Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Sài Gòn: Công an trả thù nhà báo

VRNs (12.12.2011) – Trên trang BBC có bài “Nhà báo ‘gài bẫy’ CSGT phải nghỉ việc” cho biết sau khi nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ phanh phui vụ án nguyên Thượng úy Công an Quận Bình Thạnh Huỳnh Minh Đức nhận hối lộ để giải quyết trái quy định đối với xe vi phạm giao thông và đua xe trái phép (viên công an này đã bị khởi tố và bắt tạm giam), công an TP.HCM đã có công văn gửi tới Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông, và Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ yêu cầu ‘kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của Hoàng Khương’.



Đây rõ ràng là hành động trả thù của công an TP.HCM khi đồng nghiệp của mình bị tố cáo. Như thế thì ai còn dám phanh phui tiêu cực nữa?

——————-

Báo Tuổi Trẻ vừa tạm đình chỉ công tác phóng viên Hoàng Khương vì ‘sai sót nghiệp vụ’ khi viết bài về cảnh sát giao thông.

Quyết định này được đưa ra sau khi Công an TP Hồ Chí Minh có công văn gửi tới Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông, và Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ yêu cầu ‘kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của Hoàng Khương’.

Lý do trực tiếp là sự liên quan của nhà báo này tới vụ nguyên Thượng úy Công an Quận Bình Thạnh Huỳnh Minh Đức bị khởi tố và bắt tạm giam tội nhận hối lộ để giải quyết trái quy định đối với xe vi phạm giao thông và đua xe trái phép.

Điều tra của công an cho hay ông Khương và một người khác đã qua môi giới đưa tiền cho Thượng úy Đức để nhờ ông này lấy xe máy bị tạm giữ do tham gia đua xe trái phép ra khỏi nơi tạm giữ và không bị xử phạt.

Việc ăn hối lộ của ông Đức đã được ông Khương ghi lại và dùng làm bằng chứng cho bài viết tựa đề ‘Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép’ đăng trên báo Tuổi Trẻ. Bài này sau đó đã bị gỡ bỏ.

Sau khi cơ quan công an yêu cầu thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ được nói đã ‘nghiêm túc tiến hành kiểm tra toàn bộ quy trình tác nghiệp’ của ông Khương khi viết bài báo trên và kết luận rằng ông đã ‘có sai sót nghiệp vụ’.

Quyết định đình chỉ công tác ông Hoàng Khương, đưa ra ngày 3/12, không nói rõ sẽ áp dụng tới khi nào.

Phanh phui tiêu cực

Bạn bè và đồng nghiệp cho hay ông Hoàng Khương, tên thật là Nguyễn Văn Khương, đã tỏ ra ‘hụt hẫng và rất buồn’ trước quyết định kỷ luật ông.

Một phóng viên thân quen với ông tại TP Hồ Chí Minh, đề nghị giấu tên, nói việc làm của ông Khương “không có động cơ gì khác ngoài phục vụ việc tác nghiệp và phanh phui những tiêu cực” của các nhân viên công quyền.

“Có thể Khương bị lỗi vì sơ suất, nhưng mục đích cuối cùng chỉ là vì lợi ích của người dân.”

Phóng viên Hoàng Khương lâu nay được biết như tác giả của nhiều phóng sự điều tra dũng cảm và không khoan nhượng, nhất là về các sai phạm trong hoạt động của cảnh sát giao thông, vốn khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.

Một nguồn tin khác nhận xét với BBC: “Có lẽ chính vì vậy mà Khương bị nhiều người không ưa, cho dù lâu nay công an đã khen thưởng Khương nhiều lần vì các phóng sự phanh phui vi phạm”.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng ông Hoàng Khương đã sai lầm đạo đức báo chí khi ‘chủ động gài bẫy cho người khác để quy tội’.

Ngoài ra, ông cũng bị mắc tội ‘hối lộ’ khi người môi giới khai đã nhận tiền từ ông.

Hiện chưa rõ vụ việc của nhà báo Hoàng Khương sẽ diễn tiến ra sao sau quyết định đình chỉ công tác.

Việc ‘gài bẫy’ để bắt quả tang những việc làm sai thực ra được áp dụng khá nhiều trong báo chí phương Tây, nhất là các báo chủ trương dân túy.

Nhiều trường hợp bị khiếu kiện ra tòa nhưng được xử trắng án khi nhà báo và tòa soạn báo chứng minh được là họ làm như vậy là vì lợi ích của quần chúng.

Nguồn: BBC