Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Nói ra sợ mất lòng em

VRNs (07.12.2011) – Úc Đại Lợi – Suy niệm Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng năm B 11.12.2011



“Nói ra sợ mất lòng em,
“Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa.”

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Ga 1: 6-8, 19-28

Nhà thơ vì sợ mất lòng, nên không nói. Vì có nói ra, thì lòng mình nay cũng mất. Nhà Đạo tuy có lòng nhưng không sợ mất. Có sợ chăng, chỉ sợ mất tính chân phương, lành thánh rất đích thật,

Tin Mừng theo thánh Gioan nay nói về tính chân phuơng chốn quê mùa, của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả rất thánh, ngoài tính đơn sơ chân thật của đấng bậc ở quê làng/đồng nội còn là nhân chứng cho công trình Nhập thể của Chúa, nữa.

Tin Mừng thánh Gioan viết, ngoài tính chất thấy rất rõ ở lời tựa, còn là bài chia sẻ/giảng dạy ở đền thờ để người người dựa vào đó mà suy tư các bài đọc ở Cựu Ước. Thoạt khi mới đọc, người người tưởng như nghe lại truyện kể rất xưa/cũ nay áp dụng vào với thời đại mình sống, với dụng đích để ta người đọc kinh ngạc rồi thức tỉnh và hiểu biết việc Chúa làm. Tin Mừng còn kể về trình tự sáng tạo trời đất để dẫn giải ý nghĩa rất căn nguyên của bản văn súc tích, chất đầy nhựa sống.

Dẫn giải Kinh Sách Cựu Ước về công trình sáng tạo trời đất, thánh sử Gioan ghi lại đoạn sách Châm Ngôn coi Đức Khôn Ngoan như người thành thân và thành nhân. Văn phong đoạn sách về Đức Khôn Ngoan ra như có trước Đạo của người Do thái. Bởi, Sách này xuất tự thế giới Do thái, có những điều được xác định:“Đức Chúa dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Ngài, trước mọi công trình của Ngài từ ngàn xưa “(Cn 8: 22). Thêm vào đó, sách Châm Ngôn nói Đức Khôn Ngoan hiện diện với con người bằng khẳng định: “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên trái đất và lưu lại ở với con người” .

Cũng nên hiểu, Đức Khôn Ngoan đến với thế giới gian trần trước thời Chúa tới. Nhưng, vẫn không được đón nhận dù Đức Khôn Ngoan là Ánh sáng cho muôn dân. Thế nên, Ngôi Lời Nhập Thể là cách Chúa dùng vào việc chỉnh sửa vấn đề này. Đây là tính độc đáo của Tin Mứng theo thánh Gioan.

Thật ra, thánh sử Gioan mượn ý và lời về Đức Khôn Ngoan là từ các học giả Do thái để nói rằng thánh sử không tạo ra Đức Khôn Ngoan hoặc Ngôi Lời Nhập Thể, mà thánh sử chỉ tạo nên tính độc đáo cho Tin Mừng mình đã viết, qua khẳng định:“Lời đã thành xác phàm và lưu lại nơi chúng tôi” (Ga 1: 14)

Giáo huấn của Đạo khởi sự ngay từ đây. Thánh sử Gioan lại quả quyết: Đức-Khôn-Ngoan-Ngôi-Lời đã từ trời nhập thể với Đức Giêsu. Từ đó, trở thành ánh sáng rất huy hoàng, làm Bậc Thày Dạy Nhân Hiền về thời ấu thơ của Chúa đến với nhân trần. Với thánh sử, đây là lý do khiến Chúa thành phàm nhân, rất Khôn Ngoan.

Khi xưa, Môsê là bậc thày cao cả của Do thái. Ông giảng dạy cho chúng nhân bằng Luật Torah. Còn, Đức Giêsu hoàn thành sứ vụ của Môsê bằng xương thịt Ngài qua mầu nhiệm nhập thể và nhập thế. Luật Torah chỉ cần đến bậc giảng dạy tốt lành, thôi. Còn, Ngôi Lời Nhập Thể là Bậc Thày Đích thật chuyên giảng và dạy về công trình Cứu Độ của Chúa bằng xương thịt cùng máu mủ của Người Con Chúa. Qua Môsê, Chúa dùng bản Luật Torah, để người người hiểu được Ngài. Và qua Đức Giêsu, Ngài gửi đến dân gian chất giọng Ngài nhập thể nơi xác phàm và miệng của Chúa.

Ngôi Lời Nhập Thể là Vị Thầy Dạy rất tốt lành. Là, Đấng Giảng Dạy thành tựu hơn cả lời lẽ, với chữ viết. Ngài là sự Khôn Ngoan có kiến thức rất sách vở nhờ công trình Nhập Thể nay thành hiện thực. Chính Đức-Khôn-Ngoan-bằng-xương-bằng-thịt nay tạo nên sự khôn ngoan cho chúng nhân có thịt cùng xương máu ngõ hầu tỏ bày ý nghĩa để người người hiểu, bằng vào phạm trù của chính mình.

Nhờ thế, dân con Đạo Chúa mới xác tín được điều này và rồi sẽ cùng thân mình Chúa đề ra nhiều điều mới mẻ để người người ở xã hội có thể trở thành người thật. Tất cả tin rằng tính chất rất “người” của con người nay trở thành nôi ấm tình nồng để Chúa Nhập Thể và nhập thế. Và nhờ đó, họ sẽ tin: sự sống mới đến với nhân gian loài người, nhờ Đức Giêsu tái lập và định hình những gì liên quan đến bản thể người của con người.

Đức Giêsu Nhập Thể, là Khởi Đầu rất khác biệt của nhân loại nay nhân rộng, ngõ hầu họ làm được những gì mà trước đó người trần không thể làm. Sự Sống của Ngài là Khởi đầu. Là, Quà tặng. Là, sự Thành Tựu cho mọi thành tựu. Tổng trấn Philatô khi dẫn Đức Giêsu trình diện dân Do thái ông đã có câu nói để đời: “Này là Người!”. Câu này phải hiểu: điều ông nói mang ý nghĩa một khẳng định: “Này là nhân loại đổi mới. Là nhân sinh rất mới, của con người!”

Nhờ Nhập Thể, ta có được sự thân mật cần thiết chưa từng có giữa Thiên Chúa và loài người. Nhờ Nhập Thể, người người đã mở rộng đất cho sự sống mới để dân con nhờ đó mà sống sinh động. Nhờ Nhập Thể, Thiên Chúa đối xử với con người như Người Cha Nhân Hiền. Và nhờ đó, tất cả chúng ta được sáng tạo theo cung cách “sống ở nhà”, nghĩa là: cung cách của con trẻ “ở với cha mẹ” theo nghĩa Chúa Giêsu vẫn từng làm với Cha Ngài. Và theo nghĩa Thiên Chúa “ở tại nhà” với Đức Giêsu.

Kết quả là, nhân loại nay có được sự tự do để sống với Chúa. Thứ tự do chưa ai tưởng tượng nổi, hoặc nghĩ ra. Tự do, vì mình sẽ không còn hãi sợ điều gì. Tự do, vì mình có thể tin vào ai đó, cũng tự do. Và, kết quả là: ta có sự tự do sờ chạm, chữa lành và tha thứ cho nhau như Đức Giêsu đã hiện thực cho Cha bằng cách ra khỏi bản chất rất Thiên Chúa của Ngài, để đến với con người hầu Ngài sẽ sờ chạm, chữa lành và tha thứ cho mọi người, ở trần thế.

Sống và làm thế, cũng rất nguy. Nguy, là bởi ta tin vào nhiệm tích Chúa Nhập Thể và nhập thể giống như Chúa. Tức, sống cuộc sống mà hệ thống chính trị và tôn giáo ở đời không thể hiểu được tại sao ta lại sống như thế. Và, hệ thống ở đời đã và đang tìm cách trừ khử những ai quyết sống nhập thể và nhập thế, giống như ta. Sống nhập thể và nhập thế, là tạo sự kinh ngạc lớn. Kinh ngạc, là: nó không giúp ta thích nghi với qui ước do người đời thiết lập. Sống hiện thực theo cung cách nhập thể, buộc ta phải xét lại xem mình là ai. Mình đã làm gì để Chúa có thể Nhập thể và nhập thế vào nơi ta mà sờ chạm chính con người của ta. Có như thế, ta mới có thể sờ chạm Ngài, bởi Ngài đã nhập thể và nhập thế làm người như ta và với ta bằng xương bằng thịt.

Không ai có thể tạo sự thật vĩnh cửu được như thế. Cũng chẳng ai tạo được công thức toán học mới mẻ như thế, để mà sống. Nhưng, ta là cộng đoàn có Chúa-ở-cùng-và-ở-với bằng công việc Ngài từng làm và sẽ làm sau cái chết và sống lại hiển vinh, là khoảnh khắc quyết định mọi sự nay khác trước. Khác, như một tạo thành rất mới mẻ. Khác, vì ta được tạo dựng bằng xương bằng thịt nơi Ngài và qua Ngài. Khác, để ta có thể sống cho nhau, vì nhau mà sống với Chúa. Và, cho Chúa.

Hội thánh không là hệ thống tư tưởng đơn điệu. Có sẵn. Dễ tiêu hoá. Ngay cả ý tưởng về Đức Giêsu Nhập Thể cũng như thế. Như thế, do bởi Hội thánh chính là thực thể qua đó người người có thể bám víu vào mà nhìn sự việc theo chiều hướng khác hẳn về Thiên Chúa. Và, về nhân loại. Tuy nhiên, vấn đề còn tuỳ thuộc cung cách ta mong muốn và dự tính sẽ sống ra sao. Tuỳ cung cách mà người người vẫn sống và cứ sống. Sống, không cần biết là thế giới ta chung đụng sẽ lớn rộng như thế nào. Và, tất cả sẽ tuỳ thuộc tính nghiêm túc mà con dân trần thế được Chúa chấp nhận, ngang qua việc Ngài nhập thể và nhập thế .

Phụng vụ Hội thánh chọn Tin Mừng hôm nay tập trung vào chuyện thánh Gioan Tẩy giả như chứng nhân từng sống đời nhập thể và nhập thế với mọi người. Chính vì thấy được tính dịu hiền và ân huệ đích thực nơi bản thể “người” của Đức Giêsu mà thánh Gioan Tẩy giả đã thành nhân chứng cho Chúa, Đấng chấp nhận thân phận làm người, để sống với con người. Thánh Gioan Tẩy giả từng sống như Ông Già Tuyết trên mức tuyệt vời, hơn cả Ông Già Tóc Trắng rất Noel, từng chứng tỏ cho mọi người thấy ai là Đấng đến để ở với ta, vào lễ hội rất “Emmanuel” này.

Trong tâm tình cùng Chúa và với Chúa sống đời nhập thể và nhập thế, ta hân hoan tưởng nhớ lời thơ chân quê, để vui hát:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.”

(Nguyễn Bính – Chân Quê)

Nhập thể và nhập thế rất hôm nay, là nhập vào tính chân quê với thầy u thương mến rất Nước Trời. Ở nơi đó, có Chúa-ở-cùng con người. Có người anh/người chị ở Hội Thánh Nước Trời, đã cùng mình sống tính chân quê hiền hoà, rất thánh hoá. Hôm nay và tương lai mai ngày.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá lược dịch.