Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Chết bởi Trung Quốc (4): Chính sách, quân đội và gián điệp Trung Quốc

VRNs (31.12.2011) – Sài Gòn – Chương 7: Chết Bởi Chính Sách Thực Dân Của Trung Quốc.



Trung Quốc hiện đang tiêu thụ phân nửa lượng xi măng thế giới, gần phân nửa số thép thế giới, một phần ba số lượng đồng, và một phần tư lượng nhôm, cùng với những số lượng lớn lao về đủ mọi thứ từ antimony, chromium, và cobalt cho đến lithium, gỗ, và kẽm… Tất cả những tài nguyên thiên nhiên này từ các quốc gia khác nhau trên thế giới mà Trung Quốc hiện nay muốn giành lấy hết cho riêng mình để xử dụng cho hạ tầng sản xuất và bộ máy tạo công ăn việc làm của họ. Bắc Kinh đã dùng chiến lược “Mồi Câu và Lật Lọng” để khuynh loát các xứ chậm tiến.

Thứ nhất là thu tóm tài nguyên thiên nhiên. Lãnh đạo Bắc Kinh gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, hay Bộ trưởng của họ đi đến thủ đô của vài quốc gia xa xôi như Djibouti hay Niger, Somalia. Họ đến vẫy tay với tấm ngân phiếu to lớn hứa hẹn sẽ cho những khoản tiền vay hấp dẫn với lãi xuất thấp để xây dựng hạ tầng dân sự lẫn quân sự – như đường xá, hải cảng và đường xa lộ, một cung điện nguy nga và sang trọng cho những tay bạo chúa hay những khẩu súng AK 47 dùng để kềm kẹp một dân tộc bất mãn dưới gót giày áp bức. Để đổi lấy sự hào phóng của Trung Quốc, tất cả những thuộc địa vừa chớm nở phải làm hai điều: Một là họ phải trao quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy tiền vay. Hai là phải mở cửa thị trường cho tất cả những sản phẩm công xưởng Trung Quốc đã sản xuất từ những nguyên liệu mà thuộc địa cung ứng.

Sau khi thu tóm quyền kiểm soát những tài nguyên thiên nhiên vốn tiêu biểu cho của cải thực sự của một thuộc đia, Bắc Kinh xuất khẩu những tài nguyên này ngược trở lại Trung Quốc thay vì cho phép thuộc địa xử dụng những tài nguyên này để phát triển kinh tế của chính họ. Sau đó tái xuất khẩu những nguyên liệu trở lại thuộc địa dưới những hàng hóa đã chế biến. Điều này như vậy đã tạo ra việc làm cho mẫu quốc, gia tăng lợi nhuận của những công ty mẫu quốc, và dĩ nhiên kéo dài tình trạng thất nghiệp tại thuộc địa. Những gì còn lại trong thuộc địa phần lớn chỉ là những công việc với đồng lương rẻ mạt trong các kỹ nghệ khai thác, trong khi tất cả những công việc sản xuất có giá trị cao đều chuyển đến Quảng Châu, Thành Đô hay Thượng Hải.

Thứ hai là di dân sang các thuộc địa. Tình trạng nghèo nàn và nội chiến của Phi Châu là hệ quả trực tiếp thủ đoạn dùng tiền mua chuộc của Trung Quốc. Ngay từ đầu của mối quan hệ thực dân, Trung Quốc hứa hẹn rằng tất cả những món tiền cho vay để xây dựng hạ tầng cơ sở của xứ thuộc địa sẽ mang lại nhiều công việc làm và lương cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau khi ký xong giao kèo, Trung Quốc đã lật lọng: thay vì thuê mướn những kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân xây dựng và những công ty vận tải bản xứ, Trung Quốc đã lặng lẽ xuất cảng “đạo quân một triệu người” của chính họ sang làm việc.

Tham vọng của Trung Quốc là xuất khẩu hàng triệu công dân Trung Quốc một cách có hệ thống sang những quốc gia vệ tinh ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh để giảm bớt áp lực nạn nhân mãn tại Đại lục. Trong tập sách “China Safari”, một nhà khoa học Trung Quốc mô tả chiến lược di dân này như sau: “Chúng tôi có 600 con sông ở Trung Quốc, 400 trong số này đã bị chết bởi ô nhiễm… chúng tôi sẽ phải gửi đi ít nhất 300 triệu người sang Phi Châu…” Khi Namiba không thể trả nổi hàng tỉ Mỹ kim tiền vay, Bắc Kinh đã xiết nợ bằng cách buộc chính quyền Namiba phải chấp nhận để cho hàng ngàn gia đình người Trung Quốc di dân sang Namiba. Thỏa ước mật này bị tiết lộ qua WikiLeaks khiến cho người dân xứ này phẫn nộ dữ dội.

Thứ ba tại sao Trung Quốc được đón tiếp nhiều nơi. Đa số những quốc gia đón chào Trung Quốc là những nhà nước độc tài, nơi mà những luật lệ được ban hành bởi các tay quân phiệt, cộng sản, những tên sát nhân hàng loạt vô nhân tính, hoặc những nhà nước dân chủ trá hình. Các thể chế dân chủ giả mạo như Angola, Sudan, Zimbabwe luôn luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia này. Tại những quốc gia Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh khác, có đặc điểm là nền dân chủ rất yếu hoặc phe quân đội nắm quyền lực mạnh mẽ. Nguyên tắc thực dân của Trung Quốc dựa trên điều mà Hồ Cầm Đào, chủ tịch nước Trung Quốc đã nói trước Quốc hội Gabon là: “Chỉ có kinh doanh, không đề cập tới chính trị.”.

Khi Hoa Kỳ cắt đứt ngoại giao và thương mại với Sudan vì chính quyền này đã đàn áp và giết chết nhiều người Phi Châu tại Darfur, hoặc khi Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh cấm vận quân sự vào bờ biển Ngà hoặc Siera Leone, hoặc khi Châu Âu áp lực Etriea hoặc Somalia, hay khi toàn thế giới chống lại nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe thì Bắc Kinh lại đi cửa hậu để tranh thủ họ. Bắc Kinh đưa một số những đề nghị béo bở với các tay độc tài này – bất cứ điều gì đối tác mong muốn – từ các vũ khí hạng nhẹ và máy bay chiến đấu đến các máy tính đời mới và hệ thống viễn thông hiện đại để giúp họ củng cố quyền lực hầu làm ăn với Bắc Kinh.

Chương 8: Chết Bởi Sự Trổi Dậy Của Quân Đội Trung Quốc.

Trong 20 năm vừa qua, Bộ binh, Không quân, và đặc biệt là Hải quân Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt vĩ đại về phía trước trở thành lực lượng được trang bị dữ dội nhất trên thế giới.

Thứ nhất là tăng cường bộ binh: Từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã dựa trên một chiến lược quân sự là “đánh phủ đầu”. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc đang hướng tới một cái nhìn hiện đại hơn về chiến tranh, vẫn tiếp tục duy trì một lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới. Lực lượng này có đến 2,3 triệu; nhiều hơn tổng số quân của Gia Nã Đại, Đức, Hoa Kỳ và Anh cộng lại. Hơn nữa, bộ binh Trung Quốc được trang bị dồi dào nhất thế giới gồm xe tăng, pháo binh và vận chuyển. Chỉ riêng xe tăng không thôi, 6,700 xe tăng của Trung Quốc vượt xa 1,100 xe tăng của Đài Loan, 2,300 xe tăng của Nam Hàn và 1,000 xe tăng của Việt Nam. Ngay cả Hoa Kỳ ở giữa hai cuộc chiến ở Châu Á chỉ có khoảng 5,000 xe tăng. Biểu tượng của sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ mới của Hồng Quân Trung Quốc là loại tăng chiến đấu “Type 99”, vốn là vũ khí tiên phong ngày nay cho nhu cầu hiện đại hóa lực lượng bộ binh của Trung Quốc.

Thứ hai là đánh cắp kỹ thuật để tự xây dựng lực lượng không quân. Hai chiếc máy bay “cá mập bay” (Flying Shark) có tên là Thẩm Dương J-11B và J-15 mà Trung Quốc sử dụng hiện nay đã đánh cắp từ kỹ thuật của hai chiếc Su-27 và Su-33 của Nga. Chiếc phản lực Thunder J-17 được Trung Quốc phỏng chế một cách bí mật từ một số những kỹ thuật quân sự nhạy cảm mà họ lấy được của Âu Châu. Và mới đây, Không quân Trung Quốc còn tiết lộ cho thế giới thấy là họ đã chế được loại máy bay không người lái (drones), mô phỏng từ loại máy bay không người lái mà Hoa Kỳ đã xử dụng rất hiệu quả ở hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn. Ngoài ra, loại máy bay chiến đấu tàng hình Chendu J-20 “Ó Đen” (Black Eagle) đánh cắp kỹ thuật từ Hoa Kỳ nhưng lại vượt xa máy bay tàng hình F-22 của Hoa Kỳ về khả năng không kích khá chính xác những mục tiêu trên mặt đất bao gồm cả sức chứa nhiên liệu để bay đường dài và có thể mang số lượng lớn về bom và hỏa tiễn.

Thứ ba là thách thức lực lượng hải quân Hoa Kỳ. Chính sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ khiến cho các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc ngày đêm lo sợ là một ngày nào đó, hải quân Hoa Kỳ sẽ phong tỏa toàn bộ con đường vận chuyển 80% dầu hỏa của Trung Quốc để trả đũa những toan tính bành trướng xâm lấn trên biển Đông. Do đó, những nhà chiến lược quân sự Trung Quốc đã tiến hành một chiến lược phản công gồm 2 mũi nhọn: Một là đẩy mạnh chế tạo Hàng không mẫu hạm. Hai là hoàn chỉnh hỏa tiễn tối tân để tiêu diệt Hàng không mẫu hạm của đối phương, được Ngũ Giác Đài gọi là Hỏa Tiễn BAMer viết tắt của Ballistic Anti-ship Missile (Hỏa tiễn chống tàu thủy). Việc Trung Quốc cố hoàn chỉnh Hỏa tiễn BAMer đang làm cho Hoa Kỳ quan ngại và có thể làm đảo lộn tình thế khi mà vòng đai an toàn của các Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đe dọa. Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng sa mạc Gobi làm nơi thực tập tác xạ Hỏa tiễn BAMer, trước khi mang nó ra thực tập trên biển vì theo tác giả là không phải dễ bắn trúng những mục tiêu nhấp nhô trên sóng biển từ cả ngàn dặm.

Thứ tư là chế tàu ngầm để vượt ra biển xanh. Không có hạm đội Hàng Không Mẫu Hạm nào hoạt động hiệu quả nếu không có lực lượng tàu ngầm hùng mạnh chạy thật êm và thật sâu. Trung Quốc đã và đang âm thầm xây dựng một lực lượng tàu ngầm, chẳng bao lâu sẽ lớn nhất thế giới. Trung Quốc đang sở hữu thế hệ mới nhất của những tàu ngầm chạy bằng tổng hợp điện – dầu cặn (Diesel – Electric) rất nhanh và yên lặng nên nó có thể bám sát và theo dõi những tàu chiến của Hoa Kỳ mà rất ít khi bị phát hiện. Ngoài ra, những tàu ngầm mới hơn của Trung Quốc thuộc loại yuan Class, nó còn chạy im hơn và có thể hoạt động dưới biển trong một thời gian rất dài nhờ vào một hệ thống “động cơ không cần không khí”. Ngoài ra để bảo đảm khả năng đưa được lực lượng hải quân chiến đấu tới những vùng biển xanh xa xôi như tận bờ biển California chẳng hạn, Trung Quốc đã chế một số tàu ngầm mang hỏa tiễn loại 094 Jin Class, bắn xa đến tận thành phố Savannah hay thành phố Missouri vùng Đông Nam Hoa Kỳ.

Chương 9: Chết Bởi Gián Điệp Trung Quốc.

Hàng ngày có hàng ngàn gián điệp chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của Trung Quốc đang thu thập tin tức tình báo ở những văn phòng, nhà máy và trường học Hoa Kỳ, Âu Châu và những quốc gia khác nhau như từ Brazil, Ấn Độ đến Nhật và Nam Hàn. Và mỗi phút trong ngày, hàng trăm tin tặc Trung Quốc khống chế hàng ngàn máy điện toán để triệt phá tường lửa bảo vệ của các hệ thống thông tin kỹ nghệ, tài chánh, học đường, chính trị và quân sự trên toàn thế giới nhằm tìm kiếm những dữ kiện quý báu và âm thầm truy cập những kẽ hở có thể khai thác để tấn công và phá hoại trong tương lai.

Thứ nhất là gián điệp Trung Quốc xâm nhập như thế nào. Chính phủ Trung Quốc và nhiều ngành công nghiệp quốc doanh đã tích cực mở ra một chiến dịch hoạt động tình báo với ba mũi nhọn rất tinh vi chống lại nhiều quốc gia trên thế giới – đặc biệt, các đối thủ lớn như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Chiến lược 3 mũi nhọn này bao gồm các trung tâm nghiên cứu, kỹ nghệ và những cơ quan chính quyền với mục đích đánh cắp những thông tin giá trị về tài chánh, kỹ thuật, và chính trị, đồng thời chuẩn bị cho những cuộc tấn công gây rối và phá hoại trong trường hợp xảy ra chiến tranh nóng. Trung Quốc có khoảng 100 ngàn gián điệp chính thức hay điềm chỉ viên, không kể những gián điệp tài tử, và một số lớn những cá nhân làm việc như những gián điệp bên trong những cơ quan chính phủ Trung Quốc. Đa số những gián điệp chính thức của Trung Quốc là những ký giả, nhiếp ảnh gia, thành viên của các tổ chức NGO, những thương gia, kỹ sư và học giả người Trung Quốc. Những điệp viên chuyên nghiệp này có thể không có điều kiện thu thập những thông tin quan trọng nhưng họ sẽ tập trung tuyển mộ những điềm chỉ viên để qua đó lấy những tin tức cần thiết.

Thứ hai là gián điệp Trung Quốc hoạt động ra sao? Trong lãnh vực hoạt động gián điệp công nghiệp, mạng lưới này được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm những công nghệ mới, những bí mật thương mại và phương pháp thực hiện. Trong mặt trận quân sự, mạng lưới này có mục tiêu kiếm được từ những hệ thống vũ khí mới cho đến những thông tin chi tiết hơn về các căn cứ và các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ. Trong cả hai hoạt động tình báo công nghệ và quân sự, yêu cầu của gián điệp Trung Quốc là hăng say, kiên nhẫn như đàn ong. Qua từng thập niên, hàng ngàn gián điệp “ong thợ” (worker bee) và những nhóm thu thập tin tức cần cù hút những thông tin nho nhỏ từ các phòng nghiên cứu đại học, những phòng nghiên cứu nhạy cảm quốc gia, những đại học Hoa Kỳ, những công ty mới khởi đầu tại Silicon Valley, và những công ty liên hệ đến quốc phòng.

Thứ ba là một số gián điệp Trung Quốc bị phát hiện tại Hoa Kỳ. Trong khi những người Mỹ gốc Hoa chiếm số lượng lớn trong mạng lưới gián điệp Trung Quốc, những tay trùm tình báo Trung Quốc đôi lúc cũng đã thành công trong việc “cải hóa” những người không phải gốc Hoa thành những tay gián điệp theo cách Liên Xô cũ. Chẳng hạn, Mộ Khả Thuấn (Moo Ko Suen), người Nam Hàn đã cộng tác làm gián điệp cho Trung Quốc, tìm cách đến kho máy bay tại Floria để mua một đầu máy phản lực có quạt chạy bằng Turbine của hãng GE sản xuất, thiết kế cho phi cơ chiến đấu F16. Quan thuế Hoa Kỳ đã phá vỡ âm mưu này và họ Mộ đã bị bắt giữ hồi tháng 5 năm 2006. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã thất bại trong một số vụ, điển hình là Phát Hoán Quyền (Park Hwan Kwon), một người Nam Hàn làm việc cho tình báo Trung Quốc. Phát đã thành công trong việc xuất khẩu hai đầu máy trực thăng Backhawk sang Trung Quốc thông qua một công ty Mã Lai. Tuy nhiên, sau đó, Phát Hoán Quyền đã bị bắt tại phi trường Dulles, Hoa Thịnh Đốn khi tìm cách bay qua Trung Quốc với một va-li chứa đầy những trang bị quân sự để quan sát ban đêm.

Trong khi nhiều gián điệp Trung Quốc gần như là nghiệp dư như Mộ và Phát, một số gián điệp – được gọi là “đặc vụ chìm” (sleeper agents) – được Trung Quốc cố ý cài lâu dài trong nước Mỹ. Đó là trường hợp Tôn Đông Phương (Chung Dong Fan), kỹ sư làm việc 30 năm cho hãng Boeing đã thu thập những thiết kế của Phi thuyền con thoi và Hỏa tiễn Delta IV chuyển cho Bắc Kinh. Khi bị bắt, Tôn Đông Phương đã giấu nhẹm được 3 triệu Mỹ Kim, và bị tìm thấy hơn 300,000 trang tài liệu kỹ thuật trong nhà, cùng với các ghi chép về những điều mà họ Tôn hy vọng sẽ giúp cho “mẫu quốc của mình.”

Đoàn Hùng