Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Linh mục trước Thánh Thể (3): Thửa tác vụ linh mục

VRNs (11.01.2012) - Đồng nai - Lạy Chúa Giêsu,



Tình yêu đích thực luôn đòi sự biểu lộ bằng hy sinh, bằng sự quên mình cho người mình yêu được an vui và hạnh phúc. Yêu là chấp nhận hy sinh. Yêu là phải quảng đại, dấn thân để mang lại hạnh phúc và bình yên cho người mình yêu.

Tình yêu đó được thể hiện thật rõ nét trong cuộc đời của Chúa. Chúa yêu nhân loại, nên chẳng nề gian nan vất vả. Đau khổ đắng cay. Dầm mưa giãi nắng. Yêu thương và phục vụ là biểu tượng của Chúa. Từ trẻ nhỏ đến cụ già. Từ người giầu đến người nghèo. Từ kẻ quyền thế đến kẻ thấp hèn. Chúa đều thi ân giáng phúc.

Giờ đây, trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng. Chúng con muốn chiêm ngắm tình yêu đó trong cuộc đời dương thế của Chúa. Xin Chúa là tình yêu, thêm ơn trợ giúp để chúng con sống đúng ơn gọi làm môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con hiểu được giá trị tình yêu, và quảng đại dấn thân để lập lại hành vi yêu thương và phục vụ như Chúa đã làm năm xưa.

Đọc Lời Chúa : Ga 15,9-17

Tin mừng Đức Giêsu Kytô theo thánh Gioan

Đức Giêsu nói cùng các môn đệ rằng : Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại , hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Đó là Lời Chúa.

Suy niệm :

Nói đến tình yêu là nói tới một tấm lòng được chia sẻ, được cho đi một cách quảng đại và đầy hy sinh. Nên tình yêu luôn đòi hỏi một sự quên mình, một sự hy sinh đến nỗi dám đánh mất chính mình để hòa nhập nên một với người mình yêu, để có thể gắn bó và chia sẻ trách nhiệm lo âu với người mình yêu. Tình yêu không có sự hy sinh là còn những toan tính vụ lợi. Tình yêu không có lòng quảng đại đó là một sự giả tạo để lừa dối hại đời, hại người.

Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên mẫu mực cho tình yêu. Tình yêu của Ngài là một tình yêu ban tặng một cách nhưng không. Ngài không cần con người bù đắp, nhưng Ngài chỉ mong con người đón nhận và biết theo gương Ngài mà trao tặng cho nhau. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Ngài là một tình yêu đầy quảng đại và hy sinh. Vì yêu nên Chúa đã hoá thân làm người. Ngài bỏ ngai trời xuống trần gian để hoà nhập với cuộc sống con người, để gắn bó và chia sẻ với những lo âu vất vả của một kiếp người. Ngài yêu thương nên đã quên mình phục vụ tha nhân. Suốt 3 năm rong ruổi khắp miền Palestin, Ngài đã để lại biết bao dấu ấn đầy yêu thương cho những con người bất hạnh lầm than, cho những cảnh đời bơ vơ, sống lây lất vì thiếu tình thương. Ngài đã đi đến tột đỉnh của tình yêu là dám chết cho người mình yêu. Tình yêu của Ngài là một tình yêu đầy cao thượng và bao dung. Ngài can đảm đón nhận mọi thua thiệt, mọi sỉ nhục, mọi đớn đau. Ngài dám chấp nhận cả sự ngược đãi từ những kẻ mà Ngài đã từng xả thân phục vụ. Ngài vẫn yêu thương họ, ngay cả trong lúc đau đớn đến tột cùng cực nhất bởi sự vô ơn và sự dã man của con người, Ngài vẫn mạnh dạn thưa lên cùng Chúa Cha : “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Tình yêu của Ngài lớn đến nỗi có thể “phủ lấp muôn vàn tội lỗi của nhân sinh”.

Cuộc sống linh mục bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và đuợc múc lấy sức mạnh nơi vị mục tử nhân lành do Chúa Cha sai đến trong quyền lực của Chúa Thánh Thần. Đó là căn tính của linh mục. Thế nên, cuộc sống của linh mục phải mô phỏng hình ảnh vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên. Linh mục đựơc mời gọi tham gia và thông phần vào sức sống của Đấng là Đầu Thân Thể, nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Biểu hiện rõ nét nhất của sự tham gia và thông phần chính là “Đức ái mục vụ”, để trao hiến trọn vẹn chính mình một cách tích cực và tươi vui. Đức ái mục vụ trở thành nguyên lý nền tảng cho đời sống hoạt động của linh mục.

Chính Đức Giêsu đã nêu lên mối liên kết giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa với tình yêu dành cho tha nhân. “Yêu mến Chúa hết lòng” phải gắn liền với “yêu mến tha nhân như chính mình”(Mt 22,36-40). Ngài đã diễn tả tình yêu ấy như là tình yêu của người “Mục tử Nhân lành”. Không phải là người làm mướn để chờ bổng lộc, mà người mục tử yêu đàn chiên mình đến độ hiến dâng mạng sống vì đàn chiên (Ga 10, 11 – 15). Một tình yêu anh hùng được cụ thể bằng cả cuộc sống và nhất là cái chết trên thập giá. Tất cả những ai do bởi nghi thức phong chức linh mục, đều được mời gọi lấy lại tình yêu ấy làm lý tưởng cho cuộc đời mình, và sống chứng nhân cho tình yêu anh dũng của Vị Mục Tử Nhân Lành giữa cuộc đời hôm nay.

Linh mục sẽ trở nên giống Chúa Kytô khi linh mục luôn sẵn sàng dấn thân hết mình theo đòi hỏi của đức ái mục vụ. Mau mắn đến thăm và xức dầu cho kẻ đau ốm bệnh tật. Nhân từ khi xá giải cho các hối nhân. Cởi mở khi lắng nghe và đối thoại với tín hữu trong sự kính trọng và yêu thương. Nhất là luôn sẵn lòng đồng hành với đoàn chiên trong vui buồn sướng khổ của cuộc đời. Linh mục càng trở nên giống Chúa Kytô khi linh mục biết lo cái lo của đàn chiên, biết cảm thông những bất hạnh của đàn chiên và biết chạnh lòng thương xót đàn chiên đang thiếu thốn tư bề. Linh mục càng trở thành hiện thân của Đức Kytô khi linh mục sống không còn là mình mà là chính Đức Kytô đang sống trong cuộc đời linh mục, đang mượn lấy con người linh mục để yêu thương và phục vụ đoàn chiên. Linh mục sẽ trở nên giống Đức Kytô, khi linh mục dám quên đi những đam mê, những sở thích của riêng mình để tìm niềm vui trong việc phục vụ anh chị em tín hữu. Và với tinh thần phục vụ hết mình, linh mục mới cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho linh mục như lời tâm sự của Đức Thánh Cha Bênêdictô đã nói: “chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào”. (Tđ.Thiên Chúa là tình yêu số 18)

Linh mục được tuyển chọn để dành riêng cho Thiên Chúa, nhưng không chia lìa khỏi đồng loại, mà để phụng sự Chúa trong anh em. Linh mục không thể là thừa tác vụ của Đức Kytô nếu không là chứng nhân và là nhà phân phát một sự sống khác hơn sự sống trần thế, đồng thời cũng không thể nào có khả năng phục vụ con người nếu như cứ xa cách với cuộc sống và hoàn cảnh của con người. Đây là hai đòi buộc liên kết hai khía cạnh của tác phong linh mục: không thuộc về thế gian nhưng vẫn ở giữa thế gian.

Ước mong với chủ đề “sống phụng tự” sẽ đem lại cho Giáo hội, giáo phận nhiều tấm gương tận tụy hy sinh để phân phát ơn lành và tình yêu của Chúa cho tha nhân nơi các linh mục của Chúa hôm nay.

Lời nguyện: (Mời quỳ)

Lạy Chúa, Chúa đã không chỉ trao ban cuộc sống của Chúa cho nhân loại mà còn thí mạng sống vì chúng con. Chúa không chỉ trao lời hằng sống mà còn tặng ban chính Mình Máu Chúa nên của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con , để rồi Chúa cũng mời gọi chúng con “Anh em hãy yêu thưong nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Xin cho chúng con trong đời sống hằng ngày luôn biết từ bỏ cái tôi ích kỷ để mở rộng tâm hồn đến với tha nhân. Xin cho chúng con không chỉ trao tặng nhau lời nói, ánh mắt cảm thông mà còn cả cuộc sống sẵn sàng phục vụ quên mình. Xin cho chúng con đừng bao giờ đòi quyền lợi cho mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân. Xin cho chúng con luôn quảng đại, yêu thương và phục vụ tha nhân với tất cả nhiệt tình và khả năng mà Chúa đã ban cho chúng con . Xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng con luôn trung tín với giới luật yêu thương của Chúa. Amen

Lm. Jos Tạ duy Tuyền