Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Tại sao Cộng sản không tôn trọng con người? (3)

VRNs (19.11.2011) – Roma, Italia – 3 – Cộng sản chủ nghĩa, “thiên đàng trần thế” không tưởng.



Người Cộng Sản có thể diện cớ rằng mục đích đạt đến “…vinh quang của cộng sản chủ nghĩa” của họ, không có mục đích gì khác hơn là tạo được một xã hội cộng sản, trong đó không còn giai cấp, không còn xung khắc giữa lợi thú cá nhân và ích lợi của cuộc sống cộng đồng, bởi lẽ mọi người đều bình đẳng như nhau, liên đới thương yêu nhau , trong đó “mỗi người làm việc tuỳ khả năng , hưởng thụ tùy nhu cầu cá nhân” ( chủ thuyết của Marx) .

Trong một xã hội như vậy, không còn cần có tổ chức Quốc Gia, lập pháp, hành pháp ,tư pháp, bởi vì Luật Pháp không còn có ý nghĩa trong một xã hội không giai cấp và không có tương phản quyền lợi giữa giai cấp.

Và xã hội không giai cấp, không có tương phản quyền lợi và không cần cơ chế Quốc Gia, hay xã hội Cộng Sản, như vừa kể cần bao nhiêu đấu tranh và hy sinh để đạt được, không có mục đích gì khác hơn là để phục vụ con người, là ” thiên đàng trần thế ” của con người.

Muốn tạo được xã hội cộng sản “thiên đàng trần thế” như vừa kể, cuộc đấu tranh cộng sản phải trải qua 3 thời kỳ:

a) thời kỳ vô sản chuyên chế: toàn dân nổi dậy chống lại giai cấp quân chủ- tư bản bốc lột bằng những cuộc cách mạng, như cuộc cách mạng tháng 10 của nông dân chống lại Nga Hoàng năm 1919;

b) thời kỳ xã hội chủ nghĩa: sau khi sang bằng mọi giai cấp ,quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất (mặc dầu còn để lại một số ít tư hữu không đáng kể như tiểu công nghệ, một số ít ruộng đất cho nông dân (nhưng phải hợp thành hợp tác xã), một ít vốn liếng cho hạng buôn gánh bán bưng), Quốc Gia điều khiển kinh tế và chính quyền được mọi thành phần dân chúng tham dự, từ thành thị đến thôn quê hay “ Chính phủ nhân dân;

c) thời kỳ xã hội cộng sản: thời kỳ nầy chưa quốc gia CS nào đạt đuợc, kể cả Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết.

Là thời kỳ không còn giai cấp, không cần tư hữu, không cần Chính Quyền (được hiểu như nhóm đương quyền cầm trong tay quyền lực bó buộc), không cần Luật Pháp bởi lẽ không còn sự tương phản, tranh chấp quyền lợi .

Tổ chức xã hội chỉ cần một ủy ban Thường Vụ để điều hành mọi việc thông thường hàng ngày. Mọi người sống liên đới và thương yêu nhau. Lợi thú cá nhân trùng hợp với ích lợi chung của xã hội. Con người được hoàn toàn hạnh phúc.

Thật là một viễn ảnh cao đẹp và lý tưởng. Không biết trong một xã hội cộng sản như vưà kể, Đảng Cộng Sản có còn là

– ” …nhân cội của hệ thống chính trị, của tổ chức quốc gia và xã hội…, xác định viễn ảnh tổng quát cho phát triển xã hội, xác định chính hướng cho đường lối đối nội và đối ngoại…lãnh đạo hoạt động sản xuất to lớn của nhân dân…tạo ra đặc tính chỉ huy và khoa học có nền tảng…” hay không?

Và nếu Đảng Cộng Sản không còn giữ các vai trò vừa kể trong xã hội “thiên đàng trần thế” cộng sản vừa kể thì ai thay thế? Ai là người hoặc nhóm người được coi “…là Bậc Thầy Không thể Sai Lạc…là Sự Chính Xác Tuyệt Đỉnh…là Thần Thánh” như Đảng hoặc hơn Đảng để có thể thay Đảng phục vụ dân trong xã hội mới.

Và giả sử Đảng Cộng Sản đã tiên liệu sẵn cá nhân hoặc đoàn thể nào đó thay thế Đảng trong trọng trách phục vụ người dân trong xã hội cộng sản tương lai ( chưa chắc gì Đảng có đủ khả năng để tìm được cá nhân hay đoàn thể trổi vượt như vậy), để Đảng sẽ tự giải tán khi nhân dân đạt đến xã hội cộng sản, thì câu hỏi còn lại người cộng sản cũng chưa đưa ra câu giải đáp thỏa đáng:

– Còn bao lâu nữa nhân dân các Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ bước sang xã hội Cộng Sản Chủ Nghĩa?.

Người ta đã đặt câu hỏi tương tợ đối với các lý thuyết gia Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết.

Một số không trả lời, một số khác cho rằng cần phải còn một thời gian, không biết chính xác bao lâu, vì những lý do như sau, ở thời điểm lúc tuyên bố Hiến Pháp 1977:

1- Cần tiêu diệt tư bản chủ nghĩa, bởi lẽ chính các Quốc Gia tư bản chủ nghĩa đang bao vây nặng nề các nước XHCN, bao vây quân sự cũng như kinh tế , nhứt là kinh tế, chận đứng đà tiến đến xã hội cộng sản.

2- Cần phải gia tăng và cải tiến kinh tế , sản xuất nhiều hơn nữa để đáp ứng lại các nhu cầu vật chất . Sản xuất thặng dư, thừa thải vượt cả bọn tư bản để người dân khỏi lo lắng tranh giành chiếm hữu các nhu yếu vật chất, như vậy mới bảo đảm cho cuộc sống khỏi ưu tư.

3- Cần một thời gian khá dài ( bao lâu?) để huấn luyện, ” học tập cải tạo” dạy cho người dân từ bỏ tính ích kỷ, tiêm nhiểm qua bao thế hệ quân chủ, lãnh chúa, tư sản và tư bản coi lợi ích của cá nhân trọng hơn lợi ích của người khác và của xã hội, nguyên nhân đưa đến tranh chấp , chiếm hữu và loại trừ người khác , tạo ra mâu thuẩn trong xã hội ( cfr. Sartori Giovanni, op. cit. 69-71).

Dù sao đi nữa, trên 80 năm Cách Mạng Vô Sản Chuyên Chế, Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa để đi đến Cộng Sản Chủ Nghĩa, cuộc Cách Mạng vẫn chưa cho chúng ta thấy được rạng đông của “ thiên đàng trần thế ” cộng sản chủ nghĩa, mặc cho giá mà Cách Mạng đòi hỏi đã khá đắt:

– bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ,

– bao nhiêu triệu nhân mạng đã phải hy sinh,

– bao nhiêu trăm triệu người , từ trên 80 năm nay, tính từ năm Cách Mạng bùng nổ 1919 đến lúc chúng tôi viết những dòng nầy, năm 2001, đã bị truất hữu đi những quyền và tự do căn bản hay tối thiểu của mình để cho mình có được cuộc sống khá hơn con vật.

Dầu với tất cả những đắc giá vừa kể phải trả, nền rạng đông của ” thiên đàng trần thế” cộng sản chủ nghĩa vẫn chưa có dấu hiệu gì đang tiến lại gần.

Tệ hơn nữa là nước Cộng Sản Đàng Anh Vĩ Đại Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, đội ngũ tiền phong của Cách Mạng để đem nhân loại đến ” thiên đàng trần thế “cộng sản chủ nghĩa đã phá sản và tan rả từ trên 10 năm nay. Và một loạt các nước XHCN Vĩ Đại khác ở Đông Âu cũng đã bỏ cuộc.

Nói tóm lại:

– “Phù hợp với lợi ích của nhân dân và với mục đích củng cố và bành trướng chế độ xã hội chủ nghĩa…”, đấu tranh để đi đến

– ” …vinh quang của cộng sản chủ nghĩa” chắc chắn không phải là ý thức hệ nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để

– “… mỗi cá nhận được phát triển toàn vẹn con người của mình

– và tham dự một cách thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở “.

– Hy sinh con người cho Đảng, cho ý thức hệ ” thiên đàng trần thế” không tưởng của cộng sản chủ nghĩa

– hay hy sinh “giới hạn mọi cách xử dụng quyền hành tu tung tự tác và bảo đảm một chính quyền có giới hạn” , để quyền và tự do con người phải được

* “…mọi quyền lực quốc gia kính trọng và bảo vệ” ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD),

đó là điều chúng ta phải chọn cho chúng ta và cho dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN HỌC TẬP