VRNs (16.12.2011) – Một cuộc bình chọn cá nhân rất lạ thường và thật hứng thú vào thứ tư, 14/12 của tạp chí TIME tại New York: chẳng phải ông, chẳng phải bà, chẳng phải anh, chẳng phải chị. Một tấm hình của người che mặt biểu tượng cho một nhân vật vô danh. Tuy nhiên cứ hễ ai đã xuống đường biểu tình bầy tỏ sự phản đối từ Syrien, Lybia, Ai Cập, Tunesia, Yemen, Moskau, New York, Thái Lan, Trung Hoa, Tây Tạng, Miến Điện và cả Việt Nam tại Hà Nội, Sàigòn, giáo xứ Thái Hà, Vinh là cảm thấy TIME đang vinh danh chính mình.
Đúng ra TIME đang tôn vinh không chỉ Một Người Biểu Tình là Nhân Vật của 2011, nhưng đồng nghĩa cho hàng triệu người vô danh xuống đường biểu tình.
Trong thế giới tự do, cộng sản, độc tài đang chuyển động bằng những cuộc xuống đường cả trong ôn hòa lẫn bạo động. Nhiều nơi đã thành công và thay đổi diện mạo của các quốc gia độc tài đảng trị. Người dân được tiếp sức mạnh mẽ và lan tỏa ra khỏi vùng, lãnh thổ như những cơn mưa rào tạo ra một mùa xuân cách mạng.
2011 là năm của các cuộc biểu tình, cuộc nổi dậy, những người đấu tranh dũng cảm cho dân chủ. Hàng triệu người biểu tình đã ra quân xung trận trên khắp thế giới.
Cách đây một năm, người thanh niên bán rau cải của Tunesia, anh Mohammed Bouazizisau đã tự thiêu để phản đối tình hình chính trị tại nước mình, từ đó “Phong trào biểu tình lan truyền nhanh chóng trên khắp Trung Đông và kéo đến Châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này đang thay đổi chính sách toàn cầu và xác định mới lại về quyền lực của người dân”, tạp chí TIME nói về của quyết định lựa chọn vinh danh Nhân Vật của năm 2011.
Tạp chí TIME bình luận tiếp theo: “Điều đáng chú ý nhận ra nhiều lãnh đạo của các phong trào phản đối có cùng quan điểm chung. Ở khắp mọi nơi họ chủ yếu là thành phần thanh niên, thuộc giới trung lưu và học thức”. Hầu như tất cả các phong trào phản đối trong năm 2011 đã bắt đầu hiện hữu độc lập, không bị ảnh hưởng của các đảng phái hoặc nhóm đối lập.
Tạp chí TIME nhìn BẠN là Người Biểu Tình: “Ở khắp mọi nơi trên thế giới tin vào những người biểu tình năm 201: hệ thống chính trị và kinh tế trong nước của họ không còn làm việc và tham nhũng. Chính phủ nhào nặn ra một nền dân chủ giả tạo để phục vụ kẻ giàu có và quyền lực. Và chính họ ngăn cản sự thay đổi đất nước”.
Tổng biên tập tạp chí TIME, ông Rick Stengel nhận định rằng: “Có một lúc đạt tới đích điểm của sự thất vọng toàn cầu. Mọi người dường như ở khắp mọi nơi muốn nói rằng bây giờ nó đã đủ cho họ. Những người biểu tình tổ chức đối kháng, họ đòi hỏi nhưng không nhân nhượng, cho dù được đáp trả lại bằng hơi cay hoặc viên đạn đồng”.
Một tương quan đồng tình, tổng thống Nga, ông Dimitry A. Medvedev mới đây bày tỏ sự đồng cảm trong Facebook hôm 11/12 khi nhìn thấy hàng ngàn người biểu tình tại thủ đô Moskau để tố cáo gian lận trong bầu cử quốc hội Nga: “Mọi người có quyền bày tỏ sự phản đối và đó là những gì họ đã làm hôm 10/12″.
Tổng luận cho Mùa Xuân Ả Rập, cựu Tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập, ông Amr Moussa tóm gọn tại “Hội nghị Chính sách Thế giới” vừa qua ở thủ đô Áo Vienna như sau: “Thời đại của những kẻ độc tài đã qua đi, giai đoạn cải cách chính trị đã đuợc bắt đầu.” Và “Chúng tôi trải qua một sự thay đổi lịch sử quan trọng… Các sự kiện thời sự đang mở đường cho một trật tự mới” tại Ai Cập và vùng Bắc Phi.
Tạp chí TIME trong việc bình chọn nhân vật của năm 2011 làm cho nhiều dự đoán sai lệch: chẳng phải vị bất đồng chính kiến của Trung Cộng, ông Ai Weiwei và Đô đốc Mỹ William McCrave, vị chỉ huy nhóm Biệt Hải Navy Seals đã tiêu diệt Osama bin Laden tại Pakistan, hoặc công nương của Anh quốc, Kate Middleton cũng như Dân biểu Mỹ Paul Ryan nhận được giải thưởng.
Giải thưởng được trao cho Người Biểu Tình tại Quốc Hội Âu Châu
Tại Strasbourg, Quốc Hội Âu Châu hôm 13/12 vừa qua cũng vinh danh cho 5 đại diện của Mùa Xuân Ả Rập.
Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu, ông Jerzy Buzek ca ngợi lòng can đảm của 5 nhà hoạt động nổi bật trong nước của họ. Các nhà họat động nay đã áp dụng cho dân chủ và làm thay đổi nền tảng chính trị tại Ai Cập, Syria, Libya và Tunisia. Hai người đoạt giải từ Syria không thể đến Strasbourg vì bị nhà nước ngăn cấm.
Để tưởng niệm người anh hùng bán rau cải của Tunesia, anh Mohammed Bouazizisau đã tự thiêu để phản đối tình hình chính trị tại nước mình, Quốc Hội Âu Châu đã dành một phút mặc niệm tôn vinh cho anh Mohammed Bouazizisau và cho tất cả những người đã hy sinh trong những cuộc biểu tình của Mùa Xuân Ả Rập. Ông Jerzy Buzek vinh danh họ vì “cuộc đấu tranh cho tự do trong thế giới Ả Rập đã phải hy sinh cuộc sống của họ”.
“Đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Châu Âu và thế giới Ả Rập để đạt tới được một sự hiểu biết lẫn nhau”, blogger Asmaa Mahfouz, 26 tuổi của Ai Cập, cho biết trong bài phát biểu của mình. Cô Mahfouz lúc ấy đã hiệu triệu kêu gọi trên Internet người Ai Cập đến quảng trường Tahrir để biểu tình phản đối nhà nước Ai Cập.
Nghĩ về Việt Nam
Tạp chí danh tiếng TIME vinh danh Người Biểu Tình có thể mang lại một luồng gió cách mạng đến Hà Nội hoặc Sàigòn là hai nơi đã có phát xuất những cuộc biểu tình của những Người Yêu Nước. “Biểu tình có cái gì đó dễ lây lan,” Tổng biên tập tạp chí TIME, ông Rick Stengel cho biết ngắn gọn nhưng rất rõ ràng trong ngày bình chọn nhân vật của năm 2011. Đúng như thế, Lòng Yêu Nước phải được “lây lan” trên toàn lãnh thổ Việt Nam và phải lan rộng đến tận ngoài khơi vùng Biển Đông. Ông Rick Stengel nói tiếp theo vai trò quan trọng của người biểu tình trong thời đại mới: “Đây là những người đã làm nên lịch sử và sẽ tiếp tục viết lịch sử”.
Những người Việt Nam đang bị tù đày vì đi biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, những người bị công an đánh đập dày xéo, những người biểu tình đòi tôn trọng sự thật và công bằng tại Việt Nam đang tiếp nối cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập và đang viết tiếp theo những trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những Người Biểu Tình của Năm 2011 từ Việt Nam có thể vạch rõ ra bộ mặt thật của chính quyền csVN như báo TIME đã nhận định: “Hệ thống chính trị và kinh tế trong nước của họ (có cả Việt Nam) không còn làm việc và tham nhũng. Chính phủ nhào nặn ra một nền dân chủ giả tạo để phục vụ kẻ giàu có và quyền lực. Và chính họ ngăn cản sự thay đổi đất nước”.
Hà Long
Tác giả gửi riêng cho VRNs