Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Lời kinh tri ân

VRNs (06.12.2011) – Massachusetts, USA – Lễ hội Tạ Ơn (Thanksgiving) được cử hành đầu tiên trên đất Mỹ, chỉ gồm có 53 di dân và 90 người da đỏ. Họ mang đến những thứ do canh tác hoặc kiếm được trong rừng hay dưới biển sâu: tôm cá, ngao sò, ốc hến, hươu nai, gà vịt, hoa màu…Cùng ăn chung và nhảy múa liền trong 3 ngày, tạ ơn Thượng Đế đã dẫn đường chỉ lối đến bến bằng an, đã thương ban vùng đất “chảy sữa và mật”. Năm nào cũng thế, cứ đến vào khoảng cuối thu lễ Tạ Ơn lại trở về.



Năm 1863, tổng thống Abraham Lincoln chính thức ban hành sắc luật nâng tập tục tốt đẹp đó thành Quốc Lễ. Suốt từ ngày đó cho đến nay, dù tất bật với bao việc hàng ngày thế nào đi chăng nữa cứ đến ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11, toàn thể dân tộc Hoa Kỳ đều dừng lại, lắng đọng tâm hồn trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, nhớ đến công lao xây dựng của tiền nhân. Ngày đó không một hàng quán nào mở cửa, tiếng nói cười chỉ còn nghe thấy qua khe của: gia đình xum họp để mừng lễ Thanksgiving.

Riêng tôi trong ngày Thanksgiving, trước và trên hết tâm tình Tạ Ơn xin dâng về Thượng Đế:

Tạ ơn Chúa vì Người là Cha nhân hậu, tình yêu của Người tồn tại mãi muôn đời” (TV 136, 1)

Tạ Ơn Ngài vì:
“Tình Yêu Chúa cao vời biết bao
Nào con biết đáp đền thế nào để cho cân xứng Chúa ơi!
Ôi tình yêu thương Chúa cao vời
Người yêu con từ ngàn xưa
Từ khi chưa có đồi non
Từ khi chưa có trời cao
Chưa có vầng trăng với ngàn sao
Gọi con giũa muôn người
Tìm con giữa nơi bùn nhơ”

(Thánh ca: Tình Chúa Cao Vời)

"Tôi reo vui trong hoan lạc: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương" ( Kahlil Gibran)

Thương thay có những người đã không nhận ra Ngài.
Một người kia suốt đời sống trong rừng sâu nay có dịp đến chốn tỉnh thành. Khi trở về nhà mọi người trong bộ lạc xúm lại hỏi chuyện:
-Sao! Ông có thấy gì lạ không?

Người ấy ôm bụng lăn ra cười:

-Lạ chứ sao không. Tôi thấy hầu như đứa nào cũng có một cái cục hình vuông vuông đủ màu. Chúng áp vào tai ra chiều rất thích, lúc nói chuyện, lúc cười hô hố. Rõ là lũ điên, ai lại nói chuyện với cục đá bao giờ.

Tội nghiệp cho anh vì không biết đến kỹ thuật hiện đại mà bị thiệt thòi. Bơi giữa dòng sông mà chết khát, đi giữa dòng đời mà thấy cô đơn. Đang chìm đắm trong ân điển Thượng Đế mà không nhận ra Ngài.

Ở đời không có gì đáng sợ bằng quên ơn. Tiểu nhân không đáng sợ bằng ân nhân. Đáng sợ vì mình không biết lấy gì cám ơn cho đủ. Thanksgiving cũng là dịp hồi tưởng ghi nhớ công ơn đấng sinh thành, các ngài dẫn đưa tôi bước vào đời, là cây cao bóng cả, là nguồn suối mát trong cho tôi soi bóng đời mình. Trọn đời tôi sẽ không bao giờ đền đáp sao cho trọn vẹn.

Tôi cũng không quên cảm tạ biết bao vị ân nhân mà Thượng Đế đã gửi đến trong đời. Họ là ai ? Là bà con trong dòng tộc, là bè bạn, là nguời láng giềng. Họ có thể đã ra đi về một cõi từ lâu, có thể là hiện còn sống nhưng tôi chưa bao giờ gặp mặt, cũng có thể đã từng gặp nhưng không biết tôi.

Trong xứ đạo tôi có đôi vợ chồng trẻ. Họ có hai đứa con trai bị khuyết tật, một đứa bại não 12 tuổi ngồi xe lăn, cái đầu chỉ to nhỉnh hơn trái cam một chút nằm ngoẻo một bên vai, miệng nhớt dãi phun phè phè, cứ khoảng 15 phút lại lên cơn giựt mạnh như động kinh…, đứa kia 15 tuổi cũng bệnh thần kinh nhưng nhẹ hơn, nửa người liệt, chân bại, tay khoèo, chống nạng, miệng méo, luỡi rụt…Mỗi Chúa Nhật hàng tuần, cả gia đình họ đều tham dự thánh lễ, ngồi ghế hàng trên cùng để dễ dàng lên nhận Bánh Thánh. Mùa hè 2011vừa qua đứa lớn lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, cậu lên đọc Thánh thư nhưng không phải bằng cách thông thường: tay chống nạng, tay cầm theo chiếc cassette đã thâu sẵn bài đọc Thánh lễ hôm đó từ ở nhà. Nhiều người rơi lệ khi nghe Tin mừng phát ra từ chiếc cassette. Tôi đã nhìn thấy những dòng lệ lăn dài đó và cảm nghiệm chắc chắn rằng Lời Chúa phát ra từ miệng lưỡi một người tàn tật đã đâm thấu con tim người nghe, đã “lật ngược dòng đời” họ. Bạn mến, gia đình này là ân nhân Đức tin của tôi, là bài giảng tuyệt vời mỗi tuần. Đối với tôi họ là những vị thánh đang chờ “ngày khải hoàn”.

Khi tôi viết bài này cũng là lúc Thái Hà đang bước vào tuần khổ nạn. Tôi đã nhìn thấy những dòng nước mắt, những khuôn mặt bầm dập loang máu, những lời kinh tha thiết dâng lên Chúa từ nhân, cũng vẫn là họ từng đoàn người xếp hàng trên đường phố mang theo niềm tin giữa dòng đời. Thánh Giá hôm nay ra khỏi nền nhà thờ buông mình phủ bóng trên từng ngõ ngách. Bóng Tin Mừng theo từng bước chân đã bò đến “hội đường” dân ngoại.

Ôi Thái Hà mến yêu! Không có giọt mồ hôi nào mà Thiên Chúa không thấy, không có ngọn roi nào mà Ngài không đếm, cũng không hề có giọt máu nào rơi vào quên lãng!

-“Ưu sầu của các con sẽ biến thành hoan lạc…Thầy sẽ thấy các con và tâm hồn các con sẽ vui mừng, và sẽ không ai có thể lấy mất niềm vui của các con” (Jn 16, 20-23)

-“Phúc cho ai bị bách hại vì sự công chính…, phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bách hại, và nói mọi điều xấu chống lại các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên Trời” (Mt 5,3-12)

Tôi cũng đã thấy bóng áo dài đen các cha/thầy DCCT. Ngày tôi còn nhỏ khoảng 10, 11 tuổi (năm 1967/1968), vào mỗi chiều thứ Bẩy đầu tháng xứ đạo tôi thường tổ chức thuê chung xe đi tham dự thánh lễ ở DCCT Kỳ Đồng sau đó là viếng núi Đức Mẹ. Ai đi cũng được không phải đóng tiền. Lần nào tôi cũng đi, không phải vì yêu mến Đức Mẹ gì mà chỉ vì cái thú được ngồi xe đi Sàigòn. Ngày ấy tôi không hiểu lắm nhưng hôm nay tôi đã thấy và hiểu hơn. Vào bất cứ trang mạng Việt Nam nào cũng thấy nhan nhản đưa tin DCCT. Một lần tôi viết trên giấy dòng chữ “DCCT” rồi đưa hỏi ông bạn ngoại đạo người Việt cùng sở:

-Có biết chữ này nghĩa gì không?

-Là Dòng Chúa Cứu Thế.

DCCT ngày nay trên quê hương Việt Nam nổi bật như viên đá nền, là phao bám cho người bạc mỏng phận hèn, là tiếng gào to của kẻ thấp cổ bé miêng, là chốn tìm về ấm áp cho hàng vạn thai nhi bị bức tử khi chưa kịp thấy ánh sáng mặt trời…

Tôi có dịp gặp và nói chuyện với mấy anh em DCCT đang học tại Boston:

-Các cha/thầy ở Việt Nam có sợ không?

-Sợ lắm chứ, con người mà. Nhưng thấy việc nào đúng thì mình phải làm.

DCCT đang dương buồm vùng gió xoáy để mang về những mẻ cá nhiều đến nỗi gần rách lưới. Không gieo trong lệ sầu làm sao có lúc gặt trong hân hoan. “Đừng sợ hãi, Thầy đã thắng thế gian” (Jn 16, 33).

Thưa bạn, Thái Hà và DCCT đang dõi bước theo dấu chân các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, họ là ân nhân đã dậy tôi về lòng can đảm và nhân hậu.

Qua những đoạn video, tôi cũng đã nhìn thấy Đức Giám Mục Nguyễn văn Long, mấy tuần qua ngài xuất hiện như một vì sao lạ giữa bầu trời đen tối. Với huy hiệu Giám Mục có hình lá cờ quê hương: Ngài đã bước đến vũng nước sâu, cõng trên lưng “gia tài của Mẹ” Việt Nam cho đến mãn đời vì không có Giám Mục nào thay đổi huy hiệu mình đã chọn lúc đầu. “Ai xin, thì sẽ được. Ai tìm, sẽ gặp. Ai gõ thì sẽ mở cho” (LC 11, 10). Lời cầu nguyện, và những buổi thắp nến từ muôn phương nay đã được nghe thấu. Cha nhân ái đã gửi đến một ánh sao hy vọng. Nguyện cho Ngài luôn an mạnh để mang ánh sáng Phục Sinh đến xua tan bóng đêm đang phủ kín bầu trời Việt Nam, xoa dịu những vành khăn tang rớm máu, những cảnh bới xác, mò xương.

Tôi cũng không quên cha Nguyễn văn Lý, anh Cù Huy Hà-Vũ và bao người khác vì nền công lý còn đang trôi dạt trong các nhà tù địa ngục trần gian. Nghĩ đến các Ngài chân tôi chỉ muốn sụp lạy xuống: họ như đang lột xác trong những xó tối tăm để đi vào lịch sử dân tộc. Lịch sử mà ngày nào con cái chúng tôi sẽ phải học thuộc lòng từng nét chữ. Lịch sử đó sẽ không còn là chính danh nếu không nhắc đến họ.

Sau cùng tôi xin tạ ơn bất cứ ai có một tấm lòng tha thiết với quê hương mà tôi biết là rất nhiều: những Đức Quảng Độ đại bi đại hùng đại dũng đại trí, những Lê thi Công Nhân, các bậc Nhân Sĩ Trí Thức yêu nước…

Xin được kết thúc tâm tình tri ân của tôi bằng một đoạn văn tôi đã đọc từ internet:

“Dù có chuẩn bị hay chưa
Sẽ đến một ngày chúng ta phải nhắm mắt,
Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón,
Sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh.
Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa ấm áp.
Tiền bạc, danh vọng,quyền lực…tất cả với chúng ta cũng sẽ trở thành vô nghĩa.
Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo, mà là những gì bạn đóng góp.
Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được, mà là những thứ bạn cho đi
.

Quan trọng là những khoảnh khắc bạn khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn. Khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng của mình, hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã.

Hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương: bởi vì chỉ có tình yêu mới đem lại những điều kỳ diệu trong cuộc sống”.

NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG, Boston