VRNs (25.12.2011) – Chúa Nhật Lễ Giáng Sinh (Lc 2, 1-14)
Trình thuật về biến cố Chúa Giêsu chào đời, vốn rất ngắn gọn (Lc 2,1-7), được tác giả Tin Mừng mở rộng và giải thích bằng câu chuyện về sự xuất hiện của hội nhạc thiên quốc và của các mục đồng, những người nghèo (2,8-20).
Trước hết, tác giả đặt cuộc giáng sinh của Đức Giêsu vào khung cảnh lịch sử trần gian: “Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi”(cc.1-3). Tuy nhiên, những thông tin mà tác giả cung cấp, thực ra, không rõ ràng, và về phương diện sử học, đã tạo nên không ít khó khăn. Tuy nhiên, có lẽ thánh Luca không có ý xác định ngày giờ chính xác của biến cố, mà chỉ có ý gắn biến cố đó vào trong khung cảnh lịch sử phổ quát, để cho thấy cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu không chỉ ứng đáp niềm khát khao chờ đợi của Israel mà thôi, mà còn là của toàn thể nhân loại.
Cuộc kiểm tra dân số được nói đến ở đây cũng là một chi tiết khó xác định về mặt lịch sử: đó là cuộc kiểm tra dân số nào trong số các cưộc kiểm tra dân số của đế quốc Rôma? Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải chú ý: đâu là ý hướng của tác giả khi ông nói đến cuộc kiểm tra dân số? Cuộc kiểm tra dân số này là cơ hội của sự quan phòng thần linh để cha mẹ Đấng Mêsia trở về Bêlem, thành của vua Đavít, và như thế, lời ngôn sứ Mk 5,2 sẽ được thực hiện. Hơn nữa, vì Chúa Giêsu sinh ra ngay trong giai đoạn đang tiến hành cuộc kiểm tra dân số của toàn thế giới (theo cách nhìn của người La Mã), nên tên của Người được ghi vào sổ bộ nhân loại cùng với tất cả những ai đang có mặt trong thế giới lúc đó, và nói như Ôrigiênê, ngõ hầu Người có thể thánh hóa thế giới và biến sổ bộ ghi tên những kẻ phải chết thành sổ bộ sự sống.
“Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai” (cc.4-5). Tác giả muốn nhấn mạnh chi tiết ông Giuse thuộc dòng tộc vua Đavít, và việc ông trở về thành của vua Đavít là chi tiết quan trọng đối với tác giả trình thuật, vì Đấng Mêsia, theo Mk 5,1 phải là con cháu nhà Đavít và sinh tại Bêlem. Không ngờ quyết định của hoàng đế Augustô lại trở thành công cụ để chương trình của Thiên Chúa được thực hiện.
“Khi hai người đang ở Bêlem, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (cc.6-7). Khác với Gioan Tẩy Giả, vốn được sinh ra trong khung cảnh vui tươi, xung quanh có bà con thân hữu, tuy có lẽ cũng là sinh trong cảnh nghèo, Chúa Giêsu được sinh ra trong một hoàn cảnh hoàn toàn nghèo nàn và cô đơn. Sự kiện còn hoàn toàn ngược với những gì thiên sứ Gabriel đã loan báo trong 1,32t.
Chúa Giêsu được gọi là “con đầu lòng” (chứ không phải “con duy nhất”). “Con đầu lòng” là hạn từ diễn tả vị thế pháp lý và tôn giáo, độc lập với sự kiện có hay không có những người con khác. Tác giả Tin Mừng không muốn nhấn mạnh trên sự kiện Chúa Giêsu là con độc nhất của Đức Maria, vì có lẽ ông thấy không cần phải làm điều đó. Điều ông muốn người đọc chú ý là sự kiện Người là con đầu lòng. Với tư cách đó, Chúa Giêsu được hưởng ưu vị dành cho người con sinh ra trước tiên trong gia đình, nhất là sự kiện được thánh hiến cho Thiên Chúa. Chưa kể rằng trong tư cách là con đầu lòng, Đức Giêsu là người thừa kế hợp pháp của vua Đavít.
Đức Maria “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Người thực hiện những công việc bình thường của những người mẹ. Con Thiên Chúa làm người đón nhận sự chăm sóc của Mẹ như những hài nhi khác. Điều đáng nói là Người được đặt nằm trong máng cỏ. Đó là một cái máng hoặc một cái hộc nhỏ khoét trong tường hay trong vách hang đá.
Tác giả Tin Mừng cẩn thận ghi chú: “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong katalyma”. Trong bản LXX hạn từ katalyma mang nhiều nghĩa khác nhau. Vì thế rất khó xác định ý nghĩa được tác giả Lc sử dụng ở đây. Nhưng có thể nói đến hai nghĩa. Có thể đó là một quán trọ dành cho khách bộ hành. Tuy nhiên, khi nói về quan trọ trong 10,34 tác giả Luca lại dùng một hạn từ khác, chứ không dùng katalyma. Đàng khác, theo câu 6, có vẻ tác giả không có ý nói là thánh Giuse và Đức Mẹ vừa đến Giêrusalem và đang tìm chỗ trọ. Khả năng thứ hai: katalyma ở đây là một căn phòng trong quán trọ. Khi nói về căn phòng nơi Đức Giêsu và các đồ đệ ăn lễ vượt qua, tác giả Luca gọi đó là katalyma.
Hiểu theo nghĩa thứ hai này, sự kiện có thể được hình dung như sau: Thánh Giuse và Đức Mẹ không thuê được một chỗ trong phòng, mà là một góc trong quan trọ thôi, ví dụ chỗ dành cho lừa ngựa. Khi quán trọ quá đông khách, người ta tận dụng cả những chái nhà hay những góc sân dành cho lừa ngựa để cho khách thuê trọ. Đức Giêsu đã cất tiếng khóc chào đời trong chỗ hèn kém ấy, ngay bên cạnh những con người vô cảm trong quán trọ, những con người đã không nhường chỗ cho người phụ nữ mang thai và chuyển dạ sinh nở.
Mãi đến thế kỷ II, với thánh Giustinô, mới xuất hiện truyền thống nói rằng Đức Giêsu được sinh ra trong một hang đá. Có thể đã xảy ra như vậy, nhưng tác giả Lc thì không nói gì về điều đó cả. Sau này, chúng ta thi vị hóa bằng cách “chuyển” hang đá ra một cách đồng cô quạnh. Hình ảnh đó đẹp thật, nhưng không làm nổi bật sự vô cảm rất đáng trách của những con người trong quán trọ đêm hôm ấy. Nhưng nếu hiểu rằng Đức Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu trong một góc sân hay trong một góc của chái nhà trọ, “vì hai ông bà không tìm được một chỗ trong phòng”, thì tình hình sẽ hoàn toàn khác hẳn. Sao những người phụ nữ đã từng trải qua giờ phút sinh đẻ đang có mặt trong quán trọ không nhường chỗ cho một người phụ nữ đang chuyển dạ sinh con đầu lòng nhỉ? Những người đàn ông đã từng lo lắng khi đứa con của mình vừa cất tiếng khóc chào đời sao không nhường chỗ cho đứa trẻ vừa được sinh ra này? Sự kiện Đức Maria đặt Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, chỗ thường dành cho lừa ngựa của khách trọ trong quán, là một hình ảnh đau xót, tố cáo mạnh mẽ sự vô cảm đáng trách của con người ta.
Rồi khung cảnh của câu chuyện thay đổi: “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng” (cc.8-9). Khung cảnh lúc này không còn là một góc sân hay một góc phòng, mà là cánh đồng quanh Bêlem, ban đêm, với những người chăn chiên đang canh giữ đàn vật. Bỗng xuất hiện một cảnh tượng thật kỳ vĩ: các thiên sứ, ánh sáng và vinh quang. Thực tại của Thiên Chúa đã mở ra với thế giới nghèo khổ khốn cùng và cô quạnh của con người.
Nghề nghiệp và tình cảnh của các mục đồng nghèo khổ là hình ảnh của thế giới khốn khổ của con người. Thiên Chúa đã chọn những con người khốn khổ đó để công bố tin vui Đấng Mêsia giáng sinh. Đàng khác, vua Đavít, cũng chào đời tại Bêlem, vốn là một mục đồng trước khi làm vua Israel và mang trên vai mình gánh nặng của lời hứa Mêsia. Hình ảnh các mục đồng trong đêm Giáng Sinh có chức năng văn chương là làm nổi bật vai trò Mêsia của Hài Nhi Giêsu.
“Sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (cc.10-11). Sứ thần báo một tin mừng trọng đại: cuộc hạ sinh của Đấng Mêsia trong thành vua Đavít. Đấng ấy được “định tính” bằng ba danh hiệu: Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô và Đức Chúa. Cứu độ vốn là chức năng cơ bản của Đấng Mêsia. Tuy tác giả không xác định rõ nội dung, nhưng theo Lc 1,69t.77, thì đó là tha tội và giải phóng khỏi tay địch thù. Trong 1,47, tước hiệu Đấng Cứu Độ là tước hiệu dành cho Thiên Chúa, nhưng bây giờ được áp dụng cho Hà Nhi vừa được sinh ra tại Bêlem. Tước hiệu kép “Đấng Kitô Đức Chúa” trình bày một lời tuyên xưng lòng tin rất “đậm đặc” của Kitô giáo. Trong bài giảng của thánh Phêrô trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh tuyên bố: “Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).
Rồi sứ thần nói tiếp: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c.12). Sứ thần cung cấp cho các mục đồng một dấu hiệu để nhận biết Đấng Cứu Độ – Đấng Kitô – Đức Chúa. Con Thiên Chúa không thể hiện mình trong những dấu hiệu của quyền năng, của vinh quang hay của một thân thế được bảo đảm. Thiên Chúa tự diễn tả mình giữa nhân loại bằng một sự can thiệp và hiện diện vô cùng gần gũi với con người, và là những con người đau khổ. Ngay từ giây phút đầu tiên chào đời, Người đã liên kết mật thiết với những con người nghèo khổ và bị bỏ rơi hơn cả. Ngài hiện diện giữa nhân loại trong tư thế của một con người hết sức yếu đuối: “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”! Đó cũng là dấu hiệu báo trước giáo huấn, cách hành xử và cái chết của Chúa Giêsu sau này. Và vì thế, đó là dấu hiệu có giá trị mời gọi sám hối và hoán cải.
Trẻ sơ sinh, yếu đuối, thụ động, quấn tã, vô danh… lại chính là Đấng Cứu Độ – Đấng Kitô – Đức Chúa. Chỉ có lòng tin mới cho phép người ta chấp nhận điều đó.
“Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (cc.13-14). Cảnh tượng đột ngột được mở rộng với bài ca tụng tuyệt vời của hội nhạc thiên quốc. Phần đông người Công Giáo chúng ta quen với cách dịch của bản Phổ Thông: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tuy nhiên, cách dịch đó không tương ứng với ý nghĩa của bản văn Tin Mừng, vốn tập trung chú ý không phải trên thái độ của con người, mà là trên cách hành xử của Thiên Chúa. Đây là những con người được Thiên Chúa thương, những con người mà trên họ, Thiên Chúa đổ tràn tình yêu và ân sủng. Vậy vấn đề là tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, chứ không phải là sự ngay lành của con người, vốn trước hết chỉ là hiệu quả của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người, cho dù đã đành là sự ngay lành đó rất quý.
Vâng, hơn lúc nào hết, Lễ Giáng Sinh là dịp tuyệt vời để chúng ta hợp tiếng với các thiên thần mà hát lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương…”
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R