VRNs (29.01.2012) – Phan Thiết – Mỗi người một tâm trạng không ai giống ai nhưng tất cả mọi người đến linh địa Tàpao kính viếng Đức Mẹ Tàpao đều dâng lời cảm tạ hồng ân Chúa Giêsu và Đức trinh nữ Maria sau bao nhiêu biến cố trong đời, riêng tôi xin tạ ơn Người sau khi thoát chết hôm qua.
Những ngày đầu xuân, người Việt Nam có thói quen về quê ăn Tết, họp mặt gia đình, gặp gỡ người thân để thăm hỏi, chia sẻ thông tin và liên đới tình cảm anh em trong gia đình thêm thân thiết, thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sau những ngày sống xa cách vì nhiều lý do mưu cầu cuộc sống.
Thế nhưng, trong ngày đầu năm Mùng Năm Tết Nhâm Thìn, ngày 27.01.2012, số lượng khách đến kính viếng Đức Mẹ Tàpao hay còn gọi là “Đức Mẹ có những giấc mơ đẹp” tại Phan Thiết lại khá đông đúc với cả tâm tình hướng dâng về Mẹ.
Sau chặng đường vất vả leo núi trong cái nắng nóng bở cả hơi tai, vã mồ hôi hột, không gió, nhóm truyền thông gồm 17 anh chị em và các cháu nhỏ do cha Antôn Lê Ngọc Thanh và cha Giuse Đinh Hữu Thoại của DCCT hướng dẫn thì chúng tôi cũng tới được với Mẹ Tàpao, âm thầm cầu nguyện trong niềm khát khao tạ ơn và xin ơn lành của một năm mới bằng an, được nhiều ân sủng, khôn ngoan và tràn đầy hồng ân Chúa theo đường lối của Người. Riêng tôi, tôi tạ ơn Mẹ, tạ ơn Chúa đã yêu thương, gìn giữ, quan phòng hai mẹ con tôi là người tháp tùng cùng nhóm VRNs thoát cái chết trong gan tấc vừa xảy ra trong buổi sáng ngày Mùng Bốn Tết Nhâm Thìn, ngày 26.01.2012 tại bãi dương biển Hàm Tân.
Con đường dẫn vào khu hành hương Đức Mẹ Tàpao tuy không rộng lắm, nhưng xe khách đến nơi này cũng có phần thuận tiện hơn trước vì có thể đến gần sát chân núi. Với nhiều hàng quán ăn uống và các dịch vụ cho thuê chổ tắm rửa vệ sinh, ngủ qua đêm trong các phòng tập thể có nhiều giường, võng dù hoặc võng dây cước, hàng lưu niệm, nhang-đèn-hoa, khách hành hương có thể thanh thản kính viếng Mẹ trong bất kỳ thời gian nào trong ngày mà không lo cái ăn, chổ ngủ, thậm chí của lễ dâng Mẹ kính yêu là nhang đèn hoa tươi, nước tinh khiết để làm phép.
Dẫu rằng là ngày Mùng Năm Tết Nguyên Đán (trong phạm vi “mùng”, chưa qua ngưỡng “mền” – sau ngày 10 tháng Giêng) nhưng lượng khách hiện diện tại khu hành hương luôn ở mức trên một ngàn người bao gồm người Công Giáo và người không Công Giáo đến đây để tạ ơn và xin ơn ban từ Mẹ. Con đường dẫn lên linh tượng Đức Mẹ Tàpao dọc men theo sườn núi, khá dốc, có đoạn dốc gần như chỉ hơi nghiêng chút ít và có rất nhiều người hành khất đến đây xin khách kính Đức Mẹ bố thí, thương xót, cứu giúp ít ngàn đồng lẻ.
Trong cái nóng hầm hập, mồ hôi mồ kê chảy nhễ nhại khắp người, khách hành hương vẫn tuần tự, ôn tồn tiến thẳng lên khu linh đài Đức Mẹ cách trật tự, vui vẻ. Những nấc thang đá chẽ rắn chắc có bề ngang hơn một mét, có đoạn rộng hơn chút ít với tay vịnh lang can đã thay cho con đường đất của nhiều năm trước, dễ đi và có thể nghỉ chân vài chổ lưng chừng núi dưới các mái che nhỏ có ghế đá dăm ba cái. Con đường đen nghịch không lúc nào vắng người, kẻ lên người xuống có cả người nước ngoài cũng đến với Mẹ. Có những em bé quá nhỏ hoặc trẻ sơ sinh cũng được cha mẹ cõng hoặc bồng trên tay, có những cụ già tóc trắng bạc phơ cũng cố gắng vượt chặng đường gian truân leo núi để đến kính viếng Đức Mẹ trong ngày đầu năm này.
Hầu như Thánh Lễ được các Linh Mục theo đoàn đăng ký giờ dâng liên tục xen kẻ với linh mục quản nhiệm tại Tàpao, thậm chí có đoàn có linh mục nhưng không thể dâng Thánh Lễ tạ ơn Đức Mẹ vì không thể xếp giờ theo lịch trình hành hương của đoàn nên chỉ âm thầm hướng lòng về Mẹ mà cầu nguyện, xin ơn theo ý nguyện người xin trong đoàn. Những người đi lẻ theo gia đình hoặc nhóm ít người thì cùng hòa vào dòng người tại khu linh tượng Đức Mẹ dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Nhưng cũng có các đoàn ngồi đợi tại khu dừng chân sau cùng trước khi lên nơi Mẹ đứng để chờ đoàn trước dâng Lễ cho xong rồi tới lượt mình. Tại đó, có cả những bà mẹ trẻ cho con bú hoặc cùng chơi với con, các ông bà cao niên kể về kỷ niệm của những lần kính viếng Đức Mẹ trước đây và những ơn lành nhận được cho bản thân và gia đình, những thanh niên tuổi mới lớn kiên trì chờ đợi trong bình an, sốt mến cách nhẫn nại.
Tại bàn xin khấn, các sơ đưa và nhận bao thư và giấy ghi xin khấn cho khách đến viếng có nhu cầu xin khấn, xin lễ.
Mẹ trắng toát nổi bậc trong nền xanh thẩm của núi rừng sau lưng, quanh Mẹ. Mẹ có đôi mắt và khuôn mặt thật rạng rỡ, hiền lành, nhân hậu như nhìn thấy hết tất cả ý nguyện, tâm can của con cái Người, bao lòng trắc ẩn, trăn trở, suy tư, khốn khổ hoặc vui sướng, mừng vui, hạnh phúc, bình an hay dửng dưng, tư lự, khô khan. Mỗi người hành hương khi nhìn vào mắt Mẹ như thấy được thông điệp Người gửi đến mình cách cụ thể dẫu dòng người đông đúc, tấp nập viếng Mẹ hằng phúc, hằng giây.
Tại cung thánh linh đài Đức Mẹ có vài chục người ôm chân, vuốt ve áo hoặc gục đầu vào chân Đức Mẹ cầu nguyện và hoặc đọc kinh để nói chuyện, tâm sự với Người về những ơn ban của Mẹ cách sốt sắng, cũng có những người lẳng lặng đứng xa xa dăm ba mét hướng lòng về Người cách trọn vẹn, và cũng có những người bậc lên tiếng khóc vỡ òa trong tâm tình tạ ơn cách đặc biệt vì những ơn ban của Chúa qua lời cầu bầu của Đức trinh nữ Maria quá lớn lao và rất đổi thực trong cuộc sống tâm linh và đời sống thường nhật. Khách hành hương đã dâng gần trăm bó hoa huệ trắng được dựng trong các thùng to quanh bàn thờ, chưa kể số khách xin lộc hoa đem về và sẽ còn tăng thêm không ngớt trong buổi chiều và tối. Có nhiều đoàn, nhóm cùng ngồi san sát đọc kinh, cầu nguyện xung quang linh tượng Đức Mẹ trong lúc chờ Cha dâng Thánh Lễ hoặc trước khi từ giã Mẹ ra về.
Đến với Mẹ trong ngày xuân đầu năm mới nhưng anh chị em nhóm VRNs cũng rất máu với công việc thường nhật nên có một số anh em cũng tham gia tác nghiệp phỏng vấn, chụp ảnh khách hành hương và cũng mong muốn biết ý hướng anh em nhóm mình ngay tại linh địa Đức Mẹ Tàpao.
Tôi đứng trước linh tượng Đức Mẹ tạ ơn Người và nhớ rất rõ biến cố thoát chết ngày 26.01.2012 tại bãi dương, biển Hàm Tân, biến cố in đậm trong lòng tôi như đang xảy ra trước mặt tôi vậy.
Sáng qua, nhóm VRNs cùng cha An Thanh sau khi gửi đồ cho một anh trong nhóm không tắm ở trên bờ trông coi, thì gần như tất cả cùng ùa ra biển trong cái lạnh và gió lồng lộng. Khi tôi và con trai là bé Duy 8 tuổi cùng em Trang đang tắm biển phía ngoài, nước khoảng ngang bụng thì nhìn thấy phía gần bờ hơn chúng tôi cháu Trí là con trai một anh trong nhóm VRNs đi dần vào nước sâu, nước dần qua đầu cháu rồi ngập chỉ còn thấy hai bàn tay cháu giơ qua khỏi nước. Ba cháu nhào tới cứu cháu nhưng không đủ sức và kêu cứu thì anh Hòa cũng là người đi trong nhóm bơi tới xốc cháu bé ra khỏi vùng nước sâu đó.
Cả ba đứa chúng tôi ngơ ngác nhìn chưa biết chuyện gì xảy ra, cũng muốn đến xem cháu bé bị làm sao mà cũng muốn lên bờ nên cùng nắm tay nhau dò từng bước vào bờ. Phía xa xa, cha An Thanh ra hiệu cho ba người chúng tôi tránh sang hướng khác, đừng đi vào hướng nước xoáy như hướng cháu Trí vừa hụt chân trong nước, nhưng cả ba người chúng tôi không nghe thấy vì không chú ý.
Chúng tôi bước một đoạn ngắn bỗng nước cao dần tới ngực rồi qua đầu con trai tôi, khỏi đầu tôi. Hoảng quá, tôi nói với bé Trang “em nâng bé Duy giúp chị với”. Tôi nâng một bên nách con tôi và cố quẩy đạp và quạt tay với hết sức bình sinh mong con mình nổi được trên nước. Sóng ùa vào liên tục tại chổ đó, tôi ngụp lặn trong biển nước mênh mong, một tay đưa con mình lên cao, một tay cố bơi, hai chân cũng đạp thật mạnh. Trong nước, tôi nghe tiếng kêu xé lòng của bé Duy “mẹ ơi cứu con, cứu con chú ơi, …” Cùng tiếng khóc nức nở. Vừa trồi lên mặt nước hớp được ít không khí thì tôi bị sóng nhận chìm xuống nước. Trong nước, tôi thấy đầu mình dưới lớp bọt khoảng hai gang tay, chân mình còn xa mới chạm cát, nghĩa là chúng tôi đang ở chổ khá sâu, là vùng xoáy nước. Ban đầu có Trang hỗ trợ nên tinh thần tôi còn khá, mặc dù chúng tôi cùng ngụp lặn liên tục trong biển nước bao la, gần chúng tôi không còn ai cả. Khi Trang đuối sức buông tay bé Duy bơi đi gọi người tới cứu thì cánh tay còn lại của con tôi cũng đè lên đầu tôi vì bé quá sợ hãy, hoảng hốt, chỉ muốn bám vúi cái gì đó để được nổi lên là lúc tôi gần như sắp đuối, chỉ còn ngoi lên mặt nước chút xíu, hớp hơi ít hơn và sóng biển tấn công tôi mạnh mẽ hơn.
Trong lúc thập tử nhất sinh, cái chết treo lơ lững ngay trên đầu, hơi thở giữ được không dài hơn vài giây trong nước, tôi vẫn cố gắng hết sức mong muốn làm sao cho con tôi được thở, được sống và cầu mong có ai đó tới cứu chúng tôi. Tôi chỉ còn biết kêu một tiếng “cứu” duy nhất yếu ớt khi nổi lên khỏi nước và bị dìm ngay vào nước bởi sức mạnh của các đợt sóng xô bờ. Tôi thầm nghĩ hai mẹ con tôi chết chắc, nếu tôi không còn sức chiến đấu với nước. Nỗi lo về sự sống cho con tôi càng lớn dần hơn, tôi càng cố hơn, thì sự đuối sức càng rõ ràng hơn. Tôi mừng rỡ đưa tay về phía một người bạn cùng nhóm mong được nắm lấy bàn tay anh trong hai lần ngoi lên khỏi nước với hai lần kêu cứu ngắn ngủi và yếu ớt thật sự, khi tôi ngoi lên vài lần kế với tiếng kêu cứu giữa bao la sóng biển và nước biển ngập khỏi đầu, tôi thấy một người đàn ông lạ bơi về phía chúng tôi, cách tôi hơn sải tay, tôi cố gắng hướng về phía anh và bằng tất cả sức mình, tôi trao con tôi cho anh, và cùng anh với bé Trang vào bờ. Tôi thật sự biết ơn anh, trong lúc hoảng hồn, tôi chỉ biết cảm ơn anh mà quên hỏi anh tên gì, ở đâu nữa.
Lên bờ, ngồi tại bãi cát sấp mặt nước, chúng tôi đều khóc vui mừng, được hoàn hồn thoát chết. Lúc này tôi được anh Hòa cho biết là anh đã không nắm lấy tay tôi mặc dù biết tôi với tay cầu cứu, anh vòng ra phía sau hai mẹ con tôi, thấy anh, con trai tôi bám vào cổ anh nhưng anh bẻ tay cháu khỏi cổ anh, anh dùng sức hất mông bé mạnh để hai mẹ con tôi ngoi lên khỏi vùng nước xoáy đó một đoạn và sau đó anh cũng trượt vào vùng nước xoáy đó, anh đã cố bơi ra khỏi nơi đó hụt hơi.
Cha An Thanh là người chứng kiến từ đầu, cha nói: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Chúa để xảy ra cho chúng ta những việc như vậy cũng là cơ hội để chúng ta có kinh nghiệm trong cuộc đời, đó là hồng ân của Chúa. Nếu biết bình tĩnh phó thác cho Chúa thì chúng ta cũng đủ bình tĩnh và biết cách thoát khỏi biến cố ấy cách nhẹ nhàng”. Chính cha An Thanh cũng lọt vào vùng xoáy nước đó, và cha còn đi trong lòng nước, chân chạm đất, và biết được chổ đó có đường kính khoảng 3m, sâu hơn 2m. Cha nói hai mẹ con tôi lẩn quẩn tại chổ đó trong khoảng 20 giây thôi, cha gọi các bạn trong nhóm tới cứu, nhưng với tôi thời gian ấy dài khủng khiếp.
Sau ba đứa chúng tôi là em Huệ cũng là người đi cùng nhóm lại lọt đúng vào chổ xoáy nước đó, nhưng Chúa dung rủi làm sao cho anh Tùng trong nhóm đã tắm xong lại vòng ra đó lần nữa như ý Chúa sai đi để cứu em Huệ vì em cũng chẳng biết bơi.
Hằng ngày, vợ chồng con cái trong nhà tôi đều cầu nguyện, đọc kinh Công Giáo, mặc dù bản thân tôi là người Đạo Phật duy nhất trong gia đình bé nhỏ của mình, nhưng có lẽ trong lúc hốt hoảng thì chúng tôi quên mình phải bấu víu vào đâu, quên tín thác vào sự quan phòng của Chúa, của Mẹ để Người nâng đỡ, gìn giữ.
Cúi chào Đức Mẹ Tàpao, nhóm chúng tôi và những người đã kính viếng viếng cùng trở xuống núi đi về trong lúc linh mục của một đoàn nào đó lại tiến ra cung thánh mừng kính tạ ơn Mẹ và dòng người đến viếng Mẹ càng đông đúc nhộn nhịp hơn.
Xin lấy lời nguyện cầu với Đức Mẹ tàpao thay cho lời kết : “Hôm nay, kính viếng linh địa Đức Mẹ Tàpao, tôi mong muốn tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ và xin Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria cho chúng con luôn biết cậy trông và phó thác tất cả cuộc đời chúng con vào tay Người, xin Người thương con nhiều hơn, ban cho chúng con ơn bình an, nâng đỡ và gìn giữ, quan phòng chúng con trong tình yêu thương của Người”.
Bài & ảnh: T.Thảo, VRNs