VRNs (23.12.2011) – RFA – Vấn đề tranh chấp đất đai giữa nhà nước và người dân cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào tiến triển.
Riêng trong lĩnh vực tôn giáo thì tranh chấp đất đai càng khó giải quyết hơn khi nhà nước muốn sở hữu những khu đất có chủ quyền mà trường hợp giáo xứ Thái Hà là một điển hình. Mặc Lâm tổng kết tình trạng của giáo xứ này trong năm 2011 như sau.
Giáo xứ Thái Hà được cả nước biết đến từ năm 2008 khi Dòng Chúa Cứu Thế lên tiếng đòi lại khu đất ở số 178 Nguyễn Lương Bằng Hà Nội thuộc sở hữu của nhà Dòng bị nhà nước mượn trước đó nhưng tự ý giao lại cho công ty may Chiến Thắng sử dụng.
Vụ tranh chấp này dẫn đến việc bắt giữ bảy giáo dân bị nhà nước cáo buộc là hủy hoại tài sản và gây rối trật tự nơi công cộng.
Công an, dân phòng vây bắt những người đi khiếu nại đất cho Giáo xứ, đưa lên xe chở đi.
Tiếp tục mất đất
Vào tháng 10 năm nay, một vụ cưỡng chiếm đất khác của nhà nước đã làm cho Thái Hà sục sôi trở lại. Nhà nước cho phép bệnh viện Đống Đa xây dựng một trạm xử lý nước thải tại bệnh viện và việc làm này có chủ ý rõ ràng: chiếm hẳn khu đất mà bệnh viện Đống Đa đang xây dựng trên chính tài sản mà giáo xứ Thái Hà có giấy tờ sở hữu từ năm 1928.
Vào năm 1959 quận Đống Đa đã ngang nhiên chiếm khu nhà chính của Thái Hà với danh nghĩa là mượn nhưng không bao giờ trả. Mặc dù linh mục Nguyễn Văn Phượng đã gửi đơn khiếu nại lên UBND thành phố Hà Nội nhưng nhà nước vẫn tiến hành việc xây dựng trạm nước thải này.
Luật sư Lê Quốc Quân, một giáo dân có liên hệ mật thiết với giáo xứ Thái Hà cho biết việc nhà nước tiến hành xây dựng trạm nước thải như sau:
Tầm khoảng 9-10 giờ thì họ bắt đầu đưa các loại xe và, có cả công an vào khuôn viên Đống Đa trong đó họ đem các rào chắn bằng sắt chắn hai đầu đường đi vào lối vườn hoa, các nhà tạm. Họ bắt đầu tiến hành thi công bằng việc cho xe tải chở một bể nước thải rất lớn vào đấy. Cả công an, quân đội chốt ở hai đầu và người ta cẩu cái thùng ấy bỏ vào trong khu đất.
Hôm đấy giáo dân tập trung phía bên nhà thờ họ rất muốn đi ra ngăn chặn hành vi đó hoặc để quan sát thôi nhưng các cha bảo không nên ra ngoài vì ban đêm rất nguy hiểm do vậy giáo dân chỉ biết đọc kinh cầu nguyện suốt thôi.
Giáo dân Thái Hà tuần hành trên đường phố Hà Nội sáng thứ Sáu 2-12-2011, yêu cầu chính quyền trả lại các cơ sở cho Giáo xứ.
Quần chúng tự phát, họ là ai?
Câu chuyện không ngừng ở đó, hôm 3 tháng 11, hơn 100 người được nhà nước gọi là quần chúng tự phát đã tấn công nhà thờ Thái Hà mà không có sự can thiệp nào từ phía chính quyền mặc dù rất nhiều công an, dân phòng và lực lượng an ninh có mặt tại nhà thờ lúc xảy ra vụ tấn công.
Trong một bức thư gửi cho Tổng giáo phận Hà Nội và Dòng Chúa Cứu Thế, linh mục Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ Giáo xứ Thái Hà ghi lại: vào lúc 14g45 ngày 03 tháng 11 năm 2011 một toán khoảng chừng 100 người dân không biết từ đâu ùa vào sân Nhà thờ Giáo xứ Thái Hà cầm 2 loa tay chửi bới các tu sĩ, linh mục. Họ đã xô xát với các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Theo lời của linh mục Phượng thì đây là đoàn người mang tiếng là tự phát nhưng lại có sự chuẩn bị đầy đủ máy quay phim chuyên nghiệp. Những người này tỏ ra say rượu và không tiếc lời rủa sả, chửi bới các linh mục và giáo dân. Họ dùng búa tạ đập tung cánh cửa cổng Nhà thờ Thái Hà.
Theo lời của linh mục Phượng thì nhà thờ Thái Hà đã cho kéo chuông, đánh trống nhà thờ. Anh chị em giáo dân ở khắp nơi đã kéo đến rất đông. Trong đoàn người ấy có linh mục Nguyễn Văn Lý, chính xứ Hàm Long. Sau khi giáo dân các xứ đạo lận cận đến hiệp thông với Thái Hà thì đoàn người kia đã tự động rút lui.
Nhận xét về việc này luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên chủ tịch MTTQ thành phố HCM cho biết cảm nghĩ của ông như sau: Tôi nhớ trước đây cái vụ Bát Nhã ở Lâm Đồng-Bảo Lộc cũng có một tình hình tương tự. Về mặt tôn giáo tôi không biết sự việc nó như thế nào nhưng tôi cho trách nhiệm của nhà nước là phải giữ gìn an ninh trật tự, thành ra nếu quả thật là quần chúng tự phát nhưng vào nhà thờ để mà làm như vậy thì trách nhiệm của nhà nước là phải dẹp chứ không thể để người ta làm như vậy được.
Thật ra tranh chấp giữa nhà thờ và nhà nước về vấn đề đất đai hiện nay đang còn tồn tại. Về nguyên tắc tôi biết ngay tại thành phố Hồ Chí Minh những cái gì mà mượn những gì phải trả lại vẫn còn nhiều. Theo trình bày của mấy vị linh mục Thái Hà thì đó là đất của nhà thờ và bây giờ biến thành bệnh viện hay cái gì đó thì tôi không biết rõ nhưng việc gọi là quần chúng tự phát với hàng trăm người vào đó thì lẽ ra công an phải can thiệp.
Bởi vì nếu xảy ra đụng độ giữa giáo dân và số người tự phát đó thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Tôi cho trong việc này đã tạo ra một số hoài nghi trong quần chúng là nhà nước dàn dựng. Việc này tôi thấy không nên nó làm cho uy tín của chính quyền Hà Nội sẽ bị giảm sút.
Tổng giáo phận Hà nội lên tiếng
Sau khi việc này xảy ra giám mục Phê Rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục giáo phận Hà nội đã tỏ thái độ qua một thư gửi cho giáo xứ Thái Hà và thành phố Hà Nội. Anh X, một giáo dân thuộc giáo phận Hà nội không muốn nêu tên cho biết:
Hôm 3 tháng 11 một dân phòng được gọi là quần chúng tư phát đến để gây sự bị Đức tổng Phê rô có một văn thư rất là kịp thời vào ngày 4 tháng 11, rất hy hữu, xác nhận là quyền của giáo xứ trên mảnh đất 61 nghìn mét vuông thứ hai nữa không đồng tình có lực lượng này khác đến gây hấn tại nhà thờ.
Sáng ngày 02/12/2011 vào hồi 8h30’ các linh mục, tu sĩ và giáo dân của giáo xứ Thái Hà, Hàm Long và nhiều người tại các giáo xứ chung quanh Hà Nội đã tập trung tại Bờ hồ để nộp đơn khiếu kiện đòi lại khu đất mà giáo xứ có chủ quyền tại UBND Thành phố Hà Nội.
Biểu tình và bị bắt
Khoảng hơn 9 giờ, các linh mục và giáo dân bị công an bao vây bắt giữ và có hiện tượng xô xát, đánh đập. Linh mục Nguyễn Văn Phượng, LM Lương Văn Long, Tu sĩ Vũ Văn Bằng và khoảng 30 giáo dân bị bắt lên xe buýt đưa về trại Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong có mặt trong đoàn biểu tình cho biết: Chúng tôi đi nộp đơn và sau khi nộp xong chúng tôi đi về thì bị lực lượng công an các loại họ bắt một số giáo dân và bọ bắt linh mục chánh xứ lên xe. Bản thân tôi thì họ cũng xông vào, họ tìm cách bắt tôi nhưng bà con giao dân chung quanh họ bảo vệ rất quyết liệt cho nên họ không bắt được.
Hiện nay chúng tôi đang trên xe đi về nhà thờ. Khi công an tới đòi bắt tôi có nói chúng tôi đi nộp đơn và bây giờ ra về sao các anh lại ngăn cản không cho về?
Họ nói linh mục về thì chúng tôi đưa lên xe buýt để linh mục về luôn nhưng tôi không chịu. Hiện nay thì chúng tôi đang trên xe taxi để về nhà thờ. Có một xe buýt khi nhìn lên thì thấy một số giáo dân trong đó có linh mục chính xứ của chúng tôi còn bắt linh mục như thế nào thì lúc ấy cũng lộn xộn thành ra chúng tôi không có dịp quan sát cho nó rõ.
Chiều ngày 03/11/201, một đám côn đồ khoảng 200 người đã kéo vào Nhà thờ Thái Hà phá phách, gây rối trật tự, uy hiếp Dòng tu
Họ vẫn vững vàng
Các vụ đàn áp xảy ra thường xuyên có làm cho tinh thần của giáo dân Thái Hà sụp đổ hay không, nhất là những người trẻ, thành phần rất dễ bị nhà nước chú ý khi có bất cứ cuộc bạo động nào diễn ra? Anh X cho biết theo ghi nhận của anh thì tinh thần cộng đồng thanh niên công giáo không những không chững lại mà nó còn phát triển mạnh hơn anh nói: Theo nhận định của tôi thì tinh thần của người công giáo ở Hà Nội nói chung và Thái Hà nói riêng qua các biến cố liên tục xảy ra thì người ta càng gắn bó với nhau. Bất kể trong hoàn cảnh nào dù bị bôi xấu, bị xuyên tạc bị nói sai. Các linh mục nhiều khi bị truyền thông làm méo mó nhưng người ta vẫn trung tín.
Lượng giáo dân đổ đến Thái Hà ngày càng nhiều nên cũng thấy được mặc dù người ta ra sức tuyên truyền nhưng người công giáo vẫn hiểu nhất là giới trẻ. Bằng thái độ hiệp thông đến dâng lễ và người ta hiểu biết các công việc của giáo xứ vì vậy các hội đoàn đến rất đông đúc.
Một năm đã trôi qua, vấn đề Thái Hà vẫn còn đó với nhiều câu hỏi phía trước. Sự lựa chọn của UBND thành phố Hà nội giữa công bằng và bạo lực cách mạng đang là một thử thách lớn.
Trong khi giáo xứ Thái Hà với đức tin và sự đoàn kết không thể lay chuyển thì chế độ cầm quyền với tư duy cho tôn giáo là lực lượng nguy hiểm cần phải đề phòng, cộng với tình trạng sở hữu, tranh chấp đất đai đang hoành hành cả nước nói chung và giáo xứ Thái Hà nói riêng, dù sao thì chính quyền cũng cần đặt lại một cách công khai trong tinh thần thượng tôn luật pháp thì mới mong giải quyết vấn đề một cách rốt ráo.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA