VRNs (22.12.2011) – Gia Lai – Từ sáng sớm ngày 22/12/2011, trong cái lạnh mù sương của miền cao nguyên vùng Gia Lai rét mướt, các em Thiếu nhi Thánh thể cùng quý phụ huynh và cộng đoàn dân Chúa quanh vùng đã kéo nhau đến dâng Lễ tại nhà thờ Phú Yên H’ra thay cho Lễ chiều vì tối nay có Đêm diễn nguyện mừng kính Chúa Giáng sinh tại nhà thờ.
Sau thánh lễ, Cha Phaolô Nguyễn Văn Công, chánh xứ nhà thờ Phú Yên H’ra mời gọi cộng đoàn cùng chung tay quét dọn vệ sinh và chuẩn bị cho đêm diễn nguyện mừng Chúa Giáng sinh được trang nghiêm, ấm cúng và sạch sẽ.
Vừa tan lễ, mọi người ùa ra sân nhà thờ, mỗi người mỗi việc như đàn ong tìm mật trong những khóm hoa mùa xuân đầy muôn màu sắc rực rỡ.
Trong khuôn viên nhà thờ, các thiếu phụ người sắc tộc Bahnar chia nhau quét rác, gom lá cây, cuốc lại các vùng cỏ mọc lam nham gần nhà xứ cách vui vẻ, nhiệt thành. Tiếng chổi cau cứ quét sàn sạt trên mặt đất đỏ, gom rác và hốt rác vào các giỏ cần xé mặc cho bụi bậm bay tứ tung nhưng không ai có cảm giác hoặc có thái độ chê bẩn cả. Mặc dù thời tiết khá lạnh, trời mù sương, có thể thấy sương mù đổ từ trời cao xuống, sương đọng lại trên tay, trên quần áo và lá cây bằng mắt thường nhưng không khí dọn dẹp vệ sinh vẫn nhộn nhịp, hứng khởi. Các em bé người Bahnar vẫn ngoan ngoãn lẽo đẽo đằng sau mẹ, không nói gì cả, cứ nhìn mẹ làm việc, chốc chốc các em lại quay ra phía các em trai kéo xe cúc kít đẩy gỗ để đóng bàn trong sân. Có cả bà mẹ trẻ con còn đai trên ngực đang mâm mâm bầu sữa vẫn vui vẻ đứng nhìn và giúp sức cho những người lao động bằng tinh thần, nụ cười, câu chuyện vui để công việc chóng qua trong tinh thần hiệp thông trong Chúa.
Những chiếc xe cút kít được các bé trai khoảng mười hai mười ba tuổi đẩy xuống dốc nhà thờ để lấy gỗ là những khúc cây nhỏ dài hơn 1m chất đầy xe và lại đẩy ngược lên dốc vài trăm mét cho các chú bác đóng bàn đứng, loại bàn dành cho người ăn đứng như ăn búppfê vậy. Số bàn có sẵn đã đóng từ hai ngày trước là 10 cái, chân bàn đóng chết xuống đất, mặt bàn lót ván đơn sơ. Hiện tại, các thanh niên vẫn tiếp tục đóng thêm khá nhiều bàn mới có đủ chổ bày hết lượng thức ăn dự kiến. Theo tin Cha Công cho biết là đã “chuẩn bị thức ăn cho khoảng hơn 500 giáo dân trong đêm diễn nguyện, nhưng khả năng số người đến tham gia phải trên 1.000 người. Các gia đình gần nhà thờ nhận phần nấu xôi, mỗi nhà nấu 10kg nếp. Bánh, kẹo, cà phê, nước uống giáo xứ đã chuẩn bị sẵn nhưng có đủ hay không thì phó thác cho Chúa, xin Chúa lo mọi sự”.
Trong khu vực sân khấu thì hang đá Chúa Hài Đồng, sân khấu vẫn đang trong quá trình làm rốp rẻng do bàn tay khéo léo của ông câu và các ban điều hành giáo xứ. Tượng Chúa Hài Đồng, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse đã được yên vị đúng chổ, chỉ cần trang trí thêm ít đèn chớp tắc là hang đá hoàn chỉnh và sinh động nhờ có hai nhánh thông thật, loại thông mà đối với người dân thành thị chỉ thấy được trong đêm Noel trên màn ảnh. Phía dưới sân khấu, các em thiếu nhi Bahnar đang ôn lại các điệu múa, khúc hát dành cho đêm diễn nguyện cách sốt sắng và đầy cảm xúc do sơ Dòng Đa Minh làm biên đạo múa. Bàn tay bé nhỏ của các em uyển chuyển trong từng điệu múa, ánh mắt nhìn theo bàn tay lúc lên cao, lúc xuống thấp rất uyển chuyển, điệu nghệ.
Đằng sau nhà thờ là khu nhà lá dành cho các em thiếu nhi học giáo lý cũng được các dì Dòng Chúa Quan Phòng đang chuẩn bị làm hang đá Chúa Hài Đồng cho các bé thiếu nhi. Những sợi kim tuyến uốn lượn thành chữ Emmanuel theo vòng cung trên hang đá lấp lánh màu xanh lá và vàng quấn vào nhau cách khéo léo. Các phòng học giáo lý cũng được các em nhỏ khiêng bàn ghế ra khỏi và quét dọn, xả nước, lau chùi sạch sẽ. Thầy Dũng đang mài mò nối lại các dây điện bóng đèn chớp tắt cũ đem từ DCCT Sài Gòn về để có cái mắc lên các cây xanh trong khuôn viên nhà thờ cho không khí Đại Lễ mừng kính Chúa thêm phần long trọng, rực rỡ. Thầy hết thử sợi này, nối lại chổ đứt bằng băng keo đen, lại lấy tiếp sợi khác mà làm thoăn thoắtt như thợ điện thứ thiệt vậy.
Không khí rộng rã tưng bừng không kém là tiếng lửa reo cộng với tiếng bầm, cắt, lặt, rửa đủ các thức thức ăn trong khuôn viên nhà bếp bỡi các phụ nữ người Kinh và Bahnar cùng làm việc rất vui vẻ cùng các câu chuyện của các bà nội trợ. Chốc chốc, cô Yến, người Sài Gòn sống tại Quận 3 tuy đã cao tuổi nhưng rất nhiệt thành giúp Cha Công trong việc truyền giáo tại vùng cao nguyên này lại cởi xe máy chạy bảy tám cây số khi thì mua thêm rau, đậu phụ, khi thì tấp lô điện dù cô đã đi chợ từ sáng sớm, tất cả đều từ tiền cô bỏ ra làm bác ái cách âm thầm, kín đáo. Cô vui vẻ giúp mọi người thông thả đầu óc bằng những câu nói dí dỏm vui tươi như đầy ý nghĩa. Cô Yến thường xuyên vùng cao này để giúp cha xứ dạy cho người phụ nữ Bahnar các lớp vệ sinh phụ nữ, kế hoạch hoá gia đình thuần theo tự nhiên vì đa phần người dân tộc đều đông con. Ngoài ra, cô còn giúp họ về vật chất các cái trong tinh thần bác ái yêu thương như Chúa Giêsu Kitô đã dạy.
Bên hông nhà thờ, các thanh niên trẻ đang đóng nhà sàn làm hang đá và cũng là nơi cầu nguyện cho các em thiếu nhi thánh thể và giáo dân trong vùng. Mặt sàn đã được đóng xong nhưng cột vẫn chưa dựng. Đây là các khác với người miền xuôi trong xây dựng vì có cột, kèo mới dựng mái. Trong khi người miền cao làm sàn trước, làm mái nhà riêng, sau đó ghép hai phần lại bỡi các cột. Sương càng lúc càng dày hơn, càng lạnh hơn nhưng các thanh niên vẫn kiên trì để hoàn tất căn hang đá này cho kịp đêm Chúa Giáng Sinh trong hai ngày tới.
Dùng điểm tâm sáng với Cha Công chỉ đơn sơ giản dị là bánh hỏi, bánh ướt với nước mắm dầm ớt, không chả, không nem, không bánh cóng, không giá trụng rau thơm cầu kỳ như mòn ăn vốn bình thường của mọi miền. Về đến đây mới thấy được tấm lòng của người truyền giáo đồng hành cùng giáo dân nghèo khổ vùng cao là như thế nào, mới cảm thông những vất vả, thiếu thốn, khó khăn về vật chất và tinh thần người của mọi người, nhưng tình người vẫn ấm áp và vun đầy trong sáng.
Mùa Noel về cũng lạ dịp để mọi người gắn bó với nhau hơn trong các hoạt động phục vụ cho Giáng sinh mừng kính Chúa đến. Chúng ta cũng nên dọn lại hang đá lòng mình cho sạch sẽ xứng đáng là nơi tôn nghiêm, trang trọng mời Chúa đến, giáng phúc lành và an bình cho cõi trần gian.
NGUYỄN QUÂN TT, VRNs