VRNs (10.01.2012) – Trang web www.chuacuuthe.com của DCCT vừa qua có bài viết của luật sư Lê Quốc Quân, nội dung ông đề nghị với các Linh Mục nên thiết lập một tủ sách cho các thanh thiếu niên và thiếu nhi ngay tại Giáo Xứ. Ông đã phân tích lợi ích của tủ sách này và sự cần thiết của nó trong việc xây dựng con người và giáo dục nhân bản cũng như Đức Tin cho các bạn trẻ.
Tôi hoàn toàn đồng thuận với ông về lời đề nghị hết sức thiết thực và thời sự này, nó còn thiết thực và thời sự hơn nữa đối với một Giáo Xứ thuộc về miền quê, vùng sâu vùng xa, chẳng cần nói nhiều chúng ta đều hiểu, vùng sâu vùng xa thiếu thốn và thua thiệt hơn rất nhiều trong mọi lãnh vực.
Với tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, tôi nghĩ không chỉ là một tủ sách, nhưng cần hơn nữa là một vài máy computer, ai đó đã nói: mù chữ ngày nay được định nghĩa là không biết sử dụng computer. Sách mở rộng tầm nhìn và kiến thức cho con người, sách uốn nắn và truyền diệu cảm cho con người. Computer nối mạng mang con người vào thế giới mênh mông của nhân loại, con người tha hồ ngụp lặn trong đại dương kiến thức, bay bổng trong bầu trời vô tân của cảm xúc. Dĩ nhiên trách nhiệm của người thực hiện phải là giúp chọn lựa cho sự tìm kiếm của các bạn trẻ.
Luật sư Lê Quốc Quân đề nghị với kinh phí ban đầu cho một tủ sách là 3 triệu đồng, tôi đã “cân đo đong đếm” rất kỹ để đưa ra con số tối thiểu là 4 triệu, có lẽ phải 5 triệu mới gọi là “tủ sách nhỏ ban đầu”. Miền quê nghèo, quanh năm đối mặt với lũ lụt, dịch bệnh, mất mùa, mất giá nông sản, …hẳn 4 triệu là con số không nhỏ nếu không muốn nói là không thể có, vậy cha xứ có muốn cũng đành chịu vì còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu và cứu đói.
4 triệu đối với miền quê nghèo thì không thể có, nhưng là “chuyện nhỏ” của nhiều người ở thành phố, một người góp 4 triệu hoặc 400 trăm người mỗi người 10.000 đồng, chỉ cần chúng ta nói với nhau rằng của cải là của chung mà Chúa ban cho nhân loại, chúng ta có nhiệm vụ san sẻ cho nhau đó là sống công bằng Chúa muốn.
Có lần tôi được gặp anh chị em trong Nhóm Doanh Trí Hà Nội (doanh nhân và trí thức), chia sẻ với anh chị em ưu tư về mục vụ, tôi đã đề nghị anh chị em cùng nhau có những hoạt động thiết thực cho Giáo Hội, cho người nghèo, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục Đức Tin, nhân bản, kiến thức, sức khỏe cộng đồng. Tin Mừng lễ Hiển Linh hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh của các “doanh nhân, trí thức” từ phương đông đến, các ông có của cải, có kiến thức nhưng trên hết có một tấm lòng đi tìm kiếm Chúa chân thành. Địa chỉ các ông được hướng dẫn đến gặp Chúa là một địa chỉ rất nghèo, không phải là nhà hàng, không phải là khách sạn đẳng cấp, không phải là biệt thự nguy nga tráng lệ, không phải là những hội hè hoang phí… Nhưng là máng cỏ, là chuồng bò !
Các ông cũng gặp gỡ nhà vua và những kẻ có quyền lực xã hội, các ông cũng được tham vấn bởi các thượng tế và kinh sư, với kiến thức “thần học” bậc thầy thiên hạ, được trọng vọng nể vì trong thiên hạ, nhưng Tin Mừng đã cho chúng ta thấy các ông không tìm thấy Chúa nơi những người ấy. Lại có một nét của Tin Mừng được nhấn mạnh, các ông cùng nhau đi, không đi một mình, không đơn độc trong hành trình tìm Chúa. Các ông đã được gặp và các ông đã thờ lạy Chúa nơi người nghèo.
Để có thể thực hiện được hành trình đi tìm Chúa nơi người nghèo, chắc chắn cùng với lòng chân thành khao khát tìm Chúa, hành trình sẽ thành công khi chúng ta cùng nhau tiến bước. Chẳng lẽ mỗi doanh nhân Công Giáo không chia sẻ được một tủ sách cho vùng sâu vùng xa ? Chẳng lẽ mỗi nhóm trí thức Công Giáo không góp chung với nhau lại cho một tủ sách vùng sâu vùng xa ? Ít nhất hai lần tôi đã nhận được toàn bộ tiền phúng điếu của hai đám táng dùng để chia sẻ cho các tủ sách thuộc chương trình này. Chỉ cần chúng ta liên lạc với nhau, kết hợp với nhau chúng ta sẽ thành công.
Chắc chắn tôi không biết hết các hoạt động hiện nay trong lãnh vực này, trong kinh nghiệm nhỏ bé tôi được biết: Nhóm Hương Việt là nhóm các cha gốc Hà Nội thuộc Giáo Phận Sàigòn đang thực hiện chương trình tủ sách này, nghe đâu đã gởi đi được vài chục tủ sách. Nhà sách Đức Mẹ thuộc DCCT 38 Kỳ Đồng Quận 3, Sàigòn, có một chương trình qui mô hơn, 190 tủ sách đã được gởi đi, danh mục các địa chỉ đã gởi và các địa chỉ đang chờ kinh phí để gởi được đăng công khai ở Nhà Sách, phiếu đăng ký nhận tủ sách cũng được phổ biến tại đây.
Quỹ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Giáo xứ ĐMHCG Sàigòn, mới hình thành tháng 9 năm 2011 vừa qua, cũng quyết định trích ra từ tiền xin giỏ riêng trong Thánh Lễ Chúa Nhật lúc 20g dành cho Người Xa Quê để trao tặng mỗi tháng 1 Tủ Sách mang tên “Tủ Sách Giêrađô”.
Gia đình Cựu Đệ Tử DCCT đã giúp nhiều Giáo xứ vùng sâu có phòng computer. Một nhóm doanh nhân ở Hà Nội giúp Radio cho các gia đình vùng sâu không có Linh Mục thường xuyên giảng dạy, để nghe đài và học Giáo Lý từ đài Chân Lý Á Châu của Hội Đồng Giám Mục Châu Á, chương trình phát thanh tiếng Việt và tiếng H’mông (giá 1 radio dao động từ 80.000 – 100.000 đồng / 1 cái)…
Chắc chắn tôi không biết hết các hoạt động tốt đẹp này. Không thể thống kê được hết các Giáo Điểm, các Giáo Họ vùng sâu vùng xa, vài trăm món quà chẳng thấm tháp vào đâu, góp chung với lời kêu gọi của luật sư Lê Quốc Quân, xin chân thành chia sẻ những suy tư và tin tức trong lãnh vực này, ước mong Ánh Sáng Hiển Linh tiếp tục chiếu rọi cụ thể trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Hiển Linh 2012
(Xin xem bài luật sư Lê Quốc Quân: http://www.chuacuuthe.com/2012/01/04/th%C6%B0-con-g%E1%BB%ADi-cha-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87c-phat-tri%E1%BB%83n-t%E1%BB%A7-sach-giao-x%E1%BB%A9/)
Nguồn: Ephata 491