VRNs (24.01.2012) – Nhật Bản – Hôm nay một mình lang thang trên đường phố, chợt nhìn thấy những câu đối được dán trên cửa để đón năm mới của các gia đình ở ven đường, trong tôi lại dấy lên một nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.
Vậy là một năm nữa lại thấm thoát qua đi trong sự chuyển vần của thời gian. Nhìn lại, tôi thấy mình đã đạt được một số bước tiến trong đời sống sau những năm tháng theo đuổi lý tưởng. Bao ngày cắm cúi vào việc tu học, vào cái vòng xoáy của xã hội, giờ đây ngẩng đầu lên thì nhận thấy mọi thứ xung quanh mình đã thay đổi quá nhiều.
Khép mình lại trong căn phòng nhỏ, nhớ về những kỷ niệm thơ ấu, về những ngày đông giá rét được cùng gia đình quây quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng chờ đợi giao thừa đến, bỗng dưng tôi lại thấy nghèn nghẹn. Lấy CD nhạc Xuân mở nghe với hy vọng được hoà mình vào không khí đón Tết nhộn nhịp để ngăn dòng nước mắt sắp rơi trên gò má, thì chợt giọng của một ca sĩ nhẹ nhàng cất lên: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần…”. Câu hát như đưa tôi về với thực tại và nhớ lại ngày cha mẹ tôi tiễn tôi đến phi trường. Hình ảnh cha với mái tóc bạc trắng và hình ảnh mẹ với làn da sạm đi vì mưa nắng, nhìn bóng tôi mờ khuất dần và mất hút nơi không trung.
Cha mẹ quanh năm tần tảo, vất vả lo cho đàn con ăn học, chắp cho con những đôi cánh ước mơ, và rồi đến khi đủ lông đủ cánh, chúng lại bay xa cùng với khung trời riêng mình. Vì đang học ở trường Nhật ngữ, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều bạn nước ngoài. Mỗi dịp có kỳ nghỉ dài, các bạn được trở về nước; mỗi lần như thế, tôi thường chúc các bạn về vui vẻ và hỏi: “Được về gặp gia đình, các bạn vui lắm nhỉ?” – Các bạn trả lời: “Không, được về gặp bạn bè vui hơn!”. Nghe xong, tôi ngỡ ngàng tự hỏi: “Nếu như cha mẹ các bạn ấy nghe được câu này thì sẽ nghĩ thế nào?”. Phải chăng cuộc sống hôm nay với lối sống tự do vượt giới hạn những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đã làm các bạn quên đi công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ? Với đôi mắt dõi theo từng bước chân con đi, với niềm vui khôn xiết khi đón con trở về, dang rộng đôi tay ôm ấp con vào lòng, thế nhưng con thì lại chạy về phía bạn bè, để lại sau lưng một nỗi buồn quặn lòng cha mẹ. Nhìn lại mình, có lúc tôi cũng bị cuốn vào dòng xoáy đó, giờ nghĩ lại, tôi thấy mình có lỗi và thêm yêu cha mẹ hơn. Trong tôi lại văng vẳng câu hát ru của mẹ ngày nào:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Công cha nghĩa mẹ ghi lòng con ơi!”
Thật đúng khi so sánh tình yêu và công ơn của cha mẹ với núi cao, biển rộng. Còn gì có thể cao hơn “núi ngất trời”, còn gì có thể rộng hơn “biển mênh mông”? Cha mẹ tần tảo nuôi nấng con, không mong các con đền đáp, mà chỉ trông sao các con khôn lớn nên người. Được thấy con hạnh phúc là cha mẹ hạnh phúc lắm rồi. Tôi còn nhớ một câu chuyện Trung Hoa kể về gương một cậu bé chăm sóc cha: trời nắng, cậu bé đứng bên quạt cho cha; trời lạnh cậu nằm vào chăn trước để khi cha nằm được ấm ngay.
Một chữ “Hiếu” thôi tưởng chừng thật đơn giản nhưng có biết bao người đã lãng quên nó. Mồ hôi cha đã thấm xuống từng mảnh đất, bóng dáng mẹ đã cùng mưa gió bôn ba mọi nẻo. Mỗi mùa xuân sang, con cái rậm rịch đem biếu tặng cha mẹ những món quà đắt tiền, nhưng đó có phải là thứ mà cha mẹ đang cần đến không? Là những người con, chúng ta có thể làm được điều gì đem lại hạnh phúc cho cha mẹ thì hãy cố gắng làm ngay khi cha mẹ còn ở trên đời với ta.
Tôi muốn gói trọn tâm tình qua đoạn danh ngôn đạo đức mà tôi rất tâm đắc để gửi tới các bạn là những người con trong gia đình:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con!”
Xuân Tôkyô xa quê
Têrêsa Nguyễn Lễ Quyên