Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Từ bây giờ chúng ta là bạn

VRNs (14.01.2012) – Sài Gòn – Cha Phêrô Donders khuyên những người phong cùi mới đến thôi đừng khóc nữa, bởi vì, “từ bây giờ chúng ta là bạn”



Chân phước Phêrô Donders, DCCT – 14 tháng giêng

Tiểu chủng sinh 22 tuổi

Phêrô Donders (tiếng Hà Lan là Peerker Donders – nghĩa là “Phêrô Sấm Sét”) sinh ngày 27 tháng 10 năm 1809. Gia đình ông sống trong một ngôi nhà gỗ nghèo nàn ở ngoại ô thành phố Tilburg, Hà Lan. Xong tiểu học, Phêrô phụ giúp cha là thợ dệt. Từ rất sớm cậu đã bị sứ vụ linh mục thu hút. 7 tuổi cậu mất mẹ. Khi cha xứ đến bên cạnh bà, Phêrô đã cầm cuốn sách nghi thức và nói: “Mai mốt con cũng sẽ có cuốn sách này.” Sau này ngài viết: “Chẳng bao giờ tôi có thể cảm tạ Chúa cho đủ vì ngài đã che chở tôi khỏi bao nhiêu là hiểm nguy cho phần rỗi, đã hướng tôi về Mẹ Maria. Sau Thiên Chúa, tôi phải ghi ơn Mẹ vì ơn gọi của tôi.” Ước mơ là thế nhưng Phêrô sẽ phải làm thợ dệt nhiều năm.



Nhà của gia đình Donders





Ước mơ làm linh mục đến với Donders từ rất sớm


Rồi một ngày, anh Phêrô viết thư xin cha xứ dạy tiếng La-tinh. Cha xứ lúng túng : dập tắt ước mơ của một thanh niên thì không tốt, nhưng giới thiệu anh này vào chủng viện thì liệu có phải là khôn ngoan ? Anh ta đã 22 tuổi rồi mà khi còn ở trường thì lại chẳng có gì nổi trội … Đối mặt với nhiều khó khăn, bị các chủng sinh trẻ hơn chế giễu, Phêrô vẫn kiên trì bám lấy cái ghế dài trong lớp học. Dần dần, anh chiếm được cảm tình của tất cả mọi người từ các cha giáo cho đến chủng sinh và cả người lao công trong chủng viện.

Năm 1839, Phêrô vào Đại chủng viện Haaren với mong ước trở thành một nhà truyền giáo. Ở chủng viện, anh gặp Đức Ông Giacôbê Grooff, đại diện tông tòa ở Suriname (thuộc địa của Hà Lan). Đức ông đã trình bày cho các sinh viên thần học thấy nhu cầu tâm linh của dân Suriname. Các chủng sinh chăm chú lắng nghe nhưng chỉ có Phêrô bày tỏ ý định sẽ theo Đức ông và được ngài chấp nhận. Phêrô nhận sứ vụ linh mục ngày 5 tháng 6 năm 1841, chính thức đứng vào hàng ngũ “thừa sai tông tòa” ngày 14 Tháng Tư năm 1842. Cha Donders viết: tâm hồn ngài tràn ngập niềm vui.



Nơi cha Donders ở trước khi đi Suriname nay cũng thành nơi hành hương



Vượt đại dương đến Paramaribo, Suriname


Suriname nằm ở vùng xích đạo, phía bắc Nam Mỹ, rộng gấp 4 lần Hà Lan. Lúc ấy Suriname chỉ có 140 ngàn dân, thủ đô Paramaribo đã chiếm mất 20 ngàn. Cả nước hầu hết là rừng đầy động vật hoang dã. Dân chúng thì chừng như là quốc tế : ngoài người bản địa còn có người lai da đen, người châu Phi, Trung Quốc, Ả Rập, Anh, Đức, Pháp và Hà Lan. 14 năm đầu Phêrô Donders ở tại Paramaribo. Ngày 7 tháng 10 năm 1842, Đức ông Grooff đưa cha Donders đến khu vực người cùi ở Batavia nằm giữa một rừng cây cọ. Họ đi bằng thuyền, tối hôm sau mới đến. Sau khi ban phép lành cho những người cùi, vị chủ chăn vào ngôi nhà nguyện bằng gỗ hát Kinh Lạy Cha.

Chạnh lòng thương

Cha Donders viết: “Một cảm xúc sâu sắc bóp chặt trái tim tôi khi nhìn thấy họ. Một số bị mất ngón chân, số khác thì cả bàn tay, có những người chân sưng tấy lên trông rất sợ. Có người vi trùng đã ăn đến lưỡi không còn có thể nói. Tất cả đều đi chân không “. Ngài kết: “Bệnh tật của họ không phải là do Thiên Chúa chẳng đoái hoài, Người vẫn ở với họ và là Cha Quan Phòng. Bởi vì hầu hết trong số họ, bệnh tật là con đường duy nhất dẫn đến ơn cứu độ.” Thật vậy, bệnh tật thúc đẩy họ tìm kiếm Thiên Chúa và trở lại với Ngài” (CCC, 1501).

Đức Ông Grooff và cha Donders ở lại đó gần 2 tuần, đến ngày 20 tháng 10. Nhà truyền giáo trẻ thế là rửa tội được 3 trẻ em và 2 lớn. Ông cũng cho ba phụ nữ lớn tuổi và một bé gái 11 tuổi sắp chết rước lễ lần đầu. Ông làm phép cưới cho hai người bệnh, cả hai đều đã mất gần hết các ngón tay. Nhưng quan trọng hơn cả là các ngài an ủi những người bất hạnh. Lúc chia tay họ đưa các ngài ra đến thuyền và khóc.

Đi trên sông, Đức Ông Grooff chỉ cho Donders một vùng khác: các đồn điền bông, mía, cà phê, nơi mà những nô lệ sống một đời khốn khổ. Có khoảng 400 đồn điền và 40.000 người châu Phi bị buộc phải làm việc quần quật theo nhịp roi da của các đốc công. Chỉ có cái chết mới mang lại cho họ tự do. Không dễ tiếp xúc với họ, vì những ông chủ đồn điền nghi ngờ các nhà truyền giáo Công giáo là những người tuyên bố chống lại những hành động vô luân và việc làm giàu đáng xấu hổ của họ. Cha Donders đã phải đối mặt với những tên cai đáng sợ. Tuy nhiên, nếu họ đuổi ngài đi, thì ngài đi với nụ cười bao dung và chúc họ những điều tốt lành. Sau đó, cầu nguyện và ngay khi có dịp thuận tiện, ngài lại quay lại, một lần, hai lần … cứ thế để tìm cách làm xiêu lòng những viên đốc công cứng rắn. Rồi thì cha Donders cũng thỏa thuận được với một đốc công cho phép ngài thực hiện sứ mệnh của mình. Cùng một phương pháp ấy, cha vào được ba, rồi năm, rồi 32 đồn điền để nói về Chúa cho những người nô lệ. Số người được rửa tội từ 1145 trong năm 1851 lên 3000 vào năm 1866. Cầu nguyện, kiên nhẫn không mệt mỏi và lối sống đơn giản của ngài đã tạo nên sự gia tăng này.

Mặc dù nhiệm vụ tông đồ của ngài ở vùng sâu vùng xa, nhưng hàng năm cha Donders vẫn dành một ít thời gian cho khoảng 2.000 người ngài đã dạy đạo ở thủ đô Paramaribo. Với lòng yêu mến, ngài đã trở thành cha của mọi người. Ngài cho người nghèo mọi thứ. Khi không có gì nữa, ngài tính kế moi hầu bao của Đức Giám Mục. Có lần đức cha đã phải kêu lên: “Nhưng, ông bạn quý, cái gì ông cũng cho hết, thế tôi chết thì lấy đâu mà cho nữa.” Cha Donders trả lời : “Ô, Chúa không bao giờ chết, thưa đức cha.”

Ngày nọ, ngài bán luôn chiếc đồng hồ đeo tay để giúp ngay cho một gia đình đang gặp chuyện cần kíp. Ông chủ tiệm đồ cũ nghe biết bỗng chạnh lòng, quyết định giao nó lại cho cha. Cha không có ở nhà nên ông ta nhờ đức giám mục. Sau đó, trong bữa ăn chiều, đức cha nói: “Này ông, tôi vừa được người ta tặng một cái đồng hồ. Bây giờ rút thăm xem ai may mắn nhé”. Hẳn nhiên là phần hên về tay Donders. Ngài cười tươi cám ơn đức cha.

Trận dịch tả 1843 không hạ được Cha Donders cho dẫu ngài làm việc bất kể mọi giới hạn. Nhưng dịch sốt vàng da tồi tệ hơn cả bệnh tả 7 năm sau đó đã hành hạ ngài 4 tuần dở sống dở chết. Rồi đến một ngày đức giám mục hỏi các thừa sai : “Chính phủ sẽ chuyển những người phong cùi đến Batavia. Ai sẵn sàng đi ?” Cha Donders đáp ngay: “Thưa đức cha, con đi”.

Hai mươi tám năm với người phong cùi

Donders ra đi và ở lại 28 năm. Vị trí của ngài chưa có ai đã trụ quá 2 năm. Một người lính đồn trú tại Suriname đã làm chứng: “Vị linh mục này đã làm cho người phong cùi điều mà không ai khác có thể làm. Có lần tôi muốn xem qua khu nhà ở của họ. Ngài ngăn lại : “Ô, không được đâu con trai, con sẽ kinh hãi mà bỏ chạy mất.” Vì phần rỗi của họ, cha đã “không bỏ chạy” hơn 1/3 cuộc đời mình.

Hết đợt này đến đợt khác, thuyền chở những người phong cùi mới đến “lãnh địa” của mình. Họ đã khóc trong tuyệt vọng khi nhìn thấy nơi họ sẽ không bao giờ được ra khỏi. Rồi họ bình tĩnh lại khi nhìn thấy khuôn mặt hao gầy của Cha Donders. Có sự tốt lành trong mắt, nụ cười trên môi, khuyến khích trong giọng nói. Ngài dẫn họ đến chỗ ở, mang bánh và nước uống cho họ. Ngài khuyên họ thôi đừng khóc nữa, bởi vì, “từ bây giờ chúng ta là bạn”. Và ngài đã cho họ thấy đúng là như vậy. Ngài dạy đạo cho họ, giúp họ cầu nguyện, chăm sóc cho họ, ngài đút cho ăn những người chẳng còn tay nữa. Cha Donders chỉ từ chối phục vụ các ca phẫu thuật vì ngài rất sợ máu. Biết vậy để chúng ta cảm thấu những khó khăn mà ngài phải vượt qua mỗi ngày trong từng ấy năm.

Năm 1873, viên thống đốc thuộc địa muốn loại bỏ con cái người phong để chận đứng lây lan. Người phong đã nổi loạn khi con cái bị cướp khỏi tay họ. Lúc đó, cha Donders đã yêu cầu binh sĩ rút lui, sau đó ông nói chuyện với đám đông: “Nếu anh chị em yêu thương con cái mình thì đừng để chúng nó chết vì bệnh phong!” Các bà mẹ đành cho đi trẻ sơ sinh của họ. Chỉ có một ông bố người Hoa nhất quyết bắt lại con mình, thà nó chết hơn là cho nó đi. Cha Donders giữ lấy anh ta và thuyết phục. Cuối cùng thì anh ta chấp nhận mất con.

Năm 1867, ở tuổi 57, sau sáu tháng nhà tập, cha Donders tuyên lời khấn để trở thành tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Sở dĩ có sự gia nhập này là vì Tòa thánh quyết định giao việc truyền giáo tại Suriname cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Lan. Ngài vui mừng vì trở thành một tu sĩ. Sau việc tông đồ cho người cùi, ngài lao mình vào việc truyền giáo cho người da đỏ Carib, hoang dã và ăn thịt người. Tìm họ trong rừng sâu, đầm lầy, và sau đó nhẹ nhàng tiếp cận họ. Không khó khăn để nói về địa ngục, thiên đàng, sự cứu rỗi đời đời của Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc. Nhưng khi nói đến chuyện một vợ một chồng thì vô phương. Các pháp sư chống đối kịch liệt, họ tuyên bố với dân : “Nếu con chúng mày bị rửa tội, nó sẽ chết.” Vì vậy, người dân địa phương giấu con cái của họ khi cha Donders đến. Tuy nhiên, ngài đã thành công trong việc thuyết phục một số pháp sư, và rồi công việc thành công đến nỗi một nhân chứng đã nói: “Gần như tất cả người da đỏ ở đây chấp nhận đức tin”

Nên giống Chúa Giêsu

Để trở nên thật giống Chúa Giêsu, Đấng đã bị những người mình đến cứu khinh thường và loại bỏ, Chúa Quan Phòng đã để cho vị chân phúc của chúng ta bị tẩy chay vào tháng giêng 1883. Một số người phong, dẫn đầu là ông Giuse nào đó mang tai tiếng xấu khiến cha Donders không còn tin cậy. Họ đến gặp đức giám mục, yêu cầu thuyên chuyển cha Donders với lý do ông ấy đã quá già. Đức cha đồng ý. Nhưng tháng mười một năm 1885, Cha Donders lại được gửi tới Batavia để đáp ứng nhu cầu cấp bách.

Tháng mười hai năm 1886, bệnh viêm thận của Cha Donders trở nên nghiêm trọng. Trong đêm 05-ngày 06 tháng giêng 1887, ngài xin cha Bakker, một anh em trong dòng đã bị cùi xức dầu cho ngài. Ngày 12 tháng giêng, ngài nói: “Một chút kiên nhẫn nữa thôi, thứ sáu, khoảng ba giờ chiều, tôi sẽ chết!” Đó là một lời tiên tri. Ngài qua đời vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày thứ sáu 14 tháng 1. Tất cả những người phong đã khóc, ngay cả những người vài năm trước muốn loại ngài khỏi Batavia.



Ngài được an táng ở Batavia 13 năm, dưới chân cây thánh giá lớn. Đến năm 1900, trại phong Batavia ngưng hoạt động chuyển về trại mới có tên là Giêrađô ở Paramaribo. Hài cốt cha Donders cũng được chuyển đi. Từ năm 1921 thân xác vị thừa sai của những người phong cùi, người da đỏ, người nô lệ da đen bỏ trốn trong rừng, của nô lệ trong các đồn điền ở Suriname được đặt trong nhà thờ chính tòa của nó tại thủ đô Paramaribo. Nhưng “lãnh địa” Batavia xưa vẫn là nơi đến của đông đảo khách hành hương.



Nơi an nghỉ đầu tiên, cạnh cây thánh giá lớn



Mộ của cha Donders ở nhà thờ chính tòa



Nhà thờ chính tòa Phêrô – Phaolô ở Paramaribo, Suriname. Đây là nhà thờ gỗ lớn nhất Nam Mỹ.



Bên trong nhà thờ



Chân phước ngày 23 tháng 5 năm 1982




Bài của Dom Antoine Marie osb.
Nguyễn Minh Đức C.Ss.R. dịch từ http://www.clairval.com/lettres/en/97/h31079760397.htm
Hình http://www.peerkedonders.nl/index.php/peerke-donders/biografie-1809-1887
http://www.skyscrapercity.com/showthread.php?t=1227949&page=3
http://papastronsaytexts.blogspot.com/2009/08/image-of-bl-Phêrô-donders-discovered.html
http://www.demotix.com/news/grand-pilgrimage-batavia