Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Góp gió thành bão

VRNs (03.02.2012) – Muốn đưa dân tộc thoát cơn đại nạn, mỗi chúng ta, trong và ngoài nước, phải chọn đúng việc và đeo đuổi việc ấy trong một thời gian đủ dài để có kết quả. Khi cùng chung mục tiêu chiến lược thì mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tổ chức “bám trụ” công việc của mình mà vẫn góp phần huy động và phát triển toàn lực của dân tộc để vượt trở lực ở trong và từ ngoài. Đó là cách góp gió thành bão, gom lạch thành sông.

Đó nhận định của TS. Nguyễn Đình thắng trong bài “Góp gió thành bão”. Để rộng đường dư luận, VRNs xin giới thiệu với quý độc giả toàn văn bài viết trên.



Mục tiêu chiến lược là yếu tố cần để huy động tổng lực của đại khối. Khi một ngàn người cùng đưa thuyền ra biển và mạnh ai nấy chèo, thì càng chèo lại càng tản mác trên mặt biển mênh mông. Nhưng nếu trước khi ra biển có giao ước với nhau: “hãy nhắm Sao Bắc Đẩu”, thì mạnh ai nấy chèo họ vẫn sẽ tụ lại thành đoàn thuyền cùng tiến về một hướng. Mục tiêu chiến lược chính là Sao Bắc Đẩu ấy.

Trước đại nạn của dân tộc, chúng ta nhất thiết phải có chung một số mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn. Lúc ấy mỗi người một việc, dù lớn dù nhỏ, dù có phối hợp hay không, thì vẫn cùng góp phần vào đại cuộc. Bằng không thì dù cố gắng cách mấy, bỏ công sức và tài nguyên ra bao nhiêu, thì vẫn chỉ là những nỗ lực rời rạc, manh mún.

Nhưng mục tiêu chiến lược phải đặt đúng chỗ. Bằng không thì cũng sẽ phí hoài tâm huyết, công sức, và tài nguyên vì làm sai việc. Mục tiêu chiến lược trong giai đoạn hiện nay phải giúp dân tộc tự giải thoát khỏi cơn đại hoạ, nghĩa là phải trùng với ba mục tiêu gốc: chấn dân khí, phát triển đội ngũ tiên phong, và đẩy lùi các trở lực.

Đồng lòng về mục tiêu chiến lược sẽ giúp chúng ta:

(1) Chọn đúng việc để làm. Khi gặp đại nạn thì cũng có nghĩa là đang trong tình trạng khiếm khuyết năng lực và tài nguyên để vượt thoát; như vậy chúng ta bắt buộc phải đặt ưu tiên, và tuyệt nhiên không hao phí công sức hay thời giờ của mình và của người khác vào những việc nằm ngoài mục tiêu chiến lược.

(2) “Bám trụ” với công việc; không bị chia trí, chao đảo để mất định hướng và không ôm đồm để mất tập trung. Có vậy chúng ta mới có thể phát huy nội lực, tích luỹ kinh nghiệm, và chuyên môn hoá công việc để từng bước vượt qua trở lực.

Sau đây là hai ví dụ minh hoạ về “chọn việc” và “bám trụ”.

Nạn buôn người ở Việt Nam gồm hai lãnh vực: (1) buôn lao động trong các chương trình do nhà nước thực hiện và quản lý; và (2) buôn phụ nữ và trẻ em bởi các tập đoàn tội phạm tư nhân mang tính cách cá lẻ. Chỉ có chống buôn lao động mới có thể đáp ứng các mục tiêu chiến lược kể trên vì nó yểm trợ cho nạn nhân tự đòi quyền lợi, đẩy lùi chính sách vi phạm quyền của người lao động, và phát triển một số người tiên phong từ trong hàng ngũ công nhân ở ngoài nước và những người quan tâm ở trong nước. Đối phó với những tội phạm cá lẻ không đáp ứng mục tiêu chiến lược trong giai đoạn hiện nay, chưa kể có thể bị phản tác dụng và đi ngược với mục tiêu chiến lược (sẽ được giải thích trong bài khác).

Chiến dịch Cứu Cồn Dầu, phát động vào tháng 7 năm 2010, có ba mục tiêu: bảo vệ những người đã chạy thoát khỏi Việt Nam, đẩy lùi sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với người ở lại, và bảo vệ sự trường tồn của Xứ Đạo Cồn Dầu. Sau một năm rưỡi, chiến dịch này đã qua 4 giai đoạn. Đến nay, người dân đã bớt sợ, chính quyền bớt hung hãn, và một nhóm tiên phong đã biết phối hợp trong với ngoài. Giai đoạn 5, cũng là giai đoạn cuối cùng, sẽ khởi sự trong nay mai. Trước và sau Cồn Dầu có nhiều vụ tương tự, nhưng chiến dịch đã “bám trụ” để thực hiện đến cùng ba mục tiêu đã đề ra từ đầu. Và những nơi khác có thể lấy đó làm mẫu mực để tuỳ nghi áp dụng, qua những chiến dịch tương tự được thực hiện bởi những tổ chức khác nhau.

Mục tiêu chiến lược giúp chúng ta chủ động, biết việc phải làm và những việc không làm, không bị tản lực vì mất tập trung, và không bị chao đảo hay mất định hướng.

Tóm lại, muốn đưa dân tộc thoát cơn đại nạn, mỗi chúng ta, trong và ngoài nước, phải chọn đúng việc và đeo đuổi việc ấy trong một thời gian đủ dài để có kết quả. Khi cùng chung mục tiêu chiến lược thì mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tổ chức “bám trụ” công việc của mình mà vẫn góp phần huy động và phát triển toàn lực của dân tộc để vượt trở lực ở trong và từ ngoài. Đó là cách góp gió thành bão, gom lạch thành sông.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta, những người quan tâm ở trong và ngoài nước, quyết tâm quyết chí thực hiện điều này trong ba năm tới, thì chính chúng ta sẽ mở ra vận hội cho dân tộc để tự giải thoát.

Ts. Nguyễn Đình Thắng