VRNs (08.11.2011) – Sài Gòn – Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, ngày di cư vào Nam năm 1954, gia đình tôi bơ vơ nơi miền đất lạ. Vốn chữ không có, vốn nghề cũng không, xuất thân từ đồng ruộng chỉ biết con trâu cây lúa, cha tôi chật vật giữa chợ đời nuôi dưỡng đàn con. Sau nhiều năm lăn lộn, cha tôi tìm được một chân trong cơ quan của chính phủ, chân coi nhà (gardien) cho một khu cư xá dành cho các công chức cao cấp.
Gia đình chúng tôi được phép cư trú trong một biệt thự nằm trong khu cư xá. Khu cư xá nằm ven bờ kênh Nhiêu Lộc, dòng kênh thật đẹp, thơ mộng và sạch sẽ, giữa khu cư xá có một công viên xanh, bác Hai làm vườn trở nên bạn thân thiết với cha tôi. Công việc của cha tôi là trông coi các nhà trong cư xá, ngày ngày cha tôi cầm một xâu chìa khóa lớn để đi kiểm tra các nhà, mẹ tôi tận dụng hai nhà hai bên chưa cấp cho ai ở, bà dùng mảnh vườn phía sau một cách kín đáo, một nhà bà nuôi gà, còn một nhà bà trồng các loại rau cho bữa cơm gia đình.
Bên ngoài cư xá, dọc theo bờ kênh, có một đoạn là khu nhà sàn của những người lao động nghèo, trong xóm lao động có nhiều thanh niên lêu lổng, họ ăn chơi tối ngày, miệng chửi tục tằn, hay gây sự đánh nhau, cha tôi dặn chúng tôi không được chơi với họ. Cư dân của cư xá toàn là người giàu và sang trọng, chúng tôi gần như thuộc lòng họ vì cha tôi hay về kể trong bữa cơm các câu chuyện của họ cho chúng tôi nghe, trong mắt chúng tôi, cha tôi xây dựng một hoài bão tương lai cho chúng tôi cũng được như họ. Ông tòa báo này, bà giám đốc kia, ông bác sĩ nọ, …. cha tôi đọc thuộc lòng cả tên họ của họ, luôn miệng dặn chúng tôi cố gắng học hành để mai sau như họ. Họ rất quí mến cha tôi nên họ cũng quí mến chúng tôi, nhưng gặp họ, chúng tôi thuộc loại lép vế, con anh gác gian mà! Vì thế chúng tôi không có bạn.
Trong một lần tôi và hai đứa em dẫn nhau đi chơi trong khu cư xá, bọn lưu manh trong xóm lao động chặn chúng tôi lại, chúng nhảy xổ vào giật món đồ chơi trong tay em tôi, chưa thỏa mãn, chúng xô em tôi ngã xoài trên vũng nước, bộ quần áo mẹ vừa thay cho khi tắm đã bị bết bùn, mặt em tôi lấm lem, bọn chúng cười hả hê rồi lững thững bỏ đi, tôi đứng chết trân người, thương em tôi trào nước mắt, tôi không bảo vệ được em tôi, tôi đành thúc thủ trước bọn lưu manh đểu cáng, đành nhìn món đồ chơi của em mình bị cướp công khai giữa ban ngày, dẫn em tôi về lòng tôi dằn vặt mãi khôn nguôi.
Hình ảnh bị ăn cướp và bị xúc phạm theo tôi mãi, mặc cảm không bảo vệ được em mình dằn vặt tôi mãi, ấn tượng đó, mặc cảm đó theo tôi vào đời, lớn lên cùng với tuổi đời của tôi. Gần hai mươi năm sau, biến cố 75 đến, em tôi đã lớn và chuẩn bị vào đời, cha tôi quyết định cho em tôi vượt biên để tìm cuộc sống ở một nơi khác, vô tình tôi về nhà thăm gia đình đúng đêm chuẩn bị cho em tôi đi, sáng sớm tôi là người đưa em tôi đến điểm hẹn, những ngày hồi hộp chờ tin tức đưa về thật nặng nề, nỗi ân hận và mặc cảm xưa lại trào dâng trong tôi, nếu em tôi có mệnh hệ gì, … tôi không dám nghĩ nữa.
Sáng nay khi nhận được tin Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội có văn thư gởi Thái Hà, Tổng Giáo Phận Hà Nội lên tiếng khẳng định quyền sở hữu đất của Thái Hà đúng như những gì mà Thái Hà xưa nay vẫn công bố, hơn 61.000 mét vuông, Tổng Giáo Phận cũng lên tiếng không chấp nhận thái độ côn đồ, bạo lực uy hiếp tu sĩ và giáo dân Thái Hà một cách thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật, Tổng Giáo Phận bày tỏ sự hiệp thông và kêu gọi cầu nguyện cho Thái Hà, cho công bằng và sự thật. Tôi bật trào nước mắt, nỗi đau xưa, mặc cảm xưa tràn về, nhưng những giọt nước mắt hôm nay là những giọt nước mắt hạnh phúc, ngày xưa và bao nhiêu năm nay mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ ở khu cư xá, tôi vẫn âm thầm đau đớn và nghẹn ngào riêng mình, đó là những giọt nước mắt của tủi hờn, của mặc cảm bất lực trước sự tàn ác, bây giờ là những giọt nước mắt của sự ủi an, của lòng thương mến.
Thiên Chúa có cách của ngài, những ngày gian khổ, hiểm nguy, căng thẳng, chúng tôi vẫn bảo nhau vững tin vào Chúa, giữ gìn niềm trông cậy, phó thác cho Ngài, chúng tôi tin vào sự thật, sự công thẳng của Thiên Chúa, tin vào tình thương của Mẹ Giáo Hội. Khó khăn vẫn còn trước mắt, chúng tôi không lạc quan vô căn cứ, nhưng hôm nay, Giáo hội đã lên tiếng cho con cái của Giáo Hội, Giáo Hội cảm thông và bày tỏ sự cảm thông công khai. Chúng tôi được an ủi rất nhiều. Thái Hà ơi, hãy vững tin, Thái Hà ơi, hãy bình an và phó thác, mọi người vẫn hướng về Thái Hà, vẫn cầu nguyện cho Thái Hà. Hãy giữ vững niềm tin.
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
7/11/2011