Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Công lý và hoà bình trong thế giới sự ác

VRNs (31.01.2012) – Đồng nai – Nhờ cầu nguyện, mà giáo sư Phạm Minh Hoàng vượt qua được những ngày tháng cơ cực trong trại giam. Đây là tâm tình của ông trước cộng đoàn đã cầu nguyện cho ông nhiều tháng trước đó, vào mỗi Chúa nhật cuối tháng, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn.



Trong những ngày đầu năm, mỗi người đã đến và dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết cho một năm bình an, được sống trong tự do, trong yêu thương và trong hạnh phúc là những nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Trong thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình hôm nay, mọi người đã quy tụ trong nhà thờ Kỳ Đồng để một lần nữa thân thương thưa với Chúa về khát vọng tự do, công lý, sự thật và hạnh phúc của mỗi người đang hiện diện nơi đây.

Ngày 29.01.2012, vào lúc 20giờ đã diễn ra lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình như thường lệ tại DCCT vào Chúa nhật cuối tháng. Thánh lễ đầu năm Nhâm Thìn tối nay, do Cha Giám Tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành chủ tế và giảng thuyết, và quý cha Stêphanô Chân Tín, Giuse Đinh Hữu Thoại, Giuse Trần Ngọc Thao, Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Gioan Baotixita Nhụ và Giuse Lê Quang Uy cùng đồng tế. Có một điều đặc biệt trong thánh lễ hôm nay là có sự hiện diện của gia đình giáo sư Phạm Minh Hoàng, người vừa mới được thả tù vào cận tết và được cầu nguyện nhiều lần trong các thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tại DCCT Sài Gòn.

Hôm nay, số lượng người tham dự Thánh Lễ vắng hơn so với mọi tháng bởi vì các anh chị em xa quê ăn tết chưa trở lại Sài Gòn.

Trong những ngày đầu năm dương lịch vừa qua, tại Việt Nam xảy ra việc cưỡng chế để chiếm đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Biến cố này đã gây ra nhiều đau khổ và lo sợ cho cả xã hội Việt Nam. Những ngày đầu năm nhâm thìn vừa qua, người dân lại chứng kiến ông Nguyễn Văn Hùng, tại Bắc Giang, bị công an đánh chết, cũng vì việc thu hồi đất đai một cách tùy tiện, không hợp luật và không hợp lòng dân. Đó là báo hiệu cho một xã hội Việt Nam tiếp tục xảy ra những bất công lan tràn trong năm Rồng này.

Những người ý thức được đau thương của con người, của dân tộc tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình mà có tiếng nói cũng như hành động. Trong ý thức đó, tối Chúa nhật cuối tháng 01.2012, các cha và cộng đoàn dân Chúa DCCT tiếp tục cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình, cầu nguyện cho xã hội Việt Nam càng ngày càng bớt những bất công, tàn bạo.

Cha Giuse Thoại hướng dẫn cộng đoàn các ý cầu nguyện đầu thánh lễ. Ý cầu nguyện thứ nhất: Cầu nguyện cho những nạn nhân của xã hội do chính sách sai lầm về đất đai của nhà cầm quyền cộng sản, đã tùy tiện áp đặt lên nhân dân. Một chính sách tạo cơ hội cho những quan chức, đảng viên cộng sản tham nhũng và đàn áp nhân dân. Ý cầu nguyện thứ hai: Cầu nguyện cho công an và bộ đội. Họ là con em của nhân dân. Họ là công cụ bảo vệ sự thật và lẽ công bằng. Cha xin cộng đoàn cầu nguyện để cho công an và bộ độ hành động đúng lương tâm của mình, không vì đồng tiền, quyền lợi, quyền lực để tiếp tục gây ra điều ác cho nhân dân, đẩy người dân đến mức sợ hãi và đối đầu với họ. Ý thứ ba: Cầu nguyện cho 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt một cách sai trái, đồng thời, cầu nguyện cho cha Tabêô Nguyễn Văn Lý, một tù nhân lương tâm, các bloggers, các biểu tình viên, các vị lãnh đạo Tôn Giáo đang bị giam cầm, quản thúc và sách nhiễu. Ý cuối cùng là tạ ơn Chúa cho một tù nhân lương tâm được mãn hạn tù là giáo sư Phêrô Phạm Minh Hoàng đang cùng gia đình hiện diện trong thánh lễ.

Gíao sư Phạm Minh Hoàng đã đứng lên trước cộng đoàn cám ơn các cha DCCT và cộng đoàn đã cầu nguyện cho cá nhân ông và gia đình được bình an. Giáo sư Hoàng chia sẻ:

“Kính thưa cha Giám Tỉnh, các cha và cộng đoàn dân Chúa DCCT, trong suốt thời gian con bị giam giữ, gia đình chúng con đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, động viên cũng như những lời khích lệ và đặc biệt là những lời cầu nguyện của các cha và của tất cả mọi người. Hôm nay, con xin các cha và cộng đoàn hãy đón nhận lời cám ơn chân thành của gia đình chúng con… Trong những ngày đầu tiên con bị giam cầm, con rất lo lắng và buồn phiền. Trong những ngày ấy, con chỉ có một điểm tựa tinh thần duy nhất đó là những lời cầu nguyện mà con vẫn hay đọc từ hồi nhỏ. Ngày tháng trôi qua, mẹ con cũng như vợ con đã cho con một suy nghĩ: tất cả những nỗi cơ cực, những sự việc xảy đến với con đều có Chúa là Người Cha Nhân Lành đã quan phòng và an bài. Đây là những động lực vô cùng to lớn để con vượt qua những ngày tháng cơ cực trong trại giam”.

Gia đình giáo sư Hoàng cúi đầu cảm tạ đến quý cha và cộng đoàn. Những lời cám ơn chân thành với giọng nói run run, xúc động của giáo sư đã không tránh khỏi những dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt phu nhân của giáo sư.

Trong bài giảng, cha Giám Tỉnh nhấn mạnh đến sự khống chế của thần ô uế dưới nhiều hình thức trong thế giới hôm nay. Cha nói:




“Thần ô uế đã khống chế và không để con người là nạn nhân của thần ô uế được sống tự do, sống thật với chính mình, không được sống trong môi trường và bầu khí sống trong lành. Trước hết, người bị thần ô uế ám sẽ mất đi tính người, kéo lê một cuộc đời khổ ải, không thể làm những điều mình mong muốn mà phải làm những điều mình không mong muốn và không thể nói những điều tốt lành. Người ấy sợ mọi người và sợ tất cả mọi thứ có thể làm cho người ấy sợ. Người ấy mất tự do và buộc phải làm theo chỉ thị, chỉ dẫn của thần ô uế mà không thể thoát ra được quyền lực đó, mặt khác, phải dựa vào, bám vào quyền lực đó. Người ấy làm cho mọi người cảm thấy sợ hãi vì người ấy mang đến đau khổ và hành hạ đến cho người khác. Và, người ấy trở thành một con người độc ác, hung hãn và thuộc về của thế giới sự dữ… Đức Giêsu đến không ngần ngại đối diện với sự dữ. Ngài thi hành quyền giảng dạy, công bố Lời Chúa của Ngài. Lời của Ngài có sức lay động, biến đổi, giải thoát con người. Và đây là lúc Ngài dùng Lời của Ngài để giải thoát con người khỏi sự áp chế của thần ô uế. Ngài công bố sứ điệp giải thoát của Thiên Chúa. Ngài tuyên bố quyền lực cao cả nhất của Thiên Chúa. Ngài tuyên bố sứ mạng của Ngài đến để giải thoát con người khỏi sự dữ, khỏi quyền lực của ác thần, khỏi thần ô uế, khỏi tất cả các thế lực chống lại Thiên Chúa”.

Trước khi ban phép lành, cả cộng đoàn có một cuộc lữ hành trong đêm tối, tuy nó chỉ có một đoạn ngắn từ trong nhà thờ ra hang đá Đức Mẹ nhưng lại diễn tả cuộc sống lữ hành giữa thế giới đầy bóng tối. Mỗi người cầm ngọn nến được thắp sáng trên tay, vừa đi vừa hát kinh Hòa Bình, cùng với các cha đồng tế hướng về hang đá Đức Mẹ để đứng dưới chân Đức Mẹ và cùng với Mẹ cầu nguyện những lời cầu nguyện cuối cùng của buổi cầu nguyện.

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha Giám Tỉnh có lời cám ơn đến cộng đoàn dân Chúa đang hiệp thông, đang cầu nguyện, đã nâng đỡ các cha và cộng đoàn trên con đường rong ruổi đi tìm công lý, sự thật, công bằng cho đất nước này. Và, mỗi người hãy kiên trì, phó thác, đặt niềm tin nơi Chúa với một niềm tin của một người Kitô hữu chắc chắn rằng hòa bình, công lý, sự thật và bình an sẽ ngự trị trên đất nước, trên quê hương, trên dân tộc của chúng ta.

Người Miền Cao