VRNs (21.01.2012) -Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Thường niên – B
Với Mc 1,14-20 tác giả sách Tin Mừng Máccô (Mc) bắt đầu phần trình thuật nói về khởi đầu những hoạt động của Chúa Giêsu.
1. Chúa Giêsu công bố Tin Mừng (cc.14-15)
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (c.14).
Về thời điểm Đức Giêsu bắt đầu sứ mạng công khai của Người, tác giả Mc xác định: “Sau khi ông Gioan bị nộp”. Đáng chú ý là ông đã không nói rằng “sau khi ông Gioan bị tống ngục”. Động từ “nộp” (paradidonai) được cố ý sử dụng ở đây với một ý hướng đặc biệt. Tác giả Mc chỉ sử dụng động từ này trong trường hợp của ông Gioan, vị tiền hô của Chúa Giêsu (1,14), trường hợp của chính Chúa Giêsu (13 lần) và trường hợp của các môn đệ Chúa Giêsu (13,9.11.12). Như thế là có một sự đồng thân đồng phận giữa vị tiền hô, Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu: số phận “bị nộp vào tay người đời” (9,31). Hoạt động rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu được bắt đầu với sự kiện vị tiền hô của Người bị nộp, nghĩa là với một sự kiện có giá trị hướng chúng ta về số phận “bị nộp vào tay người đời” của chính Chúa Giêsu. Điều này cho thấy rằng ngay từ khởi đầu, sứ mạng của Người đã quy hướng về cuộc khổ nạn mà Người sẽ trài qua sau này như là đỉnh điểm của sứ mạng đó.
Hoạt động đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện trong sứ mạng công khai của Người là “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Người rao giảng / công bố (keryssein) như một “ông mõ”. Đây là một hoạt động đặc trưng và chính yếu của Người, như được nói trong 1,38-39. Điều rất đáng chú ý là Người rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, tức là tin vui đến từ chính Thiên Chúa và liên hệ tới Thiên Chúa trước hết. Người công bố những thực tại của Thiên Chúa và những điều Thiên Chúa thực hiện vì loài người, chứ không phải là một vài lệnh truyền hay một vài giới răn, cũng chẳng phải một mớ những lý thuyết, những hệ tư tưởng hay chủ nghĩa này chủ nghĩa khác…
“Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c.15).
“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, đó là điều Thiên Chúa đang thực hiện cho nhân loại. Thiên Chúa đã hoàn tất thời buổi và làm cho Triều Đại của Người đến gần. Trong hai mệnh đề này, mệnh đề thứ nhất xác định phẩm chất đặc biệt của thời điểm hiện tại của lời rao giảng của Chúa Giêsu: thời viên mãn. Mệnh đề thứ hai trình bày một cách tỏ tường điều cốt yếu trong cái phẩm chất đó: Triều Đại Thiên Chúa đến gần. Thời điểm hiện tại là một “kairos”, tức là một thời điểm ân phúc tối hậu, thời của sự hoàn thành, thời của những hành động và thực tại mang tính quyết định. Yếu tố chính yếu làm nên tính chất đặc biệt đó chính là sự kiện nó được nối kết với Triều Đại của Thiên Chúa, tức là sự thực hiện viên mãn quyền năng thống trị đầy yêu thương lân mẫn của Ngài. Nói đến Triều Đại Thiên Chúa tức là không chỉ nói đến quyền lực chung chung và toàn năng của Ngài, mà chính yếu là nhấn mạnh quyền lực toàn năng đó trong tương quan với dân mà Thiên Chúa nhận là của Ngài. Dân ấy được Thiên Chúa lãnh đạo, lo toan, chăm sóc, điều khiển, bảo vệ… Những thực tại mà chúng ta kinh nghiệm hằng ngày, thực ra, có vẻ như là những điều đến từ những quyền lực khác chứ không phải từ quyền lực thống trị đầy tình yêu mến của Thiên Chúa: chiến tranh, đói kém, thiên tai, địch họa, bất công, áp bức, nghèo đói, chết chóc… Đối nghịch với tất cả những điều đó, Chúa Giêsu công bố rằng quyền năng thống trị của Thiên Chúa đã đến gần. Đã đến gần rồi cái thực tại quan trọng này: Thiên Chúa toàn năng và từ ái ban cho con người sự sống viên mãn của chính Ngài.
Một trong những điểm đặc biệt rất đáng chú ý: sứ điệp của Chúa Giêsu công bố, trước hết và trên hết, hoàn toàn đặt nên tảng nơi chính Thiên Chúa và quyền năng yêu thương của Ngài. Chính quyền năng ấy làm cho chúng ta được vui mừng thực sự, bất chấp những hiểm ngay và tai ương đang còn xảy đến trong đời. Đặt trong tương quan với biến cố “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, thì tất cả những thứ quyền lực đang hoành hành trên trân gian và trong cuộc sống hàng ngày của con người ta, thực ra, chỉ là những thứ quyền lực tạm thời và mau qua. Tuy nhiên, cần chú ý rằng Chúa Giêsu không nói: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến xong xuôi rồi”, mà chỉ công bố rằng Triều Đại ấy đã đến gần. Như thế mới có lời mời gọi “Hãy tin vào Tin Mừng” và lời cầu nguyện “xin cho Nước Cha trị đến”.
Sau khi công bố về điều Thiên Chúa đang thực hiện cho nhân loại, Chúa Giêsu nói đến điều mà con người phải thực hiện để đón nhận được thực tại mà Thiên Chúa đang làm ra đó. Người nói: “Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. Hối cải (metanoein) và tin (pisteuein) không được trình bày như những điều chỉ làm một lần là xong, mà là như những cách hành xử kiên định, thường xuyên, bền bỉ. Đàng khác, có vẻ cách dịch “tin vào Tin Mừng” như chúng ta thường thấy, chưa cho thấy hết được một điểm nhấn quan trọng của tác giả Mc. Ông đã không dùng giới từ eis (vào), mà dùng giới từ en (trong). Nói cách khác, Tin Mừng không chỉ là đối tượng của hành động tin, mà còn phải được hiểu là nền tảng của hai hành động hối cải và tin: “Anh em hãy hối cải và tin, dựa trên nền tảng là chính Tin Mừng được công bố”.
Tin mừng về việc Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại (“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”) đòi hòi người ta không chỉ thực hiện những hành động bề ngoài, mà chính yếu là thực hiện một sự biến đổi thật sự, một hành động từ bên trong con người thâm sâu của mình, một sự thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa và dấn thân trong một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong lòng tin vào Thiên Chúa quyền năng và đầy tình yêu thương.
Trật tự của các nội dung được trình bày trong lời rao giảng của Chúa Giêsu ở đây cũng là một điều đáng chú ý. Trước tiên, Người công bố điều Thiên Chúa thực hiện, rồi sau đó mới nói đến những điều con người phải làm. Đức Giêsu hiện diện trong tư thế là Đấng công bố Tin Mừng, chứ không phải trong tư thế một nhà khôn ngoan đưa ra những lời khuyên bảo. Nhưng đồng thời, sứ điệp của Người được nối kết chặt chẽ với một yêu cầu. Tin Mừng không chỉ được lắng nghe một cách thụ động, mà phải được gắn với một sự tham dự tích cực.
2. Chúa Giêsu tuyển chọn các môn đệ đầu tiên (cc.16-20)
Khởi đầu một cách cụ thể sự hoạt động của Người, Chúa Giêsu kêu gọi bốn người đánh cá đi theo Người. Tác giả Mc kể rằng: “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (cc.16-20).
Trước tiên, tác giả Mc nói đến cái nhìn của Chúa Giêsu: Người thấy ông Phêrô và anh ông ấy, rồi Người thấy các người con trai ông Dêbêđê. Không có gì khác đã xảy ra, thế mà vừa nghe lời kêu gọi của Người, các ông ấy liền bỏ mọi sự mà theo Người. Điều đó chứng tỏ cái nhìn của Chúa Giêsu ở đây có một sức mạnh sáng tạo vô cùng đặc biệt. Với cái nhìn đặc biệt này, Chúa Giêsu và những con người được mời gọi đã hoàn toàn và vĩnh viễn thuộc về nhau. Đó là cái nhìn làm nên điểm khởi nguồn và cái nền tảng của một mối tương quan bền chặt, lâu dài, thay đổi toàn bộ cuộc đời của các ông.
Điểm thứ hai: Chúa Giêsu ngỏ lời với các ông bằng một mệnh lệnh: “Các anh hãy theo tôi”. Ngay từ điểm khởi đầu. Người đã hành xử trong tư thế vị thầy và tư thế ông chủ. Người không đề nghị với các ông một chương trình hành động hay một dự án sẽ được thực hiện. Người cũng chẳng cố gắng trình bày các lý lẽ để thuyết phục các ông theo Người. Chỉ một mệnh lệnh. Đơn giản vậy.
Điểm thứ ba: mệnh lệnh đó hoàn toàn chỉ liên quan đến bản thân Chúa Giêsu. Chính Người là Đấng mà các ông phải đi theo, chứ không phải những dự án, những kế hoạch, những chương trình, những hệ thống tư tưởng…, cho dù là những dự án hay tư tưởng liên quan đến Người. Nói cách khác, điểm chính yếu và cốt tử trong lời mời gọi là sự hiệp thông sự sống sâu xa và thiết thân với Chúa Giêsu, và mọi điều khác, nếu có, đều là tùy thuộc vào điểm cốt tử đó. Các môn đệ được mời gọi đi theo Người, tức là chính Người sẽ thiết lập hướng đi, còn các ông thì đi theo Người và tin tưởng vào Người.
Cần chú ý rằng: các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với bốn người đàn ông tên Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan này, như được trình bày trong bản văn Tin Mừng, là cuộc gặp gỡ đầu tiên và bất ngờ, không được lên kế hoạch trước. Người đàn ông đang đi dọc bờ biển này, người đàn ông có tên là Giêsu người Nagiarét này, là ai mà lại có thể ra lệnh cho mấy anh ngư phủ kia? Anh ta là ai mà có thể đòi mấy anh ngư phủ kia tin tưởng vào mình một cách tuyệt đối như thế? Những độc giả bình thường của sách Tin Mừng Mc hoàn toàn có quyền đặt những câu hỏi đó. Và những gì được kể trong các trình thuật của sách Tin Mừng này sẽ là câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng kia.
Điểm thứ tư: lập tức hai ông Phêrô và Anrê bỏ chài lưới mà đi theo Chúa Giêsu; tương tự như thế, hai ông Gioan và Giacôbê bỏ cha mình lại với những người làm công, rồi đi theo Chúa Giêsu. Các ông bỏ lại đằng sau tất cả cuộc sống của mình từ trước đến giờ. Điều có giá trị lớn lao nhất đối với các ông bây giờ, là đi theo Chúa Giêsu.
Điểm thứ năm: tác giả Mc cố ý và cẩn thận ghi tên riêng của bốn anh chàng ngư phủ được kêu gọi. Như người ta có thể thấy khi đọc toàn bộ sách Mc, tác giả vốn không thường xuyên sử dụng tên riêng cho các nhân vật trong sách. Điều này cho phép chúng ta nghĩ rằng ông có dụng ý khi nêu tên cụ thể của bốn người ngư phủ này. Có lẽ ông muốn cho thấy tính cách cá vị của lời mời gọi và của lời đáp trả. Chúa không gọi họ trở thành một cái ốc vít vô danh trong cỗ máy mà Người đang chế tạo ra. Người gọi họ một cách cá vị, và lời đáp trả của họ phải là lời đáp trả tự do, thiết thân và cá nhân.
Nhưng đồng thời, và đây là điểm thứ sáu, tác giả Mc cũng cố ý trình bày sự kiện Chúa Giêsu cùng một lúc gọi bốn môn đệ đầu tiên, và như thế, ngay từ đầu, các môn đệ đã làm thành một cộng đoàn chư không đi theo Người một cách riêng lẻ. Như đã nói ở điểm trên, cuộc đi theo này phải là hành động thiết thân, cá vị của mỗi người. Nhưng một trật, đó cũng phải là cuộc đi theo Chúa Giêsu trong sự hiệp thông sâu xa với những người môn đệ khác của Chúa, chứ không phải là một hành trình đơn thương độc mã.
Điểm cuối cùng: lời mời gọi đi theo Chúa Giêsu được gắn liền một cách chặt chẽ, với một sứ vụ: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Cộng đoàn các môn đệ, ngay từ đầu, đã mang đặc tính thừa sai, mở ra với và quy hướng đến một sứ vụ phổ quát, chứ không phải một cộng đoàn khép kín.
Ngay từ đầu Tin Mừng, tác giả Mc đã cố ý khắc họa chân dung của Chúa Giêsu hành động trong tương quan mật thiết với các môn đệ. Sách Tin Mừng không muốn giới thiệu một Đức Giêsu đơn độc như một anh hùnh hành tẩu giang hồ, mà như một vị Thầy của các đồ đệ. Đó chính là dụng ý của tác giả Mc khi ông, ngay từ phần bắt đầu kể về sứ mạng của Chúa Giêsu, đã tường thuật sự kiện Người kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Những nội dung quan trọng mà chúng ta đã nói trên kia khi ngắn gọn phân tích trình thuật này, đã khắc họa những đường nét quan trọng trong mối tương quan của các môn đệ đó với Chúa Giêsu. Đó cũng chính là những nội dung mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn chú ý trong đời sống làm môn đệ Chúa Giêsu của mỗi người và của cộng đoàn chúng ta.
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.