VRNs (15.01.2012) – Bạc Liêu – Tiếp với bài tường trình VRNs đi thăm gia đình chị Maria Tạ Phong Tần – một blogger và là nhà báo tự do, thành viên Gia đình truyền thông Chúa Cứu Thế và là một người mới theo đạo Công giáo – đã bị bắt và giam giữ trái phép hơn bốn tháng nay, VRNs xin nói thêm về tâm tình Mẹ – Con của bà Liêng và chị Tần.
Con đường từ Sài Gòn xuôi về Bạc Liêu xa khoảng ba trăm cây số, qua nhiều cây cầu bê tông lớn nhỏ, những đoạn đường bị hạn chế, xe ôtô phải chạy “tốc độ rùa” 40km/h, thậm chí có đoạn đạt kỷ lục 20km/h (đoạn hai đầu cầu Cần Thơ đến chân cầu có cự ly khoảng 400m). Nghỉ chân đúng một lần đổ xăng ấy vậy mà mất hơn 5 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được nhà má chị Tần – bà Đặng Thị Kim Liêng. Căn nhà của má chị Tần là một căn nhà cấp bốn ọp ẹp chưa được 30 mét vuông, chật chội, có một gác nhỏ thấp nằm trong hẻm phía sau khu hành chính đồ xộ của tỉnh Bạc Liêu. Hiện tại đây có hơn 5 thành viên cùng sống dưới mái nhà này, là một gia đình ba thế hệ. Chị Tần là chị hai trong gia đình, tới anh Phú, chị Tú, anh Tuấn và chị Phụng là con gái út của bà Liêng. Dọc cầu thang lên gác vẫn còn tấm bằng khen của Chị Tần khi còn làm công an điều tra những năm 2001-2002.
Vừa gặp hai Cha, bà Liêng trong bộ áo nâu sòng đã vái chào các ngài theo kiểu nhà Phật mà nước mắt bà cứ rơi lã chã không sao cầm được. Chúng tôi được gia chủ mời vào buồng và ngồi trên chiếc ghế dài là nơi ngủ của bà Liêng mỗi tối. Do nhà quá chật chội, các con cháu bà ngủ trên gác vì phần trước nhà được chị Tú và chị Phụng là hai con của bà dùng làm tiệm cắt tóc kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày.
Bà mừng mừng, tủi tủi, sụt sùi, hai mắt đỏ hoe khi nghe cha An Thanh nói “gần Tết rồi mà chị Tần không có dịp để về thăm Tết, thì đây là những người bạn của chị Tần, coi như là một hình bóng của chị Tần cho bác đỡ nhớ một chút. Về thăm bác dịp Tết. Không có gì nhưng mà đến thăm là để mình có thể gặp mặt, mình gắn bó với nhau, người này là hình bóng của người kia, nâng đỡ cho nhau để sống tốt”.
Bà ngậm ngùi, đau xót, nói không ra hơi, nước mắt cứ ràn rụa không dứt: “Nó (chị Tần) không còn nữa, nó chết rồi (vừa nói, bà vừa lấy khăn chậm nước mắt, cảm xúc đau đớn càng dâng trào, bà nói trong đứt quãng). Mấy người ở trên đó nói vậy đó. Hôm đó, tôi nhận được cái thông báo, tôi vội vã đi lên đó (Sài Gòn), tới nơi 3 giờ rưỡi, tôi đứng ngoài cổng nhìn vô, nó không cho gặp. Ông Tuấn CATP tới gặp tôi nói ‘cô mau về Bạc Liêu gấp đi, ở đây bọn phản động đến xách động gia đình. Cô nên về liền trong buổi chiều để mai con xuống làm việc với cô’. Tôi có biết bọn phản động là ai đâu, mình là dân công an kêu sao làm vậy nên về liền trong buổi chiều đó. Về rồi có thấy ai tới làm việc gì đâu! Mâý bữa sau mới thấy nó về kêu bác ra quán cà phê trong kia, đặt máy quay phim tùm lum, rồi đưa câu hỏi ra cho bác trả lời, quay phim bác. Có sao bác nói vậy”.
Rồi nó nói con của bác ‘theo đạo công giáo’, bác ‘có vui’ hay không, bác ‘có cho phép’ không. Bác mới nói là nó muốn vô đạo nào nó vô, đó là tín ngưỡng của mỗi người. Chú nói cái đó sai rồi. Lúc đó đang quay phim. Chú nói chỗ đó tôi không đồng ý. Cái nào chú nói con tôi sai, lỗi chỗ nào tôi không biết, tôi ở quê mà. Chú nói nó có tội thì tôi cũng nghe vậy, tôi đâu có biết nó tội gì, tội tới đâu, tội bao lớn, tội lớn hay tội nhỏ, bởi vì tôi già tôi ở dưới quê tôi đâu có biết. Còn chú nói nó theo đạo Công giáo như vậy là tôi thấy chú nói sai. Mỗi người đều có tín ngưỡng. Như tôi đây, ông già tôi theo đạo nhưng tôi không theo đạo của ông già tôi mà tôi theo đạo khác. Ai thích chỗ nào thì người ta vô chỗ đó. Đó là phần tâm linh của người ta, không có bắt buộc. Tôi nói vậy, đang ngồi nói chuyện với tôi cái ổng giận, ổng bỏ đi. Tôi có gặp ông phóng viên Thiên Thảo của báo CATP, ổng tới nói chuyện với tôi. Bữa đó nói nhiều lắm nhưng tôi còn quên một câu, tôi về suy nghĩ tôi thấy tiếc là mình quên nói ‘nếu con tôi có tội đó thì mấy anh trừng trị là đúng nhưng sợ mấy anh làm oan cho con tôi đó’. Mấy ổng nói con bác bất hiếu, cho ăn học thành tài không lo cho bác mà đi làm chuyện tào lao”.
Bà Liêng cho biết kể từ ngày chị Tần bị sa thải khỏi ngành công an điều tra năm sáu năm nay là từ đó ngày nào dân quân, an ninh cũng đến theo dõi gia đình bà, từ bà đến con cái, em bà cùng chung số phận. Nhóm người này theo bà “đi chợ”, “vô siêu thị”, “đi mua đồ ở tiệm tạp hóa”, “đưa cháu bà đi học”, “đi mua thuốc tây”, vô tiệm ngó nghiêng ngó ngửa nhà bà, điều tra lý lịch gia đình bà, khủng bố bằng điện thoại, thậm chí theo bà “vô chùa” đọc kinh, lễ Phật. Nhưng hành vi của họ không đơn thuần là theo dõi, thám thính, điều tra hành động của người khác mà họ tỏ cho người bị theo dõi biết mình đang theo dõi họ nhằm khủng bố tinh thần của gia đình bà. Bà Liêng hiện đang mang bệnh viêm phổi, có tiền sử bệnh thần kinh, trầm cảm nên khó có thể chịu được những cơn sốc kiểu khủng bố tinh thần triền miên ra mặt như thế này. Bà đã quy y cửa Phật, làm Phật tử vì muốn quên đi nỗi đau của gia đình. Quên đi chuyện chị Tần làm việc tốt mà bị gây khó. “Nó [chị Tần] vì muốn giúp đỡ người nghèo, người cô thế bị áp bức, các cô gái bị cưỡng đoạt, các nhà bần nông bị cướp đất,… làm đơn giúp họ mà bị bách hại nhưng cũng không được an thân”. Buồn thay khi nghe bà Liêng kể.
Nói với cha Thanh: “Cha có biết tại sao bác biết không? Tại vì cái nghiệp vụ của nó dở quá. Nó muốn tỏ ra ta đây là công an, ‘tao đang theo dõi mày đây’, nó biểu lộ cho mình thấy, cho mình biết, chứ như nó khéo thì làm sao mình biết. Bác vừa vô siêu thị thì nó nói với ông trưởng siêu thị và bảo vệ tập họp lại đến cái khu đó. Bác vô chùa nó cũng theo vô chùa, bác nằm có người nằm kế, bác đi lạy Phật là có người lạy chung với bác, vậy đó. Còn bác đi uống cà phê thì tụi nó nhìn bác như muốn ăn thịt bác. Hỏng lẽ bây giờ bác đi gặp mấy ông trên thành phố nói mấy ông làm ơn dạy con mấy ông đi, làm kỳ quá, tôi chưa phải là tội phạm mà, mấy ông nghi thôi, mấy ông làm quá tôi chịu không nổi”.
Chị Tú (em gái chị Tần) kể, chị đã lên thăm chị Tần mấy lần nhưng chỉ được gửi tiền và đồ vô thôi chứ đến nay gia đình chưa ai được gặp mặt dù chỉ một lần. Giấy thông báo tạm giam giữ chị Tần cho gia đình ghi chị Tần vi phạm điều 88 BLHS, tức “tội tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN”, cái tội chung chung này đã được chụp cho nhiều thanh niên Công Giáo hoạt động tôn giáo tích cực trong thời gian gần đây. Tết này gia đình chị không thể đi thăm chị Tần được vì ngày cho thăm gần sát Tết mà nghề làm tóc thì đây là thời điểm nóng trong năm, là nghề nuôi sống cả gia đình không thể buông xuôi sẽ mất khách.
Hai Cha và anh chị em trong nhóm an ủi, động viên gia đình, má chị Tần rất nhiều, Cha An Thanh nói: “mọi cái rồi sẽ qua đi, nhưng bác sống làm sao cho công an thấy được là bác luôn bình an, không có sợ kể cả họ nhắc tới việc con bác bị tù tội. Mình không sợ thì họ mới để cho mình sống yên, còn mình sợ thì họ sẽ tấn công mình hoài”.
Sau khoảng một giờ thăm gia đình, trò chuyện với bà Liêng và chị Tú, tinh thần bà Liêng cởi mở, vui vẻ hẳn lên, bà trút bỏ được bao tâm sự trói chặt đời bà vào sợ hãi, vào u uất nặng nề, mặc cảm với chòm xóm láng giềng có con bị tù tội, dẫu bà biết rõ rằng chị Tần là người tốt, luôn giúp đỡ những người đáng giúp và lên án, phê phán những kẻ đáng phải chịu tội trước sự thật công lý và phải chịu lãnh hậu quả theo luật nhân quả. Chúng tôi thấy được tình thương con lớn lao nơi người mẹ già sống trong đau đớn do bất công xã hội giờ đã tìm lại được chính mình và chúng tôi cũng bắt gặp được những giọt nước mắt tuôn dài liên tục trên gương mặt chị Phụng [em út của chị Tần] trong lúc đang gội đầu cho khách.
Chia tay gia đình chị Tần, chúng tôi về lại Sài Gòn với mong ước Xuân này chị Tần được về sum họp với gia đình để người mẹ già đỡ cảnh buồn lo, đau khổ và người vô tội thấy xã hội này còn có công lý, hòa bình, pháp trị.
Mộc Tô