Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Mừng Chúa giáng sinh, tôn vinh tình thương cứu độ

VRNs (17.12.2011) – Sài Gòn
NHÂP ĐỀ



Mỗi năm chúng ta mừng Lễ Chúa Giáng Sinh có một lần. Nhưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Giáng Sinh làm người và “cắm lều” ở giữa chúng ta thì luôn ở bên chúng ta, bao trùm đời sống chúng ta, vì Người là Em-ma-nu-en, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ân huệ của Lễ Giáng Sinh thì chúng ta hưởng mỗi giây, mỗi phút, đúng như Lời Phúc Âm của Thánh Gio-an:

“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).

Vì thế mà chúng ta được mời gọi hãy hồi tâm trong thinh lặng mà điểm lại những ơn huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua và nhờ Con Trẻ Giê-su, Đấng đã sinh ra trong hang bò lừa và đã được đặt nằm trong máng súc vật ở Bê-lem, cách nay hơn hai ngàn năm. Để khi mừng Lễ Chúa Giáng Sinh thì chúng ta tôn vinh Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa.

I. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BAN ƠN, LÀ “TÌNH YÊU CHO ĐI”.

1.1 Ơn Tạo Dựng

Trong các Ơn mà Thiên Chúa đã khứng ban cho chúng ta thi truớc hết là Ơn được làm người, được có mặt trong thế giới này, với các khả năng nghe, nói, nhìn, ngửi, nếm, cảm, nhớ, hiểu và yêu của một tạo vật cấp cao mà Thánh Kinh diễn tả là được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa”

“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để bò dưới đất.”

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,26-27).

1.2 Ơn Quan Phòng

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta làm người, nhưng Người còn quan tâm, săn sóc, chăm lo cho từng buớc đi, cho từng nhịp sống. Đó là Ơn Quan Phòng mà không phải ai trong chúng ta cũng có nhận thức đúng đắn mà tin tưởng phó thác và tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút:

“Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao! Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay? Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Lc 12,22-31).

1.3 Ơn Tha Tội

Dù được bao bọc và nâng đỡ bằng muôn vàn ơn, chúng ta vẫn có thể sa ngã và phản bội Thiên Chúa hoặc vì yếu đuối, dại dột hoặc vì ương bướng, cậy sức mình mà bỏ nhà đi hoang. Trong những lúc ấy, Thiên Chúa như một người cha luôn ngóng chờ bóng dáng đứa con hư trở về mà ôm chúng ta vào lòng mà thứ tha tội lỗi và bù đắp cho sự thiệt thòi mà tự chúng ta đã tạo ra cho mình khi rời xa nhà Cha:

“Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,22-24).

1.4 Ơn Nghĩa Tử

Nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta không chỉ được Thiên Chúa cứu khỏi cõi chết mà còn được Người đưa chúng ta vào trong nhà Người, nhận chúng ta làm con cái của Người. Ơn Nghĩa Tử đi theo sau hai Ơn Cứu Độ và Tạo Dựng:

“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1 Ga 3,1)

1.5 Ơn Cứu Độ

Sau Ơn Nghĩa Tử, chúng ta được Thiên Chúa ban Ơn Cứu Độ, tức Ơn giải thoát khỏi vòng kiểm tỏa của tội lỗi và sự chết muôn đời. Với tội nguyên tổ, con người như bị ném vào biển nước mênh mông, lênh đênh trôi dạt, không biết đâu là bến bờ, không có cách nào thoát khỏi bị cảnh sóng gió ba đào vùi giập. Con Thiên Chúa đuợc sai đến giữa biển trời mênh mông ấy như CHIẾC PHAO CỨU SINH giúp con người có chỗ bám víu và tìm lại sự sống:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Ghi chú: Ngoài những ơn trọng đại và cao cả kể trên, chúng ta có thể kể thêm những ơn mà Thiên Chúa ban cho mỗi người một cách khác nhau:

- ơn phần xác như tuổi tác, sức khỏe, tài năng, chức vụ, con cái, của cải, việc làm (phục vụ) và

- ơn phần hồn như lòng nhiệt thành tông đồ, ơn yêu mến Lời Chúa, ơn hoán cải, ơn tiến tới trong đời sống nội tâm, ơn phục vụ, những đau khổ, bất công phải chịu.

II. TÔN VINH TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Câu hỏi tự nhiên bật lên là:

Vậy chúng ta, – những kẻ chịu hết ơn này đến ơn khác từ bàn tay nhân lành của Thiên Chúa – phải làm gì, phải sống như thế nào cho phù hợp? Đức Thánh Cha Bê-nê-đí-tô XVI đã đưa ra cho chúng ta một định hướng khi Ngài xác định thế nào là Ki-tô hữu:

“Là Ki-tô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi có tính chất quyết định.”
(ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 1).

“Gặp gỡ một biến cố” là gặp gỡ Mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, Giáng Sinh làm người nơi Con Trẻ Giêsu.

“Gặp gỡ một người” là gặp gỡ chính Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh làm người là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đi vào trần gian, đã đi vào lịch sử loài người và đã “cắm lều” ở giữa chúng ta, không chỉ ở trong sa mạc mà cả ở giữa các đô thị ồn ào náo nhiệt cũng như ở trong các bản làng nông thôn yên tĩnh.

“Chân trời mới” là Chân Trời của Vương Quốc mà Chúa Ki-tô đã thiết lập ở trần gian, xuyên qua mọi lục địa và thời gian, trong mọi tâm hồn và mọi cộng đồng xã hội, bằng 33 năm sống ở trần gian, bằng hoạt động rao giảng Tin Mừng và chữa lành trong 3 năm và nhất là bằng hiến tế Thập Giá trên Núi Sọ.

“Hướng đi có tính cách quyết định” là hướng đi theo chân Chúa Giê-su Ki-tô, hướng đi của hy sinh từ bỏ chính mình và hiến dâng cho tha nhân.

Vì thế mà chúng ta xác định được những nét cơ bản cũng là những đặc điểm của một lối sống, một cách thể hiện xứng hợp nhất để tôn vinh Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa, như sau:

2.1 Lòng biết ơn

Để tôn vinh Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa, thái độ xứng hợp đầu tiên của chúng ta là thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Thể hiện qua lời nói và việc làm để cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa:

“Đến muôn đời con cảm tạ Ơn Chúa.
Đến muôn đời con ngợi khen Danh Chúa.
Muôn muôn đời con ca vang Tình Thương Chúa.
Và mãi mãi con nhớ ghi Ơn Người!”
(Bài ca Tạ Ơn của Lm Đa Minh Thân Trọng Hoan).

Hoặc:

“Lạy Chúa, chúng tôi tụ họp nơi đây với tư cách là Gia Đình của Chúa.
Với tư cách là Gia Đình của Lòng Tin và Tình Yêu,
Chúng con tạ ơn Chúa.
Với tư cách là khách được mời đến dự Bàn Tiệc Sự Sống,
Chúng con biết ơn Chúa vì Chúa đã dành chỗ cho chúng con.
Với tư cách là con cái của Chúa,
Chúng con quyết tâm theo Chúa trong mọi việc chúng con làm.
Với tư cách là tôi tớ phục vụ Thánh Ý Chúa,
Chúng con được ơn nhận ra Chúa là Đấng cảm thông và xót thương.
Với tư cách là người quản lý của Chúa,
Chúng con kinh ngạc trước các kỳ công của Chúa,
Và chấp nhận trách nhiệm của chúng con là phụng sự Chúa.
Với tư cách là người thừa kế của Chúa,
Chúng con cảm thấy mình bất xứng với muôn vàn hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng con.
Mỗi nhịp tim và mỗi hơi thở chỉ là của chúng con nhờ hồng ân của Chúa.
Và với tư cách là Gia Đình của Chúa, chúng con tung hô Danh Chúa,
Và chúng con dâng lên Chúa mọi vinh quang và danh dự, mọi lời chúc tụng và tạ ơn. Amen.”

Nguyên bản tiếng Anh:

We are gathered here as Your Family, Oh Lord.
As a family of faith and love,
We give You thanks.
As Your guests at the table of life,
We are grateful that You have set a place for us.
As Your children,
We strike to follow You in all we do.
As servant to Your will,
We acknowledge the gift of Your understanding and mercy.
As Your stewards,
We are filled with wonder in the presence of Your mighty deeds
And accept our responsabilities in Your service.
As Your heirs,
We are humbled by the bounty You have given us,
For each beat of our heart and each breath that we draw,
is ours only through Your grace.
And, as Your family, we shout Your name
And give You all glory and honor, praise and thanks. Amen.
[A PRAYER OF THANKSGIVING = KINH TẠ ƠN]

2.2 Sống trong/vì/cho Tình Yêu

Thái độ xứng hợp tiếp theo để tôn vinh Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa, là chọn sống trong/vì/cho Tình Yêu:.

“Thiên Chúa là Tình Yêu, và hễ ai ở trong Tình Yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16).

2.3 Sống tư cách là con cái tự do của Thiên Chúa, là thừa kế của Chúa Ki-tô

Sống trong/vì/cho Tình Yêu là sống tư cách là con cái tự do của Thiên Chúa và thừa kế gia tài của Chúa Giê-su Ki-tô:

“Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi! ” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 3,6-7).

2.4 Yêu thương anh em

Sống trong/vì/cho Tình Yêu thì cũng có nghĩa là sống tình yêu thương huynh đệ với mọi người, nhất là với những người nghèo ở chung quanh chúng ta, vì mến Chúa với yêu người là một và yêu người là giới luật riêng của Chúa Ki-tô:

“Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy.” (1 Ga 3,10).

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” (1 Ga 4,7-11).

2.5 Thí mạng vì anh em

Yêu tha nhân không chỉ là yêu thương bằng tình cảm xuông trên đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng một tình yêu dấn thân và dâng hiến thật sự cho anh em, cho người khác. Mẹ Têrêxa thành Calcutta là một tấm gương sáng chói cho chúng ta noi theo trong cách sống yêu thương này:

“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em…. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3,16.18).

THAY LỜI KẾT

Cách mừng Lễ Chúa Giáng Sinh ý nghĩa và hoàn hảo nhất là tôn vinh Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa bằng cách đem Tình Thương ấy vào thế giới và đến với con người ngày nay, vì điều mà con người cấn nhất, cái mà con người đói khát nhất chính là Tình Thương.

Chúng ta chỉ cần noi gương bắt chước chính Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người: Vì yêu nhân trần Người đã đi vào trần gian, đã chấp nhận làm một trẻ thơ yếu ớt, đã sống kiếp người mong manh, đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa và để cứu vớt chúng sinh.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
No-en 2011