VRNs (14.11.2011) – Ngày 04.11.2011, vâng ý Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, Linh mục Alphongsô Phạm Hùng, Chưởng ấn, gửi cho Cha Giuse Nguyễn văn Phượng DCCT, Chính xứ, và, qua Cha, đến các Cha và giáo dân Giáo xứ Thái Hà:
“Tổng Giáo Phận Hà Nội luôn khẳng định và tôn trọng quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế trên khu đất 61.455m2 của tu viện tại 180 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội, bao gồm cả cơ sở và những phần đất mà các cơ quan nhà nước đang sử dụng trên diện tích này.
Tổng Giáo Phận Hà Nội không chấp nhận những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật của nhóm người đã xâm nhập khuôn viên nhà thờ và tu viện Thái Hà với những lời lẽ xúc phạm, gây hấn và bạo lực trên.
Tổng Giáo Phận Hà Nội luôn hiệp cầu nguyện với tu viện và giáo xứ Thái Hà để nhờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alphongsô chuyển cầu, xin Chúa là Cha nhân từ ban cho tu viện và giáo xứ được bình an, mọi quyền lợi chính đáng được tôn trọng, những vấn đề tài sản đất đai sớm được giải quyết trong công bình, sự thật và yêu thương.”
Lý do của bức thư là để trả lời thư ngày 03.11.2011 mà Cha Phượng đã gởi cho Đức cha để trình Người sự kiện ‘một toán người chừng 100 dân ùa vào sân Nhà thờ Thái Hà cầm loa tay chửi bới các tu sĩ, linh mục. Họ đã xô xát với các linh mục, tu sĩ và giáo dân’.
Từ ngày Đất Nước bị phân đôi Bắc Nam, các chính quyền cộng sản liên tiếp đàn áp các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) và giáo dân Giáo xứ Thái Hà, nhưng, nơi đây, luôn vẫn có những thế hệ can đảm tiếp nối nhau để bảo vệ tài sản của Giáo hội và cũng là của chính mình. Do sự phát triển kinh tế và dân số Hà Nội tăng, nên những quan tham muốn chiếm đất của Nhà Dòng và Giáo xứ, bất chấp nhu cầu phục vụ số giáo dân và người nghèo ngày càng gia tăng trên phần đất mà DCCT là sở hữu chủ hợp pháp. Rất tiếc, người cộng sản, bất chấp Hiến pháp và luật pháp Việt Nam, cứ làm sai trái hay cãi bướng. Khi thua lý, họ dùng vũ khí hay côn đồ để khủng bố tu sĩ và giáo dân.
1.- Sở hữu chủ hợp pháp
Vào năm 1928, Đức cha Francois Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội, đứng tên mua giúp Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng, với tổng diện tích 61.455m2.
Năm 1943, DCCT đã có bản vẽ và giấy phép xây dựng của Thành phố Hà Nội để cất Giáo đường trên khu đất này, nhưng, từ năm 1943-1946, chiến tranh lan tràn và nhất là nạn đói 1945, việc hình thành nhà thờ đã không thể thực hiện. Ngày 22.05.1944, Đức cha Francoise Chaize đã làm giấy nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các tu sĩ.
Từ đó và liên tục, DCCT, dưới danh xưng ‘Les Pères Rédemptoristes’, đứng tên sở hữu hợp pháp do Bằng khoán Điền thổ số 42, ngày 16.08.1944 (xin xem sơ đồ của Consevation de la Propriété Foncière de Ha Noi – Sở Quản thủ Điền thổ Hà Nội).
Trên mảnh đất này, Nhà Dòng đã xây dựng Tu viện, Học viện, Nhà đệ tử, Nhà thờ và các cơ sở mục vụ và xã hội khác.
2.- Thời kỳ bách hại dã man
Ngày 20.07.1954, Hiệp định Genèvre đình chỉ chiến sự ở Việt-Nam, ký giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chia đôi Quê Hương thành hai quốc gia. Do đó, đa số các tu sĩ DCCT Thái Hà di chuyển vào miền Nam đất Việt. Các Cha Giuse Vũ ngọc Bích, Denis Paquette và Thomas Côté, cùng các Thầy Clément Phạm Văn Đạt và Marcel Nguyễn Tấn Văn còn lưu lại. Họ sống dưới sự đối xử khắc nghiệt của nhà nước vô thần. Hai Thầy Văn và Đạt bị bắt và đã qua đời trong ngục tù cộng sản. Hồ sơ phong Chân Phước cho Thầy Marcel Văn đã được mở tại Tòa Thánh. Cha Côté bị trục xuất và Cha Bích phải điều hành Giáo xứ một mình.
3.- Mượn hay chiếm đoạt
Bất chấp những phản đối của Cha Bích, nhà cầm quyền Hà Nội đã chiếm đoạt từng bước miếng đất này, từ 61.455 m2 giờ đây chỉ còn 2.700 m2. Họ đổi Tu viện thành bệnh viện Đống Đa và bán bất hợp pháp nhiều phần khác cho các công ty, các viên chức nhà nước và tư nhân.
Ngày 18.08.1996, Linh mục Vũ ngọc Bích đã gửi đơn khiếu nại tới Chính quyền. Những năm sau đó, DCCT và Giáo xứ Thái Hà tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền đề nghị tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ, nhưng đã không nhận được một trả lời về việc giải quyết.
4.- Tai họa đến cho Thái Hà năm 2008
Ngày 05.01.2008, giáo dân nhận thấy Công ty cổ phần May Chiến Thắng vi phạm trên khu đất đang tranh chấp bằng làm đường và tiến hành xây dựng, nên phản đối. Công an hứa sẽ buộc Công ty này dừng thi công. Tin lời công an, giáo dân ra về. Sáng Chúa Nhật 06.01.2008, giáo dân phát hiện các cảnh sát, với roi điện, súng cắm lưỡi lê bảo vệ việc thi công trái phép. Ý thức đây là tài sản chung của Giáo hội, tức tốc bà con giáo dân điện báo cho nhau kéo ra khu đất bị chiếm dụng để bảo vệ và phản đối bằng cách dựng lều bạt, treo ảnh tượng và cầu nguyện bên ngoài khu đất này. Do đó, ngày 07.01.2008, Ủy ban Nhân dân (UBND) Hà Nội quyết định lập Đoàn Thanh tra Liên ngành, để ‘kiểm tra, xác minh làm rõ và thông báo kết quả tới nhà thờ’. Như vậy, dù với tư cách là một chủ thể có liên quan quyền lợi và trách nhiệm, Giáo xứ Thái Hà đã không được có đại diện trong Đoàn Thanh tra Liên ngành và cũng không được họ gặp gỡ, trao đổi.
Ngày 11.04.2008, Đoàn Thanh tra mời đại diện Giáo xứ ra Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Các đại diện này đã mạnh mẽ phản bác khi Đoàn Thanh tra cho rằng:
- Ngày 24.10.1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý và việc Giáo xứ đòi lại/xin lại đất đai mà Công ty Chiến Thắng đang quản lý là không có cơ sở để giải quyết.
Đại diện Giáo xứ Thái Hà hỏi lại:
- Chính quyền nói ngày 24.10.1961 Cha Bích mới giao đất cho nhà nước, tại sao ngày 30.01.1961 chính quyền đã có quyết định giao đất cho Xí nghiệp Dệt Thảm Len Đống Đa, tức là 10 tháng trước khi cho rằng Cha Bích đã ký giấy bàn giao? Chính quyền đã chiếm đất của Giáo xứ mà không hề có giấy tờ, và, giấy bàn giao do Cha Vũ Ngọc Bích ký là giả mạo. Cho đến khi qua đời, Cha không bao giờ ký giấy hiến phần đất này cho nhà nước quản lý và nhà nước cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu khu đất nầy, nên nó vẫn thuộc quyền sở hữu của DCCT và Giáo xứ Thái Hà.
Thật vậy, Đoàn Thanh tra, lúc đầu, không chịu trưng giấy bàn giao do Cha Bích ký vì cho rằng đó là ‘tài liệu mật’. Ngày 26.08.2008, UBND TP.Hà Nội đã gửi công văn số 680/UBND-NNĐC về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm 4 bản phóng ảnh để chứng minh cơ sở cho việc chiếm đoạt đất đai của mình. Do đó, trong phiên họp giữa các linh mục và giáo dân Thái Hà với các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 17.09.2008, khi phía DCCT và Giáo xứ đề cập đến tính bất nhất của những giấy tờ mà phía nhà nước đưa ra để nói là Cha Vũ Ngọc Bích đã ký (có tới 4 giấy bàn giao đất đai cho nhà nước quản lý, trong khi chỉ có một miếng đất), thì ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND Thành phố nhắc bảo thuộc cấp của mình: “Thôi thì các đồng chí xem xét bốn giấy tờ ấy, rồi thống nhất chọn lấy một thôi”!
Ngoài ra, nếu ngày 24.10.1961, ‘Linh mục Bích’ ký bàn giao toàn khu đất (trừ nhà thờ) cho nhà nước quản lý thì họ không đem biên bản này trước bạ theo qui định của Sắc lệnh số 85-SL ngày 29.02.1952 của Phủ Chủ tịch nước VNDCCH và sang tên trong địa bộ và sổ thuế.
Vì các cán bộ Thành phố dối trá và thua lý, nên khuya ngày 21.09.2008, đêm kinh hoàng đầy bạo lực, ma quỷ và bóng tối, ‘chánh quyền’ huy động đông đảo đám ‘quần chúng nhân dân tự phát’ gồm côn đồ và xã hội đen, đến bao vây Tu viện DCCT và Giáo xứ Thái Hà. Công an đứng canh cho chúng ném gạch đá vào trong khuôn viên nhà thờ và tu viện. Chúng còn hô hào những khẩu hiệu đầy bạo lực: “Giết giết giết Kiệt (1), giết giết giết Phụng”. Chúng hò la kéo đổ cổng Đền Thánh Giêrađô để cố ý kích động bạo lực lên tới cực điểm.
5.- Tai họa đến cho Thái Hà năm 2011
Sau khi cướp chính quyền năm 1945, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 có ghi: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng” (Điều 10). Các Hiến pháp sau đó đều bảo đảm điều này. Điều 70 Hiến pháp 1992 còn ghi rõ: “Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng được pháp luật bảo hộ”. Hiến pháp năm 1959 quy định: “Chỉ khi nào vì lợi ích chung, nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định” (Điều 20).
Bất chấp những quy định đó, khi thực hiện, nhà nước vi phạm Hiến pháp vì mượn Tu viện DCCT mà không có văn bản. Nhưng ‘mượn’ thì phải ‘trả’ là lẽ đương nhiên, khi Thái Hà cần nơi để phục vụ người nghèo trong xã hội. Nhiều lần các Cha và giáo dân đã yêu cầu trả lại đất đai, thẩm quyền địa phương không trả lời, giống như hành động của kẻ cướp vì phần đất đã chuyển nhượng và chia chác cho nhau. Biến tu viện thành bệnh viện chỉ để ngụy biện làm việc Thiện hay vì Công ích, nhưng, thực tế, chỉ nhằm làm tiền người nghèo đến nhờ trị bệnh.
Chiều ngày 06.10.2011, UBND phường Quang Trung gửi giấy mời cho Linh mục Chính xứ Thái Hà đến trụ sở Ủy ban lúc 15 giờ ngày 07.10.2011 để nghe ‘Công bố dự án Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa’. Phiên họp đã thất bại vì gặp sự phản đối mạnh mẽ của gần 50 giáo dân giáo xứ Thái Hà trong khuôn viên của Ủy ban phường. Như vậy, trong những năm qua, hệ thống xử lý nước thải bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, làm ô nhiễm môi trường, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, viên chức, bệnh nhân và nhân dân khu vực xung quanh.
Ngày 07.10.2011, thay mặt các tu sĩ và giáo dân Thái Hà, Cha Chính xứ đã gởi văn thư đến hai Chủ tịch UBND Hà Nội và UBND quận Đống Đa để trình bày những hành vi trái luật về việc chĩa loa phóng thanh công suất lớn vào khu vực Nhà thờ và Tu viện để phát thanh bất kể giờ giấc, vi hiến vì không bảo hộ nơi thờ tự của tôn giáo. Luật qui định ‘Vũ trường và địa điểm hoạt động karaoke’ phải cách cơ sở tôn giáo từ 200m trở lên cũng không được tôn trọng. Nay, sử dụng đất bất hợp pháp này để triển khai xây dựng công trình là trái phép. Do đó, Cha kiến nghị:
- Chấm dứt ngay phát thanh bằng loa chĩa thẳng vào nhà thờ và tu viện Thái Hà;
- Dừng việc triển khai thực hiện dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đống Đa trên khu đất thuộc nhà thờ và tu viện bị lấn, chiếm trái phép.
- Xem xét xử lý và giao trả khu đất cho nhà thờ và tu viện DCCT để sử dụng đúng vào mục đích tôn giáo.
Sau đó, Ban Giám đốc bệnh viện muốn gặp Cha Chính xứ Thái Hà và, với giấy giới thiệu thành phần để bảo đảm gặp đúng người đúng việc, ngày 11.10.2011 lúc 14 giờ, Giáo xứ Thái Hà đã tiếp họ. Sau khi nghe Đại diện bệnh viện và Sở Y tế trình bày về dự án lắp đặt trạm xử lý nước thải mà không cần trao đổi với chủ sở hữu cơ sở, hai Cha Giuse Đinh Tiến Đức và Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, đại diện Tu viện và Giáo xứ Thái Hà đã trình bày rõ lập trường và có những chất vấn chính như sau:
- Chúng tôi quyết tâm đòi lại Tu viện. Mượn thì phải trả.
- Trong thời gian chờ đợi nhà nước trả lại, chúng tôi không đồng ý bất cứ một hành động can thiệp, xây dựng gì trên cơ sở đó.
- Nhà nước đã có chủ trương dời bệnh viện ra ngoài, yêu cầu thực hiện, trả lại cơ sở để chúng tôi phục vụ người nghèo.
- Tại sao lại đưa một bệnh viện đầy dẫy vi trùng vào khu vực Tu viện? Đây có thể hiểu là một trong các âm mưu hãm hại cộng đồng tôn giáo hay không?
- Căn cứ pháp luật nào để các anh khẳng định quyền sở hữu của các anh trên cơ sở Tu viện này?
- Quý vị hãy dũng cảm đề xuất một vị trí khác để làm bệnh viện to, đẹp, đường hoàng và sẽ trả lại tòa nhà đó cho Tu viện.
- Việc đòi lại tài sản này đã được nêu ra từ lâu. Chúng tôi đã có đơn từ năm 1996 đến nay vẫn chưa được giải quyết! Dù có bị phân biệt đối xử, chúng tôi cũng kiên quyết đòi lại.
Tuy nhiên, họ không chịu ký tên vì nội dung làm việc không đúng lý do ghi trong Giấy giới thiệu: ‘Thông báo về việc lắp đặt trạm xử lý nước thải tại bệnh viện Đa khoa Đống Đa’! Vì thế, đôi bên chỉ ký vào một biên bản thứ hai xác nhận việc các đại diện bệnh viện đã không ký vào biên bản thứ nhất.
Ngày 15.10.2011, Cha Vinh sơn Phạm trung Thành, Giám tỉnh Dòng gửi thư cho tất cả các tu sĩ DCCT Việt Nam, viết: “Khối nhà tu viện DCCT Thái Hà là di sản của cha ông chúng ta, không chỉ là di sản vật chất nhưng còn là di sản tinh thần cao quí, chuyên chở bao nhiêu tâm hồn thừa sai, bao nhiêu ước vọng về tương lai nhà dòng,… là tổ ấm, là cái nôi sinh thành dưỡng dục các thế hệ cha anh chúng ta… là giải pháp chính đáng, hợp lý cho các công việc tông đồ mục vụ đang đầy ứ và quá tải tại Giáo xứ, là sự đáp ứng phải có của nhu cầu phục vụ cộng đồng dân Chúa, không chỉ thuộc Giáo xứ nhưng còn của khách thập phương yêu mến Mẹ Hằng Cứu Giúp. Dừng ngay dự án xây dựng trạm xử lý nước thải và trả lại tu viện cho DCCT Hà Nội là ý kiến của các linh mục tu sĩ DCCT Hà Nội và cũng là ý kiến của cộng đoàn dân Chúa ở Thái Hà. Tôi ủng hộ ý kiến đó.”
Sau đó, để tránh bị thi công ‘Trạm xử lý nước thải’ vào ban đêm, Tu viện đã gắn bảng đèn điện tử ‘Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà’ ở nơi cao nhất trong khuôn viên Tu viện để mọi người đọc thấy mỗi khi đêm về. Do đó, sau khi Cha Giuse Phượng gửi thư trả lời cho Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phản đối Biên bản vi phạm hành chính trong lãnh vực quảng cáo, nhà cầm quyền Hà Nội nhận thấy việc qui chụp không thành liền thay đổi kiểu qui chụp khác. Ngày 31.10.2011, Cha nhận ‘Quyết định xử phạt hành chính về an ninh và trật tự, an toàn xã hội’ do UBND quận Đống Đa ký, với số tiền 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ‘Quyết định xử phạt’ này bất hợp pháp vì đây không phải là hành vi quảng cáo sai luật.
Ngày 27.10.2011, tu sĩ DCCT Hà Nội và giáo dân Giáo xứ Thái Hà đã đến UBND Quận Đống Đa- Hà Nội để nộp đơn ‘Yêu cầu trả lại Tu viện DCCT Hà Nội’. Đây là điều chính đáng vì phù hợp với các văn kiện luật sau:
- Hướng dẫn số 500 HD/TGCP, ngày 04.12.1993 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tôn giáo nêu rõ: “Nơi thờ tự của các tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu còn nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với Giáo hội. Nếu chưa hết hạn mà sử dụng không đúng mục đích thì phải trả lại… Không để dân lấn chiếm nơi thờ tự. Ở những nơi do tồn tại của quá khứ, nơi thờ tự có dân đang ở thì Chính quyền địa phương phải có kế hoạch giải tỏa trong một thời gian nhất định.”
- Thông tư 01/1999/TT-TGCP ngày 16.06.1999 của Ban tôn giáo Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19.01.1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo, nhấn mạnh: “Không để cơ sở thờ tự bị lấn chiếm. Nhà nước bảo hộ cơ sở thờ tự tôn giáo”.
- Điều 26 Pháp Lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo ngày 18.06.2004 ghi rõ ràng: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó”.
Đuối lý về pháp luật cộng sản, ‘chính quyền’ giở trò ‘quần chúng tự phát’. Lúc 14 giờ 45 ngày 03.11.2011, cả trăm người tự cho là Cựu chiến binh, là Hội phụ nữ, là Thanh niên… xông đến Nhà Thờ chỉ vì cái ‘Dự án nước thải không được chấp nhận’. Hành động côn đồ của họ chỉ làm ố danh cho tập thể khi xâm phạm nơi tôn nghiêm, đe dọa giết người trắng trợn, dù được báo chí nhà nước tháp tùng để ghi những cảnh vũ phu, cầm 2 loa tay chửi bới các tu sĩ, xô sát với các linh mục và giáo dân. Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh ra gặp gỡ toán dân này thì đã bị một nhóm túm áo cổ xô đẩy và gây hấn ngay trong sân nhà thờ. Phó tế Vinh sơn Vũ Văn Bằng bị xô sát và thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng cũng bị lăng mạ và chửi bới. Họ đã lăng mạ nhiều giáo dân và hăm dọa giết. Đa số người trong họ miệng đầy mùi rượu, say máu đã hung hãn dùng búa tạ đập tung cánh cửa cổng Nhà thờ.
Do đó, Giáo xứ đã cho kéo chuông, đánh trống để báo động giáo dân ở khắp nơi đã kéo đến rất đông, kể cả Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý, Chính xứ Hàm Long, Quản hạt Chính Tòa Hà Nội. Tình Hiệp Thông luôn là một sự Nâng Đỡ vô cùng lớn lao cho nhau trong lúc hoạn nạn. Lúc này, đoàn người kia đã tự động rút lui.
6. Những sự Hiệp Thông đầy Bác Ái
a. Đến từ Tòa Giám mục Kontum ngày 05.11.2011.
“… linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo phận đã hỏi về việc Giáo xứ Thái Hà đã làm gì để truyền thông Nhà nước … đã tuyên truyền rằng Giáo xứ (DCCT Hà Nội) đã sai phạm ‘về vấn đề khiếu nại xin ngưng việc sử dụng đất của Giáo xứ Thái Hà tại Bệnh viện Đống Đa (nơi Nhà nước mượn của Giáo hội) để xây dựng khu xử lý chất-nước thải’. Việc đó cũng giống như Chính quyền “đang mượn” nhiều cơ sở của chúng ta như Trường Yao Phu Cuenot, Nhà thờ Hiếu Đạo, Trường Minh Đức…v.v… “để làm việc” nếu Nhà nước sử dụng sai mục đích chúng ta cũng lên tiếng như thế mà thôi.
Xin hiệp thông và khẳng định quyền sở hữu đất của Giáo xứ Thái Hà (DCCT Hà Nội) của Toà Tổng Giáo phận Hà Nội để hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà (DCCT Hà Nội), cho Tổng Giáo phận Hà Nội; và đặc biệt cho Giáo phận chúng ta được sớm trao trả lại các cơ sở tôn giáo để chúng ta phụng sự Chúa và Giáo hội trong công bằng, chân lý và sự thật”.
b. Thư hiệp thông của Nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền với Giáo xứ Thái Hà:
“… Chúng con hết lòng hiệp thông chia sẻ những gian khổ do bàn tay bạo quyền Cộng sản mà Quý Dòng và Quý Giáo xứ đã chẳng ngừng hứng chịu với con tim không hận thù và tấm lòng sẵn tha thứ kể từ đầu năm 2008, đặc biệt là từ vụ việc nhà cầm quyền Hà Nội và quận Đống Đa phái cán bộ, công an, cựu chiến binh phối hợp với côn đồ đầu gấu đến nhà thờ Thái Hà gây rối, phá phách và hăm dọa hôm 03-10-2011 để trả thù hành động đấu tranh bất khuất của Quý Dòng và Quý Giáo xứ cho công lý và sự thật. Chúng con hết lòng hoan nghênh thái độ khoan hòa, bất bạo nhưng quyết liệt và can đảm cũng như tinh thần đoàn kết chặt chẽ của Quý Cha, Quý Thầy lẫn Quý Anh Chị Em giáo dân (cùng những thân hữu xa gần đã đến hiệp thông khi xảy ra vụ việc)…
Cuối cùng, chúng con nguyện cầu Thiên Chúa, qua Đức Mẹ Thái Hà, ban cho Quý Cha, Quý Thầy và Quý Anh Chị Em tại Thái Hà, nhiều sức mạnh thiêng liêng để tiếp tục công cuộc xây dựng chân lý, công bình, tình thương và tự do cho xã hội Việt Nam, trong sự hợp lực với vô vàn đồng bào yêu nước tại quốc nội lẫn hải ngoại”.
c. Sự hiệp thông còn đến từ nhiều nơi khác như Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, Giáo xứ Nghi Lộc (Giáo phận Vinh) hay từ Cha Augustinô Phạm Sơn Hà, OSB, ngày 11.11.2011, từ Đức vừa cho phổ biến Thư kêu gọi Cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam có Công Lý, Sự Thật cùng Hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà. Ngoài ra, bao nhiêu tín hữu Công giáo và các Tôn giáo khác góp phần cầu nguyện cho trò ‘quần chúng tự phát’ đừng xảy ra.
7. Nhận định của một người cộng sản về ‘quần chúng tự phát’
Ngày 09.11.2011, trong bài về “‘Quần chúng tự phát’, cái gai trong thực thi dân chủ” biên tập viên Mặc Lâm (RFA) đã hỏi:
- Quần chúng tự phát là nhóm từ đã có từ lâu trong các vụ đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Công giáo nay đã xuất hiện trở lại trên báo Hà Nội Mới. Liệu hành động này nói lên điều gì đối với nền dân chủ tại Việt Nam?
Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Thành phố HCM, trả lời:
- “Tôi nhớ trước đây cái vụ Bát Nhã ở Lâm Đồng-Bảo Lộc cũng có một tình hình tương tự. Về mặt tôn giáo tôi không biết sự việc nó như thế nào nhưng tôi cho trách nhiệm của nhà nước là phải giữ gìn an ninh trật tự, thành ra nếu quả thật là quần chúng tự phát nhưng vào nhà thờ để mà làm như vậy thì trách nhiệm của nhà nước là phải dẹp chứ không thể để người ta làm như vậy được.
Thật ra tranh chấp giữa nhà thờ và nhà nước về vấn đề đất đai hiện nay đang còn tồn tại. Về nguyên tắc tôi biết ngay tại thành phố Hồ chí Minh những cái gì mà mượn những gì phải trả lại vẫn còn nhiều (2). Theo trình bày của mấy vị linh mục Thái Hà thì đó là đất của nhà thờ và bây giờ biến thành bệnh viện hay cái gì đó thì tôi không biết rõ nhưng việc gọi là quần chúng tự phát với hàng trăm người vào đó thì lẽ ra công an phải can thiệp.
Bởi vì nếu xảy ra đụng độ giữa giáo dân và số người tự phát đó thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Tôi cho trong việc này đã tạo ra một số hoài nghi trong quần chúng là nhà nước dàn dựng. Việc này tôi thấy không nên nó làm cho uy tín của chính quyền Hà Nội sẽ bị giảm sút.”
Tín hữu Đức Kitô Việt Nam khắp 26 Giáo phận toàn quốc đang dấn thân để giành Công lý và Sự Thật cho 2.400 cơ sở nhà đất của Giáo hội Công giáo Việt Nam cần được sự hiệp thông cầu nguyện của mọi người để không trở thành vô cảm như ‘nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình và người hành khất tên là Ladarô đau khổ’ (x. Luc. 16, 19-31).
Hà Minh Thảo
(1) ‘Kiệt’ là Đức cha khả kính Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục ‘từ chức’ Hà nội và ‘Phụng’ là Cha Vũ Khởi Phụng, DCCT, Bề trên Tu viện Hà Nội, cựu Chính xứ Thái Hà.]
(2) Trong số này có:
a./ Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, vừa được Đức cha Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú Tòa thánh tại Việt Nam tới thăm ngày 05.10.2011, được thành lập năm 1840, trên một vùng đất sình lầy. Cơ sở khang trang bị chiếm từ 1975. Ngày 20.05.2008 và ngày 03.03.2010, hai lần Tổng Phụ trách Hội dòng gửi đơn đề nghị được nhận lại trường, đều bị trả lời ‘không có cơ sở giải quyết’. Ngày 22.01.2011, Hội dòng gửi đơn kiến nghị đền bù thỏa đáng 3 cơ sở giáo dục bị giải tỏa. Bỗng nhiên ngày 17.10.2011, UBND và Công an phường Thủ Thiêm ngang nhiên dựng bảng ‘Ủy ban Nhân dân phường Thủ Thiêm’ trên đất của Hội Dòng.
b./ Căn nhà số 86, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Sài Gòn, diện tích 727m2 thuộc quyền sở hữu Tỉnh DCCT Việt Nam do mua lại ngày 15.06.1949, được Đức cha P.X. Nguyễn Văn Thuận thuê để dùng vào việc bác ái xã hội, bị cưỡng chiếm từ sau năm 1975. Ngày 08.11.2011, Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, chánh văn phòng kiêm thư ký Tỉnh DCCT Việt Nam đã gởi kiến nghị đến UBND TP.HCM để yêu cầu:
1. Đình chỉ ngay công trình đang xây dựng trái phép trên phần đất 727 m2 thuộc sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của Tỉnh DCCT Việt Nam.
2. Thu hồi và giao lại phần đất này cho Tỉnh DCCT Việt Nam sử dụng vào mục đích tôn giáo và công ích cộng đồng. Đây chẳng những là nhu cầu chính đáng của Tỉnh DCCT Việt Nam, mà còn thể hiện việc tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của công dân, của tổ chức tôn giáo.
Nguồn: Vietcatholic.net