VRNs (28.12.2011) – Sau loạt bài về “Ký sự Nghệ An – Thanh Hóa” gồm 3 kỳ, nay chúng tôi sẽ lần lượt gửi đến quý độc giả những cảm nhận chi tiết hơn về các khuôn mặt thanh niên Công giáo tại 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa bị công an bắt cóc hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8/2011 cho đến nay vẫn chưa xét xử và trả tự do cho họ. Tuần trước, nhân dịp lễ Giáng Sinh bộ công an nhân danh cái gọi là “nhân đạo” đã gọi điện thoại cho 4 trong số 9 gia đình có con bị giam tại trại giam B14, Thanh Trì, Hà Nội ra Hà Hội gặp mặt người thân. Năm gia đình còn lại không nhận được gì. Ba gia đình có con bị giam tại công an tỉnh Nghệ An (trại Nghi Kim) và 3 gia đình có người thân bị giam tại Sài Gòn (số 4 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh và B34 tại 235-237 Nguyễn Văn Cừ, quận 1) cũng bị đối xử “vô nhân đạo” như vậy.
VRNs mời quý độc giả chia sẻ những cảm nhận dưới đây:
—————–
Ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố Vinh (5/12/2011), chúng tôi đến thăm gia đình gần nơi chúng tôi nghỉ chân nhất, là gia đình Phêrô Nguyễn Xuân Anh. Hai gia đình xa thành phố Vinh hơn một chút là của Antôn Đậu Văn Dương và Phêrô Trần Hữu Đức. Cả hai gia đình đều sống trong cùng một địa phương, nhà sát cạnh nhau, địa chỉ: xóm 4 xã Nam Lộc – huyện Nam Đàn.
1. Khi chúng tôi đến gia đình em Đậu Văn Dương thì chỉ gặp bà ngoại và chị gái của Đậu Văn Dương, em Đậu Thị Thủy. Một lát sau, bố mẹ Dương mới đi làm đồng về trễ. Hỏi thăm về Đậu Văn Dương, bà ngoại cho biết: Cháu là một thanh niên tuyệt vời… Mỗi khi nhớ cháu Bà đến bên cột nhà ngắm hình sinh viên Công giáo Giáo phận Vinh chụp với Đức TGM Ngô Quang Kiệt,… với câu khẩu hiệu lừng danh “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ xin-cho” và cảm thấy lòng bình an. Trong gia đình Dương có một cô em gái đi tu.
Gia đình thắc mắc với công an là tại sao ban đầu nói sau 3 tháng sẽ cho gặp mà nay đã hơn 3 tháng mà không được gặp? Công an trả lời: 3 tháng mà điều tra chưa xong thì gia hạn 6 tháng, nếu chưa nữa thì gia hạn 9 tháng… Trước đó, công an xã Nam Lộc (huyện Nam Đàn) tung tin rằng Dương đã bị đưa ra giam tại Hà Nội làm gia đình hoang mang phải lên đến trại giam Nghi Kim để xác minh. Tại đây công an tỉnh Nghệ An khẳng định Dương bị giam tại Nghệ An và đã phát sổ thăm gặp và gửi đồ như mì tôm, các vật dụng cá nhân và mỗi lần 100 ngàn đồng. Công an trại giam bảo: sao gửi tiền ít thế? Gửi 1 triệu chứ sao gửi có 100 ngàn? Gia đình nói rằng không có khả năng, chỉ gửi được bấy nhiêu thôi.
Khi bắt Dương công an có tạm giữ 1 xe máy (tay ga) do Dương mượn sử dụng và nói sẽ trả cho chủ nhân vì chiếc xe không liên quan, nhưng sự thật là đến nay công an vẫn chưa trả xe cho chủ của nó.
Công an còn lục lọi lấy hơn 2 triệu của Dương, số tiền chi tiêu của một sinh viên trong tháng. Gia đình Dương vẫn không thể hiểu tại sao công an lại trở thành “kẻ cướp” như vậy và tại sao họ bắt người mà không hề thông báo cho người nhà biết? Những câu hỏi này có lẽ không bao giờ có câu trả lời trong thể chế cầm quyền hiện nay.
Ngoài ra, khoảng đầu tháng 7/2011, tức một tháng trước thời điểm Dương bị bắt, hàng ngày từ 6 đến 9 giờ tối luôn có những người đàn ông đi xe đạp bán bánh bao dạo trong xóm nơi gia đình Dương sinh sống. Nhưng kể từ khi Dương bị bắt thì không thấy những người bán bánh bao này xuất hiện nữa! Đó là cách “tác nghiệp” của công an VN, trông giống như thời chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Tại nhiều địa phương khác, những kẻ trộm cướp cũng thường giả dạng những tay bán dạo như vậy để xem nhà ai hớ hênh cái gì là nhanh tay rinh ngay cái đó.
Bà Ngoại và em Đậu Thị Thủy, chị gái của Đậu Văn Dương
2. Phêrô Trần Hữu Đức là em bạn Dì của Dương. Các cơ quan chức năng không hề báo tin về gia đình Đức khi bắt em. Chỉ khi nghe bạn bè báo tin Đức bị công an bắt, gia đình phải lặn lội ra mãi bộ công an ở Hà Nội hỏi thì được trả lời là bị bắt ở đâu thì về đó hỏi! Nhưng khi về công an tỉnh Nghệ An thì được trả lời là do bộ công an làm. Sau đó, gia đình vào trại giam Nghi Kim, mẹ của Đức là bà Hoàng Thị Hương phải mang hình ảnh con mình ra để xác minh thì họ thừa nhận có giam giữ ba em Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương và Chu Mạnh Sơn. Sau đó ngày 25/8/2011 công an tỉnh Nghệ An đã cấp cho gia đình sổ “thăm gặp – gửi quà” do Phó giám thị trại giam Nghi Kim là thượng tá Ngô Xuân Thủy ký. Điều bất công là trong sổ này viết rằng hai em Đậu Văn Dương và Trần Hữu Đức “can tội tuyên truyền, chống phá N2”, dù hai em chưa hề bị tòa án nào xét xử.
Theo lời kể của Hoài Tô em gái của Trần Hữu Đức, hiện cũng đang là sinh viên, thì khi còn bé Đức từng giúp lễ trong giáo xứ. Nhưng từ khi ra TP. Vinh để học Đại học thì không còn giúp lễ nữa mà tham gia vào những phong trào sinh viên rất hăng say. Anh Đức là người không chấp nhận sự sai trái, bất công. Anh rất khó chịu mỗi khi cha xứ đang dâng lễ mà mấy cái loa sắt trong xã cứ ra rả tuyên truyền những điều dối trá. Đức nỗ lực giúp cho các bạn trẻ tinh thần can đảm, không sợ hãi. Vì biết mình đang sống trong một xã hội không có dân chủ nên Đức đã từng nói trước với cha xứ và gia đình rằng có thể một ngày nào đó anh sẽ bị bắt. Anh còn trấn an cha xứ và gia đình đừng lo lắng nhiều vì anh không làm gì sai trái cả. Anh chỉ mong sẽ cố gắng hết sức để có thể giúp cho Giáo hội và bản thân mình có cơ hội làm chứng cho Chúa.
Hoài Tô cũng tự hào vì gia đình em có một người Bố tuyệt vời: “Đức tin của Bố con mạnh mẽ lắm. Ông là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho anh em chúng con. Ông từng nói với Đức là “Con đừng sợ, Bố luôn ủng hộ con. Con hãy vững tin và trông cậy vào Chúa. Người công bằng vô cùng, không để ai phải thiệt thòi bao giờ. Gia đình ta phải cám ơn Chúa vì đã nhận được rất nhiều hồng ân. Được bắt bớ vì Đạo Chúa là một vinh hạnh cho gia đình ta.” Bởi vậy, Đức càng có thêm động lực làm chứng cho Tin Mừng khi được chọn làm tổ trưởng Tổ Cao đẳng Sư phạm của sinh viên Công giáo Vinh. Tổ của Đức luôn được công an đặc biệt “quan tâm và ưu ái”.
Đức là một sinh viên luôn lên tiếng bảo vệ công lý, nhất là khi xảy ra sự việc của Giáo xứ Thái Hà, của cha Nguyễn Văn Lý, của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Anh đã nhiều lần đi thăm cha Lý và được an ninh cộng sản “tận tình chăm sóc”: bị công an vô cớ lục soát người, tra hỏi đủ thứ, bị lấy hết tiền trong túi, rồi sau đó bị áp tải từ xe này qua xe khác, bị những trận đòn độc ác của họ,… nhưng anh vẫn cười, vẫn không sợ hãi và sau đó vẫn tìm cách tiếp tục đi thăm ngài.
Em Trần Hữu Đức luôn liên lạc với những người trí thức trong cũng như ngoài nước, những người có cùng thao thức và trăn trở về đất nước như anh để làm điều gì đó cho sinh viên Công giáo Việt Nam.
Em gái của Đậu Văn Dương (trái) và em gái của Trần Hữu Đức (em Trần Hoài Tô)
Nhóm PV. VRNs