nay đi làm ở đâu họ cũng yêu cầu phải có bằng này bằng khác, dù có kinh nghiệm chưa chắc họ đã nhận mình. Ngòai thời gian làm việc nơi công xưởng, mình giúp Cha dạy giáo lý, làm công tác thiện nguyện và sinh họat di dân với những người đang sống xa quê. Đã nhiều lần em hỏi cho mình chổ làm trong thành phố, muốn cho mình sống gần vợ gần con nhưng mình vẫn nặng lòng bên đạo nên vợ chồng mình tiếp tục sống xa nhau.
Trong ngần ấy thời gian làm bạn đời của nhau cũng là ngần ấy thời gian em sống trong cô đơn, lặng lẻ. Những lúc con đau em bồng đi bệnh viện, tất bậc chạy theo yêu cầu của bác sĩ là xét nghiệm cái này, mua cái kia, thức canh đắp nước – quạt nồng những khi con sốt, con đau. Khi con tới tuổi đi học, em cũng chạy vại giấy tờ, đón đưa con hai buổi, chỉ bảo con làm bài, khuyên răn con từng li từng tí mong rằng con mình trở thành người hữu dụng mai sau. Việc nhà, con cái, nhà cửa em lo nhưng những lần chuyển nhà (ở trọ) mình cũng ít khi về dù em ngóng chờ trong vô vọng. Em một mình làm trong thinh lặng, một mình tư lự rồi bỗng ướt hàng mi.
Có những lúc chạy xe trên phố, khi thì đưa con đi học, khi thì trên đường tới công ty, em thấy đường đông nhưng sao em lại trống vắng vô cùng.
Mười năm chung sống với nhau mình gần nhau được mấy ngày ? Mỗi tuần mình về thăm hai mẹ con em được một tối, sáng lại đi làm vì chủ nhật còn phải giúp Cha, làm việc bác ái, tối lại vô ca. Nói như vậy không có nghĩa là em trách mình thích sống xa em mà em chỉ thấy tủi thân vì cô đơn trống vắng khi đêm về trơ trọi với con thơ. Người ta làm vợ, thân em cũng làm vợ mà tưởng chừng như hai thế giới khác nhau. Người ta đi đâu cũng tay trong tay, mặt nhìn mặt, cười cười nói nói. Còn em chạy xe trên đường, khi thì đưa con đi học, khi thì tới công ty, đường đông đúc nhưng sao em lại trống trải lạ lùng.
Mình ơi, vợ chồng mình tuy không gặp nhau thường xuyên nhưng em biết tình cảm dành cho nhau vẫn không thay đổi. Mỗi năm, đến ngày sinh nhật của em, ngày valentime, ngày 8 tháng 3, ngày 20 tháng 10, kỷ niệm ngày cưới là mình đều tặng cho em một món quà nho nhỏ khi thì cái kẹp áo, khi thì ổ bánh gatô, khi thì cái móc khóa, khi thì tờ bạc ‘hai dollar để lấy hên’,… và một cành hồng đỏ thắm chứa đựng cả tấm lòng yêu thương mình dành tặng cho em. Những lúc nhận hoa của mình em hay càu nhàu ‘ mua hoa làm gì cho phí, để mình cho em tiền đi chợ còn hơn’ nhưng mình biết không lúc đó trong lòng em sung sướng và hạnh phúc dạt dào với con tim mừng vui nhảy nhót.
Mười năm làm vợ của mình là mười năm em luôn nhận từ mình những món quà ‘mừng ngày phụ nữ’ mà chưa một lần tặng cho mình ‘ngày của quý ông’ dù là một món quà bé xúi. Song, trong trái tim bé nhỏ của em, ‘ngày của quý ông’ là cả năm dài hạnh phúc được ung dung tự do tự tại làm điều yêu thích theo suy nghĩ của mình, em không hề bó buộc mình phải ru rú ở nhà, phải khệ nệ giúp em từng công việc nhỏ ; ‘ngày của quý ông’ là cả biển tình yêu mênh mông em dành tặng mà chẳng đòi hỏi mình phải lao nhọc đáp đền ; ‘Ngày của quý ông’ là con ngoan học giỏi, siêng năng đi Lễ, đi Chầu ; ‘Ngày của quý ông’ là ly cà phê phin buổi sáng đầu tuần để dành năng lượng cho cả tuần xa vợ xa con.
Mình ơi, em cảm ơn mình đã cho em có được một đứa con xinh ngoan hiền hiếu thuận, cảm ơn mình đã ở bên em khi hạnh phúc cũng như lúc chán nản đau buồn, cảm ơn mình về những lời động viên an ủi, cảm ơn mình đã cho em biết Chúa biết yêu người và biết phục vụ tha nhân và em cũng cảm ơn mình vì bàn tay siết chặt đã cùng em đi hết mười năm. Nói sao hết lòng biết ơn vô hạn của người vợ nghèo ôm ấp một tình yêu.
Em biết dù khôn ngoan đến đâu cũng có lúc va vấp, dù chu đáo tận tụy thể nào cũng có lúc mệt mỏi, buông tay. Đời làm vợ chắc rằng em vẫn còn nhiều thiếu sót, còn cằn nhằn những lúc con hư, chưa sắm sửa cho mình tơm tất,… Mình ơi, khó khăn lắm chúng ta mới đến được với nhau, ‘có tu chín kiếp mới thành vợ thành chồng’, xin mình hãy luôn nắm lấy tay em, nắm thật chặt bàn tay dịu dàng bé nhỏ để em cảm được hơi ấm của mình, cảm được tình yêu chân thành mình dành cho em mà dũng cảm đi tiếp hết đọan đường còn lại.
Mình ơi, ‘ngày của quý ông’ năm nay cũng thế, em dành tặng mình cả cuộc đời em.
Bà xã của mình
Thỏ Ngọc
******
Nhân ‘ngày của quý ông’, tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành đến tất cả quý ông già trẻ, những người đã đang và sẽ làm chồng hãy sống xứng đáng với tình yêu của vợ. Các anh hãy nhớ rằng ‘người đàn ông thành đạt đằng sau là cái bóng của hiền thê’.
Nguyễn Quân TT, VRNs