VRNs (26.01.2012) – Sài Gòn – Hầu hết các nhà vườn đều than năm nay hoa quả kiểng ế ẩm, mất giá, hụt đón ông bà tổ tiên về ăn tết.
Trong cái sắc xuân muôn màu muôn vẻ, hoa trái ngợp trời phố thị khắp nơi là nhà nông đổ mồ hôi sôi nước mắt một nắng hai sương tần tảo, vất vả, khổ ải, khốn nạn ngoài đồng mới có được thành tựu đó. Để có một chậu hoa ra hoa đều, nở tốt, sắc màu mặn mà, bền bỉ trong cái thời tiết trái trời từ trước lập đông đến khi trời vào xuân ấm áp, nhà nông đã khổ công chăm bón, vun trồng, tưới tiêu, ủ màu cho đất, thức đêm thức hôm lo trời nắng mưa bất thường, canh từng ngày cho hoa ra đúng tết, cho cây trổ trái sai, cho cành bon sai ra dáng đẹp. Nhà nông thường lo vụ mùa Tết theo hộ gia đình chuyên canh về sản phẩm nhất định mà mình thuần thục nhất, như nhà thì chuyên trồng mai, nhà trồng hạnh (cây tắc), nhà trồng cúc mâm xôi, cúc đại đóa, hướng dương, nhưng cũng có nhà trồng các loại trái cây chưng Tết tất cả gọi chung là nhà vườn. Song, điều họ mong muốn nhất là làm đẹp cho đời, đem xuân đến cho mọi nhà qua những loại nông sản, hoa trái và có thu nhập cho gia đình sau vụ mùa vất vả nhưng điều đó không hề dễ dàng, không hề đơn giản chút nào.
Trồng được cây đẹp, trái ngon đã vất vả mà việc tiêu thụ càng khốn khó trăm bề. Những nhà vườn nào bán luôn tại chổ cho bà con trong thôn xóm hoặc tại chợ gần nhà là những gia đình đầu tư ít, làm cho vui có cái để trong nhà gọi là cho có Tết. Nhưng những nhà vườn nào bán hàng họ làm ra tại các chợ xã, chợ huyện, chợ nổi trên sông lục tỉnh hoặc các phố xá, đường hoa, dọc bờ kè tại Sài Gòn thì phải có số lượng hàng kha khá, phải thuê vận chuyển xe cộ, ghe thuyền, tiền chổ, hoa chi, ăn ở, lưu ghe, bến bãi, các cái tiêu tốn và rất nhiêu khê.
Cứ vào khoảng 23 tháng Chạp là có vài chục đến cả trăm ghe thuyền lớn nhỏ chứa trong lòng mình đầy ắp các loại hoa, cây kiểng các loại đỗ dọc Bến Bình Đông, Quận 8 để bán lẻ cho người dân Sài Gòn và bỏ sỉ cho các thương lái bán lại khắp các con phố Sài Gòn lớn nhỏ. Tại các điểm bán hoa xuân ngày Tết luôn có các dịch vụ vận chuyển tận nhà cho khách do các xe ba gát máy cải tiến thời nay chuyên chở, nhưng cũng có các ba gát đạp bị cấm lưu hành cũng tham gia vận chuyển.
Ông Dũng chợ Lách cho biết: “Hàng họ bán ế quá, làm ra đã cực mà bán càng khổ hơn. Đủ cái tốn tiền, nội cái tiền chổ, tiền lưu ghe, vận chuyển, ăn uống đã ngán lắm rồi. Bán hết về sớm kịp sáng Mồng Một cúng ông bà còn đỡ, có năm bán hết trể neo ghe ngoài sông mấy bữa mới về tới nhà là thường. Tới ngày cuối cùng của năm dù có bán hết hay không cũng phải lui ghe vì để hàng trên bờ người ta ‘hốt rác’ thì toi. Ngặt cái, năm nay chỉ có hăm chín mà không có ba mươi nên mất một ngày bán hàng mới khổ. Việc nhà, cúng kiến, chợ búa để cho sắp nhỏ lo ráo trọi chứ có biết phải mần sao”. Tiếng ông Tám thở dài nghe thật não ruột.
Dọc các con phố Sài Gòn, điểm lớn là Chợ Hoa Xuân thì không nói làm gì, các điểm bán hoa Tết nhỏ lẻ cũng điều hiu lắm, khách đi xem là chính mua là phụ.
Tới trưa ngày hai bảy Tết mà anh Ba trên đường Tân Hương, Quận Tân Phú đã bán sổ bán tháo mai bon sai loại chậu nhỏ, thậm chí bán hoa không có chậu giá bèo 40.000 đồng/cây mai kiểng bon sai. Anh Ba cho biết: “Trồng cây mai nào là ghép cành, uốn kẽm, vun phân, tưới nước cả năm, nào là vô chậu, vận chuyển, bán buôn cực khổ mà chẳng lời lớm bao nhiêu, năm nay còn lỗ hộc gạch, bán đổ bán tháo đi về cho kịp cúng ông bà”.
Cô Phụng quê Tiền Giang bán tắc kiểng các loại trên đường Hòa Bình gần Đầm Sen cũng không khá hơn bạn hàng nhà vườn là mấy. “Hàng đem từ quê lên lối hai mấy Tết mà khách qua đường có mấy ai ghé lại mua đâu, xem rồi trả giá chưa tới vốn rồi bỏ đi. Loại tắc chậu tre loại nhỏ mọi năm đã ba bốn chục ngàn một chậu, năm nay giá bán năm chục ngàn cũng không bán được. Em hiện ở nhà trọ đi làm ở Sài Gòn, tết ra bán phụ ba mẹ mất ngày. Năm nào ba mẹ em cũng neo ghe ít bữa ngoài sông mới về được, chổ này em bán, ế cũng phải bán cho hết, có năm bán qua Mùng Một luôn. Cũng may là cây nhà ba mẹ em tự trồng không mua lại, chứ lấy hàng của người ta đi bán mà lỗ thì không biết phải làm sao nữa”.
Các con đường đông dân trưởng giả thì chổ thuê bán, dân phòng, hoa chi, chi phí vận chuyển,… ngốn khá nhiều tiền của nhà vườn hoặc người mua đi bán lại. Giá bán tại các khu này tuy có trội hơn nhưng lại “không có chổ để bày hàng theo ý muốn, để ra ngoài một chút là cũng bị hốt như chơi”. Một chị bán hoa kiểng cho biết. Có ai biết được hoa tươi xinh đẹp tỏa hương khoe sắc ngày xuân là bao gồm mồ hôi, xương máu và nước mắt của người nông dân nhưng có mấy ai quan tâm, để mắt.
Trồng được hoa đúng xuân đã khó, bán được hàng có giá không lỗ càng càng khó khăn hơn.
Hai Quân, VRNs