Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Vua lòng thương xót

VRNs (18.11.2011) – Sài Gòn – Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ – CN XXXIV TN/A – Mt 25:31-46



Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ được Giáo hội mừng kính tước hiệu Chúa Kitô Vua – Vua các vua và Chúa các chúa.

Vua Lòng Thương Xót

Thời quân chủ, vua là người có quyền tối thượng: Quân xử, thần bất tử, bất trung. Không muốn cũng phải tuân lệnh, dù phải chết. Và người ta hiểu trung thần là dám chết để minh chứng lòng trung thành với vua. Với vua, người ta không được phép nhìn mặt và phải tránh những chữ có “liên quan” nhà vua, thậm chí muốn tâu bẩm cũng không được tâu thẳng với vua: “Muôn tâu bệ hạ” – tức là tâu cái bệ rồng của vua ngồi. Như vậy, cái ghế vua ngồi còn đáng giá hơn thần dân. Nhưng khi Philatô hỏi Chúa Giêsu có phải là vua hay không, Ngài đã trả lời ngay: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36), và Ngài cho phép chúng ta “phạm húy”, dùng ngay tên Ngài mà không cần tránh né: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài”.

Chúa Giêsu là Thiên Vương, là Vua vũ trụ, nhưng cũng là “vua nghèo” nhất. Tại sao? Một vị Thiên hoàng mà sinh ra ở nơi bần cùng nhất là một hang chiên lừa hôi tanh. Chắc hẳn không ai nghèo bằng Ngài.

Không chỉ vậy, Ngài còn là vị vua không tiền hô hậu ủng, không xa giá, chỉ một lần duy nhất Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem. Còn ngoài ra, suốt 3 năm hoạt động mục vụ, hàng ngày Ngài đích thân rong ruổi khắp mọi đường xa, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để giáo huấn và chia sẻ nỗi đau khổ của mọi người cùng đinh nhất, Ngài luôn tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của bất kỳ ai. Là vua, trong tay đầy quyền lực, nhưng Ngài đã làm gương đúng như lời Ngài dạy: “Ai làm lớn phải phục vụ” (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Ngài không cậy quyền, ỷ thế, không có ngai vàng, nói và làm gì cũng dựa trên nền tảng yêu thương, luôn ngôn hành song song. Quả thật, Ngài là Vua Lòng Thương Xót. Bạn đã may mắn thấy vị nguyên thủ quốc gia nào hoặc chủ chăn nào thực hiện như “vua nghèo” Giêsu chưa? Nếu bạn đã thấy, bạn thật hạnh phúc!

Vua Công Bình

Phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua năm A dùng đoạn Phúc âm Mt 25:31-46 nói về ngày Chúa quang lâm xét xử nhân loài. Chúa Giêsu dùng hình ảnh thực tế, dễ hiểu và gần gũi: Chiên và Dê. Chiên là loài động vật hiền, mỗi lần bị xén lông rất đau nhưng nó không hề kêu hoặc phản ứng và có hình dáng “dễ thương”; dê là loài động vật có thể phản ứng dữ dội và có hình dáng “không bắt mắt”. Chiên là biểu tượng của người lành, dê là biểu tượng của người dữ.

Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và chịu chết để cứu độ nhân loại, thế nên Ngài có quyền phân xử công minh. Ngài đến trong vinh quang, có các thiên sứ theo hầu, và Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Ngài tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Ngài cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Thiên Vương Giêsu ôn tồn nói với những người ở bên phải: “Nào những người được Cha Tôi chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã cho ăn; Tôi khát, quý vị đã cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã cho mặc; Tôi đau yếu, quý vị đã thăm viếng; Tôi ngồi tù, quý vị đã đến hỏi han” (Mt 25:34-37).

Bấy giờ những người công chính ngạc nhiên và khiêm nhường thân thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” (Mt 25:38-40). Chúa Giêsu xác định: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:41).

Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Tôi mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã không cho ăn; Tôi khát, quý vị đã không cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã không tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã không cho mặc; Tôi đau yếu và ngồi tù, quý vị đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:42-44).

Bấy giờ những người ấy cũng sẽ phân bua là không hề thấy Chúa đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà họ lại đành lòng không phục vụ Chúa (Mt 25:45). Nhưng Ngài xác định: “Mỗi lần quý vị không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là quý vị đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:46). Họ “bó tay”, không tự biện hộ được gì, “mắt chữ O và miệng chữ A”, đành cúi đầu ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Còn những người công chính thì vui sướng bước vào sự sống muôn đời. Mỗi người “xứng đáng” với cách sống của mình: Tốt được thưởng, xấu bị phạt.

Chúa không hỏi gì về những tội này hay tội kia, mà Chúa thẩm vấn 2 điều: Sử dụng vốn sống thế nào để sinh lời (Mt 25:14-30), và thực hành đức ái (Mt 25:31-46).

Ngài hoàn toàn công minh và chính trực, không thiên vị ai – chứ đừng nghĩ mình là “ông này, bà nọ” mà được “ưu tiên”. Vả lại Chúa đã nhiều lần cảnh báo, chứ Ngài không hề hứng chí làm sảng mà không báo trước. Có lẽ chúng ta nghe nhiều hóa nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa “vui tính”, thích đùa dai. Nước đến chân nhảy cũng không kịp. Số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi đã quá hiển nhiên, rồi mới đây, ngày 11-3-2011, Sóng thần đã là “điểm đen” gây kinh hoàng ở Nhật Bản, và hiện nay Thái Lan cũng đang “nhức đầu” vì lụt lội. Có bao nhiêu người coi những dạng như vậy là “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị? Thiên tai hay nhân tai?

Nhìn thấy Chúa trong người khác là điều không dễ, nhưng đó là điều kiện “ắt có và đủ”, vì Chúa Giêsu đã xác định: Mỗi lần chúng ta giúp đỡ người khác – dù chỉ một chén nước lã, yêu thương người khác, có ánh mắt thiện cảm với người khác, vui cười với người người khác, nói dễ nghe với người khác, cư xử tốt với người khác, chia sẻ vui buồn với người khác, cầu nguyện cho người khác,… đó là chúng ta làm cho chính Thiên Chúa. Người khác là bất kỳ ai, dù không quen biết, ngay cả chính kẻ thù. Ngay cả đại văn hào Victor Hugo cũng đã quả quyết: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay”. Nếu không làm được vậy thì chúng ta không thể tự biện hộ, vì Chúa đã “ghi âm” và “ghi hình” ngay lúc chúng ta hành xử – và “thước phim” đó sẽ trình chiếu lại khi chúng ta trình diện Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là Vua Lòng Thương Xót vì Ngài đã yêu thương chúng ta đến giọt máu cuối cùng, giọt nước cuối cùng, và hơi thở cuối cùng. Ngài luôn nhẫn nại chờ đợi chúng ta đến với Lòng Thương Xót vô biên và sâu thẳm của Ngài – tức là đến với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn từng giây phút âm thầm mỏi mòn chờ đợi chúng ta hồi tâm, Ngài không hề muốn phạt ai, chỉ tại chúng ta quá cố chấp!

Alfred Mortier nói: “Mọi người đều nói đến quyền lợi, không mấy ai nói đến bổn phận”. Chúng ta cũng vậy, chúng ta van nài Chúa ban “miễn phí” cho chúng ta điều này hoặc điều nọ, càng nhiều càng tốt, nhưng lại không muốn hy sinh, chỉ muốn tránh né bổn phận càng nhiều càng tốt. Thật là phi lý!

Điều Chúa yêu cầu rất đơn giản nhưng rất quan trọng và hoàn toàn có lợi cho chính chúng ta: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5:48) và “hãy có lòng nhân từ như Cha là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).

Lạy Thiên Vương Giêsu Kitô, xin thương xót mà gia ân cho chúng con – những thần dân vô dụng của Ngài. Nhưng chúng con luôn vững tin Ngài đang ở với chúng con, Ngài không để chúng con cô đơn (x. Ga 8:29), vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136). Xin che chở, phù trợ và hướng dẫn chúng con dù “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Chúng con cầu xin nhân danh Thiên Vương Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU