Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Con người và sứ mạng ông Gioan Tẩy Giả (Ga 1,6-8. 19-28)

VRNs (10.12.2011) – Bài Tin Mừng hôm nay tập trung cái nhìn vào chứng từ của ông Gioan Tẩy Giả.



Ba câu đầu tiên trích từ lời tựa của sách Tin Mừng thứ tư : “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng”(1,6-8).

Câu 6 giới thiệu về bản thân ông Gioan. Trước hết, ông được giới thiệu là một người, tức là thành phần của cái nhân loại mà sự sống là sự sáng cho họ (1,4). Thứ đến, lời giới thiệu thu hẹp hơn, tức là nói rõ hơn về ông Gioan : ông là kẻ “được Thiên Chúa sai đến”. Và cuối cùng, ông được giới thiệu với một tên riêng cụ thể : “Gioan”.

Con người cụ thể ấy được trao cho một sứ mạng. Câu 7 nói về sứ mạng đó : ông có sứ mạng (do Thiên Chúa trao phó) là làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin. Cuối cùng, tác giả Tin Mừng xác định dứt khoát: ông không phải là ánh sáng (c.8).

Phần thứ hai của bài Tin Mừng (1,19-28) thuật lại cho chúng ta lời tuyên bố của ông Gioan về chính ông và về công việc của ông: ông không nhận mình là Đấng Mêsia, nhưng ông làm chứng về Đấng đang đến.

Phần thứ hai này bắt đầu bằng một chi tiết về thời gian (“Khi người Do Thái từ Giêrusalem cử mấy người …” : c.19) và kết thúc bằng một chi tiết về nơi chốn (“… tại Bêtania, bên kia sông Giorđan…” : c.28). Ở giữa hai chi tiết đó là đoạn khai triển câu 8 “ông không phải là ánh sáng” (cc.19-23) và đoạn miêu tả chứng từ của Gioan về ánh sáng (cc.24-28) như đã được nói khái quát ở câu 7. Và như thế, giữa hai phần của bài Tin Mừng hôm nay (cc.6-8 và cc.19-28) có một sự tương ứng khá rõ nét.

Khi ấy, một phái đoàn điều tra được hàng lãnh đạo Do Thái tại Giêrusalem sai đến chất vấn ông Gioan. Thành phần của phái đoàn gồm các tư tế và các người Lêvi. Những người Lêvi này chính là các viên chức đền thờ, chịu trách nhiệm về trị an tại đền thờ. Sự hiện diện của những người Lêvi này cho thấy hàng lãnh đạo Do Thái tại Giêrusalem sẵn sàng sử dụng bao lực nếu ông Gioan tự nhận là Mêsia, hoặc nếu họ thấy có yếu tố đáng ngại cho trật tự tôn giáo và chính trị hiện thời trong các hoạt động của ông. Bầu không khí, như vậy, không hề êm đềm.

Như đã được nói ở phần đầu bài Tin Mừng, nhiệm vụ của ông Gioan là “làm chứng về ánh sáng”, khơi dậy trong dân nỗi khát khao và niềm hy vọng về ánh sáng, bằng cách chuẩn bị cho dân đón nhận Đấng là sự sống – ánh sáng. Ông loan báo sự xuất hiện của sự sống viên mãn, hoàn toàn đối nghịch với thực tại bóng tối. Sự kiện một phái đoàn đại diện cho quyền bính tối cao của Do Thái tại Giêrusalem được cử đến để chất vấn ông, chứng tỏ các hoạt động của ông đã “khuấy động” và đụng chạm đến thẩm quyền tối cao đó, khiến họ ăn không ngon ngủ không yên. Mà tại sao họ lại phản ứng như thế trước lời loan báo về sự xuất hiện của sự sáng đích thực, nếu không phải là vì chính họ đang thuộc về bóng tối?

Cuộc chấn vấn được bắt đầu ex abrupto, bỏ sang một bên những công thức lịch sự. Họ lập tức hỏi : “Ông là ai?” Một cách hỏi sống sượng và trịch thượng, đồng thời bao trùm sắc thái dọa nạt, “dằn mặt”.

Trả lời cho lời chất vấn sống sượng và đe dọa đó, ông Gioan tuyên bố không úp mở, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Kitô” (c.20). Lời tuyên bố cho thấy ông Gioan biết ý đồ của những người đến chất vấn ông. Trong quan điểm của hàng lãnh đạo Do Thái giáo đương thời, tự nhận mình là Mêsia tức là tự đặt mình vào thế đối nghịch với hệ thống quyền bính hiện hành, là âm mưu thay đổi các thiết chế đương thời. Vì thế, không lạ gì khi giới cầm quyền Do Thái lo sợ trước những hoạt động của ông Gioan.

Bài Tin Mừng đặt song song câu trả lời của ông Gioan rằng “Tôi không phải là Đấng Kitô” (c.20) với lời quả quyết của tác giả sách Tin Mừng : “Ông (Gioan) không phải là ánh sáng” (c.8). Ông Gioan biết mình không phải là ánh sáng, và vì thế, không phải là sự sống, bởi lẽ “sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (1,4). Ông không thể đem lại sự sống cho những con người đang phải đau khổ dưới sự áp bức của sự tăm tối. Ông chỉ có thể khơi lên nơi họ sự khao khát và niềm hy vọng. Ông ý thức mình không phải là Đấng cứu dân, và không muốn người ta hiểu lầm như thế.

“Họ lại hỏi ông : ‘Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” (c.21a). Phần thứ nhất của câu hỏi cho thấy một sự mất hướng và lúng túng của phái đoàn điều tra. Họ hoàn toàn có thể trực tiếp hỏi : “Ông có phải là ông Êlia không?” nếu họ không lúng túng.

Theo Ml 3,22tt, ngôn sứ Êlia phải chuẩn bị cho ngày của Đức Mêsia xảy đến : “Các ngươi hãy ghi nhớ Luật Môsê, tôi trung của Ta. Trên núi Khôrếp, Ta đã truyền cho nó các chỉ thị và phán quyết để toàn thể Israel thi hành. Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt”. Theo một cách hiểu, như thế, cuộc trở lại của ông Êlia được gắn với lòng trung thành đối với Luật Môsê, xét như là sự chuẩn bị cho biến cố Đấng Mêsia đến. Ông Gioan không thể đồng hóa mình với vị ngôn sứ đó. Ông là tiền hô đi trước Đấng Mêsia – Đấng sẽ thiết lập giao ước mới (1,15.27), và giao ước cũ dựa trên Luật Môsê không còn giá trị nữa (x. 1,17). Vì thế, ông Gioan đã trả lời một cách rõ ràng và dứt khoát : “Không” (c.21b). Quả thực, ông Êlia đã từng có một chức năng tích cực trong việc hòa giải và tái tạo sự hợp nhất toàn bộ các thiết chế của Luật; còn phép rửa của ông Gioan, trái lại, sẽ là dấu hiệu của sự đoạn tuyệt với các thiết chế đó.

Cuộc chất vấn tiếp tục với câu hỏi thứ ba : “Ông có phải là vị ngôn sứ không?” Ông đáp : “Không” (c.21c). Tước hiệu “vị ngôn sứ” ám chỉ Đnl 18,15 và được giải thích như là hình ảnh của một Môsê đệ nhị, sẽ xuất hiện vào thời cùng tận. Nếu hình ảnh “Êlia” liên quan đến ngày của Đức YHWH trong tương lai, thì hình ảnh “vị ngôn sứ” tiếp nối dòng chảy của quá khứ. Ông Gioan từ chối đồng hóa mình với hình ảnh đó. Nhiệm vụ của ông là loan báo sự hiện diện của thực tại mới mẻ, sự hiện diện của Đấng Mêsia – Chàng Rể (1,27.30; 3,29), Đấng khai mở giao ước mới. Trật tự các ngôn sứ Cựu Ước, những người nói những sấm ngôn của Đức YHWH trong khung cảnh của giao ước cũ, đã kết thúc.

Như thế, ông Gioan đã lần lượt từ chối cả ba tư cách mà những người lãnh đạo Do Thái muốn gán cho ông hay muốn đề nghị với ông. Cuộc chất vấn có nguy cơ kết thúc mà phái đoàn điều tra chẳng làm rõ được bất cứ chuyện gì. Họ lúng túng nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính mình?” (c.22). Họ đề nghị ông Gioan tự xác định về chính ông. Họ không thể trở về mà không có được bất cứ thông tin gì. Họ quay lại với câu hỏi ban đầu, nhưng cung giọng bớt trịch thượng và không còn sắc thái đe dọa : “Ông là ai?”

“Ông tuyên bố : “Tôi, tiếng hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaya đã nói” (c.23). Cuối cùng, ông Gioan cũng đưa ra một lời tuyên bố tích cực.

“Tiếng hô” là để cho người nghe, và điều quan trọng nhất vẫn là nội dung của lời được hô lên. Là tiếng hô, ông Gioan không nói về chính ông, mà nói về những điều cần thiết cho những người mà ông hô lên cho họ nghe. Đưa ra lời tuyên bố để phái đoàn điều tra về trả lời cho những người đã cử họ đến, ông Gioan kêu gọi những người lãnh đạo Do Thái cất bỏ những chướng ngại vật trên con đường Đức Chúa đi. Trước hết, đó là những chướng ngại do chính họ đặt ra.

“Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông Gioan : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” (cc.24-25). Câu hỏi này rõ ràng cũng là một lời tố cáo. Lần đầu tiên hoạt động của ông Gioan được đề cập, và cụ thể ở đây là việc ông làm phép rửa.

Phép rửa hay phép dìm vốn là một hành động biểu tượng được thực hiện trong đời sống tôn giáo và trong lãnh vực dân sự nữa. Trong đời sống tôn giáo, nó được cử hành như một nghi thức thanh tẩy. Trong đời sống dân sự, và trong những cuộc hoán cải mang tính tôn giáo, thì ngược lại, phép rửa là biểu tượng trước hết cho sự thay đổi tình trạng, quyết định chôn dìm quá khứ để bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác, ví dụ phép dìm chứng tỏ sự vượt qua từ tình trạng nô lệ sang tình trạng tự do, hay phép dìm diễn tả sự từ bỏ các xác tín và thực hành tôn giáo cũ đồng thời sự dấn thân gắn bó với những xác tín và thực hành Do Thái giáo… Trong những trường hợp này, phép rửa diễn tả một sự thay đổi hướng dấn thân hay đối tượng thờ phụng.

Ông Gioan không làm phép rửa như một nghi thức tẩy uế, mà là phép rửa của lòng sám hối, của sự đổi đời. Ông đến để làm chứng cho ánh sáng, ngõ hầu nhờ ông, mọi người tin. Ông mời gọi người ta tin vào sự sống-sự sáng, tức là tin vào Đấng Mêsia và như thế, cắt đứt sự gắn bó với bóng tối / sự chết.

Ông Gioan không thuộc về bất cứ thiết chế nào của Do Thái giáo. Khi đến nhận phép rửa của ông, dân chúng chấp nhận ông như là người được Thiên Chúa sai đến, và đón nhận sứ điệp của ông, tức là sứ điệp đòi hỏi sự cắt đứt với các thiết chế hiện hành để chuẩn bị đón Đấng là ánh sáng thật.

Phép rửa của ông Gioan là phép rửa trong nước, như ông khẳng định : “Phần tôi, tôi làm phép rửa trong nước” (c.26a). Đó chưa phải là phép rửa chung cục, mà chỉ là sự chuẩn bị để đón Đấng sẽ đến; chính Ngài sẽ ban phép rửa tối hậu và mang tính quyết định : phép rửa trong Thần Khí. Nước là yếu tố tự nhiên đang có đó, Thần Khí là thực tại siêu nhiên cõi trời và hoàn toàn mới mẻ tinh khôi. Nước thuộc về thế giới vật lý và chỉ có thể “tiếp giáp” với thực tại vật lý; Thần Khí thì thấm nhuần vào chính cõi lòng thâm sâu của con người. Nước có thể biểu tượng cho một sự biến đổi, Thần Khí là sức mạnh thần linh và là thực tại duy nhất có thể thực hiện sự biến đổi siêu nhiên và đích thực.

Ông Gioan nói tiếp : “Nhưng có một vị đang đứng giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người” (c.27). Đấng mà phép rửa của ông Gioan chuẩn bị để đón, đã thực sự hiện diện, nhưng sự hiện diện đó còn chưa được biết đến. Ông Gioan khẳng định sự thua kém của ông đối với Đấng ấy bằng cách nói rằng ông không đủ cao cả để có thể chiếm chỗ của Người : “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Theo luật Do Thái, khi một người đàn ông chết mà chưa có con, thì một người trong họ hàng phải kết hôn với người đàn bà góa đó để sinh con cho người đã chết. Nếu người có quyền và có bổn phận làm việc đó mà không thể thực hiện được, thì một người khác sẽ thay chỗ anh ta. Nghi thức tuyên bố người kia mất quyền sẽ là cởi dép (x. Đnl 25,5-10; Rt 4,6-7).

Khi khẳng định mình không thể chiếm chỗ của Đấng đang đến, ông Gioan cũng đồng thời khẳng định Người là Chàng Rể. Các ngôn sứ thường dùng ẩn dụ hôn nhân để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với dân trong giao ước. Chàng Rể đang đến sẽ loan báo sự khai mở một giao ước mới. Như thế, Người chính là Đấng Mêsia. Phép rửa của Gioan chỉ là sự chuẩn bị cho cô dâu (là dân), nên xứng hợp với Chàng Rể đang đến để cưới nàng.

“Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giorđan, nơi ông Gioan làm phép rửa” (c.28). Đây là một vị trí chính yếu mang tính ẩn dụ, và do đó, xác nhận lời giải thích về phép rửa của ông Gioan : đoạn tục với các thiết chế Do Thái và dấn thân gắn bó với niềm hy vọng về Đấng giải thoát đang tới.

Tóm lại, ông Gioan không nhận mình là Êlia hay vị ngôn sứ (và tất nhiên ông càng không nhận mình là Đấng Mêsia). Ông không nhận về mình bất cứ chức năng nào có thể khiến người ta tập trung chú ý vào con người ông. Và khi phải đưa ra một khẳng định tích cực về mình, ông chỉ nói mình là tiếng hô. Ông Gioan không tìm vinh quang cho ông. Sứ mạng của ông chỉ là làm chứng. Ông không tìm cách tự thể hiện mình. Ông đến để Đức Giêsu tỏ mình ra cho Israel (1,31). Còn chúng ta?

Để chuẩn bị đón Chúa đến, ông Gioan làm phép rửa cho dân biên kia sông Giorđan. Đó là phép rửa biểu tượng cho một thái độ tâm linh bên trong : cắt đứt với thế giới của bóng tối và hướng lòng về ánh sáng-sự sống. Đó cũng phải là thái độ tâm linh của chúng ta trong những ngày cuối Mùa Vọng này.

“Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi”.

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.