Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Thái Hà: Cõi ô nhiễm đi tìm người vô nhiễm

VRNs (08.12.2011) – Hà Nội – Hôm nay, 8.12.2011 là Đại lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Ở nhà thờ Thái Hà chúng tôi, anh chị em gần xa đoàn tụ. Năm nào cũng thế, năm nay do tình hình lại còn đông hơn. Nhiều người thường trực bên Đức Mẹ suốt ngày. Hoàn cảnh bên ngoài tạo cho người ta cái tâm thức mình là người giữ ngôi đền của Mẹ. Thực ra, hoàn cảnh bên ngoài đã xúc tác, đã đánh thức một cái gì lúc thường vẫn ẩn sâu trong lòng người tín hữu.



Trong dịp Đại lễ này, tôi ước ao được xuyên qua hoàn cảnh bên ngoài để tìm đến cái “ẩn sâu” ấy. Lại nữa, tôi cũng mong được đóng góp một chút gì cho Năm Đức Tin sắp khai mạc.

Lâu nay sinh hoạt với Dân Chúa, tôi đã được gặp rất nhiều những người con yêu mến Đức Mẹ. Những lời ca tiếng hát, những cảm xúc tâm tình đối với Mẹ thì chẳng thiếu gì. Dịp đại lễ này và trên ngưỡng cửa Năm Đức Tin này, tôi mong được tặng cho các người con yêu mến Đức Mẹ một số cảm nghiệm Đức Tin trong Dân Chúa khiến cho Hội Thánh đã công bố niềm tin về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Với các nhà nghiên cứu Thần học thì chả có gì mới. Nhưng với đa số anh chị em tín hữu có lòng mộ mến, những câu chuyện tôi sẽ nói có thể giúp làm rõ hơn niềm tin vốn là nền tảng cho sự mộ mến của mình. Niềm tin ấy chính là điều mà chúng ta vẫn “giữ lấy trong lòng và suy đi nghĩ lại”, giống như Tin Mừng nói về Đức Mẹ.

Trong ý hướng ấy, tôi xin gửi đến các anh chị em yêu mến Đức Mẹ loạt bài “Đi tìm bóng Người Vô Nhiễm”. Mong anh chị em nhận cho lấy thảo.

I. Truyện Bà Mường giã gạo

Bà con dân tộc Mường có truyện cổ tích như sau: Ngày xưa trời với đất gần nhau, gần lắm, gần đến nỗi giơ tay lên khỏi đầu là có thể với tới trời. Xảy ra một ngày nọ, có một bà giã gạo; nhưng trời gần quá cứ lùng bùng như một cái màn mắc trên đầu, (chắc Bà Mường cũng dùng một cái chày khá dài), bà liền nổi giận, quát mắng trời một mách, vì trời cứ quẩn tay quẩn chân. Bà bảo trời đi chỗ khác chơi, để cho người ta còn sinh sống chứ. Trời bị mắng, nên trời tiu nghỉu, ngượng ngùng. Trời liền rút lên cao. Ðó là lý do tại sao trời xa đất thế, và bây giờ người ta có vươn mình tới đâu, cũng chẳng bao giờ với được tới trời.

Những câu truyện như thế, mới ngày nào bị những bậc học thức coi là hoang đường, là tiền khoa học. Tiền khoa học thì đúng, nhưng hoang đường thì phải xét lại. Từ đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu dân tộc học và tôn giáo học bỗng khám phá ra một điều: những câu truyện cổ tích ấy không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thời nhân loại còn hồng hoang. Nó còn chứa đựng ở trong một ngụ ý sâu xa. Nó là hoa trái của bản năng đi tìm chân lý xuyên qua những giai đoạn phát triển ban đầu của tinh thần con người. Từ đó, người ta có một ý niệm mới về các huyền thoại. Huyền thoại có thể là tiền thân của triết học và thần học sau này. Giống như những bức họa mà người tiền sử vẽ lên những động đá xưa kia, báo hiệu sự phát triển của tinh thần và tâm linh nhân loại.

Trong các dân tộc đều có nhiều huyền thoại khác nhau về một cái gì rất tốt đẹp mà những con người đầu tiên đã đánh mất. Và truyện Bà Mường giã gạo mà đánh mất trời cũng là một huyền thoại như thế.

Ngày xưa người ta không biết do đâu mà tác giả Sách Sáng Thế lại nghĩ ra truyện Adam và Evà ăn trái cấm. Thậm chí người ta còn hồ nghi rằng Thiên Chúa cho tác giả nhìn thấy câu truyện ấy như xem một bộ phim. Có người lại tưởng Chúa đọc cho tác giả viết như thầy giáo đọc chính tả. Ngày nay người ta có khuynh hướng cho rằng tác giả Sách Sáng Thế đã có sẵn cái kho tàng huyền thoại bình dân đó, chỉ cần soạn tác ít nhiều để cho nó chuyển tải đúng niềm tin của mình.

Xét cho cùng truyện Ađam Evà, hay truyện Bà Mường giã gạo, hay truyện Lưu Nguyễn lên thiên thai ở Trung Quốc, truyện Từ Thức gặp tiên, truyện Ngưu Lang Chức Nữ, truyện Anh Trương Chi ở Việt Nam, hay truyện Chàng Ripp Van Winkle ở Hà Lan đều có chung một cơ sở nhận thức rằng: Người ta đã có một hạnh phúc gì rất lớn mà đã đánh mất. Giống như thi sĩ Tản Ðà đã viết trong bài Tống Biệt về huyền thoại Luu Nguyễn:

Lá vàng rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi
Ðá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, hoa trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi…


Tác giả Sách Sáng Thế không có được cái thứ tình cảm bâng khuâng ngậm ngùi như nhà thơ Ðông phương, thì viết: “Thiên Chúa trục xuất con người ra khỏi vườn Eđen. Và ở phía Ðông vườn Eđen, Ngài đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe như sét đánh trong giông bão, để canh giữ lối đường đến cây trường sinh” (St. 3:24). Từ đó, Kinh Thánh đưa người ta đi qua đủ mọi nông nỗi tội tình, chém giết, tham lam, thù hận, dâm ô loạn luân….khiến cho nhiều người phải kêu lên: Sách Thánh gì mà ác ôn vậy !

Dù sao thì Dân Chúa chọn vẫn ghi nhớ trong lòng câu truyện về Ađam Evà, giống như một câu thơ Việt Nam cổ:

“Xưa kia ta ở trên trời,
đứt giây rơi xuống làm người trần gian.”


Câu truyện ấy được giữ trong lòng Dân Chúa qua mọi nỗi thăng trầm khổ ải. Ðến đời Ông Phaolô, thì đã không còn tư duy hoàn toàn theo khuôn mẫu huyền thoại. Ðối với Phaolô, vấn đề không còn là từ Vườn Eđen, Vườn Ðịa Ðàng rớt xuống thế gian này; nhưng Phaolô viết: “ Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa ” (Rm 3:23). Rồi ông mô tả: “ Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhung làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm…Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chuá; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7:18-23).

Ước gì cả cái xã hội của ta đang hỗn loạn tố cáo nhau đủ thứ tội lỗi rất có thật được hưởng một vài ngày yên lặng tĩnh tâm để suy nghĩ về tâm trạng ấy của ông già Phaolô. Ðể cùng kêu lên với ông một lời não nuột: “Khốn thân tôi ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi cái xác chết này ?” (Rm 7:24).

Có điều khi Phaolô tả oán như vậy thì ông đã tìm thấy câu trả lời. Trong quá trình quay quắt làm những sự ác ông không muốn làm, ông đã gặp một người quật ngã ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta. – Ai đấy ?” – “ Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:4). Phaolô hiểu có một lời hứa từ xa xưa lắm, từ tận trong Vườn Ðịa Ðàng, người ta khổ quá đâu có còn nhớ nữa, nhưng đã đến thời nó thực hiện. Con rắn độc trên cây trái cấm đã bị đánh bại.

Truyện bắt đầu như sau, theo lời Luca kể lại: “Thiên Chúa sai Sứ Thần Gabriel đến gặp một Trinh Nữ tên là Maria. Sứ Thần vào nhà Trinh Nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi người đầy ơn phúc. Chúa ở cùng người” (Lc 1: 26-28). Ðấy là nơi đầu nguồn rất tinh ròng của một lịch sử mới. Từ đấy, trong Dân Chúa, người ta trân quý Người Trinh Nữ đã được Thiên Sứ chào là người đầy ơn phúc …

(Kỳ sau: ƠN CẠN, ƠN ÐẦY )

Vũ Khởi Phụng