Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

60 năm, nhìn lại cuộc đời

VRNs (20.01.2012) - Sài Gòn - Tôi sinh vào gần cuối tháng 6 tuổi Nhâm Thìn.
Năm nay là năm Nhâm Thìn 2012.
Tôi tròn 60 năm cuộc đời.



“Em ơi! Có bao nhiêu?
60 năm cuộc đời
20 năm đầu sung sướng không bao lâu.
20 năm sau, sầu thương cao vời vợi
20 năm cuối là bao?…

Y VÂN.

Thế nhưng 20 năm đầu của tôi đâu giống như Y Vân diễn tả. Năm chưa tròn 8 tuổi thì Cha Mẹ đã qua đời, tôi được đưa vào một Cô Nhi viện nữ thật xa nhà. Thuở đó sao mà khổ thế, các Soeur thì… không khác gì “Các bà dì ghẻ”. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một bài giảng Tĩnh Tâm của Cha Dũng Dòng Chúa Cứu Thế, Cha giảng cách đây khá lâu ở Nhà Thờ Thánh Tâm đường Nguyễn Văn Đậu.

Bằng một giọng trầm ấm đều đều, cha kể rằng:

“Vào thời thơ ấu của tôi, cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi nấng các con, nhưng rồi phải đi làm nơi xa, mẹ gởi các con vào nhà các Sr…. Hằng tháng mẹ gởi tiền về trả học phí ăn ở của các con. Rồi không hiểu sao? Mẹ vắng tin tức cả tháng trời. Các Sr nhắc nhở “Nhắn mẹ gởi tiền ăn học cho các con nhe”. Rồi tiếp theo tháng nữa, mẹ cũng chưa gởi tiền về. Các Sr cứ nhắc nhở, chúng tôi chẳng biết phải làm sao? Ở với các Sr cũng chẳng sung sướng gì, lúc nào Sr cũng răn đe, ăn cơm đổ bị phạt nhặt cơm lên mà ăn lại, phạt quỳ, phạt đứng, có hôm lại phạt quỳ trên xơ mít đau thật là đau…

Nói mẹ đi làm xa, chứ thật tình mẹ tôi phải đi làm “osin” cho người ta để có tiền lo cho anh em chúng tôi ăn học. Mẹ không tin tức gì về, chúng tôi phải từ giã nhà Sr, về nhà anh em đi bán “Cà rem” sống qua ngày. Trời nắng thì không sao, nhưng hễ trời mưa thì “cà rem” ế không ai mua, để kem chảy ra nước. Rồi anh em tôi rút kinh nghiệm, hễ trời mưa là tôi đem kem cho bạn bè ăn giùm. Thuở đó mà chúng tôi đã nghĩ ra cách “Khuyến mãi” rồi đó anh chị em. Được thế, bạn bè thương tình hễ trời mưa là xin tiền cha mẹ mua giúp kem cho anh em chúng tôi…”

Có lẽ vì cùng hoàn cảnh khổ cực như nhau, nên bài giảng này cứ đi theo tôi không sót một chi tiết nào. Trong lời giảng nhẹ nhàng ấy tôi thấy ở trong Cha nặng một sự buồn phiền đau đớn, vì các Sr. không sống đúng chức năng từ bi, bác ái của mình.

Tuổi thơ tôi cũng thế, tuy là con gái “rượu” của một Chi Trưởng Công An, nhưng cha mất rồi, như nhà không có nóc, con cái lưu lạc khắp nơi. Được làm con của một trại mồ côi gái, sống như những đứa con được nuôi bởi lòng từ thiện. Cơm ăn không biết có no không? Hay là quen cái thói lép chép trong miệng, mà chúng tôi lúc nào cũng thấy đói, ăn được tất cả những gì có thể ăn: ăn trái Tẩm Nhơn (trái Keo), trái Nhàu, (cứ lùng sục hái từ lúc trái vừa căng vỏ, ủ chín ăn dần), trái Ổi nho trên hàng rào, đến những bông lê-ki-ma rụng dưới sân cũng nhặt lên ăn ngon lành.

Hết những thức ăn miễn phí đó, chúng tôi lại đi ăn trộm. Một trái cà chua ươm ươm là lọt ngay vào tầm ngắm của chúng tôi. Các Sr. để ý kỹ lưỡng từng luống, từng đợt thu hoạch, nhưng chúng tôi càng để ý hơn, nhất là những trái được nấp thật kín trong thân cây. Mỗi lần có dấu ngắt trộm là mỗi lần bị ăn đòn tập thể vì không truy ra được thủ phạm, nhưng chúng tôi vẫn tính nào tật đó không làm sao bỏ được.

Nơi tôi ở, có loại dừa gì mà quê tôi không hề thấy. Cây dừa mọc thấp thấp không cao lắm, trong thân dừa gần chỗ các bẹ lá, bàn tay các bạn lớn tuổi hơn tôi, thường mò mẫm được những trái đừa nho nhỏ như đầu ngón tay, bỏ vào miệng nhai ngọt ngọt béo béo rất ngon, đó là thức ăn xa xỉ nhất của chúng tôi.

Hàng xóm của chúng tôi là Nhà Dòng nữ, cuối nhà Dòng là Nhà Thuốc (như một trạm xá), có cửa nhỏ đi riêng ra bên ngoài. Quản lý Nhà Thuốc là một Sr. mà tôi chỉ nhớ đã lớn tuổi, nước da ngăm ngăm đen gần giống như người “dân tộc”. Cánh cửa ấy hình như buổi trưa chỉ khép hờ, để cho người dân bên ngoài cần thuốc thang hay cấp cứu gì, cứ ghé vào đó cầu viện Sr Nhà Thuốc, không ảnh hưởng đến Nhà Dòng.

Nhà thuốc ấy lại có những bốn cây dừa loại ấy, và cái cổng khép hờ ấy lại là cơ hội cho chúng tôi qua mặt Bà Sr già để âm mưu một cuộc trộm dừa. Tôi thuộc hạng bé dại nhất, được phân công dòm chừng Sr già tỉnh giấc trưa bước ra khỏi phòng. Muốn kiểm tra kỹ như thế thì tôi chỉ có nước đứng ngay trước cửa Nhà thuốc, để khi nghe tiếng dép lẹp xẹp của Bà ra khỏi phòng ngủ là tôi ra dấu cho các bạn và chạy ù về nhà.

Vài ba lần thành công, nhưng có một lần hình như là Bà đã biết được bọn ăn trộm vẫn lãng vãng đâu đó trong giấc ngủ trưa của Bà. Tôi hôm ấy cũng sơ ý, chăm chú quá vào các động tác của các bạn trên cây dừa, mà không phát hiện được là Bà đã bỏ dép nhẹ nhàng đến đứng sau lưng tôi và nắm ngay đầu tóc của tôi: “Chúng mày ăn trộm dừa phải không?” Nhanh như sóc các bạn đã tuột xuống đất và biến mất, chỉ mình tôi theo bà vào nhà.

- Ai cho tụi bây ăn trộm dừa?
- …
- Mày tên gì?
- Dạ, con tên Bông.
- À, mày có phải là cháu của Bà Bốn không?
- Dạ
- Mày gọi cha M. bằng gì?
- Dạ bằng Cậu.
- Mày có nhớ nhà không?

Tôi nghĩ đến nhà tôi, đến Cha Mẹ đã mất gần cả năm nay, đến chị Hai, các anh và các em, mà đã một lần tôi ghi giấy cho Dì tôi “Dì ơi! Con nhớ nhà quá, con muốn về nhà, hay Dì cho con qua ở chung với Dì” thì Dì tôi nhắn con nhỏ học cùng lớp đưa giùm thư cho tôi: “Bà Bốn nói mày liệu hồn Bà đánh cho một trận chứ đòi về, Bà bảo mày phải lo học, khi nào đậu Tiểu học thì Bà mới cho về”. Tôi thì đang học lớp Ba, cái ngày lấy bằng Tiểu học nó xa xôi quá, xem như là tôi không bao giờ được về nhà, suốt đời làm đứa con mô côi ở đây rồi, tôi giận Dì tôi, tôi xem như chẳng còn ai để mà nhớ, mà thật tình tôi cũng không hình dung ra được khuôn mặt nào của người thân tôi, tôi thật thà lắc đầu. “Dạ, không nhớ”.

Bà nói: – Giờ bà phạt cái tội ăn cắp của mày là hát cho bà nghe một bài hát.

Bài hát thì dễ, ở nhà ba mẹ, tôi thuộc khá nhiều bài hát mà các bạn mồ côi ở đây ít ai thuộc, tôi hát bài “Mẹ tôi”.

“Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày. Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai. Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại. Cầu mong con mình có một ngày mai. Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn. Mẹ tôi mĩm cười nhìn bóng con ngoan. Không than không phiền dù lâm hoạn nạn. Lòng tin con mình xứng thành người dân … Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ. Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa. Công ơn sinh thành ngày nao đền trả? Mẹ ơi con nguyện nhớ lời mẹ khuyên”.

Chẳng biêt tôi hát có hay không, hay Bà Sr. già có bịnh “mít ướt”, mà Bà khóc ròng khi tôi hát, lấy khăn lau nước mắt, bà vuốt đầu tôi, cho tôi về và nói “khi nào thích ăn dừa thì xin Bà cho hái ăn, rồi hát cho Bà nghe nữa… giờ về đi, không thì Bà Nhất đánh chết”. Tôi chạy ù về nhà mà vẫn nghe được tiếng bà “Tội nghiệp nó!”.

Thêm một vài năm nữa tôi thành thạo làm đủ mọi việc trong nhà mồ côi: đan giây áo “Đức Bà”, làm cỏ vườn, phơi lúa, phơi rơm… Nhất là xách nước tưới cây. Tôi học được của bạn Dũng thua tôi một lớp “Bạn đứng trên thành giếng, bỏ gầu xuống, múc nước thật nhanh, kịp cho các bạn khác chuyển đến các luống rau” Tôi ngưỡng mộ sự nhanh nhẩu và giữ thăng bằng của bạn Dũng, khi một mình bạn múc đủ nước cho nhiều người xách đi. Tôi tập và quyết tâm làm được như bạn Dũng. cũng nhờ thế mà những buổi tưới cây có bạn Dũng và tôi cùng múc nước, rút ngắn được thời gian để chúng tôi có giờ ôn bài trước khi vào lớp.

Rồi tôi cũng đậu bằng Tiểu Học, tôi trở về nhà nhưng chưa gặp được anh chị em tôi, thì bị đưa vào Dòng Tu sống xa gia đình tiếp.

“Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu” của tôi là thế.
“20 năm sau sầu thương cao vời vợi”

Câu này có lẽ đúng nhiều cho tôi, lập gia đình với một anh bạn cùng lớp, khi vừa qua tuổi đôi mươi. Thật là sầu thương cao vời vợi… Trong tay không có một vốn liếng nào cơ bản, để thành lập một gia đình. Từ tinh thần lẫn vật chất, sự hiểu biết, tất cả đều nghèo. Nghèo như bài hát tôi vừa mới hát ‘Nghèo tay, chân, ước mơ, nghèo tiếng cười…”.

Đã thế cũng chẳng có chỗ nào để vay mượn tý hiểu biết, tý khôn ngoan để sống với đời. Và cứ thế mò mẫm từng bước từng bước, bước đi trong dại khờ. Còn một ngày cuối cùng, để mừng 2 năm Hôn Phối của 2 vợ chồng với đứa con gái đầu lòng, thì Đà Nẵng bị giải phóng. Mọi cái đều sụp đổ, đều đổi thay…

Gia đình tôi phải lưu lạc vào vùng kinh tế mới Sông Bé. Sự cơ cực nghèo khổ nơi đây chiếm trọn của tôi 15 năm cuộc sống.

Bù vào đó tôi thêm được 4 đứa con, để mà… có cơ hội đấu tranh tiếp tục sống. Sống cho con, sống trong chờ đợi, sống trong hy vọng mong manh “Ngày mai trời lại sáng”. Mà mãi chẳng thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, khi giật mình nhìn lại, 40 năm cuộc đời qua đi một cái vèo. Chưa kịp làm việc gì, chưa kịp chuẩn bị gì cho mình, cho con …

Hai mươi năm sau sầu thương cao vời vợi là thế đó. Là “bán mặt cho đất, là bán lưng cho trời”, là tối tăm dốt nát ở vùng đất không có ánh sáng. Là phải bắt đầu lại từ đầu, là phải bỏ lại sau lưng những công trình làm bằng đôi bàn tay trắng, trộn với mồ hôi nước mắt, để tìm cho các con một bóng đèn nê-on thắp sáng mắt con, thắp sáng cuộc đời con, thắp lại hy vọng mà những tưởng đã bị cướp mất bấy lâu nay.

20 năm cuối là bao?

Từ giã vùng kinh tế mới với những háo hức xây dựng. Gian nan đã gặp, vàng đã được thử quá nhiều lửa, còn gì để sợ? việc gì không làm? Để có thể tìm tương lai cho con? Sài Gòn đủ các việc không tên để có thể ghi tên con vào Đại học.

Mười lăm năm ở nhà thuê, lương “công nhật”, nhận học bổng “Con nghà nghèo hiếu học”. Cả nhà cùng chia ngọt sẻ bùi, chịu thương chịu khó để các con học hết chương trình Đại học.

Đúng là “20 năm cuối là bao” thoắt một cái các con đã trưởng thành. Cha mẹ vừa hoàn thành sứ mạng kiếm việc làm nuôi thân cho đứa con cuối cùng, thì mọi việc lại đổi thay.

Cứ tưởng đã nhiều năm chiến đấu, con người chắc bền chí trung kiên. Ai ngờ đâu… Rồng cũng mắc cạn. Rồng không vùng vẫy nổi vì bị Người Bạn Đời chơi một cú lừa đẹp mắt. Cùng nhau vung vẫy tứ phương để bảo vệ nội thành, gia thế … để Bạn Đời lạc mất trong vòng vây nhân thế lúc nào không hay.

Tôi buồn phiền, tức tưởi. Tại sao là thế nhỉ? Thế hóa ra gần 60 năm miệt mài trong kiếp người chân chính lại kết thúc như thế sao? Rồi đúng vào những ngày cuối cùng của 60 năm, kẻ lạc lối đã quay về. Xin được nắm lấy tay và bắt đầu lại từ đầu.

Em ơi, có bao nhiêu 60 năm cuộc đời. Phải là: 80 năm cuộc đời mới đủ.

Vì cuộc sống hôm nay tuổi thọ được kéo dài, vì Đất Nước của tôi phải bương chải khá nhiều năm mới ngóc đầu lên được. Vì kẻ không làm thì cứ giàu, mà kẻ đầu tắt mặt tối thì cứ mãi tối mặt. Vì kẻ học hay, thì làm việc thu nhập thấp, mà kẻ không thích học, thì chồng tiền bước lên cao.

Cuộc hành trình kiếp người khốn khó kéo dài trong gian khổ, khi khép lại ở tuổi 60, họ thấy mình thật sự chưa thưởng thức được điều gì ngoài tầm với của mình. Họ ấm ức xuôi tay, họ ấm ức khép mắt. Họ không bằng lòng với số phận này

Vì thế xin hãy thêm cho họ một số thời gian để họ bước vào, để họ phiêu lưu đâu đó, lạc mất đường về, khám phá thêm hạnh phúc cuộc đời như thế nào là đúng nghĩa? Để họ không thắc mắc, không tò mò khi có thêm 20 năm để khám phá. Họ cần có thời gian để ra đi và quay về.

Tôi có nghe bước chân họ run run khi quay trở về, tôi có thấy điều ân hận hun hút trong mắt của người đi khám phá…

Tôi thấy khổ, tôi thấy đau, tôi thấy buồn và thương cảm cho kiếp người mang đủ lục dục, thất tình… 20 năm thêm ra cho họ có đủ thời gian nhìn lại. Dù khám phá, phiêu lưu, đến lạc cả đường về, hay hối hận ăn năn thì cũng phải có thời gian cho họ sắp xếp đâu ra đó, để họ bằng lòng, vui vẻ tự chuẩn bị cho mình một sự ra đi tốt đẹp hơn.

Như câu truyện “Người Tình Của Cha Tôi” đăng trên báo Người Lao Động ngày 28/6/2011:

“Lấy tui rồi thì không được lẹo tẹo với mấy đứa xóm trên nghen. Anh mà có gì với tụi nó thì tui chết trước bỏ anh đó”.

Bắt gặp tại trận cha với người đàn bà khác, mẹ suýt ngất đi nhưng rồi mẹ bình tĩnh quơ hết quần áo của hai người rồi lia đèn pin vào mặt họ. Khi nhận ra tình thế hiểm nghèo, cha năn nỉ mẹ tha cho và hứa không bao giờ tái phạm. Mẹ chỉ vào mặt cha: “Ông ngồi yên đó, để tui dạy cái đứa dám giựt chồng tui”. Cha sợ thì ít, mà lo mẹ bị lên cơn sản hậu thì nhiều nên ngồi im re.

Ấy vậy mà từ đó về sau, cha một lòng, một dạ, không bao giờ dám léng phéng nữa… Thế nên, sau khi mẹ mất, dù đã 10 năm nhưng bữa cơm nào cha cũng xới một chén cơm cho mẹ và rủ rỉ: “Mẹ sắp nhỏ về ăn cơm với tui”. Đã mấy lần chúng tôi bảo cha thôi đừng cúng nữa, để mẹ siêu thoát thì cha nhất định không chịu…

“Nói vậy chớ cha cũng có lỗi với mẹ nên mẹ mới bỏ cha mà đi sớm như vậy”. Nói rồi cha lại rơm rớm nước mắt. Năm nay cha đã tám mươi tư tuổi rồi mà hình như trong tim cha, không có ai ngoài mẹ… (Tác giả: Tuyết Anh)

Xin hãy sửa lại giùm: “Em ơi! Có bao nhiêu 80 năm cuộc đời …”
Để cho tôi hôm nay đã là 60 năm
Cũng có thời gian để giận, để hờn, để trách móc, …
Để chiêm niệm, để thanh thoát …
Và bằng lòng gạt nước mắt, mĩm cười nắm lại bàn tay đã lạc mất dấu trong thời gian qua.

Sài Gòn Đưa Ông Táo Về Trời, 16.01.2012
KH