VRNs (27.12.2011) – Tin Mừng để lại cho chúng ta đầy đủ hình ảnh về biến cố Chúa Giáng Sinh:
Gương mặt của Thánh Giuse trẻ trung, tận tụy, cẩn thận và rất tỉnh thức trước những lời ngỏ của Thiên Chúa. Đức Maria hiền dịu, thanh thoát, thánh thiện, khiêm nhu, không lời nào tả hết. Cả Gia Đình Thánh tuyệt vời, ngay cả khi lâm vào tình trạng vô cùng khó xử, “Họ” vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn, chấp nhận và trung thành với Thiên Chúa. “Họ” rất nghèo, chấp nhận cảnh nghèo, cái nghèo cùng tận cho đến một mái nhà để ẩn trú cũng không. “Họ” đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất chi phối “Họ”.
Hàng ngũ “bậc thầy trong dân”, thông thái, hiểu biết tất cả, giảng dạy cho người khác rất nghiêm chỉnh, phân tích sự kiện qua Thánh Kinh rất rõ ràng minh bạch, vị trí vai vế được củng cố bởi những liên kết trần thế, thu vén lợi lộc bởi “nghề tôn giáo” của mình, đeo đuổi và luyện tập kỹ năng “khôn ngoan trần thế”, nhưng lại bàng quan với biến cố Giáng Sinh, như người đứng ngoài cuộc, không nhạy bén đủ với ý Chúa.
Còn Nhà vua và triều thần, điều họ quan tâm là quyền lực. Họ ra tay trấn áp, khủng bố, tiê u diệt mọi mầm mống có nguy cơ cho vị trí của họ, bất chấp từ đâu đến và là ai, bất chấp lịch sử và sự công bằng, bất chấp lương tâm và sự lương thiện. Họ lươn lẹo, lắt léo và gian giảo, lập mưu lập kế để ám hại người khác. Họ lo sợ mất quyền lực trong xã hội. Đặc biệt họ được sự cộng tác tích cực của “bậc thầy trong dân” khi họ cần đến.
Hai nhóm người ấy, các kinh sư, biệt phái và nhà cầm quyền, sẽ chẳng bao giờ có thể gặp được Chúa đích thực, họ chỉ toàn gặp những sự chết chóc, tàn ác, đau khổ cho đến chết, dù cả cuộc đời họ đã sống trong nhung lụa phủ phê, tiền bạc đầy ngập, tiệc tùng rước xách xoành xoạch, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, vênh vang trần thế thừa mứa không để đâu cho hết !
Lại có hai loại người chắc chắn gặp được Chúa, loại thứ nhất không tìm mà được gặp: các mục đồng, và loại thứ hai chân thành tìm kiếm: các đạo sĩ. Có lẽ cái nghèo của các mục đồng đã trở nên cơ hội để được gặp Chúa, họ đơn sơ, không có gì lôi cuốn họ, nên lời loan báo của các Thiên Thần đã được họ đáp ứng một cách nhanh nhẹn, họ đã tận dụng được cơ hội, họ đã biết chuyển mình để thay đổi định mệnh theo ý Chúa. Như vậy, Chúa có phần “thiên vị” người nghèo, chắc tại vì Chúa là Chúa của kẻ nghèo hèn.
Còn các đạo sĩ phương Đông, những con người sẵn sàng rời bỏ sự ổn định của mình, chân thành đi tìm kiếm chân lý, đối diện với mọi tình huống của xã hội, biết vượt qua các thách đố, một lòng chung thủy với điều mình khao khát tìm kiếm. Họ không bị mê hoặc bởi quyền lực, không khiếp sợ quyền lực và dứt khoát không cấu kết với quyền lực.
Biến cố Chúa Giáng Sinh đã đi qua hơn 2000 năm rồi bao nhiêu sinh hoạt, bao nhiêu ngôn từ, bao nhiêu tác phẩm đã diễn đạt biến cố này. Bài Tin Mừng Giáng Sinh được công bố bao nhiêu lần, bao nhiêu bài giảng thuyết đã đề cập đến mọi góc cạnh của biến cố. Nhưng sao biến cố ấy vẫn cứ lạc lõng giữa đời thường hôm nay ? Vừa rất hiện thực, vừa rất xa vời mong manh.
Thánh Phanxicô đã dọn một máng cỏ trong hang đá Greccio để lôi mọi người đến gần hơn, hiểu rõ hơn biến cố Giáng Sinh, tiếc rằng hang đá ấy ngày nay hình như không còn giữ được vai trò này của mình, ngay cả trong nhiều Nhà Thờ Công Giáo, nó sa hoa phù phiếm, diễm lệ hoành tráng, nên cũng hoàn toàn xa lạ lạc lõng với Tin Mừng.
Cuộc sống đạo xem ra cũng lạc lõng không kém, bao nhiêu tiệc tùng sẽ bày ra trong đêm nay, bao nhiêu vũ hội sẽ được tổ chức đêm nay, bao nhiêu lời ca tụng được tung ra, bao nhiêu hứa hẹn liên kết quyền lực được thỏa thuận đêm nay, người ta cứ ăn, cứ uống, cứ say xỉn, cứ rắp tâm làm điều gian ác, mặc kệ Chúa Giáng Sinh.
Chắc chắn vẫn còn các “mục đồng” đang thuộc về Chúa Hài Đồng, họ ở khắp nơi, mọi hang cùng ngõ hẻm, mọi ngóc ngách vùng sâu vùng xa, có khi họ đang khóc, khóc vì cô đơn, khóc vì nghèo, khóc vì bị bỏ rơi, khóc vì bị loại trừ, khóc vì bị bất công, bị chà đạp, bị phản bội, bị bóc lột, bị lừa bịp… Chắc chắn vẫn còn các “nhà đạo sĩ”, chưa chắc họ có đạo, nhưng họ đang chân thành tím kiếm Chân Lý, đang thao thức về thân phận con người và về ơn cứu rỗi từ Trời cao.
Bêlem nào cho chúng ta hôm nay?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.12.2011
Nguồn: Ephata 489