VRNs (05.12.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Tuần 3 mùa Vọng
“Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa,
cho tôi về đường cũ nên thơ,
cho tôi gặp người xưa ước mơ.”
(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – Nửa Hồn Thương Đau)
(Ti 3: 3-5 )
Có nhiều vị, từng nhắm mắt nhưng không để đi về miền vĩnh cửu rất sáng láng, cho bằng để lâm râm khấn vái, xôn xao. Lào xào. Mà, nào tìm thấy được “một thoáng hương xưa”. Và, cũng nào gặp được/được gặp cố nhân hoặc ai đó, ở đâu đây! Chí ít, là chốn âm u, vời vợi, sao đạt tới.
Không đạt được, nhưng nhiều cụ vẫn đinh ninh là mình vẫn “về đường cũ nên thơ”, vẫn “gặp người xưa ước mơ”. Gặp đây, không bằng xe/bằng cộ, mà bằng phương pháp mà người thời đại xưa nay gọi là “cầu cơ”/lên đồng, tử vi/bói quẻ. Có cụ lại cứ tin và coi đó như chuyện thật. Nhiều vị khác, dù chỉ là dân thường ở huyện, rất “chân chỉ hạt bột”, nhưng lại có lập trường vững chãi, ở cuộc sống, nên vẫn “bình chân như vại”. Sống thoải mái. Chẳng tin gì, chuyện bói bài với tử vi, vv…
Truyện kể ở bên dưới, sẽ cho bạn và tôi thấy những điều mà người kể gọi là “Qui luật của xe rác”, xin mời bạn mời tôi, ta cứ đọc rồi sẽ thấy:
Truyện kể rằng:
“Một hôm tôi đón taxi để đi phi trường.
Ðang chạy đúng lằn ranh dành cho xe mình, bỗng từ phía trước xuất hiện một chiếc xe nhà đang phóng về phiá chúng tôi. Tài xế taxi chúng tôi bèn thắng gấp nghe tiếng két, cuối cùng cũng tránh được tai nạn trong đường tơ kẻ tóc!
Tài xế bên xe kia ngoái cổ lại quát tháo chửi rủa chúng tôi bằng một tràng tiếng “Đức”, rất tức bực. Tài xế xe của chúng tôi chỉ mỉm cười rất nhẹ, rồi vẫy chào tử tế, cứ thế tiếp tục đi. Nhìn sự việc diễn tiến rất lạ, tôi bèn hỏi người tài xế: “Sao bác hiền thế? Nếu mình không tránh được, thì chắc tôi và bác đều phải nhập viện, mà bác lại chẳng có phản ứng nóng giận gì là sao vậy?”
Bấy giờ bác tài bèn kể cho tôi nghe truyện mà bác gọi là ‘Qui Luật của Xe Rác‘, giải thích rằng: nhiều người cứ xử sự như xe rác, không khác chút nào. Họ làm đủ mọi chuyện như đổ rác vứt vào người khác… Anh thấy đấy, mỗi chuyện la lối, quát tháo om sòm là không ai bằng. Như thế là đem rác chất đầy mình, những là bực tức, nóng giận, cùng tị hiềm, ghét ghen…
Bởi thế nên, hay nhất là: đừng nên đem rác đổ vào người mình. Cứ mỉm cười, mà vui sống. Cứ, mong cho mọi người gặp chuyện tốt lành, suốt đời họ, thế cũng xong. Ðừng lấy rác của người khác mang vào mình. Thành công hay thất bại trên đường đời, đâu nào do người khác định đoạt.
Hãy yêu mình và yêu người, cứ xử tốt với mọi người. Thế cũng đủ. Cuộc sống đều do mình tạo ra cho chính mình, thôi. Có tham khảo chuyện đời mình với thầy bói hay âm binh ở thế giới bên kia cũng chỉ đạt hạnh phúc có mươi phần trăm thôi, chín mươi phần trăm còn lại có được vui hay buồn cũng tùy cách ta tiếp nhận nó! Cứ gọi đó là “Qui Luật Của Xe Rác”, là thế đấy.”
Chẳng biết quan điểm của bác tài xế nói ở trên có là lời khuyên cho mọi người sống ở huyện có dính dấp gì đến chuyện mê tín với dị đoan hay không. Nhưng, có dính gì thì chắc cũng dính và dấp đôi chút lời thơ và ý nhạc được nghệ sĩ biến thành giòng chảy, rất “Nửa Hồn Thương Đau”, như sau:
“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau,
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Anh ở đâu? Em ở đâu?.”
(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)
“Anh ở đâu? Em ở đâu?” Phải chăng là câu hỏi gửi đến bạn bè/người thân nay không còn cận thân với cận lân như khi trước? Hỏi, là hỏi thế, nhưng không biết người hát và hỏi có biết nhiều về chuyện mai ngày xẩy đến, như các cụ nhà ta xưa nay vẫn cứ hỏi các vị coi tử vi/bói bài và cứ khăng khăng bảo chuyện tiên đoán rất như thần đoán sẽ xảy đến rõ ràng như đinh đóng cột.
Tử vi hay bói bài, nhiều lúc cũng là chuyện cần bàn vì đôi lúc ta cũng thắc mắc theo cách này cách khác, chủ quan hoặc khách quan. Thời buổi này, mà tin tưởng chuyện thần thiêng lỉnh kỉnh là vấn đề khiến một số các nhà khoa học phải lên tiếng. Lên những tiếng thật to, để người người am tường sự việc, mà nhận định.
Những năm về trước, khoảng niên biểu 2003, bà con ở bên Anh từng tổ chức Tuần Lễ Khoa Học Thần Bí hôm đó có tâm-lý-gia Richard Wiseman và nhóm hợp tác nghiên cứu thuộc Đại Học Hertfordshire đã thực hiện một công trình khảo sát gửi đến 2068 nhân sĩ trên toàn quốc để hỏi về hành vi và động thái mê tín dị đoan của nhiều người. Các vị khoa bảng này có nhận xét như sau:
“Hiện nay, chiều hướng tin vào chuyện bói toán ở Anh đang lên đến mức độ khá cao khiến nhiều người phải chú ý. Ngay các vị được coi là có đầu óc khoa học cũng nhận ra chuyện ấy. Bởi, ở nước Anh hôm nay, vẫn còn thấy nhiều tập tục lạ lùng như “sờ vào thanh gỗ” vẫn còn phổ biến khá rộng. Thêm vào đó, là tục bắt chéo ngón tay, hoặc tránh không đi lại phía dưới cầu thang, không làm vỡ gương soi, hoặc luôn luôn đeo ngọc may mắn và/hoặc tin những điều gây xúi quẩy do con số 13 quỷ quái đem lại, nhất nhất đều là những điều mà dân thị thành cũng còn tin như kinh Tin Kính vậy.”
Tác giả nói trên còn cho biết: hiện thời có đến 25% số người có nguồn gốc rất khoa bảng vẫn cứ tin vào những chuyện như thế còn dị đoan mê tín hơn nữa. Một số các nhà thực hiện khảo sát tìm ra được một vài số liệu cũng khá lạ, như sau:
“Về già, bà con bớt dị đoan mê tín hơn lớp trẻ. Thống kê ở Anh gần đây cho biết: đến 59% những người ở vào tuổi từ 11 đến 15 (tức tuổi “teen”) vẫn còn mê tín. So với 44% số người chững chạc ở độ tuổi từ 31-40 tin như thế, và 35% số người ở tuổi 50 và hơn nữa, lại ít tin hơn vào những chuyện dị đoan như thế. Khám phá từ nghiên cứu khảo sát không cho biết về tánh mê tín/dị đoan có dính dấp chuyện xảy ra trong quá khứ hay không. Nhưng, rõ ràng là: người trẻ hôm nay là những người nặng đầu óc mê tín hơn người lớn tuổi.” (x. Denyse O’Leary, Will Science banish superstition forever? MercatorNet 10/8/2011)
Đồng ý hay không với kết quả của khảo sát trên, cũng nên tự hỏi: rồi ra khi về già, bà con có bớt dị đoan/mê tín hơn dạo trước hay không. Hoặc giả, bà con nay vốn được giáo dục theo truyền thống văn hoá của Đạo Chúa, nên cũng bớt phần nào tính dị đoan, chuyên mê man những điều bán tín bán nghi? Có điều là, giới trẻ ở ngoài đời, bớt hăng say chuyện đạo hạnh, lại là người mang nặng tính dị đoan hơn người già chuyên chăm chuyện nhà thờ nhà thánh, cuối đời mình.
So sánh tìm hiểu để có được xác quyết vững vàng, thì: Viện đại học Baylor ở Mỹ đã thực hiện một khảo sát từ năm 2007-2008 lại đã đưa ra nhận xét cũng tương tự:
“Nhiều người tin rằng người sống siêng năng chuyên đi nhà thờ/nhà thánh, là người dễ tin vào đủ thứ chuyện, hơn cả. Như, các đấng bậc thuộc nhóm Giảng Thuyết Tin Mừng nhóm chủ trương Tái sinh, hoặc nhóm tin vào Phúc Âm một cách rất triệt để, vẫn là những người tin nhiều hơn mọi người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: người chuyên chăm đạo đức ở Mỹ tuy mang tiếng là bảo thủ nhưng lại ít tin vào những chuyện thần bí/kỳ dị bằng những người tự cho mình là người thông thoáng/phóng khoáng về Đạo. Trong khi đó, thì đám vô thần hoặc người không mấy đạo đức lại thua xa về chuyện dễ tin dị đoan. Các nhà nghiên cứu nói: điều này cho thấy không phải tôn giáo chung chung mà là lối sống đạo theo kiểu cổ mới có thể loại được tính dị đoan, mê tín nơi nhiều người.” (x. bđd)
Năm 2008, một số nghiên cứu gia Đại học Scripps-Howard ở Ohio, Hoa Kỳ thực hiện khảo sát cho biết:
“Người thường xuyên đi nhà thờ, nhóm chủ trương Tái sinh cũng như nhóm Giảng Thuyết Tin Mừng lại ít tin vào vật lạ hành tinh đến từ đâu đó. Các vị này cũng chẳng tin vào những chuyện như bảo rằng: “người hành tinh lạ” thông minh hơn người trái đất, nên chắc chắn ít dính dấp đến chuyện tôn giáo.” (x. bđd)
Ngoài ra, ở Anh nhiều người xem báo thấy có nhà vật lý tên là David Tyler đã phản ứng đối với những ai cho rằng những vị chuyên chăm đi nhà thờ/nhà thánh sẽ bịu nhiều hậu quả xấu xa. Nhà vật lý này từng tuyên bố:
“Ngày nay, ta thấy nhiều nhà vô thần ủng hộ người có lập trường riêng về vũ trụ. Tuy vậy, cũng nên hỏi: những người như họ thực hiện được bao nhiêu cuộc khảo sát không thiên vị? Cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu khác, các vị này cũng nên coi lại quan điểm của mình mà tham gia biện luận với người khác quan điểm hoặc đối chọi mình. Nhiều dấu hiệu cho thấy không được mấy người từng làm thế. Học giả Shermer, nhà khảo sát nghiên cứu về những người có tánh dị đoan mê muội đủ mọi thứ chuyện thường không tương tác với người chỉ tin những gì có chứng cớ mà thôi. Học giả Grayling có lần xem xét nhận định của nhà khảo sát Shermer thấy rằng: tưởng cũng nên khen học giả Shermer về những nhận định của ông. Và thông điệp của ông được chuyền xuống cho dân thường nào có cơ hội tìm hiểu để họ thấy rằng các phân tích như thế rất ư là sai quấy.” (x. bđd)
Cuối cùng, thì mọi người đều nhận ra là: có khích bác hoặc kình chống cho lắm các thói quen và niềm tin rất đạo của những người sống đời đạo đức, thì người kình chống khích bác như thế nay đếm được bao nhiêu. Phải chăng những vị này chỉ nhân danh khoa học hoặc kiến thức rất cao để khoả lấp chuyện mình cũng tin tưởng vào mọi chuyện như người bình dân, thôi.
Nói cho cùng, có mê tín/dị đoan hay không vẫn là lựa chọn của mỗi người. Lựa chọn đó, tin tưởng nọ, đâu nào dính dự gì ai. Chỉ thành chuyện, nếu người cả tin vẫn cứ tin chuyện này chuyện khác rất rối bời, để rồi không hành xử cho đúng đạo làm người như giới văn minh/lịch sự, thôi.
Chỉ thành vấn đề cho người tin vào Đạo Chúa, khi họ không nhớ rằng đấng thánh nhân hiền từng dặn dò và nhủ klhuyên như sau:
“Xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời,
lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc,
sống trong gian ác và ganh tị,
đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau.
Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,
đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại.
Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính,
nhưng vì Người thương xót,
nên Người đã cứu chúng ta
nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần,
để chúng ta được tái sinh và đổi mới.”
(Ti 3: 3-5)
“Tái sinh, đổi mới” phải chăng đó là: sống hiền lành, thương yêu giùm giúp cả những người vẫn cứ dị đoan/mê tín như xưa. Đổi mới và tái sinh, có phải là: sinh lại trong Thánh Thần, nhờ phép rửa. Rửa sạch, khỏi mọi tì vết rất lỗi tội hoặc lối sống chịu ảnh hưởng từ người khác, mà còn tẩy hết quan niệm cho rằng: người khác là đồ bỏ, chỉ vì những người đó tin vào chuyện lỉnh kỉnh, dị đoan rất mê đắm. Và, như Đấng thánh hiền từng khuyên, thì dù có tin hay không mà cứ sống trong ghét ghen, và đố kỵ thì đó mới là những “rác rưởi” của đời người và đời mình, rồi.
Mê tín hay không. Dị đoan hay không, là động thái của người sống ở đời có lời ca dễ hát như:
“Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người ôi những người
Khóc lẻ loi một mình.
Khóc …lẻ loi một mình.”
(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)
Nói về những khác biệt ở niềm tin, bần đạo nhớ chuyện của bạn bè/người thân, đôi khi thấy lấn cấn mỗi lần nghĩ đến chuyện tử vi/tướng mạo cứ lạo xạo trong đầu, thật khó bỏ. Có lần bần đạo liên tưởng đến câu hỏi của một vị trưởng lão bảo rằng: ông tự bấm số tử vi thấy con trai mình sau này trở thành linh mục nổi đình đám… Làm thế chắc cũng không có tội có lỗi gì thì phải? Có thể là khi nói thế, cụ không tin gì cho lắm. Nhưng ngày nay, ở chốn trên cao cùng Chúa ngó xuống, cụ ắt thấy chuyện tin hay không vào tử vi đẩu số hay tướng mạo cũng để lạo xạo cho vui, qua ngày đoạn tháng, chứ làm sao tin như kinh Tin Kính được.
Nghĩ là nghĩ thế, bần đạo mình chẳng dám thêm thắt dù chỉ một lời bàn rất “Mao Tôn Cương” vẫn thường khiếm khuyết. Chỉ dám về với thơ văn/truyện kể để cho qua đi những thời khắc rất linh tinh, chuyện mình/chuyện người, có thế thôi. Chuyện mình thì ít, chuyện người làm sao kể ra cho hết. Tựa hồ như câu truyện kể ở dưới chỉ để nói lên rằng, tất cả chỉ luận phiếm với phiếm luận, dù chỉ phiếm loạn con cào cào, hay châu chấu, rồi thôi.
Truyện kể, là để minh hoạ tình tiết của người kể đã và đang nhập vai, như ở dưới:
“Truyện rằng:
Tôi mới chuyển về nơi ở mới này, đã phát hiện ra rằng: cứ gần nửa đêm đang ngon giấc điệp, tôi lại bị đánh thức vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và cả tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
Nhiều ngày tiếp theo sau đó, tiếng đóng cửa và tiếng dép lẹp xẹp vào đúng giờ khắc ấy khiến tôi không sao chịu nổi nỗi bức bách đó.
Mẹ tôi thấy vậy bèn khuyên: ”Con à, mẹ con mình mới đến chưa biết ất giáp gì, con đừng vội vã trách móc một ai, kẻo mất lòng chòm xóm nhé”. Tôi đem chuyện này tâm sự cùng một số người hàng xóm. Có người khuyên mẹ con tôi: ” Bà và chị cố mà chịu đựng tiếng cửa đóng cùng tiếng chân đi nặng nề một thời gian. Chắc cũng không lâu đâu!”
Rồi người ấy tiếp: ‘Nửa năm trước, có một người cha bị tai nạn xe cộ qua đời; người mẹ bị bệnh ung thư, nằm liệt giường, không đi lại được. Tiếng đóng cửa đó là của người con về đây chăm sóc mẹ mình. Hoàn cảnh của họ thật đáng thương, xin bà và chị thông cảm cho họ!‘ Cậu thanh niên chỉ độ 16 tuổi thôi. Nên tôi tự nhủ: ”Trẻ người non dạ, thôi thì mình cũng cố mà chịu đựng một thời gian”.Thế nhưng, tiếng đóng cửa cứ tiếp tục ngày một mạnh, đến khó chịu, khiến tôi phải lên lầu nhắc nhở họ.
Cậu bé ra mở cửa, thấy tôi, cậu vội xin lỗi: ”Xin Dì thứ lỗi cho, cháu sẽ cố cẩn trọng hơn.’ Thế nhưng, cứ mỗi lần tôi vừa thiu thiu được vài phút, tiếng đóng cửa ầm ầm kia lại trổi lên đập vào màng tang tôi như một thách thức, rất bức bách.
Mẹ tôi thấy vậy lại bảo: ‘Thôi. Ráng chút nữa đi con, có lẽ rồi cũng quen! Từ từ thì họ cũng sửa được thói quen xấu ấy!’‘ Khoảng tháng sau, đúng như lời mẹ tôi nói, tiếng đóng cửa kia đột nhiên biến mất. Tôi lên giường nằm cứ nín lặng mà lắng tai nghe xem có gì xảy đến khác trước không, thì thấy tiếng khép cửa nhỏ hơn và bước chân người đi lại cũng nhẹ nhàng hơn trước. Tôi bèn nói với mẹ: ‘Mẹ nói quả có đúng! Bây giờ không còn tiếng động ồn ào như trước nữa”. Nhưng, bất chợt tôi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ. Mẹ tôi nghẹn ngào bảo: ”Con ạ! Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp cho thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán ăn chạy bàn, nó cố gắng làm thêm để kiếm tiền chữa chạy cho mẹ, nhưng bà vẫn không khỏi”. Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy. Gặp tôi, cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến bên tôi rồi nói : “Dì ạ ! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi!”
Rồi cậu ấy nói trong tiếng nấc: ”Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, sở dĩ cháu phải đóng cửa thật mạnh để mẹ biết là cháu đã về, có thế bà mới an tâm đi ngủ. Nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ!”
Nghe chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, giòng lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào xuống. Tôi thấy mình thật vô tâm, thiếu cảm thông hoàn cảnh của người khác. Cảm thông là chuyện tối rất cần trong mọi quan hệ. Và, lòng khoan dung là quà tặng quí giá nhất trên đời. Cảm thông với những người sống khác mình. Thông cảm với người tin vào những điều ngược lại với mình. Với khoa học tiên tiến.
Cầu mong mọi người luôn hướng về nhịp đập của trái tim quảng đại. Của, tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua được mọi suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy cho mình tâm tình yêu thương mà Tạo Hóa ban tặng riêng cho ” Con Người. Ở mọi thời!”.
Cuối cùng, chắc hẳn người người đều nhận ra một điều rất dễ thấy và cũng dễ hiểu, đó là: có hai thứ trong đời người mà người đời chẳng thể nào vứt bỏ nó đi được: trước nhất, là nền khoa học; và thứ đến, là niềm tin. Khoa học, dù là khoa học dân gian hay khoa uyên bác cũng vẫn tiến về phía trước, không thoái lui. Còn niềm tin, lại đi ngược về những gì mình nhất quyết mang vào người trong quá khứ.
Niềm tin của con dân nhà Đạo phải luôn vững mạnh. Còn, tin vào chuyện bói toán/tử vi/tướng số, thật khó mà bỏ nó, chi bằng cứ dùng nó rồi hoàn thiện, cũng có sao. Hoàn thiện rồi, sẽ thấy mình hạnh phúc sướng vui. Vui sướng và phúc hạnh, để từ đó ta lại sẽ cùng người nghệ sĩ ra đi mà ca hát. Hát những lời cay đắng, rất như sau:
“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt.
Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người! ôi những người!
Khóc lẻ loi, một mình.
Khóc, lẻ loi một mình.”
(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)
Tắt một lời và cũng là lời cuối cho bạn và cho tôi, là: dù tin hay không tin vào khoa học hay bói toàn, vẫn cứ đừng “Nhắm mắt! và nhắm mắt!” dù chỉ “tìm một thoáng hương xưa”, “đường cũ:, hoặc “gặp người xưa ước mơ”… Bởi, cứ nhắm như thế thì bao giờ mà gặp và thấy, nơi cuộc đời của bạn và của tôi, cũng rất hiền.
Trần Ngọc Mười Hai
Xưa nay vẫn mở to đôi mắt
vẫn cứ đi tìm mà chưa gặp
Đấng mình thờ phụng và yêu thương
nhưng vẫn tin rằng ngày sẽ đến
cũng chóng thôi.