VRNs (05.01.2012) – Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, Tôi thức dậy với tinh thần thoải mái hơn, vì không khí “Lễ Giáng Sinh” đã về đến Giáo xứ tôi, gia đình tôi cũng bận rộn với công việc trang trí lại nhà cửa, treo “đèn ông sao”, tu sửa lại “hang đá” cho đẹp hơn để đón tiếp những vị khách đến chơi nhà trong dịp lễ Giáng sinh. Mắt khác tôi thấy sảng khoái hơn, vì tôi đã hoàn thành 1/3 công việc của tấm thiệp, với 6 người anh em Thanh niên Công giáo mà tôi quen. Tôi lại tiếp tục công việc của mình, Tôi tiếp tục đi tìm hình ảnh của những người anh em khác để hoàn thành tấm thiệp giáng sinh còn đang dang dở.
Tôi đi tìm tấm hình của anh Paulus Lê Sơn, Anh Lê Sơn quê ở Trinh Hà, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vùng đất nghèo này cũng là quê hương của Cha Thánh Lê Bảo Tịnh. Tôi quen biết Anh Paulus Lê Sơn trong khóa học truyền thông Online I do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức. Tôi nắn nót cắt, tỉa từng li, từng tý trên tấm hình của anh, kỷ niệm đầu tiên của tôi và anh là ngày 03.04.2011, khi tôi có dịp ra nhà thờ Thái Hà để tham gia buổi thắp nến cầu nguyện cho Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ, do các cha dòng CCT Thái Hà tổ chức. Sau thánh lễ, mọi người tham dự thánh lễ đều đã trở về, khuôn viên nhà thờ Thái Hà cũng chỉ còn vài thanh niên ở lại dọn dẹp khuôn viên nhà thờ sau Thánh lễ. Tôi, Anh Lê Sơn và một số anh em khác cũng trở về nhà nghỉ dành cho khách của nhà dòng, chúng tôi trao đổi với nhau về hình ảnh, tìm kiếm những tấm hình nào đẹp nhất để làm một bản tin vắn cho trang web chuacuuthe.com. Đêm đó, chúng tôi, vừa làm tin, vừa tâm sự, lại vừa lên kế hoạch cho ngày mai đi “tác chiến” phía bên ngoài tòa án nhân dân Tp. Hà Nội nơi phiên tòa sơ thẩm xét xử Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ.
Đúng 6h sáng, chúng tôi thức dậy, mỗi người tranh thủ đọc ít kinh để tạ ơn Chúa vì đã cho chúng tôi một ngày bình an. Mỗi người chúng tôi cũng sửa soạn “đồ nghề” để tác chiến. 7h sáng cùng ngày, chúng tôi xuất phát từ Thái Hà đi về hướng tòa án. Mỗi người một ngã, mỗi người đều đi làm công việc của mình. Khoảng 8h sáng cùng ngày, rất nhiều người bị bắt, trong đó có anh Paulus Lê Sơn, tụi công an cướp mất máy ảnh của anh, đánh vỡ một mắt kiếng của anh. Tôi may mắn hơn anh, vì khi anh bị bắt, tôi không ở khu vực gần anh. Tôi trở về Thái Hà cùng với một số anh em truyền thông Chúa Cứu Thế. Tại đây chúng tôi làm một bản tin vắn để gởi cho trang chuacuuthe.com và gởi hình ảnh cho những trang báo lề trái khác. Sau hơn 18 tiếng bị tạm giam tại đồn công an quận Hoàn Kiếm, anh được thả ra, chúng tôi gặp nhau tại Thái Hà trong niềm vui mừng khôn xiết và cũng không quên cầu nguyện trước “Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà” để tạ ơn Mẹ.
Lần thứ hai tôi gặp anh tại nhà thờ Thái Hà trong khóa học Truyền thông Công giáo do dòng CCT tổ chức tại nhà thờ Thái Hà, trong khóa đó anh là người lo mọi công tác chuẩn bị, từ chuẩn bị hội trường để mọi người cùng học, lo chỗ ăn ở cho những học viên ở xa, anh tận tình giúp đỡ các học viên khi làm bài thực hành trong khóa học. Anh là một con người nhiệt tình trong công tác giáo hội, anh là mẫu người cho tôi và các bạn của tôi, chúng tôi học ở anh cách làm việc, sự nhiệt tình, lòng can đảm của anh. Thời điểm diễn ra khóa học truyền thông Công giáo tại Thái Hà cũng là thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Anh đã tham gia một số cuộc biểu tình và tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình đó [1].
Lần thứ ba tôi lại gặp anh cũng tại Thái Hà, lần này là phiên tòa phúc thẩm Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ, phiên tòa diễn ra vào ngày 2.8.2011. Tôi với anh và một số anh em cộng tác viên VRNs cùng đi tới tòa án nhân dân Tp. Hà Nội lần thứ 2 trong năm. Khi chúng tôi vừa ra tới tòa án thì bắt gặp 1 tên mật vụ, anh ta qua chào hỏi chúng tôi và nói với anh Lê Sơn rằng: “Chú Sơn! Lâu ngày anh em chưa gặp mặt, chắc là đợt này anh phải gặp gỡ chú rồi đấy”, Anh Lê Sơn mỉm cười đáp lại: “Vâng anh, em chỉ lấy mấy tấm hình thôi”. Sau đó chúng tôi tiếp tục công việc của mình, khoảng 11h trưa, chúng tôi trở về Thái Hà để làm tiếp công việc của mình, hôm đó chúng tôi ghi được khá nhiều hình ảnh, video. Mỗi người một việc, chúng tôi âm thầm làm suốt cả buổi chiều – tối. Đến 9h tối, chúng tôi đi ăn tối, vừa bước ra khỏi khuôn viên nhà thờ đã có rất nhiều mật vụ Công an đi theo chúng tôi. Cảm thấy không yên tâm, chúng tôi không ai nói gì, ăn uống vội vã và trở lại nhà thờ Thái Hà sau 15 phút. Lúc này chỉ còn 4 anh em ở lại nhà thờ Thái Hà, tôi thấy tình hình không ổn nên xin phép về trước, nhưng vừa đi ra khỏi cổng nhà thờ, ngay lập tức có mấy mật vụ vây lại, tôi đành quay lại nhà thờ. Trước đó, bà chủ nhà, nơi anh Paulus ở cứ gọi điện giục anh ấy về dọn đồ đạc, vì bà không cho thuê nữa. Từ việc bà chủ nhà gọi điện liên tục, bước ra khỏi cổng nhà thờ là có mật vụ đi theo, cộng thêm hồi sáng lời chào của một tên mật vụ tại tòa án, tôi có cảm giác “bất an”.
Tôi liền bảo anh Paulus: “Anh ơi! Anh xem xét tạm lánh ở đây, đừng có về phòng trọ, còn đồ đạc ở đó thì nhờ người lên lấy cũng được, tự bảo vệ mình đi anh nhé”.
Anh Paulus trả lời lại: “Chú à! Mình có làm gì sai đâu mà sợ, hơn nữa nếu nó mà muốn bắt, thử hỏi xem anh có lánh nổi không? Còn chú thì tính sao”.
Tôi đáp lại: “Vậy anh nghỉ qua đêm ở đây, còn đồ đạc thì ngày mai nhờ người lên lấy, em sẽ nhờ bạn đến chở, bạn em là dân ở đây, nó am hiểu hết các ngõ ngách nên không sao đâu anh”.
Anh em chúng tôi tranh thủ lại đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp để cầu tạ ơn Mẹ và cầu bình an cho nhau. Tôi từ giã anh, bạn tôi đến trước cổng nhà thờ Thái Hà, phải mất gần một tiếng chúng tôi mới cắt đuôi được mấy tên mật vụ. Ngày hôm sau tôi thức giấc, theo thói quen tôi vào đọc tin tại chuacuuthe.com, tôi giật nãy mình khi nghe tin anh bị bắt tại phòng trọ[2], lại còn bị đánh một cách thô bạo. Tôi rưng rưng giọt nước mắt, Nếu anh nghe theo sự sắp xếp của tôi, ít ra anh cũng chưa bị bắt, tôi chỉ biết âm thầm cầu nguyện cho anh, cầu nguyện cho Mẹ của anh đang ngóng chờ anh từng ngày và phải đối chọi với căn bệnh hiểm nghèo[3]. Rồi đây ai sẽ chăm sóc cho Mẹ của Anh Paulus?… Ai!? Ai có thể làm giúp anh không!?
Tôi tiếp tục công việc của mình, tôi tìm đến tấm hình của Anh Phêrô Nguyễn Xuân Anh. Anh Xuân Anh là một người con của Giáo Xứ Yên Đại – Hạt Cầu Rầm – Gp.Vinh. Anh là một võ sư, công việc hàng ngày của anh là đi dạy võ, kiếm tiền nuôi vợ và con. Anh Xuân Anh là người đạo đức, ôn hòa, sống rất có nghĩa khí của một người luôn làm chủ được bản thân. Anh tham gia nhiệt tình vào các công việc của giáo xứ Yên Đại và tham gia cộng tác vào công việc của Trung Tâm bảo vệ sự sống Gioan Phaolô II. Dù không biết nhiều về anh, nhưng tôi luôn trân trọng Anh, trân trọng những con người đã đấu tranh cho Công Lý – Sự Thật, Anh Xuân Anh bị bắt vào ngày 7.8.2011 tại Nghệ An.
Tấm hình của Anh Phêrô Hồ Đức Hòa hiện ra trước mắt tôi, Anh Hòa là một người con thuộc Giáo xứ Yên Hòa – hạt Thuận Nghĩa – Gp.Vinh, Anh là một cử nhân quản trị doanh nghiệp, cử nhân tài chính – kế toán, anh sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp; Anh cũng là giám đốc công ty chứng khoán Trần Đình – Tp. Vinh, tôi bắt đầu công việc của mình, hình ảnh của anh lại hiện lên trong tôi, tôi xin kể lại về anh:
“Anh Hòa Lúc còn là sinh viên anh có tiếng là một con người sáng dạ, chăm chỉ, và là một sinh viên Công giáo hết sức thánh thiện. Anh đã từng thi đậu vào Đại Chủng Viện Vinh Thanh, nhưng lúc bấy giờ không được công an tôn giáo chuẩn thuận, nên anh đành phải theo học đại học ngoài. Và khi anh đi học ở ngoài, anh luôn nhiệt tình trong công việc của sinh viên Công giáo Vinh, Trong vai trò cán bộ điều hành Hội Sinh viên Công giáo Vinh, anh được mọi người quý mến, đặc biệt anh chị em sinh viên Công giáo rất mực tôn trọng nhân cách và cách ứng xử mềm mỏng hài hòa mọi việc. Mọi người vẫn nhớ hoài cái thời anh sống ở Giáo xứ Yên Đại – Giáo hạt Cầu Rầm- Gp.Vinh, ngay trong thời gian tệ nạn hút chích tràn lan mà chính quyền sở tại gần như phải bó tay. Anh đã không ngại nguy nan, không màng dị nghị, cũng không phân biệt sang hèn, để tự nguyện giúp đỡ những thanh niên cơ nhỡ cắt nghiện. Lại còn tự lực đưa họ về quê để cách ly môi trường cám dỗ gây nghiện hay tái nghiện. Đặc biệt đối với Trung tâm Khuyết Tật 19-3 [4], anh đã tình nguyện cống hiến hết khả năng, công sức, để gây quỹ xây dựng mới cơ sở, gây quỹ học bổng và quỹ ẩm thực cho các em khuyết tật tại Trung tâm được ăn học như các em khác bên ngoài.”
Tôi cùng với những người anh em sinh viên tại Vinh thường gặp gỡ anh để trao đổi kinh nghiệm sống, anh luôn ân cần chỉ bảo chúng tôi và luôn nhắc nhở mỗi anh em chúng tôi phải “cầu nguyện” thật nhiều, chứ sức con người có hạn thôi các em ạ. Còn tôi thì Anh luôn nhắc nhở tôi: “mày mới mấy tuổi mà đã ‘bày đặt’ thuốc thang phì phèo vậy, anh mày lỡ rồi, mày đừng theo anh mày, nếu không bỏ được thì hút ít lại nhé!”, tôi chỉ mỉm cười với anh, và cũng từ đó tôi giảm dần cái tật xấu của mình. Anh em sinh viên chúng tôi thường hay chọc anh: “Anh ơi sao ba mươi mấy cái tuổi rồi, lập gia đình đi anh”, Anh cười và bảo: “Giáo hội và xã hội đang cần anh, sao anh bỏ mà đi lập gia đình được, lập gia đình rồi sẽ khó làm việc hơn đó các em ạ”, vậy nên đến tận bây giờ anh vẫn còn độc thân.
Tôi còn nhớ hè 2011, khi câu lạc bộ Giáo dục Vinh mở khóa dạy hè cho các em thanh – thiếu niên tại nhà thờ Cầu Rầm, anh Hòa và anh Diệu đã trực tiếp gặp gỡ những người có trách nhiệm đề đồng hành với CLB Giáo dục Vinh. Anh còn là người đồng sáng lập ra: “quỹ phát triển con người” để giúp đỡ các em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, phát xe lăn cho những người bị tật nguyền có hoàn cảnh khó khăn. Với những việc làm đó của anh, cũng đủ để “chính quyền” ghét anh, vì ở Việt Nam, muốn làm từ thiện cũng phải “xin phép”. Giờ đây mọi người đang cần anh, cần khả năng của anh để cống hiến cho Giáo hội cũng như xã hội. Thế nhưng anh đã bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn vào ngày 30.7.2011. Tôi muốn nhắn nhủ cùng anh rằng: “Anh ơi, mọi người cần anh, và mọi người sẽ cầu nguyện nhiều hơn nữa để cho anh được bình an”.
Tôi lại tìm đến tấm hình của Chị Tạ Phong Tần và Anh Trần Vũ Anh Bình, Phaolô Hồ Văn Oanh. Chị Tạ Phong Tần sinh năm 1968 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tôi chưa từng một lần một gặp chị, tôi rất ngưỡng mộ chị vì những bài viết của chị trên internet, cụ thể như: “căn bệnh của công chức Việt Nam”, “Chuyện thi cử ở Việt Nam”, “Đừng tận thu thuế để bần cùng hóa người dân”,… Tôi chỉ biết chị là một blogger và là chủ của blog Công lý và Sự thật, chị cũng đã từng tham gia “câu lạc bộ nhà báo tự do” cùng với anh Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày), và nhà báo tự do Công giáo. Chị bị bắt vào ngày ngày 5/9/2011
Anh Trần Vũ Anh Bình năm nay 37 tuổi, anh là giáo dân và ca viên của một đoàn. Anh là người nhiệt thành phục vụ Chúa qua lời ca tiếng hát, tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện, đã bị bắt ngày 19.09.2011, tại gia đình ở hẻm 14 đường Kỳ Đồng.
Anh Oanh sinh trưởng tại giáo xứ Yên Hòa, Hạt Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh. Tôi chưa một lần gặp anh Oanh nên tôi xin trích thông tin của anh Oanh được đăng trên một website[5], cả anh Bình và chị Tần cũng vậy. Cả chị Tần và anh Bình đều là những người con của giáo hội Công giáo, là những người con ưu tú của Tổ quốc Việt Nam. Tôi trân trọng hai người và những việc họ đã làm giáo hội cũng như xã hội.
Tôi chợt nhớ tới em Thái Văn Dung. Thái Văn Dung là một người con thuộc Giáo xứ Nghi Lộc – Hạt Đông Tháp – Gp.Vinh. Tôi quen biết Thái Văn Dung từ những ngày đầu năm 2010, khi đó chúng tôi đi sinh hoạt “giới trẻ Têrêxa giáo hạt Đông Tháp”. Dung là chủ của một tiệm internet nhỏ tại Trường THCS Diễn Xuân, nhưng tiệm net của anh cũng chỉ hoạt động được một năm, vì bị chính quyền Xã gây khó dễ, nên anh đã chuyển quán internet trở về nhà mình để kinh doanh. Dung là một thanh niên Công giáo nhiệt tình với công tác giáo hội và xã hội, Dung tham gia vào tất cả các hội nhóm của giới trẻ giáo xứ, đặc biệt là Têrêxa giáo xứ. Đầu năm 2010, Dung ra Hà Nội để học tiếng Anh, với ý định là đi du học Canada để bổ trợ thêm kiến thức cho bản thân. Tôi nâng niu tấm hình của Dung, tôi nhớ lại những lần gặp gỡ, những buổi học Truyền thông Công giáo tại Thái Hà, rồi những buổi Dung tham gia biểu tình, em tham gia gần như hết các cuộc biểu tình tại Hà Nội cho đến lúc bị bắt. Kỷ niệm sâu xa nhất của tôi với Dung là lần em bị nhận diện nhầm là Công an mật cài vào đoàn biểu tình đế phá hoại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội [6]. Tôi chạy vạy khắp nơi, tìm kiếm những mối liên hệ để giải oan cho em. Cuối cùng, mọi người cũng đã chứng nhận về Dung là người đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội và BBT Dân Làm Báo cũng đã lên tiếng xin lỗi em về sự nhầm lẫn này[7]. Tôi và em cũng thờ phào nhẹ nhõm, sau này Dung vẫn ở Hà Nội nhưng không còn đi học tiếng nữa, em tâm sự với tôi: “Nếu em học tiếng, rồi đi du học thì em sẽ không còn có cơ hội được tham gia vào các cuộc biểu tình, không được góp phần xây dựng giáo hội và xã hội nữa, nên em sẽ thôi học anh ạ”. Tôi đã cản và khuyên ngăn em, nhưng em đã không nghe tôi, em đã quyết định không đi du học nữa. Tôi giật mình khi nghe tin Em bị bắt[8], Tôi không biết làm gì hơn nữa, dù ai có nghi ngờ em là thế này, thế nọ, nhưng cá nhân tôi vẫn tin tưởng hoàn toàn vào con người của em. Trước đó em đã bị bắt vào ngày 4.4.2011; 17.7.2011;… và 19.8.2011 em bị bắt tại Hà Nội.
Đêm cũng đã khuya, tôi tạm dựng công việc làm thiệp của mình với 7 người anh em, mặc dù vẫn còn thiếu 2 trong 15 người anh em bị bắt (thời điểm đó anh Phêrô Nguyễn Đình Cương và anh JB Hoàng Phong chưa bị bắt). Những cảm xúc, những kỷ niệm về những người anh em mà tôi quen biết lại trào dâng lên trong tôi, tôi sẽ luôn và mãi cầu nguyện cho các anh, các chị những con người làm việc âm thầm, hy sinh bản thân vì người khác, các bạn cùng với tôi dâng lên Chúa những con người nhỏ bé này nhé!.
Giuse Nguyễn Bình An
•Mời các bạn xem lại (phần 1)
————–
Chú thích:
[1]. Tường thuật biểu tình tại Hà Nội.
[2]. Phóng viên Công giáo Paulus Lê Văn Sơn bị bắt cóc
[3]. Mẹ của Paulus Lê Sơn hấp hối.
[4]. Thư kêu gọi giúp đỡ Trung Tâm Khuyết Tật 19/3
[5]. Người Thanh niên Công giáo quên mình.
[6]. Bọn Việt Gian tay sai tại Hà Nội
[7]. BBT Dân Làm Báo xin lỗi về sự nhầm lẫn.
[8]. Thêm một thanh niên Công giáo bị bắt cóc.