Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Vaclav Havel, niềm hy vọng trong một quốc gia quá ngao ngán và mệt mỏi

VRNs (17.01.2012) – Florida, USA – Nhân sự qua đời của cựu tổng thống đầu tiên của Cộng Hoà Tiệp Khắc sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chúng tôi muốn chia sẻ ít hiểu biết về con người Vaclav Havel đã được tôn vinh là anh hùng thế giới. Ông đã kiên cường tranh đấu cho tự do, dân chủ của Tiệp Khắc mặc dù bị chế độ cộng sản bắt bớ, giam cầm, đọa đầy rất tàn ác, nhưng cuối cùng Tiệp Khắc đã thành công thoát khỏi ách độc tài cộng sản, trở thành độc lập, dân chủ, tự do nhân bản và văn minh phồn thịnh.



Nước Việt Nam chúng ta sau gần thế kỷ bị công sản cai trị vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh nghèo đói và lạc hậu, tự do nhân quyền vẫn bị chà đạp, nỗi ai oán, than trách của người dân giờ đây đã cao ngút trời. Kẻ nội thù là đảng cộng sản Việt Nam lại đã rước giặc Tàu vào nhà giày xéo đất nước để mưu cầu danh lợi phe phái, không nghĩ đến dân tộc và tổ quốc. Một Trưng Trắc Trưng Nhị, một Ngô Quyền, một Hưng Đạo Vương, một Quang Trung đã anh dũng đánh tan giặc ngoại xâm Hán Tàu, giệt kẻ nội thù rước voi về giày mả tổ đã là những anh hùng dân tộc và thế giới. Thiết nghĩ, những anh hùng của Việt Nam nếu không hơn thì cũng không thể kém Vaclav Havel của Tiệp Khắc. Tại sao chúng ta vẫn còn bị chìm ngập trong đau thương vì cộng sản và nguy cơ Hán hóa lần II?

VACLAV HEVEL, ANH HÙNG THẾ GIỚI

Cái chết của Vaclav Havel, một chính trị gia đối kháng đã trở thành nhà lãnh đạo quốc gia và anh hùng của thế giới, đã gây xúc động không ít toàn thể thế giới. Havel qua đời ngày Chúa Nhật 18 tháng 12 năm 2011 tại nhà nghỉ mát cuối tuần của ông ở phía Bắc Cộng Hoà Czech, vì bệnh suy hô hấp kinh niên do hút thuốc liên miên trong suốt thời gian từ khi ông bị cầm tù. Ông hưởng thọ 75 tuổi.

Havel sinh ngày 5 tháng 10 năm 1936 tại Prague, là con trai một gia đình giầu có nhưng tài sản bị mất hết vì chiến dịch quốc hữu hóa của cộng sản năm 1948. Havel bị nhà cầm quyền cộng sản từ chối không cho đến trường, nên ông phải học lớp tối và hành nghề kịch nghệ trên sân khấu. Ông bắt đầu hoạt động chính trị vào tháng Giêng năm 1977 khi ông là đồng tác giả Bản Tuyên Ngôn Hiến Chương Nhân Quyền 77. Đây là việc đã gây chú ý rất nhiều và rộng lớn ở Tây Phương.

Havel bị nhà cầm quyền bắt giữ rất nhiều lần và bị giam trong ngục tù cộng sản 4 năm trời. Những bức thư ông viết gửi cho người vợ đầu tiên của ông từ trong nhà tù đã là những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. “Những bức thư gửi Olga” là hỗn hợp giữa một triết lý thâm sâu và vô vàn lời nhắn nhủ ẩn kín bên trong cho người phối ngẫu mà ông coi như là người dìu dắt và bạn chí thiết nhất của ông.

Những biến cố vào tháng 8 năm 1988 -kỷ niệm năm thứ 20 cuộc xâm lăng của Warsaw Pact- lần đầu tiên đã nhắc nhở Havel và bạn bè ông một ngày nào đó sẽ đứng lên quét sạch những tên mật vụ đã từng bỏ tù họ. Havel bị bắt vào tháng 1 năm 1989 khi ông đang biểu tình ở ngoài đường phố phản đối nhà cầm quyền và bị mang ra tòa đã gây phẫn nộ cả quốc nội lẫn quốc ngoại. Bị áp lực quá mạnh phải thay đổi, nhà cầm quyền cộng sản đã thả ông ra vào tháng 5 cùng năm đó.

Mùa Thu năm ấy, chế độ cộng sản đã bắt đầu rục rịch sắp sụp đổ khắp Đông Âu và, vào tháng 11 thì bức tường Bá Linh cũng bị đạp đổ. Tám ngày sau đó, cảnh sát công an bắt đầu đàn áp tàn bạo những cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên ở Prague. Đây chính là dấu hiệu mà Havel và nhân dân Tiệp Khắc Czech của ông đang chờ đợi. Trong vòng 48 giờ, một phong trào đối lập mới qui tụ rất rộng lớn gồm nhiều thành phần được thành lập, và ngày hôm sau, hàng trăm ngàn người dân Czechs và Slovaks ùn ùn kéo nhau ra đường. Thế là trong 3 tuần lễ hừng khí lên cao độ, chế độ cộng sản đang đầy quyền lực bị vỡ tan tành.

Ngày 29 tháng 12 năm 1989 Havel được bầu làm Tổng Thống của Tiệp Khắc Czecholosvakia [1] bởi quốc hội vẫn còn là cộng sản. Ba ngày sau, nhân dịp đầu năm, ông tuyên bố với quốc dân trên vô tuyến truyền hình như sau: “Không còn những người tài giỏi và xuất chúng, chế độ đã biến chúng ta thành những cái đinh ốc nhỏ bé trong một bộ máy khổng lồ quái dị, chạy lạch cạch và bốc mùi hôi thối”.

Chế độ độc tài toàn trị cộng sản Tiệp Khắc Czechoslovakia đã kết thúc bằng một cuộc đứng dậy của toàn dân gọi là cách mạng nhung, bởi vì sự chuyển đổi rất là êm thấm. Chế độ cộng sản giãy chết chỉ trong tuần lễ và không tốn một viên đạn. Nhưng đối với ông Vaclav Havel, đó là kết quả mà ông đã phải trả giá bằng cả hàng chục năm tranh đấu đầy gian nan khổ ải.

Với tư cách là tổng thống, ông Havel vẫn tiếp tục làm việc với sự phối hợp những rung cảm về nghệ thuật cùng với những bén nhậy chính trị và đối kháng của ông. Trong những bài diễn văn, ông luôn luôn nhấn mạnh đến những vấn đề mà đa số có liên quan đến văn học nghệ thuật và triết học, trong đó ông không những chỉ đả kích hệ thống chính trị đương thời với kỹ thuật vô nhân tính, mà còn nhắc nhở dân chúng Tiệp đừng bao giờ để bị mê hoặc mà rơi vào cái bả, cái mồi của chủ nghĩa tiêu thụ và guồng máy chính trị đảng phái vô nghĩa.

Ông cũng được coi là tiếng nói của đạo lý khi ông đả kích những khiếm khuyết của xã hội ông đang sống gọi là chế độ dân chủ, nhưng cuối cùng cũng bị bẻ cong đi với thỏa hiệp và quyền lực vì đủ thứ “bả”. Khẩu hiệu của Havel : -“Điều mà trái tim nghĩ thì miệng phải nói ra / what the heart thinks, the tongue speaks”- đã phải biến đổi từng ngày vì hệ thống chính trị hoặc chính sách đổi thay.

Tháng 7 năm 1992, thì liên bang Tiệp Khắc Czechoslovakia thực sự bị chia cắt. Ông coi việc đổ vỡ đó như là một thất bại của cá nhân ông, mặc dù những năm sau đó, theo ông, đó cũng là điều tốt đẹp nhất rồi. Havel từ nhiệm tổng thống, nhưng ông vẫn được dân chúng mến chuộng và bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Tân Cộng Hòa Tiệp không có đối thủ, mặc dù công việc đã mang lại cho ông rất nhiều uy tín cho dù quyền lực chẳng có là bao.

Truyền thông báo chí chỉ trích ông một cách tàn nhẫn không thể tưởng tượng được. Những tờ báo đứng đắn thì nghi ngờ cái viễn tượng chính trị của ông. Những tờ lá cải thì nhắm vào đời tư cá nhân của ông để bêu xấu. Ông rời bỏ văn phòng năm 2003. Ông, dù người nhỏ thó, nhưng cái tinh tướng và sự nhanh trí của ông đã tỏa rộng bất cứ nơi nào ông tới. Ngay cả lúc cuối đời, ông vẫn còn giữ được nét mặt tự nhiên, lúc hăng say gay gắt lúc hồn nhiên tuổi trẻ, có thể biến đổi dễ dàng từ câu chuyện triết lý nghiêm trang sang câu chuyện khôi hài hoặc bàn về những câu chuyện người ta đàm tiếu ở thủ đô Prague cổ kính.

Cựu Tổng Thống nước Cộng Hòa Czech, ông Vaclav Havel là một trong những anh hùng thời đại và là một trong những nhà lãnh đạo chính trị chính thống cuối cùng, bây giờ không còn nữa, ông đã lãnh đạo đất nước ông rất hiệu quả trong thời gian cực kỳ khó khăn, bởi vì những cam kết đầu tiên của ông là giữ cho được cái tư cách của con người và những gì gọi là công ích, không phải là để mưu cầu quyền lực. Nếu thế giới làm được những điều đó qua các thời kỳ rối loạn khác nhau mà thành công, thì triều đại của Vaclav Havel phải được lưu truyền hậu thế mãi mãi.

MÙA THU NĂM 1989 KHÓ QUÊN TẠI HOA KỲ

Có lẽ không một người Việt Nam nào, nhất là những người tỵ nạn cộng sản, đã bỏ lại đằng sau tất cả sản nghiệp cùng anh em bà con họ hàng, liều chết chạy khỏi VN để thoát thân, tránh ách độc tài cộng sản, có thể quên được cái mùa thu đặc biệt ấy. Cá nhân tôi không bao giờ quên được những ngày lịch sử ấy của mùa Thu năm 1989 lúc tôi đang tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Tôi đã nhận ra rằng tôi đang sống những giây phút cực kỳ trọng đại của lịch sử nhân loại khi nhìn thấy bức màn sắt bị xé toặc ra, bức tường Bá Linh sụp đổ. Người người cùng nhau cầm búa, cuốc xẻng, bất cứ vật dụng gì có thể phá đổ bức tường, đang hăng say đập phá bức tường ngăn cách oan nghiệt ấy. Giờ phút ấy nó đã thực sự sụp đổ hoàn toàn để mọi người dân Đông và Tây Đức được tự do qua lại. Thế giới thở phào nhẹ nhõm.

Tôi viết những giòng này về Havel để nhớ lại những ngày lịch sử ấy và những năm tháng sau cuộc cách mạng nhung và, nó vẫn còn in hằn trong tâm trí tôi, linh hứng cho tôi những gì tốt đẹp cho quê hương Việt Nam thân yêu của tôi một ngày mai tươi sáng như mùa Thu năm 1989 ở Nga Sô Viết và Đông Âu. Bao giờ nó xẩy ra ở VN và Trung Quốc để đồng bào tôi bớt khổ đau, dân tộc tôi hết lo âu sầu muộn, được vui hưởng tự do thực sự như mọi con người tự do khác trên thế giới.

Ngoài ra, một trong những diễn tả về HY VỌNG của Vaclav Havel mà tôi ưng ý nhất là ông miêu tả đức tính vĩ đại của Kitô giáo:“Hy Vọng nhất định không phải là lạc quan. Nó không phải là xác tín điều gì xẩy ra sẽ là tốt, nhưng chắc chắn điều xẩy ra phải là hợp lý, bất kể nó đưa đến kết quả thế nào.”

Havel cũng đã viết: “Hy vọng của thế giới nằm ở chỗ phục hồi cuộc sống con người, không phải chỉ ở thể xác mà còn cả tâm hồn nữa”.

Về viễn kiến, Havel viết như sau: “Có viễn kiến không thôi thì chưa đủ. Nó phải phối hợp với mạo hiểm. Chỉ nhìn lên những bậc thang mà thôi thì chưa đủ, mà phải khởi sự bước và đi lên những bậc thang đó nữa”.

Havel đã nói câu lừng danh này: “Sự Thật và Tình Yêu phải được thể hiện thay cho dối trá và hận thù”. Nó đã trở thành mục đích cách mạng của đời ông, ông nói là ông làm và ông đã luôn luôn cố gắng sống và thực hành điều ông nói.

“TÔI KHÔNG DÁM CHẮC TÔI BIẾT THẾ NÀO LÀ PHÉP LẠ…..”

Vào tháng 4 năm 1990, Vaclav Havel, tân tổng thống nước Tiệp Khắc Czechoslovakia vừa mới được giải phóng, đã tiếp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở thủ đô Prague với lời chào mừng rất cảm động như sau:

“Tôi không dám chắc tôi biết thế nào là phép lạ. Tuy nhiên, tôi dám nói là, lúc này đây, tôi đang tham dự vào một phép lạ: Người mà 6 tháng trước đã bị bắt bỏ tù như là một kẻ thù của quốc gia, giờ này đang đứng ở đây ngày hôm nay là tổng thống của quốc gia ấy, và đang nghênh tiếp Đức Thánh Cha, nhân vật số một của Giáo Hội Công Giáo đang đứng ở quốc gia ấy…

“Tôi không dám chắc tôi biết thế nào là phép lạ. Tuy nhiên, tôi dám nói là lúc này đây, tôi đang tham dự vào một phép lạ: Một quốc gia bị tàn phá bởi một chủ nghĩa hận thù, nay được sứ giả của tình yêu đến thăm. Một quốc gia, đã bị tàn phá bởi một chính quyền ngu dốt, thì nay biểu tượng văn hóa sự sống đã đến. Một đất nước mà, cho đến thời gian gần đây, đã bị phá hủy bởi cái lý tưởng đối đầu và chia rẽ trên thế giới, thì nay sứ giả của hòa bình, của đối thoại, của khoan dung, của lòng ưu ái và hiểu biết, của tình huynh đệ hiệp nhất trong khác biệt đã tới thăm.

“Trong nhiều thập niên dài đằng đẵng đó, Thiên Chúa đã bị cấm chỉ, xua đuổi ra khỏi đất nước chúng tôi, thì hôm nay, chúng tôi lại hân hạnh chứng kiến những giây phút cảm động được môn đệ của Chúa hôn đất tổ quốc chúng tôi”.

“Toàn thể nhân dân Czechoslovakia hân hoan đón chào Đức Thánh Cha.”

Trong cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha ở Prague tháng 4 năm 1990, cùng với những nhà lãnh đạo văn hóa không phải công giáo đã tụ họp nhau lại để đón chào Đức Gioan Phaolô II, TT Vaclav Havel đã nhắc lại ý nghĩa những vần thơ của Hồng Y Karol Wojtyla đã làm lúc ngài còn là TGM Cracow vào năm 1974. Havel đã nói lên những lời thật cảm động:

“Một trong những bài thơ của ngài, ngài đã đặt câu hỏi: ‘Lịch sử có thể đi ngược lại lương tâm con người được không?’ Điều mà Ngài muốn nhắn nhủ qua những vần thơ kêu than vấn nạn đó đã quá rõ ràng. Lịch sử ấy không bao giờ có thể đi ngược lại lương tâm mãi mãi, đến muôn đời. Ngài thật có lý, và cùng với ngài thì tất cả những ai không để mất niềm hy vọng đều có lý cả”.

Tổng Thống Havel đã hiểu những gì đã xẩy ra ở đất nước ông như là những chiến thắng của lương tâm đã đi ngược lại lịch sử. Trong một bài báo trên tờ New York Times ngày 1-3-1992, ông Havel đã viết: Chế độ cộng sản đã bị đánh gục bởi “sức sống của con người, bởi tâm linh con gười, bởi lương tâm con người, bởi sức đề kháng của con người, nam cũng như nữ, chống lại những lắt léo, gian manh, dối trá, bịp bợm và kìm kẹp”. Tuy nhiên ông cũng cảnh cáo rằng cái sai lầm căn bản của chủ nghĩa cộng sản là chúng vẫn tiếp tục đe dọa chúng ta bằng phá hoại và hủy diệt, hầu có thể chống lại, chối bỏ cái cốt lõi của lương tâm con người là chìa khóa mở cửa đi vào lịch sử loài người. “Chúng tôi đang tìm kiếm những phương thuốc khoa học mới, những lý tưởng mới, những hệ thống kiểm soát mới, những tổ chức mới, những phương tiện mới để triệt tiêu những hậu quả chết người ấy của những phương thuốc nguy hiểm, của cái lý tưởng bịp bợm, của hệ thống kiểm soát gian ác, của những phương tiện và tổ chức vô luân trước kia của chúng… Chúng tôi đang tìm kiếm một phương cách khách quan thực sự để thoát ra khỏi những cơn khủng khoảng của chủ nghĩa gọi là ‘khách quan’ của họ.”

HAVEL, ANH HÙNG VĨ ĐẠI CỦA TỰ DO

Dù ông không còn làm tổng thống nữa, nhưng Havel vẫn còn là biểu tượng của anh hùng thế giới. Trong số rất nhiều huy chương mà ông đã nhận được có huy chương Tự Do của Tổng Thống, một loại huy chương cao quí nhất dành cho những nhân vật dân sự Hoa Kỳ. Đứng trước huy chương đó, TT George W. Bush đã phải cúi đầu vì đó là “anh hùng vĩ đại của Tự Do”. Havel đã được đề nghị giải Nobel Hòa Bình rất nhiều lần, đã lãnh nhận hàng tá huy chương hiệp sĩ thế giới vì những cố gắng của ông như là sứ thần của lương tâm, đã bảo vệ những dân tộc bị áp bức từ trại tỵ nạn Darfur ở Phi Châu đến Myanmar. Trong ít năm trước đây, Vaclav Havel đã chứng kiến cơn khủng khoảng kinh tế thế giới như để báo động đừng có bao giờ từ bỏ giá trị căn bản của con người là luôn luôn vươn lên để đạt tới phồn vinh thịnh vượng.

Những năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống, ông đã bị những đối thủ chính trị của ông cười nhạo, cho ông là nhà đạo đức khờ. Ở một phương diện khác, nhiều người Tiệp thường dân khác đã có lúc không ưa ông không phải vì ông cứ luôn luôn nói về luân lý đạo đức, mà còn bởi vì ông hay khơi lại cái quá khứ hèn nhát của họ dưới chế độ cộng sản. Mặc dù ông được ngoại quốc yêu mến và nể trọng, nếu chỉ vì ông tiếp tục chiến đấu chống lại những lạm dụng nhân quyền trên khắp thế giới, thì ở trong nước uy tín của ông đối với dân chúng lại bị suy giảm. Nhưng nay không còn như vậy nữa, trong khi dân chúng Tiệp trở nên bất mãn kinh khủng với cái hệ thống chính trị hiện tại với những thất bại và đầy dẫy tham nhũng hối lộ trên mọi bình diện, thì họ lại từ từ cảm thấy cần phải biết ơn ông vì ông thường nhắc nhở người dân về sự quan trọng của luân lý đạo đức. Khi ông qua đời, ông đã được thần thánh hóa như là người đã nhìn thấy trước những vấn đề hiện tại, không phải chỉ ở quốc nội mà thôi. Khi còn tại chức, ông đã luôn luôn kêu gọi mọi người phải để ý đến sự hủy hoại con người do nền văn minh kỹ nghệ và chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

TƯ CÁCH CỦA ÔNG HAVEL

Điều gì làm cho ông Vaclav Havel trở thành đặc biệt? Câu trả lời đơn giản là Tư Cách của ông. Ông là một người trọng nguyên tắc và có tư cách. Ông đã chiến đấu chống cộng sản không phải vì mục đích cá nhân thầm kín bên trong của ông, nhưng đơn giản chỉ vì -theo viễn kiến của ông- cộng sản là một hệ thống vô luân và không có tư cách. Tin tưởng như vậy nên hành động trong sinh hoạt chính trị của ông đã giúp ông trở thành một chính trị gia hiếm có, khó có thể thấy trong thế giới ngày nay. Vì thế, thế giới nói chung, Châu Âu nói riêng đang phải đối diện với một thời kỳ khủng khoảng trầm trọng. Sự trong sáng và lòng can đảm đáng lẽ phải mang lại một sự thay đổi nào đó thì lại bị mai một và mất đi rồi.

CUỘC SỐNG CỦA HAVEL LÀ MỘT PHÉP LẠ

Lễ an táng ông Vaclav Havel được cử hành theo nghi thức quốc táng và được tổ chức vào ngày 23 tháng 12 năm 2011 tại nhà thờ chánh tòa thánh Vitus, Wenceslas và Adalbert ở thủ đô Prague. TGM Prague là Dominik Duka, cũng là giáo chủ Bohemia , đã tiễn đưa ông bằng những lời rất cảm động của chính cựu tổng thống Vaclav Havel:

“Khi mà tử thần đã đến và ra lệnh cho con người phải ra đi, thì sự bày tỏ của nó rất là mạnh mẽ và đặc biệt. Vì vậy khi mà một ai ra đi thì những thời gian mà họ đã sống với nhau lại có dịp chỗi dậy. Cả hai đều có một ý nghĩa mới mẻ. Anh Vaclav ơi, hiện giờ tôi vẫn còn đang nghe anh nói, rõ ràng văng vẳng bên tai những lời anh đón chào ĐTC Gioan Phaolô II: “Tôi không biết thế nào là phép lạ, nhưng vấn đề là sự hiện diện của ĐTC ở đây quả là một phép lạ”. Tất cả cưộc sống của anh là một phép lạ. Vượt qua tất cả mọi kỳ vọng là hấu hết những ước mơ của anh đã được hoàn thành: Cái chế độ Husák vô hồn, gian ác đã từng được quân đội Sô Viết bảo trợ đã sụp đổ và, độc lập, tự do, dân chủ đã được tái hồi. Những cái đó không phải là những giấc mơ, mà là những ước vọng thâm sâu thầm kín ẩn chứa bên trong anh.

“Khi tôi nghe những lời phát biểu của anh: ‘Sự Thật và Tình Yêu phải được thể hiện thay cho dối trá và hận thù’, thì đã quá rõ ràng đối với tôi; anh không phải là người chủ trương bất khả thi, không biết dùng lý trí để suy nghĩ và hành động, như tôi và nhiều người đã có lần nghĩ lầm về anh. Sự Thật và Tình Yêu là những ước vọng phát xuất từ trái tim anh. Anh đã tin vào nó, vượt qua tất cả mọi sự, tất cả mọi người của lịch sử chung quanh anh. Anh thực sự tin tưởng mãnh liệt vào nó. Điều này làm cho anh trở nên can đảm và tin tưởng vào tương lai. Toàn thể cái dũng khí và sự bền bỉ của anh ẩn kín thâm sâu trong niềm tin sắt đá đó của anh quả thực là một nhiệm màu. Tôi nhìn thấy đó là điều cao quí nhất mà anh đã làm cho chúng tôi. Anh đã làm sống lại niềm HY VỌNG trong một quốc gia đã quá ngao ngán và mệt mỏi và anh đã đoàn kết họ lại với nhau bằng cái niềm tin cao cả sắt đá ấy. Đó không phải là câu chuyện tình cờ ngẫu nhiên, nhưng là sự phải đến rất tự nhiên không thể tránh được là, trong những ngày cuối cùng của đời anh, anh đã nói rằng chúng ta chẳng nên lo lắng về cái năm sắp tới hay những khủng khoảng sắp xẩy ra, nếu chúng ta biết đoàn kết chặt chẽ keo sơn thực tâm với nhau.

“…. Chớ gì thánh Agnes (của Bohemia) dẫn đưa anh về vương quốc của Sự Thật và Tình Yêu, ở đó có đấng duy nhất đang ngự trị, như anh đã nói trong lần cuối chúng ta gặp nhau. Trong những tuần lễ cuối cùng của đời anh, anh đã nói về Người như là Thiên Chúa đích thực.

“Chớ gì Ngài bảo vệ chúng ta chống lại dối trá và hận thù và dẫn đưa chúng ta xuyên suốt lịch sử trên những nẻo đường hòa bình.”

ĐÁP ỨNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI VỀ SỰ RA ĐI CỦA HAVEL

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi điện tín chia buồn với tổng thống Cộng Hòa Tiệp Vaclav Klaus về sự ra đi của cựu tổng thống Vaclav Havel. Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự hiệp thông của ngài cùng với những người tham dự lễ an táng, và “cùng với họ cầu xin lòng thương xót vô bờ bến của Cha chúng ta ở trên trời đoái nhìn đến linh hồn người quá cố”. Ngài nhắc lại sự quả cảm của Vaclav Havel đã dám đứng lên bảo vệ “Nhân Quyền vào thời kỳ mà cả một hệ thống quyền lực độc tài toàn trị đã thẳng thắn gạt bỏ, từ chối không cho nhân dân Tiệp”. Ngài tỏ lòng khâm phục “khả năng lãnh đạo đầy viễn kiến của cựu tổng thống để thiết lập một tân chế độ dân chủ sau khi chế độ cũ đã sụp đổ” và Đức Thánh Cha cũng cám ơn Chúa đã cho dân tộc Tiệp có được“tự do mà họ đang vui hưởng hiện nay”.

Chớ gì TT Vaclav Havel được an nghỉ trong an bình và xin ông can thiệp dùm cho Âu Châu và những nước còn trong vòng kìm kẹp.

ĐÔI LỜI KẾT.

Ước vọng của Vaclav Havel là “Sự Thật và Tình Yêu phải được thể hiện thay thế cho dối trá và hận thù” cùng với những năm tháng trong lao tù cộng sản đã là niềm Hy Vọng cho toàn dân Tiệp, thôi thúc lòng can đảm của thanh niên sinh viên học sinh và toàn thể dân chúng Tiệp cùng đứng lên đạp đổ một chế độ độc tài, gian manh và tàn ác. Hy vọng đó, như Đức TGM Prague Dominik Duka xác quyết, không phải là giấc mơ, mà là một ước vọng thực tế, tự nhiên, phải xẩy ra. Một Thái Hà, một Đồng Chiêm, một Cồn Dầu, một Loan Lý, một và rất nhiều vụ khiếu kiện với vô số nạn nhận đủ loại kể ra không hết đã là những hy vọng có thể đập tan những đám mây mù dối trá, hận thù, tham lam và gian ác. Một ước nguyện tự nhiên phải xẩy ra. Bao giờ thì nó xẩy ra ở Việt Nam? Chắc chắn là một ngày gần đây, nếu chúng ta can đảm và đoàn kết (Lời cựu TT.Tiệp Khắc Vaclav Havel).

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Fleming Island , Florida, January 12th, 2012

[1] Tháng 11-1989 Czecholosvakia, sau khi thoát khỏi sự kiểm soát của Liên Sô bằng một cuộc « cách mạng nhung » đã trở thành Dân Chủ Tự Do. Nhưng vì nguyện vọng quốc gia quá mạnh, ngày 1-1-1993 Czecholosvakia đã chia ra thành 2 là Công Hoà Czech độc lập và Slovakia. Cả hai đã cải tổ kinh tế thành tư sản chủ nghĩa với ý định sẽ là Kinh Tế tư bản/kinh tế thị trường. Tiến trình biến cải rất thành công cả về kinh tế lẫn phát triển con người. Từ 1991, Cộng Hòa Czech có hiến pháp và quyền lợi riêng và là hội viên của Visegrád Group, và từ 1995 hội viên của OECD. Tiệp Khắc Czech gia nhập NATO ngày 12-3-1999 và Liên Hiệp Âu Châu ngày 1-5-2004. Tiệp Khắc Czech đã tham dự cuộc họp tổng thống của Liên Hiệp Âu Châu cho bán niên đầu của năm 2009. Đương kim tổng thống của Công Hòa Tiệp Khắc Czech là Vaclav Klaus.