VRNs (12.12.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Đạo đời
“Em yêu nhất đôi vai chàng
yêu anh dáng hiên ngang
em yêu lúc anh tươi cười
khẽ nói yêu em nhiều.”
(Văn Phụng – Yêu Và Mơ)
(Rm 5: 18)
Cứ tưởng tượng, rằng thì là: câu hát có lời âu yếm rất nên thơ ở bên trên, là: của người nữ đầu đời nói với người đàn ông duy nhất mình đang yêu, thì chắc chắn, cuộc đời con cháu của cụ ông Adong và cụ bà Evà, cứ thế mà đẹp mãi. Đẹp dài lâu. Miên trường. Trong sương khói.
Không tin ư?
Nếu thế thì, mời bạn và mời tôi, ta nghe người nghệ sĩ từng yêu rất nhiều, nay hát thêm:
“Yêu em biết bao đêm dài
Yêu em lúc ban mai
Yêu em thiết tha bao tình
Mãi mãi không phai nhoà.”
(Văn Phụng – bđd)
Yêu miệt mài. Yêu mãi mãi. Không phai nhoà. Câu hát ấy, là của Adong rất đàn ông chỉ hát cho vợ mình là Evà -người tình rút từ khúc sườn cụt của Adong- là tình lòng dài lâu. Không chỉ một sáng một chiều, đã đến hồi chấm dứt sau khi ăn trái cấm, mà thôi. Câu hát ấy, vẫn cứ là tình đẹp dù dang dở? Về tình dở dang hay không, vẫn được nhiều người viết luận bình/bình luận từ muôn thuở, làm sao biết. Viết, là viết lời bình về đời của người tình đầu tiên như câu truyện ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Bàn về tình tự nam nữ có bình luận, là bàn về hình dáng lẫn tuổi tác đến mà ghê, như sau:
Adong ngày nay thoạt nhìn thấy ai đó một nữ phụ, hẳn sẽ luận bàn rằng:
-Ở tuổi 18 đến 22, người phụ nữ giống như châu Phi. Một nửa được khám phá ra rồi. Phân nửa còn lại vẫn cứ hoang vu biền biệt thật khó biết. Bởi thế nên, nhiều đấng phiêu bạt giang hồ hẳn vẫn muốn tìm cho được đâu là Chân, Thiện, Mỹ, rất tuyệt diễm…
-Sang lứa tuổi 23-30, thì cũng giống như Bắc Mỹ, đã khám phá toàn bộ hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn còn là mơ ước của nhiều gã như Adong đang tìm việc, để an phận…
-Ở tuổi từ 31 đến 40, thì như vùng nhiệt đới nóng bỏng. Tuy đẹp đấy, nhưng đầy huyền bí khiến bao nhà thông thái đến ngã ngửa vì không giải thích nổi.
-Bước sang lứa tuổi 41-50, lại giống như châu Âu, một nửa đã bị tàn phá sau thế chiến. Nhưng, nửa còn lại vẫn thu hút và không kém phần hấp dẫn/khuyến dụ để rồi bao nhà thám hiểm vẫn muốn đến một lần cho biết… thân biết phận, nghèo mà ham!
-Ở tuổi từ 51 đến 60 thì lại như Úc châu. Trông thì rộng rãi, quyến rũ đấy; nhưng đa phần toàn là sa mạc. Chắc chắn sẽ yên tĩnh. Nhưng, phần đông sống an phận, chịu sự bảo hộ của Anh quốc, thứ “Miệt dưới” ít kẻ muốn quấy rầy.
-Ở tuổi ngoài 60 lại sẽ như Nam Cực, ai cũng thừa hiểu là một khi đặt chân tới nơi này rồi, sẽ chẳng còn ai thèm bén mảng tới nữa.
Nghe bình loạn thế rồi, Evà ngày nay cũng góp giọng thành tiếng mà liến thoắng như sau:
-Đàn ông 20 tuổi: như con gà trống. Sáng nào cũng gáy liên hồi chẳng cần ai nhắc.
-Ở tuổi 30, Adong ta như xe hơi mùa lạnh nổ máy hơi khó nhưng chạy lại khá tốt!
-Đến cỡ 40, Adong như bóng đèn, lúc cháy lúc ngủm, khó đoán trước hôm này ra sao.
-Kịp đến tuổi 50 tròn, Adong ta y như xe tăng thiết giáp, nổ thì rất chậm, di chuyển lại ì ạch chẳng như trước.
-Lục thập tuổi 60, lại như cái đồng hồ quả lắc nếu không dùng tay mà lắc, chắc chắn sẽ không chạy và chưa chạy đã hết xăng.
-Tuổi 70 trở lên, thì thôi Adong ôi! Không thấy có ý kiến nào khác hơn ngoài việc cứ để cụ ông mình cụ bị hậu sự “nhân sinh thất thập cổ lai hy” đi là vừa rồi đó, hỡi Tám nó…”
Ấy đấy! Cuộc đời của các “nam thanh nữ tú” là như thế. Nhưng sao hôm nay, nghệ sĩ nhà mình lại cứ vui hát:
“Chiều chiều bên nhau nhìn trăng vàng
Tay cầm tay ta cùng mơ màng
Xây đắp mộng đẹp cho tương lai
Thương yêu nhau mãi mãi…”
(Văn Phụng – Yêu Và Mơ)
Phải thế không, đấy? Khi nói chữ “yêu”, đương nhiên là “yêu nhau mãi mãi”, nhất định rồi! “Mãi mãi” đây, là thời gian của “lúc ấy”, đấy thôi?
Nói về tình yêu chân chất, tưởng rằng “dài lâu”, “miên trường”, như tình mình thuở đầu đời rất nhiều nơi, cũng là tình rất đẹp. Đẹp, ở ngoài đời. Đẹp, trong nhà Đạo. Cả ở Lời Chúa, rất Cựu Ước. Đẹp là thế, mà sao nhiều vị vẫn cứ là thắc mắc với hỏi han/gạn hỏi dài dài như bên dưới:
“Đọc trình thuật viết về Adong người nam khởi đầu ở Cựu Ước, nhiều lúc tôi nghĩ: đó có thể là chuyện thật do người thật viết về quyền năng của Giavê Thiên Chúa, theo hiểu biết của người xưa. Người xưa có viết cũng để bảo rằng: nam thanh nữ tú thuở đầu đời khi Giavê Thiên Chúa dựng nên trời đất, là tạo vật do từ Chúa mà nên. Hiển nhiên là thế. Nhưng sao, dạo gần đây, tôi lại được nghe nhiều người lại cứ nói đi rồi thì nói lại rằng: ta phải đồng ý chấp nhận mà bảo rằng thuỷ tổ loài người xuất tự giống vượn, thì truyện kể về Ađam – Evà là huyền thoại sao? Là linh mục Công giáo, ngài nghĩ thế nào về chuyện này, xin cho biết. (Người hỏi hôm nay cũng chẳng chịu ghi tên ghi tuổi, nên không rõ người đó là đàn ông hay đàn bà? Còn trẻ hay đã già, thật không rõ)
Hỏi, vị đó là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, để làm gì! Bởi, có tìm ra câu trả lời đi nữa, đã nào giúp được điều gì cho ai! Chi bằng, ta cứ tập trung vào câu trả lời của đấng bậc chuyên trách mục giáo lý với sách phần, mới phải lẽ. Lẽ Đạo và lẽ đời, như lời suy tư, từ từ rồi ra ta cũng sẽ thưởng lãm cốt truyện dân gian, rất người phàm đặc sệt chất Adong nay dính dự vào niềm tin đi Đạo, bạo dữ lắm!
Hỏi về chuyện Đạo đời mà lại hỏi đấng bậc phụ trách từng viết lách cho báo/đài ở Sydney, thì dù gì đi nữa cũng có được giòng chảy lan man giải đáp, rất thần học rồi chọc thần, như sau:
“Để bắt đầu, tôi nghĩ: ta nên nói ngay rằng: ta không dựa vào Sách Thánh cũng sẽ thấy được là lẽ thông thường của người phàm vẫn dạy cho ta biết rằng: là người, ai cũng có điểm khởi đầu, khi lọt lòng. Nói thế có nghĩa là: người phàm như ta thật ra vẫn hiện hữu như mọi loài, từ nhiều thiên niên kỷ trước. Thế nên, ở giai đoạn nào đó rất khởi đầu, bao giờ cũng phải có một nam và một nữ ngay buổi đầu đời, thoạt kỳ thuỷ.
Vấn đề nên hỏi là: phải chăng ta xuất thân tự cặp tiền nhân nam nữ đầu đời, như Sách Thánh nói chăng? Hoặc, ta sinh ra từ nhiều cặp rất sống động từ động vật? Nếu bảo: ta tiến hoá từ nhiều hữu thể sống động này khác -cứ cho đi là từ loài khỉ hay loài gì đi nữa- là từ các cặp dã nhân đầu đời, để rồi trở thành người phàm rất nhân tính, sau đó mới lan tràn/nở rộ thành nhiều giống người khác biệt. Dù sao, Hội thánh cũng có đôi điều dạy dỗ con dân về chuyện này, khi các ngài phán bảo.
Thoạt vào năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII, có viết một thông điệp với tựa đề “giòng giống con người” đề cập đến vấn đề tiến hoá của con người. May, mà các tổ phụ trong Hội thánh không loại bỏ thuyết ấy và còn cho rằng con người đến từ các động vật sinh động khác. Thay vào đó, các ngài chủ trương: thuyết tiến hoá là vấn đề để ngỏ cho đến khi nó chế ngự mọi suy tư nhận xét về sự tiến triển nơi thân xác của người phàm từ động vật. Đức cố Giáo Hoàng Piô XII còn khẳng định: ở trường hợp nào đi nữa, Thiên Chúa là Đấng đem linh hồn nhập vào với người phàm, ngay từ khi xảy đến sự sống.
Về số lượng phàm nhân ban đầu sống có cặp, Đức Piô XII còn tỏ cho biết: ta phải tin là ngay từ buổi đầu, vẫn duy nhất chỉ mỗi cặp nam nữ đầu tiên là hiện hữu, thôi. Lý do ngài đưa ra, là vì: nếu ta tin rằng có nhiều cặp nam nữ xuất hiện từ thuở tạo thiên lập địa, thì ta không thể nhất trí mà hoà giải cho được tín điều về tội nguyên tổ mà Sách thánh và Thánh truyền vẫn dạy bảo, coi đó như sự kiện lịch sử, tội đó là do cặp nam nữ đầu tiên mắc phải, và từ đó mới truyền xuống nhân loại, từ hai người đầu tiên. (x. Rm 5: 12-19)
Theo các tài liệu do Uỷ Ban Kinh Thánh thuộc Giáo triều từ năm 1909 nhận định, thì: sự nhất thống giống giòng người phàm cần được coi như sự kiện có thật trong các sự kiện dẫn vào nền tảng Đạo Chúa. Từ đó, người người phải nhìn nhận việc ấy mang tính lịch sử, rất khách quan.
Ngày nay, dù các sử gia diễn giải sự việc theo dữ liệu khoa học khác nhau đi nữa, thì khoa học tiên tiến chính đáng vẫn công nhận những gì Kinh thánh và thánh truyền từng nói đến. Các nhà khoa học cũng xác chứng cho thấy: nghiên cứu nhiễm sắc thể “Y” được lưu truyền từ đời cha xuống con trai, chứng tỏ là mọi đàn ông sống đến hôm nay đều có cùng tổ tiên, đôi khi nhiễm sắc thể “Y” của Ađam lồng vào đó, và có lẽ đã hiện diện ở châu Phi khoảng 600,000 năm trước.
Cũng thế, công cuộc nghiên cứu DNA có tế-bào-tương chuyển tải từ người mẹ xuống con gái, chứng tỏ cho thấy mọi nữ phụ sống đến hôm nay đều do tự người nữ là Evà có nhiều nhiễm-sắc-thể “X” lồng vào với mình. Mọi người đều tin là: người nữ đầu tiên tên Evà có lẽ đã sống ở châu Phi từ 140,000 năm nay. Sự thể có ra sao và cơ thể con người có tiến hoá tự động vật sinh động cách nào đi nữa, thì đó vẫn là vấn đề để ngỏ. Rõ ràng, Kinh thánh vẫn xác quyết rằng: từ buổi đầu, đã thấy xuất hiện cặp nam/nữ tiên khởi mà tác giả sách Sáng Thế Ký đặt tên cho họ là Adong và Evà. Và, mọi giống giòng người phàm mới từ đó phát xuất rồi nhân rộng thêm lên.
Thế nên, ta có thể kết luận là: đúng, Adong – Evà đã hiện hữu, ngay từ buổi đầu đời. Họ là người phàm trần đầu tiên xuất hiện trên trái đất.” (x. John Flader, Question Time, Oconnorcourt Publishing 2008, tr. 8-9)
Trích dẫn gì thì cứ trích và cứ dẫn. Dẫn giải và biện luận gì thì cứ biện và cứ giải. Hãy biện và giải như nghệ sĩ trên từng liên tưởng đến cảnh đầu đời thời tiên khởi của loài người, nên mới hát:
“Anh yêu nhất đôi môi hồng
Yêu đôi mắt say mơ
Anh yêu tóc em buông dài
Yêu em tình ngất ngây…”
(Văn Phụng – Yêu Và Mơ)
Cũng chẳng biết, khi viết nhạc, nghệ sĩ Văn Phụng có liên tưởng đến nữ phụ đầu đời tên Eva chăng? Nếu không, sao ông lại cứ hát những là: “tóc em buông dài”, “đôi mắt say mơ”, “môi hồng”, ”tình ngất ngây”, như thế để làm gì. Và, khi hát bài “yêu và mơ” này, nghệ sĩ nhà ta có tưởng có nghĩ đến Ađam thời đại mình chợt thấy “tóc em buông dài” của Evà cũng từng “yêu và mơ” đến độ lơ mơ lờ mờ đầy tưởng nhớ người yêu có “đôi môi hồng”, có “mắt say mơ” không lờ đờ, đấy chứ? Mơ hay không, vẫn là “tình ngất ngây” hôm rày vào buổi sớm ban mai đấy chứ?
Ngất và ngây, đến độ cả chàng trai đầu đời thời nguyên thuỷ lẫn trai thời nay vẫn hay hát:
“Anh yêu mãi đôi tay mềm,
Yêu em lúc em đan.
Anh yêu tiếng ca êm đềm,
Khẽ hát câu dịu dàng…”
(Văn Phụng – bđd)
Dịu dàng thay, câu hát ấy! Dịu dàng là thế, mà khi sự việc đổ bể, nữ phụ đầu đời vẫn cứ là đổ lỗi những là: “Con rắn đã phỉnh tôi nên tôi đã ăn…” Ôi, khi còn yêu thì bảo: “Yêu em nhất” rồi lại: “Yêu em mãi đôi tay mềm”, “yêu tiếng ca êm đềm”, thế mà khi bị Bề Trên hạch hỏi thì lại bảo: “Người đàn bà mà Ngài đặt bên tôi, chính y thị đã… đã…” Vâng! đích thị là y thị hay y chang nam nhân đầu đời vẫn cứ nói rồi lại chối. Chối bay chối biến, để rồi thánh nhân hiền lành đời sau, đã thốt lên một lời:
“Thật vậy,
cũng như vì một người duy nhất
đã không vâng lời Thiên Chúa,
mà muôn người thành tội nhân,
thì nhờ Một Người Duy Nhất
đã vâng lời Thiên Chúa,
muôn người cũng sẽ thành
người công chính. “
(Rm 5: 18)
Thành thử, với Cựu ước và Tân Ước, phàm nhân thuở đầu đời có làm chuyện chẳng lành, thì người cùng thời hôm nay lại vẫn cứ phải làm điều phải chăng/phải lẽ, thế mới đúng. Đúng, là làm y hệt như thánh nhân hiền lành từng khuyên nhủ, ở Tin Mừng, rằng:
“Chúng tôi đã quý mến anh em,
đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em,
không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà cả mạng sống của chúng tôi nữa,
vì anh em đã trở nên
những người thân yêu của chúng tôi.”
(1Th 2)
À thì ra, một khi đã “Yêu và Mơ” rồi, thì vẫn cứ nên “sẵn sàng cống hiến cả mạng sống” cho người mình yêu nữa. Thế đó là chân lý. Thế đó mới thật chí lý. Sự thật rất chí lý, như bao chuyện ta từng nghe biết, vẫn ở đời.
“Yêu và mơ”, như bài thơ để đời, mà bầu bạn thời nay vẫn chuyển cho nhau vào những tháng ngày rất “sáng nắng chiều mưa, trưa xìu xìu ển ển” vì con người. Con người, là người xuất tự xương sườn cụt có vần thơ âu yếm như thơ 10 thương mà tình nhân đầu đời, thời nguyên thuỷ vẫn ngâm nga ca hát, rằng:
“Một thương đôi má của nàng,
Xài toàn mỹ phẩm anh tàn tháng lương.
Hai thương giọng ngọt như đường,
Nàng xin một tiếng vua nhường mất ngôi.
Ba thương đo đỏ đôi môi,
Anh không chạm được sợ trôi son nàng.
Bốn thương mười ngón thiên đàng,
Liếc tình cọp cũng biến thành nai tơ.
Sáu thương cái nết ngây thơ,
Quen nàng một tháng anh khờ ba năm.
Bảy thương mái tóc buông xuôi,
Làm anh điêu đứng bởi mùi dầu thơm.
Chín thương nàng biết nấu cơm,
Ba năm một món anh ròm như ma.
Muời thương ăn nói mặn mà,
Em la một tiếng cả nhà điếc tai.”
(Trích từ bài thơ “con cóc” (?) xuất tự bạn bè trên mạng)
Nghĩ cho cùng, dân gian truyền tụng từ thời Adong – Evà có làm thơ hoặc viết nhạc, thậm chí viết cả bản văn khoa học bình dân hay văn chương uyên bác đều vẫn ca tụng nhau y như thế. Như thế là như thể nói đến “yêu và mơ” mà lại toàn những lơ tơ mơ, rất lờ mờ như người ngoài phố chợ.
Dầu gì đi nữa, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ yêu và cứ mơ, để rồi tiếp tục hát lên lời thi ca rất thẫn thờ, mà rằng:
“Chiều chiều bên nhau nhìn trăng vàng,
Tay cầm tay ta cũng mơ màng.
Xây đắp mộng đẹp cho tương lai,
Thương yêu nhau mãi mãi.”
(Văn Phụng – bđd)
Mộng và mơ, tuổi còn thơ hay chợt đến bến bờ ở buổi xế. Xế bóng tà dương hay chiều rất xế. Hoặc xế gì đi nữa, hãy cứ hát tiếng “yêu nhau mãi mãi”. Bởi, thế đó là tương lai/mai ngày. Của mọi người. Ở huyện.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn gửi đến bạn
và đến tôi
lời thơ dạt dào yêu mến.
Rất diễm tuyệt.