VRNs (22.01.2012) - Đồng Nai - Có một lá thư cha mẹ gởi cho con thật tâm tình và cảm động như sau:
Con yêu,
“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
+ Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.
+ Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
+ Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu. Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều… từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
+ Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, được gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
+ Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!… vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
+ Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
+ Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!… và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ “sinh tồn”.
+ Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành. Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
+ Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời. Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều… Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều…
Bố mẹ…”
----------------
Đọc lá thư chúng ta cảm thấy chạnh lòng vì những điều đó như đang nhắc nhở về lối ứng xử của chúng ta với chính cha mẹ mình. Có thể chúng ta vẫn có những ứng xử không nhã nhặn, thiếu tôn kính với bậc sinh thành. Có thể chúng ta vẫn thiếu kiên nhẫn với những lẩm cẩm của cha mẹ. Và có thể chúng ta vẫn sống chưa tròn chữ hiếu với bậc sinh thành.
Vâng, nếu nói rằng:
“Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”…
Có khi ta ngồi ngẫm nghĩ: đời người, đạo HIẾU xem ra vẫn còn thiếu sót trong đời sống chúng ta?!
Ngày xuân là dịp để con cháu xum họp bên ông bà cha mẹ, cũng là dịp để tỏ lòng tri ân tình cha tình mẹ. Thế nhưng có mấy ai đã thực sự sống tròn chữ hiếu?
Tục ngữ có câu: “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, diễn tả những nỗi vất vả, cực khổ, thức khuya dậy sớm của cha mẹ để chăm sóc cho con cái được miếng ăn ngon, được giấc ngủ yên, được học hành, được vui chơi….tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái thật vô cùng lớn lao đúng như câu ca dao:
“Công cha như núi thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
một lòng thờ mẹ kính cha
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Đứng trước công ơn trời bể mà cha mẹ đã dành cho con cái, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nhắc nhở những ai còn cha còn mẹ rằng:
… hãy nói đi rằng con yêu Mẹ
đừng chờ đến lúc Mẹ ra đi
và cũng đừng khắc lên bia đá vô tri
những mỹ từ mà con chưa hề nói…
Hôm nay ngày Mồng Hai Tết là dịp rất thuận lợi để chúng ta nói lời tri ân tình cha, tình mẹ. Các ngài đã hy sinh cả đời mưa nắng vì ta. Các ngài đã sống vì hạnh phúc đời ta. Thế nên, các ngài đáng được chúng ta bày tỏ lòng tri ân. Lòng tri ân hay tâm tình hiếu thảo là lẽ thường tình của đạo làm con. Lòng hiếu thảo còn hơn mọi lễ vật mà chúng ta dâng cho cha mẹ. Lòng thảo hiếu là lẽ sống, là đạo làm người như câu ca dao xưa đã nói:
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.
Lòng thảo hiếu đòi buộc chúng ta phải phụng dưỡng cha mẹ, phải quan tâm chăm sóc cha mẹ:
“Muốn cho gần mẹ gần cha,
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền”.
“Ai về tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.
Ai về tôi gửi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi”.
Với tâm tình hiếu kính, hôm nay chúng ta hãy cùng cầu xin cho ông bà cha mẹ: những người còn sống được thêm tuổi, thêm hạnh phúc an khang trong ân nghĩa Chúa, cho những người đã qua đời được hưởng nhan thánh Chúa trong hạnh phúc của mùa xuân bất diệt trên trời.
Và trên hết là hãy biết trân trọng giây phút quay quần bên cha mẹ, hãy sống cho tròn chữ hiếu với bậc sinh thành. Hãy tận dụng những ngày tháng hôm nay để bày tỏ lòng tri ân các ngài.
Xin cho ngày xuân là ngày xum họp đầy nồng ấm nơi mọi gia đình. Xin Chúa Xuân ở lại nơi mỗi gia đình và chúc lành cho ngày đoàn tụ gia đình được bình an. Amen
Lm. Jos Tạ duy Tuyền