Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Chết bởi Trung Quốc (5): Chủ trương tin tặc, khống chế vũ trụ và ô nhiễm môi trường của Trung Quốc

VRNs (01.01.2012) – Sài Gòn – Chương 10: Chết Bởi Tin Tặc Đỏ Của Trung Quốc.



Trung Quốc đã tổ chức những lữ đoàn Tin Tặc Đỏ chuyên thâm nhập vào cơ quan NASA, Ngũ Giác Đài và Ngân hàng Thế giới; tấn công phòng Kỹ nghệ và An ninh của Bộ thương mại Hoa Kỳ rất mạnh đến nỗi Bộ này phải hủy bỏ hàng trăm máy điện toán; xóa sạch ổ dĩa cứng chứa dự án hỗn hợp phi cơ chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin, và gần như dội bom rải thảm vào hệ thống kiểm soát không lưu của Không quân Hoa Kỳ. Chúng cũng đã xâm nhập vào những máy điện toán của những dân biểu có đầu óc cải cách trong Ủy ban ngoại giao Hạ Viện vân, vân…

Giống như các hoạt động gián điệp, mỗi ngày, hàng ngàn người được gọi là “tin tặc” liên tục thăm dò, phá hoại và đánh cắp những định chế của Phương Tây – cũng như các đối thủ Á Châu như Nhật Bản và Ấn Độ, với nhiều mục tiêu khác nhau như phá hoại những trang nhà hay tấn công ồ ạt, vũ bão các máy chủ (servers) với “từ chối dịch vụ” DdoS, đánh cắp những thông tin có giá trị hay phá hủy dữ kiện nhằm gây ra những thiệt hại hạ tầng đáng kể. Nhưng mục tiêu then chốt mà tin tặc Trung Quốc nhắm đến là kiểm soát những hệ thống vốn kiểm soát những tài sản vật lý. Chẳng hạn, một nhóm các gián điệp vi tính Trung Quốc có thể đóng cửa mạng lưới điện của New England để “trừng phạt” Hoa Kỳ về hành động như chào đón Ngài Đạt Lai Lạt Ma đến Tòa Bạch Ốc hay bán vũ khí cho Đài Loan. Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đã:

Thứ nhất là tổ chức những nhóm tin tặc đỏ. Tất cả các hoạt động chính của lữ đoàn tin tặc đỏ Trung Quốc có một điểm chung, họ là cánh tay nối dài và nằm dưới sự giám sát lỏng lẻo của đảng Cộng sản. Tất nhiên, đảng giữ một khoảng cách – chính là để họ luôn luôn có thể đưa ra một sự phủ nhận khả dĩ đối phó với bất cứ tình huống nào xảy ra – như cuộc tấn công vào Ngũ Giác Đài, cướp quyền truy cập mạng 18 phút đồng hồ, cuộc tấn công vào mã nguồn (source code) của Google… Những kẻ gọi là đạo quân “tin tặc’ Trung Quốc sẽ không bao giờ hiện hữu nếu không có bàn tay chỉ đạo của Bắc Kinh.

Đạo quân tin tặc Trung Quốc đã tổ chức thành hàng ngàn nhóm nhỏ với những tên như Đội Quân Xanh (Green Army Corps), Nhóm Cua (Crab Group), và thậm chí tất cả đám nữ tặc gom lại như Lục Hoàng Hoa (Six Golden Flowers). Trung Quốc thậm chí còn có hàng trăm “trường tin tặc’ dạy nghệ thuật hack cho đám thanh niên giỏi vi tính. Trong khi đó, chính phủ trung ương Trung Quốc cho phép những nhóm như Liên Hiệp Tin Tặc Trung Quốc (China Hacker Union) được công khai hoạt động và thậm chí được duy trì những cơ sở thương mại trong khi bóc lột người ngoại quốc – miễn là chúng không tấn công vào các trang mạng hay nhu liệu nội địa.

Thứ hai là ra lệnh tấn công một số vụ điển hình.

-Vụ nổi tiếng nhất có tên là “Operation Aurora”, nhằm tấn công có hệ thống vào công ty Google cùng với 200 công ty Hoa Kỳ khác từ Adobe, Dow Chemical, và DuPont đến Morgan Stanley và Northrop Grumman. Trong kế hoạch này, tin tặc Trung Quốc trước hết làm quen với nhân viên của những công ty nhắm đến thông qua những trang mạng xã hội khá thịnh hành như Facebook, Twitter và LinkedIn. Sau khi khởi động những chat qua lại, tin tặc liền dụ những người bạn mới này đến viếng một trang mạng chia xẻ hình ảnh, vốn là bình phong có cài mã độc Trung Quốc. Khi những nhân viên của công ty “cắn mồi”, máy điện toán của họ bị nhiễm mã độc có nhiệm vụ thu thập và chuyển tên sử dụng (usernames) và mật khẩu (password) của người nhân viên về cho tin tặc. Những tin tặc Bắc Kinh sau đó xử dụng thông tin đánh cắp để truy cập các số lượng lớn dữ kiện giá trị của công ty – kể cả mã nguồn quý báu của Google.

-Vụ thứ hai là Cướp Mạng Toàn Cầu. Trong 18 phút vào tháng 4 năm 2010, công ty viễn thông quốc doanh Trung Quốc đã cướp đi 15% lưu thông Internet trên thế giới, bao gồm những dữ kiện từ quân đội, những tổ chức dân sự Hoa Kỳ và những tổ chức đồng minh Hoa Kỳ. Vụ chuyển hướng rộng lớn những dữ kiện này hầu như nhận được sự chú ý của rất ít các phương tiện truyền thông chính dòng, bởi vì phương cách tiến hành vụ đánh cướp ra sao và những phức tạp của vụ này rất khó nắm bắt cho những người không liên hệ tới cộng đồng an ninh mạng.” Tin tặc Trung Quốc dùng chiến thuật “cướp đường” (Route Hijacking) với mục tiêu chứng tỏ cho thế giới biết họ có khả năng giành quyền kiểm soát bất cứ lúc nào một phần đáng kể mạng Internet toàn cầu.

-Vụ thứ ba là Đánh Cắp Tên Miền. Tin tặc Trung Quốc cũng đã nhúng tay vào rất nhiều vụ đánh cắp tên miền (DNS). DNS là chữ viết tắt của Domain Name Services và chính những trị số DNS này lập nên “điện thoại niên giám” (phonebook) của mạng Internet. Việc thao túng tên miền xảy ra khi những dữ kiện DNS không đầy đủ được dùng để ngăn chận những người dùng Internet trên thế giới không được vào các trang mạng mà đảng Cộng sản coi là kẻ thù. Việc thao túng DNS có nghĩa là sự kiểm duyệt Internet của Trung Quốc bây giờ vượt quá biên giới của họ và tình thế sẽ chỉ xấu đi hơn khi mà Trung Quốc cố thu tóm nhiều quyền hạn trên mạng Internet.

Thứ ba là cài cắm con Chip Mãn Châu trong những máy vi tính bán ra thị trường chờ lệnh tấn công. Trung Quốc đã cho thiết kế một con chip “cửa sau” (Backdoor) điều khiển từ xa, trong hệ thống điều hành của một máy điện toán, hay một cách khác, thiết lập “mạch sát thủ” (a kill switch) gắn trong con chíp đặc chế và phức tạp của máy điện toán, và khó phát hiện. Trung Quốc sau đó xuất khẩu một cách bí mật những con chíp Mãn Châu và con chíp “cửa sau” đến Hoa Kỳ, ở đó chúng trở thành một phần của hệ thống lớn hơn vốn thực hiện những chức năng bình thường của chúng. Các thiết bị Mãn Châu nằm chờ một số loại tín hiệu cho phép của Bắc Kinh hoặc đóng hoặc chiếm quyền kiểm soát của dụng cụ – có lẽ là một hệ thống thiết yếu như trụ điện, hệ thống xe điện ngầm, hay một thiết bị định vị toàn cầu.

Chương 11: Chết Bởi Những Chương Trình Khống Chế Không Gian Của Trung Quốc.

Chương trình khai phá không gian của Trung Quốc đặc biệt đáng thán phục và ráo riết. Trong vài thập niên tới đây, họ có kế hoạch gởi những phi vụ lên cả mặt trăng và hỏa tinh, trong khi chỉ năm ngoái thôi, Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo 15 trọng tải (payloads). Lịch trình phóng đầy tham vọng này đã làm cho họ trở thành quốc gia đầu tiên sánh kịp Hoa Kỳ trong lãnh vực này; và Trung Quốc rõ ràng đang trên đường qua mặt Hoa Kỳ về số lượng phóng; ngay đúng thời điểm Hoa Kỳ hoàn tất sứ mạng phi thuyền con thoi cuối cùng và kết thúc chương trình.

Thứ nhất là chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc. Trung Quốc có ba lý do để theo đuổi thám hiểm không gian. Thứ nhất là sự phát triển của nhiều ngành công nghệ mới và đa dạng. Thứ hai là khai thác và vận chuyển trong tương lai những nguồn năng lượng và nguyên vật liệu thô trọng yếu từ không gian đến những nhà máy Trung Quốc. Thứ ba là tìm một hành tinh khác để giải quyết nạn nhân mãn và đang nóng lên nhanh chóng của trái đất. Vì thiếu hụt ngân sách, Hoa Kỳ đang lơ là về việc nghiên cứu không gián thì Trung Quốc trái lại rất tích cực dành nhiều tài chánh và phương tiện cho thám hiểm không gian. Lý do là Trung Quốc muốn đi tìm trong không gian nhiều thứ kim loại quý và nguyên liệu khác từ lớp vỏ của mặt trăng hay từ các tiểu hành tinh gần trái đất.

Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm các nguyên liệu như nhôm, vàng, và kẽm trong vũ trụ. Từ tầm nhìn viễn kiến của Trung Quốc, họ có thể thu được những thứ có giá trị cao hơn trên mặt trăng. Đó là nguồn năng lượng phân hạch (nuclear fusion energy). Khác với những nhà máy điện hạt nhân đang có nhiều vấn đề, năng lượng phân hạch sẽ vừa an toàn, vừa sạch và thực sự quá rẻ. Và điều này liên quan đến mặt trăng: một thành tố mà các khoa học gia tin rằng sẽ giúp thực hiện phản ứng phân hạch là chất Helium 3 – một chất đồng vị cực kỳ hiếm được coi là có nhiều trên mặt trăng.

Thứ hai là vấn đề chiến tranh không gian. Nước Mỹ hiển nhiên vẫn còn nắm giữ thế thượng phong trong chiến lược không gian hiện nay. Từ thế thượng phong đó, cả kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đều phụ thuộc nặng nề vào một hệ thống phức tạp gồm 400 vệ tinh quỹ đạo vốn cung cấp tất cả các loại, từ trinh sát và dẫn đường cho đến viễn thông và đo đạt từ xa hay còn gọi là viễn trắc (Telemetry). Đó chính là mạng lưới đáng phục đang cung cấp cho những lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ một sức mạnh gần như là siêu nhiên trong con mắt của kẻ thù. Tuy nhiên, Trung Quốc không chịu thua. Trung Quốc đang tiến hành ít nhất 2 biện pháp phòng thủ để đối phó với lợi thế không gian của Hoa Kỳ. Thứ nhất là phá hủy một phần hay toàn bộ những vệ tinh của Hoa Kỳ. Thứ hai là – đạt được mục đích như vậy nhưng không cần phá hủy – đơn giản là làm mù những con chim trinh sát của Hoa Kỳ. Trong lãnh vực phá hủy các vệ tinh, Trung Quốc đã thí nghiệm một số phương pháp để làm nổ tung – hay đúng ra là bắt cóc – các vệ tinh của Hoa Kỳ.

Thứ ba là đối đầu với Hoa Kỳ. Chiến lược quân sự mà Trung Quốc đang tính toán hiện nay đó chính là sự tập trung trên cái gọi là “chiến tranh bất đối xứng” (asymmetric warfare). Tuy Trung Quốc đang đối diện với một thất thế đáng kể về mặt kỹ thuật so với Hoa Kỳ, nhưng những nhà chiến lược Trung Quốc đang liên tục tìm tòi những cách bất ngờ và ít tốn kém nhất để vô hiệu hóa, tiêu diệt hay đánh bại những sức mạnh kỹ thuật lớn nhất của Hoa Kỳ. Đó là hỏa tiễn đạn đạo chống tàu thủy tương đối rẻ tiền có khả năng đánh chìm một Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ – hay ít nhất khiến nó phải sợ để quay đầu chạy trốn về quần đảo thứ nhì. Ngoài ra, Trung Quốc có thể xử dụng loại vũ khí chống vệ tinh trên không gian để có thể phá hoại hệ thống GPS và hệ thống vệ tinh viễn liên của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Chương 12: Chết Bởi Ô Nhiễm Môi Trường Trầm Trọng Của Trung Quốc.

Trung Quốc không phải là sắc dân ngu đần. Nhưng những gì mà giới kinh doanh và lãnh đạo nhà nước đang làm cho không khí, đất và nước của xứ sở họ – với sự chấp nhận ngầm của đa số người dân – phải là một trong những hành vi mù quáng nhất, thiển cận nhất, và tự hủy diệt nhất đối với Mẹ Thiên Nhiên mà thế giới chưa từng chứng kiến.

Dĩ nhiên, các quan chức đảng Cộng sản quen biện hộ cho những tội ác chống lại Mẹ Thiên Nhiên bằng lối ngụy biện rằng đế chế non trẻ của họ hãy còn trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế. Họ nhấn mạnh rằng ít nhất một số hư hại môi trường được ước đoán sẽ xảy ra trước khi Trung Quốc Đỏ tạo nên một quá trình chuyển đổi “không thể tránh khỏi” thành Trung Quốc Xanh. Chính quyền Trung Quốc muốn đánh đổi không khí, nước và đất của họ lấy tiền và giành một phần thị trường thế giới lớn hơn.

Thứ nhất là bầu trời Trung Quốc không có màu xanh. Trung Quốc hiện có 100 thành phố với hơn 1 triệu dân và hầu hết mọi người trong đám đông dày đặc này bị bao phủ trong đám hơi độc của a-xít lưu huỳnh (Sulfur dioxide) và những hạt bụi xuyên lủng phổi (lung-piercing particulates). Hơn nữa, trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới đang bị ô nhiễm nặng nề nhất thì Trung Quốc chiếm 16 thành phố. Lý do là Trung Quốc lệ thuộc đến 75% nguồn năng lượng than đá, nhưng lại không có nỗ lực nghiêm chỉnh để giải quyết việc dùng than một cách sạch sẽ. Khắp Trung Quốc, than được vận chuyển, đốt và thải khói với rất ít kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và thậm chí còn ít quan tâm hơn về những ảnh hưởng của nó trên đời sống con người và súc vật. Trong nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc, than sống vẫn còn được đốt để nấu ăn và sưởi ấm – với rất ít hay không thông gió.

Than hiện diện khắp nơi trong nền kinh tế Trung Quốc nên chiếm tới 90% khí thải a-xít lưu huỳnh – thành phần chủ yếu của sương mù. Sự lệ thuộc vào than đá quá lớn như vậy cũng là lý do tại sao không khí ở Trung Quốc lại chứa đầy các hạt bụi chất thải chết người; chúng có thể xâm nhập sâu và xé rách mô phổi. Với mỗi 100 tấn a-xít lưu huỳnh, hạt bụi chất thải, hay thủy ngân chết người mà những nhà máy Trung Quốc tung lên vùng trời Trung Quốc, hàng ngàn cân Anh của những chất ô nhiễm này, cuối cùng sẽ đi vào mắt, phổi, cổ họng và hệ thống thần kinh của người dân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó cả ở Bắc Mỹ.

Thứ hai là không có nước sạch để uống. Chiếm 20% dân số thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ có 7% nước ngọt; nhiều vùng đất rộng lớn của lãnh thổ này – bao gồm 100 thành phố – phải chịu hạn hán triền miên. Bất chấp nạn khan hiếm nước uống như thế, giới kinh doanh và chính quyền Trung Quốc đã để cho 70% sông, hồ suối và 90% nguồn nước ngầm của họ trở nên ô nhiễm trầm trọng. Hơn nữa, tại những khu công nghiệp như Sơn Tây, nhiều nước sông bị nhiễm độc không thể sờ tay vào. Sự nguy hại này gây ra bởi dòng thác của hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp phần lớn không được giải quyết, những phân hóa học và nước cống từ người và thú vật tuôn ra từ mọi nơi, từ những nhà máy hóa học, nhà máy bào chế thuốc và phân bón cho đến nhà máy thuộc da, nhà máy sản xuất giấy và những trại nuôi heo. Chính vì sự phóng uế không nao núng này, một tỷ dân Trung Quốc phải uống nước ô nhiễm hàng ngày trong khi ít nhất 700 triệu trong số những người này, phải cam chịu dùng nước uống có “gia vị” chất thải của người và thú vật.

Thứ ba là đất nhiễm độc. Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi sống 22% dân số thế giới – đang đối mặt với nạn ô nhiễm và suy thoái. Sự suy thoái chất lượng đất trở thành một phó sản đáng lo ngại nhất của sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Những kim loại nặng đang tích tụ trong đất, làm chai mặt đất, giảm màu mỡ và những tàn dư của phân hóa học và thuốc trừ sâu xuất hiện trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và gia súc. Gần đây, khoảng 10 triệu mẫu tây đất trồng trọt – tương đương với 10% đất trồng trọt nội địa đã bị nhiễm độc.

Còn một vấn đề nữa là Trung Quốc sẵn sàng – quả thực, tới độ hăng hái quá mức – muốn làm bãi rác thải cho những loại hợp chất độc hại tân tiến nhất chưa từng có: cái gọi là “bãi rác điện tử”. Bãi rác điện tử như thế gồm những máy điện toán hư, điện thoại di động lỗi thời và các đồ điện tử khác; và đó thực sự là một hỗn hợp kim loại nặng không giống một hỗn hợp nào khác. Hiện có tới 50 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu mỗi năm – đủ để chất đầy đoàn xe tải thu gom rác xếp hàng dài tới nửa vòng trái đất;” và đương nhiên, Trung Quốc dự trữ đủ xe tải chở rác để thu gom tới 70% số rác thải điện tử đó.

Đoàn Hùng