VRNs (18.12.2011) – Ngày 16 tháng 12 năm 2011 vừa qua, Luật sư Vũ Đức Khanh đã biên soạn bản Anh ngữ bài “Opinion: Can Vietnam Change?”, Luật gia Nguyễn Tường Tâm biên dịch bản Việt ngữ sau đây. VRNs xin giới thiệu đến quý độc giả bài phân tích này (Nguồn: Asia Sentinel)
Trở ngại lớn nhất cho việc cải cách dân chủ ở Việt Nam đến từ chính quyền
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang thấy mình đứng giữa ngã ba đường. Đương đầu với Trung Quốc về các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại Biển Đông đã làm bùng lên nhiệt tình yêu nước và tâm lý thù địch đối với láng giềng Phương Bắc.
Người dân đã tràn ra đường phản đối các hành động của Trung Quốc. Vâng, thật là nghịch lý, chính quyền đã đè bẹp các chống đối Trung Quốc vì sợ làm hại mối bang giao với nước này hiện vốn mong manh. Trong thế cục chính trị lạ lùng hiện nay của Việt Nam, có một sự khác biệt giữa bản chất và hiện tượng. Chính quyền Việt Nam vừa ủng hộ vừa đàn áp các tình cảm bài Trung Quốc đang nung nấu trong cả nước, một phản ánh rõ ràng tâm trạng hoang mang của giới lãnh đạo.
Tuy nhiên, một số người đồng ý rằng thay đổi sẽ tới với Việt Nam trong thập kỷ này hay thập kỷ tới, theo chiều hướng tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Nhưng giới lãnh đạo nước này có thể cố gắng ngăn chặn sự thay đổi, đặc biệt là cải cách dân chủ, để bảo tồn tình trạng hiện hữu. Dĩ nhiên, một quyết định như thế sẽ chỉ làm hại Việt Nam trên tổng thể chứ không riêng Đảng Cộng Sản.
Có lẽ, một cách vô tình, chính quyền Việt Nam đã đưa đẩy những biến cố dẫn tới sự tiêu vong của họ, có nghĩa là cải cách chính trị. Bằng cách làm bùng lên nhiệt tình yêu nước, dân chúng Việt Nam đã đòi có hành động chống lại Trung Quốc. Khi người dân thấy chính quyền ngại ngùng và đè bẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, những hành động bị người dân coi như làm hài lòng Trung Quốc, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam gặp nguy cơ giảm sút vị trí trong lòng dân chúng (mặc dù một số các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam sẽ cãi rằng điều đầu tiên là Đảng Cộng Sản không nên cai trị). Người dân sẽ bắt đầu đặt câu hỏi liệu những người cộng sản có là những nhà lãnh đạo chính đáng của quốc gia và sẽ tìm cải cách dân chủ hay không.
Cải cách là lẽ tự nhiên
Tình cờ, năm nay là năm của Mùa Xuân Ả-Rập. Người ta đã thấy các tay độc tài già nua sụp đổ và xuất hiện các nền dân chủ mới, mặc dù gặp rắc rối, trên khắp Bắc Phi và Trung Đông. Syria vẫn còn là chiến trường đòi cải cách dân chủ trong khi chính quyền vẫn kiên trì chống lại mọi đòi hỏi đổi thay, giết chết có tới hàng nghìn người dân.
Việt Nam, cũng giống như phần lớn thế giới, không sống nơi hoang vắng và đã chứng kiến những thay đổi và những hành động thảm sát này. Nhờ internet và mạng xã hội, mọi người Việt Nam với máy điện toán và internet có thể nghiên cứu học hỏi những biến cố đó.
Đối với mùa Xuân Ả-Rập, tất cả những điều cần thiết để thay đổi chỉ là một biến cố, một chất xúc tác. Tại Việt nam, chất xúc tác hiện chưa có, nhưng tranh cãi về Biển Đông và sự bất ổn của Đảng Cộng Sản đã gieo hạt giống cho cải cách. Khi chính sách của Đảng ngăn cản phát triển đất nước thì có lẽ là lúc phải thay đổi.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể bơi theo đợt sóng cải tổ khi nó diễn ra, hay có thể cưỡng lại làn sóng. Tuy nhiên, người ta sẽ hy vọng rằng những nhà lãnh đạo hiện nay của Việt Nam có thể trông thấy những đau thương ngắn hạn đã qua và đón nhận những điều không những là cần thiết, mà là tự nhiên, nếu không muốn nói là không tránh khỏi.
Hầu như mọi người có thể thấy rõ bản chất của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam như là bánh xe huấn luyện đối với một quốc gia non trẻ, mà, cho tới khi thực dân Pháp ra đi, chưa bao giờ được hưởng một nền độc lập thực sự. Cũng giống như một bậc cha mẹ nghiêm khắc và hay phê phán, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định phương cách sống của mọi người dân, cho họ biết những gì họ được phép hay không được phép biết, và những gì họ có thể hay không thể làm. Nhưng một quốc gia, cũng giống như một con người, lớn lên rồi trưởng thành. Người trẻ này không còn là một đứa bé, có thể thấy những lỗi lầm của bố mẹ, có thể quyết định cho chính mình điều gì là đúng, điều gì là sai; và khi liên tục bị đối xử như một đứa bé, thì hầu như luôn luôn sẽ nổi loạn. Đảng Cộng Sản chống lại thay đổi sẽ chỉ làm hại Việt Nam trong tương lai và ngăn chặn sự phát triển tự nhiên của quốc gia.
Bước giả thiết kế tiếp
Vậy thì tốt nhất các nhà lãnh đạo Việt Nam phải làm thế nào, dĩ nhiên giả sử rằng họ chấp nhận cải cách dân chủ? Như mọi người đã thấy từ Mùa Xuân Ả-Rập, sự phá bỏ mọi định chế già nua của chính quyền cũ đã không giúp gì nhiều để làm cho sự chuyển tiếp tới dân chủ được suông sẻ. Nếu có cải cách ở Việt Nam, điều đó phải được thực hiện với sự trợ giúp của các định chế hiện nay của chính phủ. Nói cách khác, phải có một mức độ hợp tác nào đó giữa cái mới và cái cũ ở Việt Nam.
Lý tưởng là cải cách dân chủ ôn hòa nên bắt đầu từ thượng tầng với sự cải tổ Hiến pháp. Hiến pháp nên phản ánh khát vọng dân chủ của người dân và được dùng làm nền tảng của nước Việt Nam mới; tuy nhiên, chính xác những thay đổi đòi hỏi trong cải cách Hiến pháp không nằm trong giới hạn của bài này. Có thể nói chính xác rằng, những thay đổi đó nên tôn trọng những quyền và phẩm giá của người dân, và mang lại những tự do cần thiết cho nhân dân. Một khi cải cách Hiến pháp được giải quyết, những bước kế tiếp hy vọng sẽ là một chuyển tiếp từ từ tiến về một nhà nước dân chủ, đòi hỏi các cuộc bầu cử ở mọi cấp chính quyền.
Tác nhân của cải cách
Dĩ nhiên, trong tất cả những điều trên, cho tới nay tôi đã bỏ qua vai trò chủ chốt của người dân Việt Nam. Ai ngoài người dân sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất trong nước Việt Nam mới? Thay đổi sẽ xảy ra, nhưng cải cách dân chủ sẽ không xảy ra trừ khi người dân Việt Nam đòi hỏi điều đó. Một phần của sự trưởng thành là nhận trách nhiệm về hành động của mình. Người ta có thể nói về thay đổi nhưng nếu người ta không hành động thì thay đổi sẽ không bao giờ xảy ra. Người Việt Nam, nếu họ thực sự mong muốn cải cách, thì phải là tác nhân chính của đổi thay, và họ phải sẵn lòng chấp nhận những hậu quả của quyết định của họ. Chính quyền không thể thay đổi tình trạng hiện hữu trừ khi có áp lực từ bên trong, và việc đặt áp lực đó tùy thuộc người dân Việt Nam.
Còn hàng triệu người Việt hải ngoại thì sao? Đừng quên rằng đại đa số người Việt hải ngoại là những người miền Nam tỵ nạn chính trị, thái độ của họ đặc biệt thù địch đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Quan điểm đó sẽ được truyền cho thế hệ kế tiếp, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi mà tinh thần chống cộng của người Mỹ gốc Việt rất cao.
Cải tổ chính trị cho phép chữa lành vết thương cũ, hay ít ra cũng lấp khoảng cách chia rẽ. Người Việt đã sống và lớn lên ở hải ngoại đưa ra một quan điểm khác lạ đối với việc xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mới, một quan điểm mà người Việt trong nước có thể không có, do họ đã được nuôi dưỡng trong một môi trường khác. Trong tiến trình cải tổ Hiến pháp, để đoàn kết tất cả mọi người, Việt Nam nên tham khảo ý kiến với người Việt hải ngoại.
Tuy nhiên, để cho bất cứ điều nào trong những điều trên xảy ra, trước tiên phải có sự sẵn lòng thay đổi. Và mặc dù thay đổi sẽ xảy ra, bất kể chính quyền hay người dân hành động ra sao, việc quyết định số phận của họ tùy thuộc chính họ. Cuối cùng thì, họ chịu trách nhiệm về tương lai của họ. Thay đổi phải tới từ bên trong mới có thể thành công và lâu dài. Bất cứ thay đổi nào tới từ bên ngoài đều sẽ là khiên cưỡng và chắc chắn sẽ thất bại.
(Luật sư Vũ Đức Khanh là người Canada gốc Việt ở Ottawa, làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau của pháp luật. Ông nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế và Luật Quốc tế.)
Nguồn: Asia Sentinel
http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=4051&Itemid=262