Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ kỷ niệm tròn 40 tuổi

VRNs (21.12.2011) – Sài Gòn – Vào một chiều tối trung tuần tháng 12… như muốn tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của Sàigòn đang chuẩn bị đón Noel và Tết Tây, sâu bên trong khu du lịch Văn Thánh bốn bề khá vắng lặng là nơi đã diễn ra buổi gặp gỡ của khoảng hơn 100 người, gồm các Quí Cha, các Sơ cùng các cộng tác viên khắp nơi hội tụ về đây mừng sự hiện diện 40 năm (1971-2011) của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (PD-CGKPV).

Được bắt đầu khá sớm từ 17g30, linh mục Trần Ngọc Thao CSsR trưởng nhóm PD-CGKPV đã gởi lời chào mừng đến các quý bề trên giám tỉnh và tổng quyền của các dòng, quý giám đốc học viện và bề trên các tu viện có anh chị em đang sinh hoạt trong nhóm. Quý mục sư, linh mục, tu sĩ, quý đại diện Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, quý lãnh đạo Công Ty In Đà Nẵng và Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, quý đại diện các nhà sách cùng các thân hữu và ân nhân.

Ngài nói “Trong cuộc hành trình 40 năm, anh chị em Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ đã nhận được nơi quý vị sự đồng cảm, sự trợ giúp vật chất hay tinh thần. Và hôm nay để khích lệ anh chị em, quý vị đã hy sinh thì giờ, nhiều vị không quản ngại đường sá xa xôi, có trường hợp vượt nhiều ngàn cây số băng qua đại dương, đến đây tỏ bày tình liên đới, diễn tả lòng ưu ái dành cho anh chị em từ nhiều năm qua.”

Tiếp đến, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm thay mặt thường trực Ban Điều Hành nhóm PD-CGKPV đã nêu bật ý nghĩa về sự ra đời và hiện diện suốt 40 năm qua của nhóm. Đó là hoài bão muốn hiện thực hóa Công Đồng Vaticano II của một số anh chị em linh mục và tu sĩ từng theo học ở Âu Châu trở về nước vào thập niên 70 thế kỷ trước qua việc Việt hóa lời Chúa, từ các bộ lễ cho đến Thánh Kinh sao cho chúng trở nên gần gũi dễ hiểu hơn với mọi người Việt Nam. Chính vì lý do này mà “…một số anh chị em linh mục và tu sĩ ngồi lại với nhau tại Đan viện các nữ tu Biển Đức Thủ Đức ngày 01 tháng 11 năm 1971, từ đó được xem như ngày sinh nhật của Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ. Mang một cái tên vừa dài, vừa chẳng có gì độc đáo, nhóm anh chị em này không hề có tham vọng nào khác hơn là phiên dịch cuốn sách kinh bằng La ngữ, trước kia vốn dành cho giáo sĩ, nay theo lệnh Công Đồng, được canh tân, và gửi đến mọi thành phần Dân Chúa, cuốn sách đó mang tên Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Rồi sau khi hoàn tất công trình phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ vào năm 1983, với kinh nghiệm sẵn có, anh chị em mở rộng phạm vi công việc, đó là phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh.

Nay nhìn lại điểm khởi đầu, thấm thoát đã tròn 40 năm. Kết quả của 40 năm miệt mài làm việc với nhau, bất chấp mọi khó khăn đến từ nhiều phía, có khi xuất phát từ nội bộ, cuối cùng anh chị em đã có thể cống hiến cho cộng đồng Dân Chúa Việt Nam hai công trình phiên dịch, đó là cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cuốn Kinh Thánh.

Sau phát biểu của Cha Pascal, chặng đường dài 40 năm đã qua lần lượt tái hiện trên màn chiếu bằng những tư liệu hình ảnh cũ một cách sống động, giúp cử tọa hiểu rõ hơn về ý nghĩa của buổi gặp gỡ hôm nay. Những tư liệu lịch sử phong phú này cũng được nhóm phát hành vào dịp này bằng quyển kỷ yếu, để nhớ về một chặng đường dài nhóm đã đi qua.

Cha Vinh-Sơn Phạm Trung Thành Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế phát biểu ngắn gọn nhưng nhận xét của Ngài rất xác đáng. Đó là “sự thủy chung” đang mất dần trong xã hội VN hôm nay, mà con số 40 năm hiện diện của nhóm đã nói với chúng ta.

Bởi không được như người Nhật, một trong nhược điểm cố hữu của người Việt chúng ta là tinh thần làm việc tập thể thường luôn rất kém. Chính lý do này đã khiến không ít bao hợp tác giữa người với người trong xã hội VN bị đổ vỡ, khiến cho công việc bị dở dang v.v…

Tiếp theo, một trong số người đồng hành lâu năm của nhóm là tiến sĩ David Thorne, Tổng Thư ký Liên hiệp Thánh Kinh hội vùng Indo-Pacific, cũng đã có những chia sẻ khá dài về những kỷ niệm khó quên với nhóm khi lần đầu tiên ông được gặp gỡ vào năm 1993. Khi ấy, giữa trăm bề thiếu thốn do bị ảnh hưởng bởi biến cố 30/4/1975 đã làm đảo lộn nhiều hoạt động của giáo hội. Việc tất cả các dòng tu trường công giáo bị đóng cửa khiến nhiều linh mục tu sĩ du học từ Châu Âu trở về, do không còn người học đã lâm vào tình cảnh ‘thất nghiệp’ đành phải tự tìm công việc gì đó mà làm, và dịch thuật được ông cho là phù hợp đối với các Ngài. Nhờ vậy mà việc phiên dịch sách đạo được tiến triển mạnh hơn

Phát biểu của tiến sĩ David đã khép lại phần chính của buổi gặp gỡ. Sau ban phép của ăn của Lm Trần Ngọc Thao khách mời đã cùng nhóm dùng cơm tối thân mật và thưởng thức vài tiết mục văn nghệ ‘cây nhà lá vườn’ do các cộng tác viên cùng trình diễn với sự linh hoạt sôi nổi của cha Tiến Lộc.

Trước khi chia tay nhau vào khoảng 19g30 khách mời được nhóm PD-CGKPV tặng món quà hết sức có ý nghĩa là quyển Kinh thánh phiên bản 2011 vừa được nhà xuất bản tôn giáo in ra cũng trong năm nay, cùng quyển kỷ yếu về nhóm nói trên.























40 năm chặng thời gian không là gì so với lịch sử giáo hội nhưng lại khá dài với cuộc đời ngắn ngủi của mỗi chúng ta.

Có dịp tham dự người viết mới nhận thấy một số trụ cột của nhóm hiện diện trong buổi họp diện mạo đã khác đi nhiều so với chân dung chính họ khi xưa, lúc tái hiện trên màn chiếu.

Những mái tóc đen năm xưa giờ đây đã bạc trắng. Những làn da căng tròn, nụ cuời tươi tắn, vóc dáng nhanh nhẹn ngày nào giờ chỉ còn những nếp nhăn, bước đi chậm chạp v.v…

Với quyển Kinh Thánh ấn bản 2011 cùng nhiều tài liệu phụng vụ được xuất bản trước kia (xin xem phụ lục bên dưới) hoài bão Việt hóa lời Chúa năm xưa của nhóm có thể nói đã trở thành hiện thực và góp phần không nhỏ vào công cuộc rao giảng đạo chung của giáo hội.

Mặc dù vậy, buổi lễ được tổ chức chỉ để đánh dấu chặng đường 40 năm đã qua, trên thực tế nhóm sẽ vẫn tiếp tục công việc phiên dịch tài liệu, sách đạo cho giáo hội, công việc mà nói như lời cha Cha Vinh-Sơn Phạm Trung Thành Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại buổi gặp gỡ, là “không biết đến bao giờ mới kết thúc!”

Việc chọn lựa nơi vắng vẻ này để tổ chức buổi gặp gỡ một cách ngắn gọn, không chút ồn ào, không đông khách mời, phần nào cũng nói lên tính cách làm việc thầm lặng của nhóm. Nếu tinh ý chút mọi người cũng còn nhận ra điều này qua hình ảnh cây thông một mình chơi vơi giữa đất trời, được chọn làm hình bìa của quyển kỷ yếu 40 năm hiện diện của nhóm.



Sàigòn, 19/12/2011
Alf.Hoàng Gia Bảo