Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Hoà bình thế giới: cảm nghĩ đầu năm 2012

VRNs (01.01.2012) – Hà Nội – Giáng Sinh vừa qua, Dân Chúa khắp nơi được thấy cảnh Ðức Bênêđictô XVI tiến vào Ðền Thánh Phêrô trên chiếc bục có bánh xe. Lại nhớ những năm cuối đời Ðức Gioan Phaolô II cũng dùng cái bục ấy. Các giới chức ở Vatican nói rằng Ðức Thánh Cha biết tuổi tác và sức lực của mình, nên Ngài cũng lo tổ chức cuộc sống sao cho tương hợp.



Một cụ già đã gần tuổi 85, tóc đã bạc phơ từ nhiều năm trước và gánh vác trách nhiệm về một cộng đoàn hơn một tỷ người, quả là một kỳ công. Thời gian là của Chúa, thời gian chẳng kiêng nể hay chờ đợi ai, tuổi già sức yếu là lẽ thường. Với người tin Chúa thì thời gian là đường, là tiến trình, thời gian đi về mầu nhiệm, thời gian cũng là mầu nhiệm.

Trong Sứ Ðiệp Hòa Bình Thế Giới 2012, Ðức Bênêđictô nói: mỗi tuổi mới, “mỗi năm mới là một quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại”. Rồi Ngài trích Thánh Vịnh 130: người tin chờ đợi Chúa “hơn người canh đêm mong đợi bình minh”. Vị Giáo Hoàng già năm nay không còn sải bộ suốt chiều dài Ðền Thánh Phêrô hẳn là đã ở trong tâm trạng “chờ đợi bình minh”. Nhưng khi nhìn lại cái thế giới mênh mông mà Ngài vẫn đang gánh vác, nhìn lại những người sẽ gánh vác tương lai, Ngài gửi đến mọi người một sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay: GIÁO DỤC CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH CHO GIỚI TRẺ. Ngày đầu năm, ta cũng nên suy nghĩ về sứ điệp này.

Thế giới vẫn còn nhiều cảnh bi đát, ở Nigeria, đúng ngày mừng Thiên Chúa giáng sinh, khủng bố đã nổ ra ngay bên cạnh nhà thờ, gần 40 người chết. Các tín hữu ở Bắc Phi và Trung Ðông, từ Lybia, Iraq đến Ai Cập, Syria đang sống trong nơm nớp lo sợ không biết các chính quyền mới dưới ảnh hưởng của Hồi Giáo sẽ cư xử với mình thế nào. Ở Việt Nam, ở Trung Quốc, xã hội cũng như giáo hội còn phải đối mặt với những thách thức lớn. Và khủng hoảng kinh tế lan tràn đến mức bà Giám Ðốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde đã phải lên tiếng cảnh báo cộng đồng quốc tế về một “tình trạng hiểm nghèo”. Ở đâu cũng có những yếu tố khiến người ta xao xuyến, bi quan.

Ðức Thánh Cha nhìn nhận thực tế ấy: “Năm vừa qua, cảm giác đắng cay thua thiệt đã gia tăng, do cơn khủng hoảng đánh vào xã hội, vào giới lao động và nền kinh tế… Dường như một tấm màn âm u đã bao phủ thời đại chúng ta, không cho ta nhìn thấy ánh sáng thanh thiên bạch nhật.” Nhưng đức tin chính là ở chỗ không chán chường thất vọng. Ðức Thánh Cha nói rằng “căn nguyên của khủng hoảng là từ trong văn hóa và nhân sinh quan” và Ngài vẫn kỳ vọng ở lòng người: “Trong u tối, lòng người vẫn không nguôi chờ đợi bình minh như tác giả Thánh Vịnh đã nói”.

“Sự chờ đợi ấy đặc biệt sắc nét tỏ tường nơi những người trẻ, vì thế tôi nghĩ đến họ … Cho nên tôi muốn được trình bày Sứ Ðiệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 45 trong viễn tượng giáo dục: Giáo dục công lý và hòa bình cho người trẻ.”
Hiển nhiên đó là một sứ mệnh vĩ đại. Và trong thế giới mà bất công và bạo lực còn hoành hành như ta thấy, đó cũng là một sứ mạng khó khăn. Vì thế sứ điệp của Ðức Thánh Cha muốn huy động mọi nguồn lực. Ngài kêu gọi “các bậc cha mẹ, các gia đình, mọi thành phần tham gia sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cũng như mọi người hữu trách trong các giới tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông”.

Nghe Ðức Thánh Cha kêu gọi, ta vừa thấy hay mà vừa ngẩn ngơ. Hay vì nhìn thấy trước mắt một mục đích cao đẹp, nhưng ngẩn ngơ vì còn nhiều trở ngại quá, không biết phải mất bao nhiêu tâm huyết để cuộc sống của ta có thể ngang tầm với nhiệm vụ.

Trước nhất Ngài ngỏ lời với các gia đình: “Gia đình là nơi trẻ học được những giá trị nhân bản và Kitô giáo, dạy người ta sống chung trong tinh thần xây dựng và hòa bình. Sống trong gia đình ta biết được tình liên đới giữa các thế hệ, biết tôn trọng quy luật, biết tha thứ và đón nhận người khác. Gia đình là trường học đầu tiên giáo dục ta về công lý và hòa bình.”

Tối hôm qua nhà thờ chúng tôi mừng Lễ Thánh Gia Thất. Hai cặp vợ chồng xin lễ tạ ơn kỷ niệm 30 năm và 25 năm hôn phối, và ba gia đình mới được thành lập trong bí tích. Nhìn hai cặp vợ chồng đã cùng nhau lên thác xuống ghềnh chẳng mấy chốc mà đã một phần tư thế kỷ, hôm nay cùng với con cháu về đây dâng lễ tạ ơn trọng thể, cộng đoàn hiểu rằng dù cuộc đời khó khăn thì họ cũng đã hài lòng với gia đình của mình, nếu có thể đi ngược thời gian họ cũng bằng lòng cùng nhau đi lại con đường đã đi. Ðó là sự thành công, là một lời chứng âm thầm cho ba gia đình mới. Những lứa đôi này phải có một dự phóng nghiêm cẩn thế nào với nhau thì mới” đưa nhau đến trước bàn thờ để được Thiên Chúa chúc lành”. Những gia đình ấy là mầm hy vọng không chỉ cho đôi uyên ương, mà còn cho các thế hệ tương lai, cho xã hội, cho Hội Thánh. Nói thế không phải là cuộc sống gia đình không có những khó khăn. Ðức Thánh Cha ghi nhận: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà gia đình, và cả sự sống nữa, liên tục bị đe dọa và cũng hay đổ vỡ. Ðiều kiện lao động nhiều khi không thích hợp với các trách nhiệm gia đình, những lo lắng về tương lai, nhịp sống thì hối hả dồn dập, rồi lại phải di cư để tìm phương độ thân, thậm chí nhiều khi chỉ để sinh tồn qua ngày, tất cả những sự thể ấy dồn lại khiến cho khó có thể bảo đảm cho trẻ thơ một trong những ơn huệ quý báu nhất: đó là được có cha mẹ ở bên mình; sự hiện diện ấy khả dĩ cho phép đi chung đường, để chia sẻ với nhau ngày một sâu sắc hơn kinh nghiệm và những xác tín do nhiều tháng năm tích tụ, những sự ấy chỉ có thể truyền thụ được khi có thời gian chung sống với nhau.”

Vâng, trong số những người đông đúc đang cùng dự lễ với năm gia đình trong nhà thờ đấy, có nhiều người di dân về thành phố. Những anh taxi hay xe ôm vợ con còn ở dưới quê, những chị đồng nát lên thành phố bươn chải, thiếu thốn tình cảm …. Cuộc sống dồn dập hối hả như Ðức Thánh Cha nói có thể biến người ta thành bố bụi, mẹ bụi, con bụi. Và nếu chỉ có thế, thưa Ðức Thánh Cha, thì vẫn còn là may. Xã hội chúng con bây giờ loạn lắm. Người ta xôn xao chuyện vợ đốt chồng ở Long An, con giết bố ở Lào Cai, cháu giết bà nội ở đâu đó …. Nhiều gia đình không còn là môi trường giáo dục như Ngài mong nữa rồi. Người ta nói rằng “con có cha như nhà có nóc”, nhưng lại cũng có lời nói rằng “nhà dột từ nóc”.

Tất nhiên đi nhà thờ thì cũng được Hội Thánh Chúa giữ gìn cho nhiều bề, tránh được nhiều thảm kịch. Nhưng như chính Lời Người dạy: “căn nguyên là do văn hóa và nhân sinh quan” của từng chốn, từng thời. Cho nên trong suốt bức thông điệp, nói gì rồi Ngài cũng quay về điều cốt yếu. Ngài kêu gọi các bậc phụ huynh “đừng mất can đảm! Bằng gương sáng đời sống, hãy khuyến khích con cái biết đặt trông cậy trước tiên nơi Thiên Chúa, chỉ ở nơi Ngài công lý và hòa bình chân thực mới trổ sinh.” Ðây là cả một tiếng gọi cao vời cho mục vụ hôn nhân, mục vụ gia đình.

Nhưng gia đình không chưa đủ. Ðức Bênêđictô lên tiếng kêu gọi mọi người có trách nhiêm giáo dục, xin họ hãy “lấy hết tinh thần trách nhiệm lo sao cho phẩm giá mọi người đựợc tôn trọng và phát huy trong mọi hoàn cảnh. Xin hãy quan tâm để mọi người trẻ phát hiện được ơn gọi của riêng mình, xin hãy đồng hành để những ơn Chúa ban cho người trẻ được sinh hoa kết quả. Xin hãy bảo đảm cho các gia đình rằng con em họ được thụ hưởng một quá trình đào tạo không có gì mâu thuẩn với lương tâm và niềm tin tôn giáo của họ”.

Lại một lần nữa, Thông Ðiệp Hòa Bình đề ra những hướng đi lớn và những đỉnh cao giáo dục. Lần này Ðức Thánh Cha kêu gọi các cơ sở đào tạo, chính quyền, các giới truyền thông. Ngài mong các cơ sở đào tạo thành “những nơi rộng mở cho cõi siêu việt và rộng mở với người khác mình; một chốn đối thoại, gắn bó với nhau và lắng nghe nhau, ở đây người trẻ cảm thấy những tiềm năng riêng của mình, những phong phú nội tâm của mình được nảy nở, và học biết thực tâm quý trọng anh em mình”, môi trường giáo dục cũng nhằm dạy người trẻ “niềm vui hàng ngày vẫn trào ra từ sự sống, trong lòng yêu mến và cảm thông với đồng loại, trong sự tích cực tham gia xây dựng một xã hội nhân đạo hơn, thân ái hơn”.

Cái khó, cái thách thức ở đây là nhu cầu “mở rộng cho cõi siêu việt”. Ở rất nhiều nước, trong đó có nước ta, cõi siêu việt xem ra xa vắng với mái nhà trường. Một lần đã khá lâu, có lẽ cũng đã gần 20 năm trước, một nhà văn (không biết có phải ông Nguyên Ngọc?) đặt vấn đề vì sao học sinh ngày nay chán môn văn, dốt môn văn, và ông ấy trả lời đại khái đó là vì học sinh ngày nay “không biết Kinh Thánh, không biết kinh Phật, mà chỉ học văn của chúng tôi”. Từ đó đến nay lâu rồi vẫn chưa thấy Kinh Thánh với kinh Phật đâu trong chương trình học, lại càng không có một sự giải thích đúng đắn về những truyền thống tâm linh đó. Ở Châu Âu gần đây cũng có những nhà tư tưởng đòi nhà trường phải trang bị cho học sinh các kiến thức tôn giáo, không phải là để dạy giáo lý, nhưng để người trẻ hiểu được, thưởng thức được những kho tàng văn hóa nghệ thuật của quá khứ lẫy lừng. Ðành rằng kể cả khi dạy Kinh Thánh, kinh Phật, hay các kiến thức tôn giáo thì đó cũng chưa phải là cõi siêu việt nhưng đó có thể là những cánh cửa đưa người ta vào con đường tìm thấy siêu việt.

Rộng mở cho siêu việt đưa đến rộng mở với người khác. Có lẽ sự thiếu vắng siêu việt cũng vẫn để lại một cảm giác hụt hẫng thế nào đó, cho nên gần đây người ta kêu gọi lại phải dạy đức dục, công dân giáo dục cho học sinh. Trong các nhà trường và các môi trường giáo dục, có một khẩu hiệu từ xưa truyền lại , nay vẫn được đề cao: “Tôn sư trọng đạo”. Chỉ phiền một nỗi hình như khi hỏi: đạo là gì để trọng? hình như ai nấy đều lúng túng, chả ai đưa ra được một giáo trình, vì thế đạo đã không biết đâu mà trọng, thi sư cũng chẳng tôn, và cũng chả việc gì phải kính nể đồng môn trong trường và đồng bào trên quê hương đất nước. Một mảnh đất tốt được tạo ra cho bất công, tham tàn, bạo lực hoành hành.

Giới trẻ nhiều khi ồn ào đấy, vui chơi xả láng đấy, dật gân nhộn nhịp đấy, nhưng xem ra đó không phải là “niềm vui hàng ngày phát xuất từ sự sống” mà Ðức Thánh Cha gợi lên đó. Bởi nếu chính là niềm vui ấy, thì người ta chẳng cần gì phải tìm đến ma túy, chả cần phải đua xe bạt mạng, chả cần phải thủ ác trắng trợn, v..v… Những cảm giác mạnh đó tìm đến để thay thế cho sự trống vắng niềm vui lạ lùng kia. Tiếc thay, sau những phấn khích ấy, chúng sớm để lộ bộ mặt hủy diệt nhân tính ……

Gần đây dấy lên các lời ca thán về chất lượng giáo dục. Các bậc thức giả nói nhiều về “triết lý giáo dục”. Các vị bảo rằng nếu không có một triết lý giáo dục, thì sẽ không sao có được một chương trình đào tạo con người đúng nghĩa. Nói đã nhiều, nhưng cũng chưa tổng hợp được. Phải chăng những gơi ý của Thông Ðiệp Hòa Bình năm nay có thể là những đóng góp hết sức quý báu cho đại cuộc giáo dục nước ta. Các thầy cô giáo nghĩ sao? Có nên ngồi lại với nhau để suy nghĩ không? Có nên phản ảnh những quan điểm này với các vị hữu trách, với Bộ Giáo Dục không? Có nên chia sẻ những tư tưởng này với những anh chị em hoạt động trong ngành truyền thông như Ðức Thánh Cha mong muốn không?

Mấy ý tưởng trên đây không dám có tham vọng diễn giải ngọn nguồn nội dung Thông Ðiệp Hòa Bình 2012. Chỉ là đọc và cảm nghĩ từ một góc nhỏ của cuộc sống, của xã hội và của thế giới. Biết đâu nếu muốn thực hành lại chẳng phải đi từ những góc nhỏ đó?
Vũ Khởi Phụng

KỲ SAU: Thông Ðiệp Hòa Bình: Giáo dục tìm chân lý, giáo dục tự do, giáo dục gây dựng công lý và hòa bình